TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 09

Vietcombank phân phối độc quyền sản phẩm BH liên kết đầu tư của FWD; VBI thành lập thêm 2 chi nhánh; Ấn Độ thiếu hụt actuary

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Cháy lớn kho xưởng lan sang dãy trọ, nhiều tài sản bị thiêu rụi

(TTO) – Đám cháy lớn xuất phát từ một nhà kho trên quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, TP.HCM sau đó cháy lan sang dãy trọ bên cạnh, thiêu rụi nhiều tài sản.

Theo các thông tin ban đầu, khoảng 7h45 ngày 12-3, người dân đi trên quốc lộ 50, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM phát hiện một nhà kho trên đường này bất ngờ phát hỏa, cột khói và ngọn lửa bốc cao hàng chục mét.

Người dân cùng nhau hô hoán dập lửa tại chỗ nhưng bất thành. Đám cháy sau đó cháy lan sang dãy nhà trọ bên cạnh.

Nhận tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh điều nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sĩ đến chữa cháy.

Đám cháy sau đó được dập tắt hoàn toàn, không gây thiệt hại về người nhưng khiến nhiều tài sản nhà xưởng và dãy trọ bị thiêu rụi.

Cháy nhà trong ngõ sâu phố cổ Hà Nội, người dân tháo chạy

(TTO) – Trưa 10/3, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại căn nhà ở ngõ sâu phố Gầm Cầu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) khiến người trong nhà và người dân xung quanh tháo chạy giữa trưa.

Khoảng 12h15, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại số nhà 17, ngõ Gầm Cầu, phố Gầm Cầu (Hoàn Kiếm, Hà Nội), đám cháy khiến cột khói bốc cao hàng chục mét.

Khoảng 10 phút sau vụ cháy, nhà chức trách đã điều bốn xe cứu hỏa cùng hàng chục cảnh sát chữa cháy có mặt, phong tỏa hiện trường, tìm cách khống chế đám cháy.

Đến 13h15 cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế, tuy nhiên khói đen vẫn bốc ra nghi ngút từ phía trong căn nhà nơi xảy ra vụ hỏa hoạn.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online cho thấy vị trí ngôi nhà nơi xảy ra đám cháy nằm khá sâu trong ngõ Gầm Cầu, khiến việc tiếp cận và triển khai các phương án chữa cháy gặp nhiều khó khăn.

Chị Doãn Quỳnh G. (30 tuổi, Gầm Cầu, Hoàn Kiếm) cho biết thời điểm giữa trưa khi cả nhà đang xem tivi thì bỗng nghe mùi khét, chạy ra nhìn sang nhà hàng xóm thấy lửa bốc ngùn ngụt nên hô hoán cho mọi người tháo chạy.

“Sau đó chúng tôi gọi cứu hỏa, khoảng hơn 10 phút sau thì lực lượng chức năng đã có mặt”, chị G. cho hay.

Là nạn nhân của căn nhà bị cháy, anh Tạ Đức H. (số nhà 17, ngõ Gầm Cầu) cho biết thời điểm xảy ra vụ cháy anh không ở trong nhà, khi mọi người gọi điện bảo nhà bị cháy, anh vội vàng chạy về thì đám cháy đã bùng lên rất to.

“Lúc mình về đã thấy nhà cháy rất to, cũng hô hoán mọi người, sau đó lấy đồ quan trọng ra, lúc đó mình rất hoảng loạn”, anh H. nói. Anh H. cho biết thêm, tầng 1 của căn nhà được dùng làm kho chứa giày dép các loại.

Vì đám cháy to và nhiệt độ tỏa ra lớn khiến anh H. bị bỏng nhẹ. Được biết thời điểm xảy ra vụ cháy, có hai người đang ngủ trưa trong nhà, nhưng may mắn cả hai đã kịp thời thoát ra khỏi đám cháy.

Theo ghi nhận, ba tầng của ngôi nhà gần như bị thiêu rụi, nền nhiệt lớn khiến một số nhà bên cạnh nứt vỡ cửa kính và vật dụng trong các căn nhà trên hư hỏng nặng.

Nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Vietcombank phân phối độc quyền sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư “FWD Nâng tầm vị thế”

(ĐTCK) – FWD vừa ra mắt sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị có tên gọi “FWD Nâng tầm vị thế”, mang lại nhiều quyền lợi vượt trội cho khách hàng khi kết hợp yếu tố bảo vệ và đầu tư trong cùng một sản phẩm.

Sản phẩm “FWD Nâng tầm vị thế” được phân phối độc quyền qua gần 600 điểm giao dịch của Vietcombank trên toàn quốc.

Khi tham gia “FWD Nâng tầm vị thế”, khách hàng được bảo vệ trước 2 rủi ro tử vong và thương tật toàn bộ và vĩnh viễn, đồng thời có thể linh hoạt gia tăng quyền lợi bảo vệ trước các rủi ro như nằm viện, phẫu thuật, bệnh hiểm nghèo, tai nạn… với các sản phẩm bổ trợ đa dạng.

Đặc biệt, sản phẩm còn mang đến quyền lợi đột phá chưa từng có khi số tiền bảo hiểm tự động tăng 15% mỗi 3 năm mà không cần thẩm định lại sức khỏe và không thay đổi phí bảo hiểm cơ bản. Đây là quyền lợi ý nghĩa giúp giá trị bảo vệ của khách hàng luôn tăng trưởng theo thời gian.

Bên cạnh nền tảng bảo vệ vững chắc, “FWD Nâng tầm vị thế” còn mang tới cơ hội gia tăng tài sản hấp dẫn với lợi thế đầu tư từ Quỹ liên kết đơn vị FWD. Danh mục quỹ đầu tư được thiết kế tinh gọn, đơn giản gồm 3 quỹ (Quỹ Ổn định, Quỹ Cân bằng, Quỹ Năng động) với chính sách đầu tư từ thận trọng đến mạo hiểm, cho phép khách hàng linh hoạt thiết kế danh mục đầu tư phù hợp với lợi nhuận kỳ vọng và mức độ chấp nhận rủi ro của bản thân.

Đặc biệt, FWD tiên phong trên thị trường khi lựa chọn đầu tư danh mục cổ phiếu chuyên biệt theo ngành, tập trung vào 3 ngành có xu hướng phát triển mạnh và bền vững là bất động sản, tài chính ngân hàng và tiêu dùng. Khác biệt này giúp khách hàng nắm rõ danh mục đầu tư, đồng thời dễ dàng cập nhật thay đổi của thị trường để kịp thời nắm bắt cơ hội đầu tư.

“FWD Nâng tầm vị thế” cũng mang đến lợi thế về sự linh hoạt, tiện lợi khi khách hàng dễ dàng đầu tư thêm, hoán đổi quỹ, chuyển đổi tỷ lệ phân bổ phí và rút tiền trực tuyến hoàn toàn vào bất kỳ thời điểm nào.

Ngoài ra, khách hàng còn nhận được các quyền lợi cộng thêm hấp dẫn khác như thưởng duy trì hợp đồng định kỳ, thưởng duy trì hợp đồng đặc biệt để giá trị tài khoản hợp đồng luôn tăng trưởng trong suốt thời hạn hợp đồng.

Bảo hiểm Quân đội trao giải hole in one 100 triệu đồng cho khách hàng đầu tiên sau 5 ngày trúng HIO

(MIC) – Ngày 10/3/2021, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Hà Việt Golf H.I.O đã trao giải Hole In One đầu tiên cho khách hàng Nguyễn Khắc Long trị giá 100 triệu đồng.

Trong buổi trao giải, Ông Nguyễn Khắc Long cho biết: “Tôi rất vui khi trở thành khách hàng may mắn đầu tiên nhận được giải thưởng H.I.O này của MIC và đây cũng là cú đánh H.I.O đầu tiên của tôi. Trong Giải giao lưu giữa CLB Golf họ Bùi và CLB Passion Golf ngày 5/3/2021 tai sân Hilltop Valley tôi đã may mắn hoàn thành cú đánh H.I.O tại hố 17 đây là một trong những hố cao và khó đánh nhất sân. Với cá nhân tôi đây chắc chắn là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. Cảm ơn MIC và Hà Việt Golf H.I.O đã giúp tôi có được giải thưởng may mắn này.”

Đại diện MIC, bà Nguyễn Ngọc Thùy Dương – Giám đốc MIC Hà Nội chia sẻ thêm: MIC rất vui khi được đồng hành cùng các khách hàng và mang đến trải nghiệm thú vị cho giải thưởng H.I.O này. Như vậy với một chi phí nhỏ nhưng đã giúp các tay golf không chuyên có được giải thưởng H.I.O cho riêng mình đây cũng là giải thưởng vinh danh cá nhân mà bất cứ golfer nào cũng đều mong muốn đạt được.

Trước đó, 15/1/2021 Công ty Cổ phần dịch vụ Hà Việt Golf H.I.O và Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã ký kết chương trình hợp tác cung cấp chương trình bảo hiểm Personal Hole-in-One nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người chơi golf. Bảo hiểm Personal HIO là chương trình bảo hiểm có quyền lợi cho cú đánh H.I.O lớn nhất thị trường. Golfer có cơ hội nhận giải thưởng từ 50 triệu đồng đến 300.000.000 cho cú đánh HIO tại hệ thống 52 sân Golf được chứng nhận bảo hiểm trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Chương trình bảo hiểm Personale Hole in one của MIC có mức phí linh động theo lượt chơi/ tháng hoặc quý, năm và golfer hoàn toàn có thể tự tạo cho mình giải thưởng HIO khẳng định thương hiệu cá nhân với cú đánh H.I.O trong tất cả các lần ra sân có tối thiểu 3 người chơi và tại tất cả các giải đấu không chuyên.

VBI thành lập thêm chi nhánh tại Hà Nội và Tuyên Quang

(VBI) – Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, nhu cầu bảo hiểm của các khách hàng tại TP. Hà Nội và các tỉnh phía Đông Bắc Bộ cũng như thực hiện tốt công tác phục vụ, chăm sóc khách hàng tại các khu vực này. Ngày 08/01/2021, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm NHTMCP Công Thương Việt Nam đã được Bộ Tài chính cấp Giấy phép thành lập và điều chỉnh số 21/GPĐC30/KDBH về việc thành lâp thêm 02 chi nhánh:

  1. Công ty Bảo hiểm VietinBank Hà Thành

Địa chỉ: Số 4, ngõ 5, đường 800A, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

  1. Công ty Bảo hiểm VietinBank Tuyên Quang

Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà Vũ Công, sô 174, đường Bình Thuận, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.

VBI Đông Đô chuyển trụ sở mới

(VBI) – Ngày 8/2 vừa qua, VBI Đông Đô đã chính thức chuyển địa điểm văn phòng làm việc và giao dịch của đơn vị sang văn phòng mới tại Tầng 4, Tòa nhà Trung Yên Plaza, Lô đất O17, KĐT Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Đây là một trong những sự kiện quan trọng, được chuẩn bị kỹ lưỡng trong thời gian dài của VBI Đông Đô. Sự kiện này được coi như một bước tiến mới đối với đơn vị trong việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng làm việc, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các cán bộ nhân viên có được môi trường làm việc thoải mái và phát huy tối đa năng lực của bản thân. Bên cạnh đó, văn phòng mới được đặt tại vị trí đắc địa, có nhiều ưu thế vượt trội khi nằm tại khu vực trung tâm thành phố, tiếp giáp với hàng loạt các trục đường lớn, vô cùng thuận tiện cho việc di chuyển, gặp gỡ đối tác, khách hàng; hứa hẹn những sự bùng nổ về doanh số của VBI Đông Đô trong năm mới 2021.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Tăng trách nhiệm, nhà bảo hiểm lo “đội” chi phí

(ĐTCK) – Nghị định 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới với nhiều điểm mới có lợi cho người tham gia bảo hiểm, nhưng cũng đồng thời tăng trách nhiệm của nhà bảo hiểm so với trước đây, mà tăng trách nhiệm tức là tăng chi phí.

Chẳng hạn, nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm, theo quy định mới, những vụ va chạm giao thông thông thường (không có người tử vong) sẽ không cần đến hồ sơ của cơ quan công an. Trường hợp có người tử vong, nhà bảo hiểm buộc phải liên hệ với cơ quan công an để xác minh, xử lý vụ việc.

Theo đó, để đáp ứng yêu cầu mới trong công tác giám định, bồi thường khi rủi ro tai nạn xảy ra, ngoài chủ động trong việc phối hợp với các bên liên quan như cơ quan công an, doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải nâng cao cả về số lượng cũng như chất lượng cho đội ngũ giám định viên của mình.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nghiêm Xuân Thái, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ giám định viên để có thể kịp thời hỗ trợ khách hàng mọi lúc, mọi nơi.

Theo ông Thái, trước đây, nếu giám định viên không kịp có mặt tại hiện trường vụ tai nạn thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể dựa trên hồ sơ xác định lỗi của công an để giải quyết bồi thường. Thế nhưng, khi không cần hồ sơ công an thì nhà bảo hiểm cần đảm bảo mạng lưới giám định viên phải đủ rộng, tới cả vùng sâu, vùng xa để có thể hỗ trợ khách hàng nhanh chóng nhất.

“Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn để phân định lỗi một cách chính xác khi có tai nạn xảy ra, từ đó xác định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan. Đây là việc không phải đơn giản nhằm hạn chế sự tranh chấp không chỉ giữa doanh nghiệp bảo hiểm với khách hàng, mà còn giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với nhau (trong trường hợp 2 xe va chạm có mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới ở 2 doanh nghiệp bảo hiểm”, ông Thái thông tin thêm.

Hay về quy định tăng mức bồi thường về người lên 150 triệu đồng/người/vụ, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận, quy định này là cần thiết nhằm đảm bảo yếu tố nhân đạo, tính nhân văn của bảo hiểm, nhưng việc tăng chi phí bồi thường lên 50% so với trước cũng sẽ gây áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

“Cũng có ý kiến cho rằng, dù tăng phí bồi thường, nhưng nếu nhà bảo hiểm đảm bảo yếu tố ‘số đông bù số ít’ thì vẫn hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tăng ngay được số lượng người mua bảo hiểm để bù cho mức tăng số tiền bồi thường là điều không thể”, vị này nhấn mạnh.

Đó là chưa kể, theo quy định mới, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải hoàn tất thời gian tạm ứng bồi thường về người trong vòng 3 ngày làm việc, ngay cả khi chưa xác minh được phạm vi bảo hiểm. Quy định này cũng tạo sức ép lên doanh nghiệp bảo hiểm do phải đẩy nhanh cải tiến quy trình xác minh, giám định để kịp thời tạm ứng bồi thường cho khách hàng, cho dù có thể được hoàn trả lại tiền tạm ứng sau đó nếu sự việc không thuộc trách nhiệm bảo hiểm.

“Quy trình bồi thường cần được tối giản và minh bạch thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu tạm ứng bồi thường trong vòng 3 ngày làm việc đối với bồi thường liên quan đến sinh mạng, sức khỏe”, ông Thái nhấn mạnh.

Gia tăng trách nhiệm là một mối lo, song Nghị định 03/2021 cũng mang đến không ít thuận lợi, một trong số đó là cho phép nhà bảo hiểm được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiện dân sự chủ xe cơ giới.

Cụ thể, kể từ ngày 1/3/2021 là thời điểm Nghị định chính thức hiệu lực, khi mua bảo hiểm bắt buộc, ngoài bản giấy chứng nhận bảo hiểm được cấp như thường lệ, chủ xe có thể được cấp giấy chứng nhận điện tử. Đây được xem là lợi thế của các doanh nghiệp bảo hiểm sẵn có nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, hầu hết công ty bảo hiểm trên thị trường đều đã sẵn sàng cho việc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử cho khách hàng. Đơn cử, đại diện Bảo hiểm BIDV (BIC) cho biết, Công ty đã nghiên cứu và sẵn sàng cấp giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới điện tử cho khách hàng ngay tại thời điểm Nghị định có hiệu lực.

“Khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm và nhận giấy chứng nhận bản điện tử có thể liên hệ với cán bộ kinh doanh tại các đơn vị thành viên của BIC trên toàn quốc để được hỗ trợ và có thể lựa chọn nhận giấy chứng nhận này qua email, zalo, viber…. Giấy chứng nhận điện tử có giá trị pháp lý tương tương với bản giấy, người tham gia giao thông có thể xuất trình nếu có yêu cầu từ lực lượng cảnh sát giao thông hoặc cơ quan chức năng. Việc kiểm tra thông tin được thực hiện thông qua thao tác quét mã QR trên giấy chứng nhận”, đại diện BIC chia sẻ thêm.

Lãnh đạo Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cũng cho hay, việc bán bảo hiểm trực tuyến đã được triển khai những năm gần đây và đẩy mạnh hơn từ năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, giúp khách hàng duy trì bảo hiểm liên tục và an toàn trong giao dịch như tư vấn, cấp đơn, xuất hóa đơn điện tử, thanh toán online… Vì vậy, hệ thống bảo hiểm PJICO đã sẵn sàng cho việc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử khi Nghị định 03/2021 được ban hành.

Khi doanh nghiệp bảo hiểm được phép cấp cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, có ý kiến cho rằng nên bỏ giấy chứng nhận bảo hiểm vật lý. Về vấn đề này, đại diện PTI cho rằng, không nên loại bỏ ngay, bởi để thực hiện được hoàn toàn giấy chứng nhận điện tử cần nhiều yếu tố như nền tảng công nghệ thông tin, thói quen sử dụng điện thoại thông minh, máy tính kết nối mạng… Trong khi trên thực tế, sự đồng bộ về công nghệ thông tin giữa các vùng miền vẫn còn có sự chênh lệch, nhiều địa phương vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở hạ tầng mạng…

“Tỷ trọng giấy chứng nhận điện tử sẽ tăng lên qua các năm, nhưng để đạt đến con số 100% thì cần thêm nhiều thời gian”, đại diện PTI nói.

  1. Tin quốc tế

Hàn Quốc: Cơ quan quản lý khuyến cáo thận trọng đối với các hợp đồng bảo hiểm bằng ngoại tệ

(AIR) – Những người mua các hợp đồng bảo hiểm bằng ngoại tệ đã bắt đầu phàn nàn về tổn thất và những lo ngại về tài chính, do sự biến động gia tăng trên thị trường ngoại hối toàn cầu gây ra bởi những bất ổn bắt nguồn từ đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến các hợp đồng đó.

The Korea Herald đưa tin, lãi suất thấp kỷ lục và quảng cáo tích cực của các công ty bảo hiểm về các gói bảo hiểm bằng ngoại tệ đã khiến khách hàng hướng tới các sản phẩm có độ rủi ro cao.

Ông Kwon Dae-young, Trưởng phòng ngành tài chính tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc, cho biết: “Sự biến động của ngoại tệ gắn với sản phẩm bảo hiểm là cực kỳ cao, đặc biệt là ở góc độ dài hạn từ 10 đến 20 năm”.

Cơ quan Dịch vụ Giám sát Tài chính vào tháng 10 năm ngoái đã nâng cấp cảnh báo gắn với các sản phẩm bảo hiểm bằng ngoại tệ lên mức cao thứ hai trong hệ thống ba cấp của mình.

Các công ty bảo hiểm trong nước như Samsung Life Insurance, một công ty con của tập đoàn Samsung, đã tham gia thị trường vào năm ngoái, làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường và phản ánh sự phổ biến ngày càng tăng của sản phẩm bảo hiểm bằng ngoại tệ. Cho đến cuối năm 2019, sản phẩm chủ yếu được cung cấp bởi các công ty bảo hiểm nước ngoài hoạt động tại Hàn Quốc.

Số liệu trong ngành cho thấy phí bảo hiểm bằng ngoại tệ trả cho các công ty bảo hiểm trong nước đã tăng hơn ba lần trong ba năm qua. Theo dữ liệu, con số này ở mức 237 tỷ KRW (287 triệu USD) vào năm 2017, nhưng nhanh chóng tăng vọt xuống con số tích lũy khoảng 1 tỷ KRW vào quý 3 năm ngoái.

AIG tham gia nhóm đặc nhiệm của Hiệp hội Geneva để phát triển các công cụ đánh giá rủi ro khí hậu cho các công ty bảo hiểm

(AIR) – AIG đã tham gia nhóm đặc nhiệm do Hiệp hội Geneva thành lập để phát triển và trau dồi các phương pháp và công cụ đánh giá rủi ro khí hậu cho ngành bảo hiểm.

Ngoài AIG, Nhóm đặc nhiệm về Đánh giá rủi ro biến đổi khí hậu cho ngành bảo hiểm bao gồm các chuyên gia từ 16 công ty bảo hiểm nhân thọ và P&C lớn nhất thế giới, cụ thể là Achmea, Aegon, Allianz, Aviva, AXA, Chubb, Daichi Life, Hannover Re, Intact Financial, Manulife, MetLife, Munich Re, Prudential Financial, SCOR, Swiss Re và Tokio Marine.

Lực lượng đặc nhiệm sẽ tham gia với các cơ quan quản lý, giám sát, cơ quan xếp hạng và cộng đồng khoa học để xác định các phương pháp tiếp cận phù hợp nhất.

Maryam Golnaraghi, Giám đốc Các chủ đề môi trường mới nổi và Biến đổi khí hậu, đồng thời là trưởng dự án, cho biết: “Sáng kiến này đang đưa hoạt động và cộng tác về khí hậu của ngành bảo hiểm lên cấp độ tiếp theo. Dựa trên các bài học kinh nghiệm từ các thí điểm và sáng kiến trước đó, lực lượng đặc nhiệm của chúng tôi tập trung vào việc thúc đẩy đánh giá rủi ro khí hậu và phân tích kịch bản được gắn vào quá trình ra quyết định của các công ty, phù hợp với các khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm về Công bố thông tin Tài chính Liên quan đến Khí hậu.

Nhóm chuyên trách đánh giá rủi ro biến đổi khí hậu mới đã phát hành báo cáo đầu tiên cho thấy rằng, đối với cả các công ty bảo hiểm/tái bảo hiểm P&C và nhân thọ, biến đổi khí hậu gây ra các mức độ rủi ro vật chất và chuyển đổi khác nhau cho cả hai bên của bảng cân đối kế toán: nợ phải trả và tài sản.

Báo cáo có tiêu đề “Đánh giá rủi ro khí hậu cho ngành bảo hiểm”, trình bày một khuôn khổ ra quyết định tích hợp để đánh giá rủi ro khí hậu xem xét bốn khía cạnh: 1) ngành nghề kinh doanh (P&C so với nhân thọ); 2) các bên của bảng cân đối kế toán (tài sản so với nợ phải trả); 3) khung thời gian (ngắn hạn-trung hạn so với dài hạn); và 4) loại rủi ro (vật lý và quá trình chuyển đổi).

Báo cáo cũng đặt nền tảng cho công việc của lực lượng đặc nhiệm. Các bước tiếp theo bao gồm phân tích các cách tiếp cận, xu hướng và thách thức liên quan đến bối cảnh quản lý tài chính và bảo hiểm. Tiếp theo là quá trình ‘đào sâu’ về kỹ thuật nhằm phát triển các phương pháp luận và công cụ để phân tích kịch bản và kiểm tra căng thẳng cho ngành bảo hiểm, với mục đích thúc đẩy sự hợp tác của nhiều bên liên quan nhằm tập trung vào các giải pháp mạnh mẽ cho các công ty bảo hiểm P&C và nhân thọ.

Ngân hàng Trung ương Ấn Độ giới hạn cổ phần của các ngân hàng trong các công ty bảo hiểm tối đa là 20%

(AIR) – Reuters cho biết Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), là ngân hàng trung ương của nước này, muốn các ngân hàng giới hạn cổ phần của họ trong các công ty bảo hiểm ở mức 20%.

Hiện tại, quy định của RBI cho phép các ngân hàng nắm giữ cổ phần lên đến 50% trong các công ty bảo hiểm. Trong một số trường hợp nhất định, vốn sở hữu có thể cao hơn nhưng cuối cùng vẫn phải hạ xuống theo đúng quy định.

Các nguồn tin giấu tên cho biết, trong năm 2019, RBI đã khuyến cáo một cách không chính thức đối với các ngân hàng đang tìm cách mua cổ phần trong các công ty bảo hiểm, hạn chế ở mức tối đa 30% và gần đây đã chỉ đạo họ giới hạn vốn chủ sở hữu tại các công ty bảo hiểm ở mức 20%.

Một nguồn tin cho biết: “Một cách không chính thức, các ngân hàng đã được thông báo rằng cơ quan quản lý không thoải mái với việc người cho vay tăng cổ phần của họ vì ngành kinh doanh bảo hiểm được coi là kẻ hám tiền”.

Với lo ngại rằng các khoản nợ xấu của các ngân hàng có thể tăng gấp đôi trong bối cảnh đại dịch COVID-19, RBI không muốn các ngân hàng khóa tiền vào các doanh nghiệp thâm dụng vốn. RBI muốn các ngân hàng tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính của họ thay vì chôn vốn vào các lĩnh vực không phải cốt lõi.

Một số công ty cho vay như Ngân hàng Kotak Mahindra và Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ hiện có các công ty con bảo hiểm thuộc sở hữu hoàn toàn hoặc sở hữu đa số.

Đề xuất được đưa ra bởi một nhóm nội bộ trong một tài liệu làm việc phát hành vào tháng 11 năm ngoái với nội dung là nếu bất kỳ bên cho vay nào có cổ phần trên 20% trong một công ty bảo hiểm, thì nên tuân theo cấu trúc công ty tài chính phi hoạt động (NOFHC). quyền sở hữu vòng rào. Hầu hết các bên cho vay không muốn áp dụng cấu trúc như vậy vì lo ngại nó sẽ làm tổn hại đến giá trị của cổ đông và hạn chế khả năng huy động vốn của họ, một trong những nguồn tin cho biết.

Ngân hàng Liên bang đã trình RBI để tăng cổ phần của mình trong bảo hiểm Nhân thọ Liên bang Ageas sau khi hội đồng quản trị của họ thông qua thỏa thuận khoảng một năm trước mà vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của RBI.

Năm ngoái, RBI cũng đã từ chối đơn của Axis Bank trình mua trực tiếp 17% cổ phần của Max Life. Giao dịch chỉ được chấp thuận sau khi Axis tái cấu trúc và đồng ý mua cổ phần của hai công ty con, giảm tỷ lệ sở hữu trực tiếp của ngân hàng xuống dưới 10%.

Lợi nhuận trước thuế của ngành bảo hiểm Đài Loan năm 2020 đạt 8 tỷ đô la Mỹ

(AIR) – Theo dữ liệu do Cục Bảo hiểm thuộc Ủy ban Giám sát Tài chính (FSC) công bố, ngành bảo hiểm Đài Loan công bố lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 233,1 tỷ Đài tệ (8 tỷ USD), tăng 30,7% so với năm 2019.

Trong đó, lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm nhân thọ chiếm 206,1 tỷ Đài tệ, tăng 33,2% trong khi bảo hiểm tài sản và thiệt hại tạo ra lợi nhuận trước thuế là 17 tỷ Đài tệ, cao hơn 6,3% so với năm 2019.

Giải thích về sự tăng vọt của lợi nhuận, ông Lin Yaodong, Tổng thư ký Cục Bảo hiểm, cho biết ngành bảo hiểm được hưởng lợi từ thị trường chứng khoán khởi sắc.

Vốn chủ sở hữu của cổ đông trong ngành bảo hiểm đã tăng 29% lên 2,67 tỷ Đài tệ vào cuối năm ngoái.

Cục Bảo hiểm cũng thông báo rằng trong năm 2020, đồng đô la Đài Loan tăng giá 5,3% so với đô la Mỹ. Lãi/lỗ tỷ giá hối đoái và lãi/lỗ phòng ngừa rủi ro kết hợp và ảnh hưởng ròng của biến động đối với dự trữ định giá ngoại hối của các công ty bảo hiểm nhân thọ dẫn đến khoản lỗ ròng 296,8 tỷ Đài tệ. Con số này vượt quá mức lỗ ròng 291,2 tỷ Đài tệ năm 2019, lập mức cao kỷ lục mới. Tuy nhiên, các khoản đầu tư ra nước ngoài của các công ty bảo hiểm nhân thọ đã mang lại lợi nhuận ròng là 626,4 tỷ Đài tệ. Các công ty bảo hiểm ở Đài Loan đầu tư mạnh ra nước ngoài khi họ theo đuổi lợi nhuận ở thị trường nước ngoài cao hơn trong nước.

Munich Re bổ nhiệm Giám đốc điều hành Australasia

(IBM) – Munich Re đã bổ nhiệm ông Scott Hawkins (trong ảnh) làm Giám đốc điều hành thị trường Australasia. Quyết định có hiệu lực từ ngày 01 tháng 4. Ông sẽ báo cáo lên ông Tobias Farny, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á Thái Bình Dương – Trung Quốc và Australia / New Zealand.

Làm việc tại trụ sở Sydney, ông Hawkins kế nhiệm Ralph Ronnenberg, người sẽ trở lại Đức để đảm nhận vai trò Giám đốc kiểm soát tái bảo hiểm cho Munich Re Group.

Theo Munich Re, với hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm và tái bảo hiểm phi nhân thọ, Hawkins có kiến thức chuyên môn sâu và hiểu rõ những thách thức và cơ hội của ngành bảo hiểm ở Úc và quốc tế. Ông gia nhập chi nhánh Munich Re Úc vào năm 2005 và là người đứng đầu mảng phi nhân thọ trong sáu năm qua.

Hawkins có bằng Thạc sĩ Kinh doanh (Tài chính) và Thạc sĩ Kinh doanh (Dịch vụ Tài chính) của Đại học Công nghệ, Sydney. Ông cũng là thành viên của Viện Giám đốc Công ty Úc.

Farny nói: “Chúng tôi rất vui mừng được bổ nhiệm Scott Hawkins làm Giám đốc điều hành Australasia. Scott có một thành tích đã được chứng minh trong việc quản lý chiến lược các giao dịch tái bảo hiểm quan trọng và trong việc phát triển các giải pháp rủi ro sáng tạo. Tôi tin rằng kiến thức chuyên môn sâu và sự tập trung vào khách hàng sẽ giúp anh ấy có vị trí tốt để dẫn dắt doanh nghiệp Australasia vào giai đoạn phát triển tiếp theo”.

“Tôi cũng muốn cảm ơn Ralph Ronnenberg vì những đóng góp mạnh mẽ của anh trong việc phát triển thành công doanh nghiệp trong năm năm qua.”

Ấn Độ đang thiếu hụt actuary

(AIR) – Tiến sĩ Subhash C Khuntia, Chủ tịch IRDAI, cho biết số lượng chuyên gia định phí bảo hiểm (actuary) chính thức ở Ấn Độ năm 2020 chỉ tăng 19 người so với năm 2019.

Theo LiveMint, tổng số chuyên gia định phí tính đến cuối năm 2020 trong cả nước là 458 người.

“Hiện tại, chúng tôi chỉ có 458 chuyên gia định phí chính thức, 165 cộng sự và 7.500 thành viên là sinh viên. Những con số này cần phải tăng lên khi xem xét số lượng công ty bảo hiểm và quy mô kinh doanh bảo hiểm, chiếm 1,7% toàn cầu”, Tiến sĩ Khuntia phát biểu trong Hội nghị định phí trực tuyến năm 2021.

Ông nói thêm: “Chúng ta nên mong muốn có ít nhất 1.000-1.200 chuyên gia định phí ở Ấn Độ càng sớm càng tốt”. Ông cho biết, không chỉ số lượng hiện tại không đủ mà còn có sự phân bố lệch ở các phân khúc khác nhau: “Ấn Độ thiếu các chuyên gia định phí chuyên biệt về bảo hiểm phi nhân thọ”.

Theo tiến sĩ Khuntia, chuyên gia định phí có vai trò to lớn trong việc tính toán tác động của các sự kiện không chắc chắn như biến đổi khí hậu và các đại dịch như COVID đối với việc thiết kế các sản phẩm phù hợp và định giá chúng theo cách cân bằng lợi ích của các chủ hợp đồng bảo hiểm và công ty bảo hiểm.

Người đứng đầu IRDAI cũng nhấn mạnh cách các cơ hội mới đang mở ra cho các chuyên gia định phí. Ông nói rằng với việc hệ thống quản lý bảo hiểm chuyển sang sử dụng hệ thống sử dụng tệp cho các sản phẩm, các chuyên gia định phí cần đóng một vai trò lớn hơn để IRDAI ít phải giám sát hơn.

Cơ hội cũng nằm ở việc thực hiện Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế 17 (IFRS 17), một động thái cũng sẽ đòi hỏi nhiều tính toán hơn.

Ngoài ra, khi tuổi thọ tăng lên, nhu cầu đổi mới trong niên kim đang tăng lên. “Các lĩnh vực như hưu bổng và niên kim đã chín muồi để đổi mới. Mọi người cần được bảo vệ tài chính khi về già. Làm thế nào để phát triển các sản phẩm thú vị về niên kim là lĩnh vực trọng tâm của chúng tôi. Các nhà tính toán có thể giúp chúng tôi thiết kế các sản phẩm niên kim tiêu chuẩn và các sản phẩm bảo hiểm liên kết chỉ số”, tiến sĩ Khuntia nói.

Hàn Quốc: lợi nhuận của công ty bảo hiểm nước ngoài tăng mạnh

(AIR) – Một số công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài ở Hàn Quốc đã tăng lợi nhuận thành công vào năm ngoái, ở mức hai con số, mặc dù phải chịu ảnh hưởng của COVID-19, lãi suất liên tục ở mức thấp và thị trường bảo hiểm trong nước đình trệ.

Theo báo cáo của Business Korea, các công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn đầu tư nước ngoài có lợi nhuận bao gồm MetLife Korea, ABL Life Insurance Korea, AIA Life Insurance Korea, Tong Yang Life Insurance và Fubon Hyundai Life Insurance.

MetLife Hàn Quốc thông báo rằng lợi nhuận ròng của họ đã tăng 35,3% lên 137 tỷ KRW (120 triệu USD) vào năm 2020. “Doanh thu phí bảo hiểm của chúng tôi tăng lên và chi phí hoạt động giảm”, đồng thời cho biết thêm rằng dự trữ nghiệp vụ cũng được cải thiện với lãi suất giảm nhanh hơn.

ABL Life Insurance Korea đã ghi nhận lợi nhuận ròng hợp nhất 91,2 tỷ KRW vào năm ngoái.

Lợi nhuận ròng của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Tong Yang tăng 14,5% lên 128,6 tỷ CNY, doanh thu tăng 11,1% lên 6.949 tỷ KRW và lợi nhuận hoạt động tăng 61% lên177,6 tỷ KRW. Công ty đã chuyển trọng tâm hoạt động kinh doanh từ bảo hiểm tiết kiệm sang bảo hiểm bảo vệ.

AIA Life Insurance Korea đã tăng gần gấp đôi (tăng 92%) lợi nhuận ròng lên 157,2 tỷ KRW vào năm ngoái. “Lợi nhuận liên quan đến cổ phiếu tăng lên dựa trên sự phục hồi trên thị trường và cải thiện liên quan đến dự trữ nghiệp vụ nhiều hơn số bị sụt giảm từ tình trạng hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm do COVID-19”, công ty giải thích.

Lợi nhuận ròng của Fubon Hyundai Life Insurance tăng 15,8% lên mức cao kỷ lục 95,1 tỷ KRW. Vào tháng 1 năm nay, công ty đã tăng vốn lên khoảng 600 tỷ KRW, bao gồm cả khoản tăng vốn do cổ đông lớn nhất Fubon Life Insurance của Đài Loan thực hiện.

Đài Loan: Cơ quan quản lý nâng trần các hợp đồng bảo hiểm bằng ngoại tệ

(AIR) – Ủy ban Giám sát Tài chính Đài Loan cho biết, trước nhu cầu tăng cao đối với các hợp đồng bảo hiểm bằng ngoại tệ, Ủy ban đã đề xuất tăng mức trần đối với các hợp đồng bảo hiểm bằng ngoại tệ của các công ty bảo hiểm nhân thọ từ 35% lên 40%.

Bình luận về động thái này, ông Kelvin Kwok, nhà phân tích thuộc Nhóm các định chế tài chính của Moody’s Investors Service, cho biết: “Việc đề xuất nâng giới hạn chính sách ngoại tệ của Đài Loan lên 40% từ 35% là tín dụng tích cực đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ. Điều này sẽ khuyến khích các công ty bảo hiểm bán thêm các hợp đồng bảo hiểm bằng ngoại tệ để hỗ trợ các khoản đầu tư ra nước ngoài. Điều này sẽ giúp giảm bớt đáng kể khoảng cách giữa tài sản và nợ phải trả của các công ty bảo hiểm”.

Để thực hiện thay đổi này, FSC phải sửa đổi một số điều trong quy định về “Các biện pháp hành chính đối với đầu tư nước ngoài của ngành bảo hiểm”. Ủy ban cũng sẽ nghiên cứu việc nới lỏng các giới hạn đối với các chính sách bảo hiểm ngoại tệ, tăng cường quản lý rủi ro tỷ giá và mở rộng đào tạo nhân lực về rủi ro ngoại hối.

FSC cũng yêu cầu các công ty bảo hiểm nhân thọ bán các sản phẩm bảo hiểm ngoại tệ phải thiết lập cơ chế kiểm soát, bao gồm cả việc đảm bảo rằng nhân viên bán hàng có đủ trình độ chuyên môn cần thiết. Các công ty bảo hiểm cũng phải cung cấp giải thích về rủi ro ngoại hối cho khách hàng, đảm bảo rằng tài liệu quảng cáo thông tin sản phẩm có các cảnh báo liên quan và làm việc để giảm khả năng xảy ra tranh chấp bán hàng, v.v.

Tháng 11 năm ngoái, FSC cho biết các công ty bảo hiểm nhân thọ có thể được phép bán thêm các sản phẩm bằng ngoại tệ, nhằm giúp ngân hàng trung ương làm chậm sự tăng giá của đồng đô la Đài Loan mới so với đô la Mỹ. Vào thời điểm đó, cơ quan quản lý vẫn đang cân nhắc xem có nên tăng trần hay không.

Theo Cục Bảo hiểm thuộc FSC, trong năm 2020, đồng đô la Đài Loan tăng giá 5,3% so với đô la Mỹ.

BTV (Tổng hợp).