TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 08

Sắp có thêm “tân binh” bảo hiểm Shinhan Life; PTI ứng dụng công nghệ OCR cấp đơn online; Ngành bảo hiểm gánh chịu tổn thất kỷ lục do băng giá ở Texas

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

VNI trao 100 triệu đồng bồi thường bảo hiểm TNDS

(VNI) – Ngày 1/3/2021 tại Bình Định, Công ty Bảo hiểm Hàng không Bình Định (VNI Bình Định) đã trao số tiền 100 triệu đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho anh Nguyễn Hoài Phong lái xe đã gây tai nạn giao thông tại thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng, Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Trước đó, VNI Bình Định đã tiếp nhận thông tin về vụ tại nạn giao thông giữa xe ô tô mang biển kiểm soát 77C-064.77 do lái xe Nguyễn Hoài Phong điều khiển đâm vào xe máy mang biển kiểm soát 77G1-090.55 do anh Nguyễn Minh Vương điều khiển chạy hướng từ thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng, Thị xã An Nhơn hậu quả làm lái xe máy là anh Nguyễn Minh Vương tử vong. Xe ô tô BKS 77C-064.77 của Anh Phong đã tham gia bảo hiểm TNDS BB Chủ xe ô tô tại VNI Bình Định, với mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người: 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, VNI Bình Định đã khẩn trương thực hiện những thủ tục giám định theo đúng quy định, hướng dẫn khách hàng làm thông báo tai nạn và thu thập hồ sơ để hoàn thiện bồi thường. Ngày 1/3/2021, VNI Bình Định đã đến gia đình anh Nguyễn Hoài Phong trao 100 triệu đồng tiền bồi thường bảo hiểm TNDS chủ xe ô tô để anh Phong bồi thường cho gia đình nạn nhân.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Thị trường bảo hiểm sắp có thêm “tân binh” Shinhan Life

(ĐTCK) – Theo nhiều nguồn tin, Công ty TNHH Bảo hiểm Shinhan Life Việt Nam đã được Bộ Tài chính cấp giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và đầu tư tài chính…

Công ty Shinhan Life Insurance Việt Nam có 100% vốn của Shinhan Life Insurance Corporation vừa được cấp phép dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022 sau thời gian chuẩn bị bắt đầu hoạt động kinh doanh. Tân binh mới có số vốn điều lệ ban đầu là hơn 2.300 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đến nay đã có 18 doanh nghiệp, cung cấp hơn 500 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe với hơn 11,6 triệu hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, giải quyết công ăn việc làm cho gần 900.000 đại lý.

Số tiền bảo hiểm chi trả năm 2020 lên tới hơn 25.000 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ đang ngày càng trở nên quen thuộc với một bộ phận không nhỏ người dân.

Năm 2020 tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 456.454 tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2019; tổng số tiền đầu tư năm 2020 ước đạt 409.149 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2019; tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ năm ước đạt 82.488 tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2019.

Trong đó, vốn điều lệ đạt 94.071 tỷ đồng (tăng thêm 27.953 tỷ đồng trong năm 2020). Cụ thể, FWD tăng 11.499 tỷ đồng; Sun Life: 9.310 tỷ đồng, Manulife: 3.400 tỷ; Generali: 1.600 tỷ đồng, Bảo Việt nhân thọ 850 tỷ đồng, Prudential: 825 tỷ đồng, Aviva: 299 tỷ đồng, Phú Hưng: 170 tỷ đồng…

Generali Việt Nam triển khai chiến lược nhân sự, mục tiêu trở thành nhà tuyển dụng hàng đầu thị trường

(ĐTCK) – Generali Việt Nam vừa chính thức triển khai chiến lược nhân sự với mục tiêu trọng tâm là xây dựng Generali Việt Nam trở thành nhà tuyển dụng hàng đầu ngành bảo hiểm tài chính.

Trọng tâm của chiến lược này là mục tiêu xây dựng Generali Việt Nam trở thành “hơn cả một nơi làm việc”, nơi mà mỗi nhân viên đều có thể “học hỏi – phát triển – vui sống – thăng hoa” (learn – grow – live – thrive).

Cụ thể, về khía cạnh Học hỏi sẽ là các hoạt động, chương trình đào tạo với nhiều hình thức và nội dung thiết thực, sáng tạo, đa dạng cùng văn hóa chủ động học tập…

Ở khía cạnh Phát triển, Generali Việt Nam tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua chương trình Phát triển Nhân tài Generali…

Bên cạnh những cơ hội phát triển và thăng tiến trong công việc, với nhiều chương trình hoạt động cộng đồng ý nghĩa, thiết thực, sáng tạo và gắn kết, tập thể nhân viên Generali Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội cùng công ty thực hiện sứ mệnh trở thành “Người bạn Trọn đời”, mang đến những giá trị tích cực và bền vững cho khách hàng, đối tác, cộng đồng…

Song song với chiến lược trên, Công ty cũng đang triển khai chương trình Quản trị viên tập sự Genext Challenge 2021, tuyển chọn, đào tạo và phát triển nguồn nhân tài trẻ nhằm đáp ứng kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Được biết, trong năm 2020, Generali Việt Nam đã được vinh danh “Top 10 Doanh nghiệp có Nguồn nhân lực Hạnh phúc” theo khảo sát của Anphabe.

Prudential Việt Nam và Ngân hàng MSB gia hạn và mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược

(ĐTCK) – Prudential Việt Nam và ngân hàng MSB vừa chính thức gia hạn mối quan hệ hợp tác chiến lược phân phối bảo hiểm thông qua ngân hàng trong vòng 15 năm.

Thỏa thuận mới này mở rộng phạm vi phân phối bảo hiểm ra khu vực miền Bắc, nơi MSB đặt trụ sở; đồng thời, đưa Prudential Việt Nam trở thành đối tác duy nhất của MSB trên toàn quốc.

Bắt đầu hợp tác từ năm 2013, Prudential và MSB đã xây dựng thành công chiến lược kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng, góp phần giúp doanh thu phí bảo hiểm quy năm đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 34% tính từ năm 2014 đến 2020.

Việc mở rộng và gia hạn thỏa thuận hợp tác chiến lược này củng cố vị thế của Prudential Việt Nam trên thị trường bancassurance.

Theo như thoả thuận hợp tác mới, Prudential Việt Nam và MSB sẽ mở rộng thêm các phân khúc trên nền tảng kỹ thuật số, để cung cấp các giải pháp bảo vệ toàn diện cho khách hàng.

Cùng chung hướng tiếp cận, Prudential Việt Nam cũng có kế hoạch tối ưu hóa các công cụ kỹ thuật số hiện có như ứng dụng chăm sóc sức khỏe dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo Pulse, nhằm nắm bắt các cơ hội phát triển tốt hơn nữa cho quan hệ đối tác.

Theo ông Phương Tiến Minh, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam, Prudential Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ đối tác bancassurance hiệu quả với MSB từ năm 2013.

“Chúng tôi rất vinh dự khi có thể đưa mối quan hệ đối tác này lên một tầm cao mới, chủ động cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tối ưu của Prudential cho khách hàng của MSB thông qua các kênh hiện hữu cũng như kênh mới, đặc biệt là trên nền tảng số. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong chờ tiếp tục mối quan hệ bền chặt với MSB trong 15 năm tới”, ông Minh cho biết.

BIC cấp giấy chứng nhận điện tử bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới

(BIC) – Nghị định 03/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/03/2021 cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm cấp giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự bản điện tử cho khách hàng. Nắm bắt cơ hội từ sự thay đổi này, nhằm mang tới sự thuận tiện tối đa cho khách hàng, BIC đã nghiên cứu và sẵn sàng cấp giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc TNDS xe cơ giới điện tử cho khách hàng ngay tại thời điểm Nghị định có hiệu lực. Cụ thể, khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm và nhận giấy chứng nhận bản điện tử có thể liên hệ với cán bộ kinh doanh tại các Công ty thành viên của BIC trên toàn quốc để được hỗ trợ. Giấy chứng nhận bản điện tử có giá trị pháp lý tương tương với bản giấy, người tham gia giao thông có thể xuất trình nếu có yêu cầu từ lực lượng cảnh sát giao thông hoặc cơ quan chức năng. Khách hàng, cảnh sát giao thông quét mã QR trên giấy chứng nhận để kiểm tra đầy đủ thông tin được ghi nhận trên giấy chứng nhận bảo hiểm và xác thực đơn bảo hiểm hệ thống lưu trữ của BIC.

Bên cạnh việc được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, Nghị định 03/2021/NĐ-CP và Thông tư 04/2021/TT-BTC còn có nhiều quy định mới mang tới nhiều lợi ích cho khách hàng như: mức trách bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra tăng 50% lên mức 150 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn; có thể lựa chọn tham gia bảo hiểm với thời hạn từ 01 năm tới 03 năm tùy từng loại xe; rất nhiều hồ sơ, giấy tờ bồi thường được lược bỏ, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí cho khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm; người được bảo hiểm sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, mức tạm ứng có thể lên tới 70% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ tai nạn… Khách hàng có thể tận hưởng tất cả các lợi ích mới này tại BIC từ 01/03/2021.

PTI ứng dụng công nghệ OCR trong cấp đơn bảo hiểm online

(ĐTCK) – Để kịp đáp ứng được yêu cầu về việc cung cấp giấy chứng nhận điện tử cho khách hàng theo nghị định 03/2021/NĐ-CP về việc triển khải bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư ứng dụng công nghệ để đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Mới đây, PTI đã chính thức ứng dụng công nghệ OCR (Optical Character Recognition) vào các hoạt động cấp đơn online thông qua app bán hàng – PTI Seller.

Đây là ứng dụng công nghệ chuyên dùng để đọc text từ file ảnh, nhận dạng các ký tự, chữ viết tay, hay chữ đánh máy, công nghệ này chuyên dùng để truyền tải, nhập liệu lên các hệ thống phần mềm. Đặc biệt, OCR có khả năng đọc text dưới nhiều dạng tài liệu khác nhau: Hóa đơn, hộ chiếu, danh thiếp…

Tính năng OCR giúp hệ thống của PTI quét các thông tin có sẵn từ chứng minh thư, đăng ký xe, đăng kiểm xe… một cách nhanh chóng và chính xác. Toàn bộ dữ liệu này được tự động nhập lên hệ thống của PTI để cấp đơn luôn cho khách hàng.

Đại diện cho PTI cho biết, việc ứng dụng công nghệ OCR vào việc cấp đơn không chỉ đảm bảo thông tin khách hàng trên hệ thống luôn đầy đủ, chính xác mà hơn thế nữa còn rút ngắn thời gian nhập liệu và cấp đơn.

Hiện nay, PTI đang tập trung nghiên cứu và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, đem lại nhiều tiện ích hơn nữa cho khách hàng trong hoạt động giám định, bồi thường và trải nghiệm dịch vụ.

Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ OCR, app bán hàng PTI Seller cũng có thêm nhiều tính năng công nghệ khác như: Quét mã QR code vào giấy chứng nhận giúp khách hàng thuận tiện hơn trong việc tra cứu quy tắc bảo hiểm, tính năng lưu bản chào phí cơ bản; lưu bản chào phí chính thức; gửi email bản chào có chữ ký số của đơn vị; nhập đơn bảo hiểm từ bản chào và tính năng quản lý, lưu trữ thông tin khách hàng.

VBI khuyến mại Voucher khi mua bảo hiểm xe cơ giới

(VBI) – Từ ngày 05/03/2021 đến 31/03/2021, VBI tặng voucher mua hàng, đổ xăng cho khách hàng khi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô, xe máy (BHTNDS) kèm bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe.

Cụ thể, khi mua bảo hiểm TNDS(*) ô tô, xe máy kèm bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe của VBI, khách hàng không chỉ nhận được giấy chứng nhận điện tử trong 1 phút mà còn nhận được voucher mua hàng được sử dụng để mua xăng hoặc mua sắm tại hàng trăm thương hiệu của hệ thống quà tặng Got It.

– Thời gian diễn ra chương trình: Từ 5/03/2021 đến 31/03/2021

– Trong vòng 4 ngày kể từ ngày mua thành công, VBI sẽ gửi tin nhắn đến số điện thoại khách hàng đã đăng ký một đường link chứa mã voucher kèm hướng dẫn sử dụng.

Tặng 1 voucher mua sắm trị giá 10.000đ khi mua 1 BH TNDS xe máy + BHTN người ngồi trên xe

Tặng 1 voucher mua sắm trị giá 50.000đ khi mua 1 BH TNDS ô tô + BHTN người ngồi trên xe

(*) Khuyến mãi được áp dụng khi khách hàng mua bảo hiểm TNDS ô tô xe máy và mua kèm bảo hiểm tự nguyện tai nạn người ngồi trên xe với giá trị tối thiểu từ 20.000đ/xe máy, 100.000đ/ô tô.

Quà tặng voucher Got It được sử dụng để mua xăng tại hệ thống PV Oil, Comeco hoặc khách hàng có thể lựa chọn sử dụng tại hàng trăm thương hiệu khác (VD: BigC, Bách hóa Xanh, café, quán ăn…) theo danh sách hệ thống của Got It.

  1. Nhịp đập thị trường

Các doanh nghiệp đã chi 45.675 tỷ đồng tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm năm 2020, tăng 4,1%

(ĐTCK) – Theo số liệu từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính, tổng số tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm năm 2020 ước là 45.675 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2019.

Trong đó, số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của bảo hiểm phi nhân thọ năm 2020 ước khoảng 20.560 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 37,3%; thấp hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2019 (39,0%).

22 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường.

9 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường, trong đó có 1 doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường trên 50% là Bảo Việt (59,7%). Riêng HDI mới thành lập nên tỷ lệ bồi thường cao.

Năm 2020, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ ước đạt 55.094 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019. Dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc là Bảo Việt với doanh thu ước đạt 9.301 tỷ đồng, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 16,9% thị phần.

Tiếp đến là PVI với doanh thu ước đạt 7.547 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2019, chiếm 13,7% thị phần, PTI đứng thứ ba với doanh thu ước đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2019, chiếm 10,9% thị phần; Bảo Minh đứng thứ tư với doanh thu ước đạt 3.864 tỷ đồng, giảm 0,3% so với năm 2019, chiếm 7,0% thị phần, PJICO đứng thứ năm với doanh thu ước đạt 3.479 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2019, chiếm 6,3% thị phần.

Đối với khối nhân thọ tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm trong năm 2020, ước là 25.115 tỷ đồng (bao gồm chi trả giá trị hoàn lại, chi đáo hạn, sự kiện bảo hiểm), tăng 10% so với năm 2019.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng. Mặc dù tốc độ tăng trưởng có giảm so với năm 2019, tuy nhiên thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn đạt được kết quả tốt.

Các doanh nghiệp bảo hiểm có tình hình tài chính lành mạnh. Số lượng hợp đồng có hiệu lực (hợp đồng chính) ước đạt khoảng 11,6 triệu hợp đồng, tăng 13,4% so với năm 2019. Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.560 tỷ đồng tăng 19,6% so với năm 2019.

Trong năm 2020, các doanh nghiệp nhân thọ đều có biên khả năng thanh toán cao hơn so với biên khả năng thanh toán tối thiểu. Thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm nhóm doanh nghiệp dẫn đầu thị trường thuộc về Bảo Việt Nhân thọ (21,9%), Prudential (18,6%), Manulife (16,5%), Dai-ichi Life (11,8%), AIA (11,4%)…

  1. Tin quốc tế

GIC và Cinven hoàn tất việc mua lại nhà môi giới bảo hiểm/tái bảo hiểm toàn cầu Miller

(AIR) – Tuần trước, Quỹ đầu tư chính phủ GIC của Singapore và công ty cổ phần tư nhân quốc tế Cinven vừa hoàn tất việc mua lại công ty môi giới bảo hiểm và tái bảo hiểm chuyên biệt toàn cầu Miller từ Willis Towers Watson.

Được thành lập vào năm 1902, Miller hoạt động tại Vương quốc Anh, thị trường Lloyd’s và quốc tế. Hãng sử dụng hơn 640 nhân viên thông qua các văn phòng tại Luân đôn, Ipswich, Brussels, Paris, Singapore và Geneva, bao gồm các trung tâm bảo hiểm lớn trên thế giới.

Miller hoạt động trong nhiều lĩnh vực bảo hiểm chuyên biệt, bao gồm rủi ro hàng hải, năng lượng, tín dụng và chính trị, cơ quan được ủy quyền, rủi ro nghề nghiệp, tài sản, thiệt hại, thể thao và giải trí và tái bảo hiểm. Hãng có trụ sở chính tại Luân đôn với doanh thu khoảng 2 tỷ GBP (2,8 tỷ USD) phí bảo hiểm hàng năm.

Ông Greg Collins, Giám đốc điều hành của Miller, nói: “Hôm nay đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn tăng trưởng mới.

“Từ thời điểm này trở đi, bạn sẽ bắt đầu thấy chúng tôi thực hiện các khoản đầu tư chiến lược chính xác khi chúng tôi mong muốn thiết lập Miller thành công ty môi giới bảo hiểm/tái bảo hiểm chuyên biệt độc lập hàng đầu cho khách hàng trong các lĩnh vực chuyên môn mà chúng tôi chọn kinh doanh. Điều này bao gồm việc mở rộng cung cấp sản phẩm dịch vụ tại châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, cùng với việc tuyển dụng và khuyến khích các nhà môi giới chuyên biệt có tay nghề cao để tăng thêm chiều sâu cho cơ sở tài năng hiện có của chúng tôi.

“Với quyền sở hữu quản lý Miller được mở rộng trong doanh nghiệp, chúng tôi sẽ đầu tư có mục tiêu vào doanh nghiệp, bao gồm cả việc nâng cao công nghệ để nâng cao năng lực kỹ thuật số. Quyền sở hữu độc lập hoàn toàn là mô hình phù hợp để thực sự thúc đẩy sự phát triển của Miller, trong khi vẫn trung thực với văn hóa và các giá trị mà công ty yêu quý”.

IAG trong “phần đầu tiên của quá trình xây dựng lại”

(IBM) – Tập đoàn Bảo hiểm Australia (IAG), tính đến giữa tháng 2 đã nhận được gần 160 khiếu nại bồi thường liên quan đến vụ cháy rừng ở Perth Hills gần đây, nhận thấy lợi ích của việc chính phủ ban hành gói cứu trợ nhằm khôi phục sau hỏa hoạn.

Ông Luke Gallagher, Giám đốc điều hành phụ trách bồi thường IAG, cho biết: “Dọn dẹp là phần đầu tiên của quá trình xây dựng lại và giúp đảm bảo an toàn cho người dân và cộng đồng bằng cách loại bỏ các mảnh vỡ nguy hiểm tiềm ẩn và cây cháy có thể đổ, cũng như các vật liệu nguy hiểm như amiăng”.

“Hoạt động dọn dẹp do chính phủ tài trợ sẽ bảo vệ toàn vẹn số tiền bảo hiểm của khách hàng để giúp họ có thể dành toàn bộ số tiền này cho việc xây dựng lại nhà cửa”.

Nhận xét của ông Gallagher được đưa ra sau thông báo chung của Bộ trưởng Liên bang về Quản lý Khẩn cấp David Littleproud và Bộ trưởng Dịch vụ Khẩn cấp Tây Úc Francis Logan rằng các cộng đồng bị ảnh hưởng sẽ nhận được gói phục hồi trị giá 18,1 triệu đô la để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi đang diễn ra.

Theo Bộ trưởng Littleproud, hơn 10.000 ha trên khắp các khu vực chính quyền địa phương của Swan và Mundaring đã bị cháy trong trận cháy rừng kéo dài một tuần ở Wooroloo.

Ông lưu ý: “Thiệt hại về vật chất và tinh thần của đám cháy rừng là rất nặng nề, đó là lý do tại sao gói này sẽ được hướng tới để hỗ trợ nỗ lực dọn dẹp và chương trình phục hồi và tiếp cận cộng đồng nhằm cải thiện khả năng tiếp cận hỗ trợ cả tài chính và tư vấn”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Logan cho biết họ đang làm việc với Hội đồng Bảo hiểm Australia (ICA) và các thành viên ICA để đảm bảo rằng chương trình làm sạch sẽ giúp tối đa hóa quyền lợi bảo hiểm cho những người bị ảnh hưởng bởi sự kiện này.

Ông Gallagher nói thêm rằng các nhóm của IAG và các nhà xây dựng đối tác tiếp tục giúp các chủ hợp đồng xử lý các yêu cầu bồi thường và xây dựng lại nhà nhanh nhất có thể. Yêu cầu bồi thường cho những khách hàng dễ bị tổn thương và những người bị thiệt hại đáng kể cũng đang được ưu tiên.

Munich Re dự kiến tác động COVID có “quy mô nhỏ hơn” trong năm nay

(INN) – Munich Re cho biết doanh nghiệp vẫn đang đi đúng hướng với lợi nhuận 2,8 tỷ Euro (4,3 tỷ USD) trong năm nay như đã được dự báo vào tháng 12, dự đoán hậu quả tài chính từ COVID-19 sẽ ở “quy mô nhỏ hơn đáng kể” so với năm ngoái.

Tuần trước, công ty bảo hiểm đã công bố thu nhập ròng tổng thể giảm 55,3% xuống 1,2 tỷ Euro (1,86 tỷ USD) trong năm ngoái, do tổn thất liên quan đến đại dịch đã ảnh hưởng đến thu nhập. Chi nhánh tái bảo hiểm của nó đã ghi nhận khoảng 3,4 tỷ Euro (5,3 tỷ USD) trong tổng thiệt hại COVID, bao gồm 3,1 tỷ Euro (4,8 tỷ USD) liên quan đến nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại của các doanh nghiệp.

“Bất chấp những thách thức to lớn mà COVID-19 đặt ra, Munich Re đã kết thúc năm 2020 với lợi nhuận rõ ràng,” Chủ tịch Hội đồng quản trị Joachim Wenning cho biết.

“Tất cả các mảnh ghép đã được đặt đúng vị trí. Vào năm 2021, chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu lợi nhuận mà chúng tôi đã đề ra trước đại dịch. Hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm của chúng tôi có vị trí lý tưởng để kiên quyết khai thác các cơ hội tăng trưởng có lãi trong môi trường thị trường được cải thiện”.

Khối bảo hiểm tài sản và thiệt hại báo cáo thu nhập 571 triệu euro (884 triệu USD), giảm 63% so với một năm trước đó. Tỷ lệ kết hợp giảm xuống 105,6% từ 100,2% do thiệt hại từ các sự kiện lớn – được xác định là 10 triệu euro (15,5 tỷ USD) trở lên – đã giảm vào năm ngoái.

Các khoản tổn thất lớn tăng lên 4,7 tỷ euro (7,3 tỷ USD) từ 3,1 tỷ euro vào năm 2019. Hầu hết các khoản lỗ đều liên quan đến các hạn chế COVID và liên quan đến việc hủy hoặc hoãn các sự kiện lớn. Ở quy mô nhỏ hơn, cũng có tổn thất trong các nghiệp vụ tái bảo hiểm tài sản và thiệt hại khác, bao gồm cả gián đoạn kinh doanh.

Những thiệt hại lớn do thảm họa thiên nhiên khiến doanh nghiệp thiệt hại 906 triệu euro (1,4 tỷ USD), thấp hơn đáng kể so với 2,05 tỷ euro (3,2 tỷ USD) hồi đầu năm. Thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất đối với MunichRe năm ngoái là cơn bão Laura, với 280 triệu Euro (433 triệu USD).

Doanh thu khối bảo hiểm tài sản và thiệt hại đã gia tăng lên 24,6 tỷ Euro (38 tỷ USD) từ 22,1 tỷ Euro (34,2 tỷ USD), được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng hữu cơ mạnh mẽ trên hầu hết các ngành kinh doanh.

Tại thời điểm tái tục tháng 1, hãng đã cố gắng tăng doanh thu phí 10,9% lên 11,6 tỷ Euro (18 tỷ USD).

“Giá phí, điều khoản và điều kiện đã được cải thiện,” Munich Re cho biết. “Tỷ lệ tăng đặc biệt ở các bộ phận kinh doanh không theo tỷ lệ. Giá phí được cải thiện ở các mức độ khác nhau trên khắp thế giới.

“Nhìn về phía trước các vòng tái tục sắp tới vào tháng 4 và tháng 7, Munich Re dự đoán rằng môi trường thị trường sẽ vẫn tích cực và mang đến những cơ hội tăng trưởng hấp dẫn.”

Các công ty bảo hiểm Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế

(INN) – Viện Thông tin Bảo hiểm Hoa Kỳ mới đây đã đưa ra báo cáo chỉ ra vai trò quan trọng của các công ty bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) trong việc hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ.

Theo dữ liệu mới nhất được đưa vào báo cáo “Một nền tảng vững chắc: Bảo hiểm hỗ trợ nền kinh tế như thế nào”, Giám đốc điều hành Viện Sean Kevelighan cho biết: “Sau một năm kỷ lục về bão, cháy rừng và bất ổn dân sự, bảo hiểm có vai trò then chốt trong việc bảo vệ và phục hồi nền kinh tế Mỹ qua những thời điểm và sự kiện đầy thử thách đã trở nên rõ ràng.

“Báo cáo của chúng tôi nhấn mạnh tác động đặc biệt của ngành bảo hiểm từ Phố Chính đến Phố Wall.”

Ngành bảo hiểm P&C đang quản lý khoảng 1,9 nghìn tỷ đô la Mỹ tài sản tài chính vào năm 2019. Đóng góp của ngành vào tổng sản phẩm quốc nội, kết hợp với đóng góp của các công ty bảo hiểm nhân thọ và niên kim, là khoảng 629,7 tỷ đô la Mỹ.

Ngành bảo hiểm xây dựng lại cơ sở vốn trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư thuận lợi

(INN) – Theo báo cáo của AM Best, các công ty bảo hiểm đã có thể tăng vốn một cách tương đối dễ dàng, phản ánh phần nào việc không có cơ hội đầu tư tốt hơn ở những nơi khác.

Lãi suất bảo hiểm tăng đã khiến ngành này trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư, những người đã phải chịu lợi nhuận thấp với lãi suất toàn cầu bị mắc kẹt ở mức thấp lịch sử.

Cơ quan xếp hạng cho biết: “Môi trường lãi suất thấp đã buộc các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức, phải tìm kiếm cơ hội lợi nhuận xa hơn.

“Việc tính toán rủi ro và phần thưởng do ngành bảo hiểm đặt ra trong một thị trường khó khăn có thể hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư hiện tại và mới.

“Điều này cho thấy các nhà đầu tư tin tưởng vào triển vọng ngắn hạn của ngành bảo hiểm, bất chấp những tuyên bố không chắc chắn về COVID-19, lạm phát xã hội và mức độ ảnh hưởng của thảm họa.”

Theo cơ quan xếp hạng, năm ngoái đã chứng kiến một loạt hoạt động gây quỹ ở Luân đôn và Bermuda từ cả các công ty bảo hiểm hiện tại và các công ty khởi nghiệp đang tìm cách củng cố bảng cân đối kế toán và tận dụng những cải thiện đã nhận thấy về giá phí và điều kiện.

Tỷ lệ phí của một số nghiệp vụ tiếp tục tăng do thị trường phản ứng với việc gia tăng kỷ luật đánh giá rủi ro đối với trải nghiệm yêu cầu bồi thường bất lợi, do lạm phát xã hội ở Mỹ, tổn thất liên quan đến COVID-19 và thảm họa gia tăng trong những năm gần đây.

AM Best cho biết một phần vốn tăng thêm được huy động trong năm ngoái đã được sử dụng cho việc trích lập dự phòng tổn thất bất lợi của năm trước và các điều chỉnh tăng trong ước tính tổn thất liên quan đến đại dịch.

Công ty xếp hạng cũng cảnh báo mức độ thiệt hại liên quan đến COVID-19 đã được các công ty bảo hiểm ghi nhận trong năm nay vẫn chưa rõ ràng.

AM Best nói: “Tác động từ hậu quả kinh tế của đại dịch sẽ gây ra đối với nhu cầu bảo hiểm là không chắc chắn và sẽ phụ thuộc phần lớn vào độ dài và độ sâu của suy thoái kinh tế”.

“Khi các nền kinh tế thu hẹp, giá trị của rủi ro có thể bảo hiểm cũng tăng theo. Nhưng khi các doanh nghiệp gặp áp lực về tài chính, mong muốn giữ lại rủi ro của họ cũng có thể giảm xuống, làm tăng nhu cầu mua bảo hiểm”.

AM Best không dự kiến thị trường mua bán và sáp nhập sẽ tấp nập trong thời gian tới. Thị trường chứng khoán biến động đã góp phần gây ra khó khăn trong việc đánh giá giá trị thực của các công ty. Ngoài ra, tác động tài chính và hoạt động của đại dịch có thể tạo ra sự không chắc chắn xung quanh việc hội nhập và triển vọng cho các doanh nghiệp sau hợp nhất trong một thời gian.

Các công ty bảo hiểm gánh chịu tổn thất “kỷ lục” do băng giá ở Texas

(INN) – Theo Hội đồng Bảo hiểm Texas (ICT), những cơn bão mùa đông tàn phá bao trùm Texas vào tháng trước có thể trở thành sự kiện yêu cầu bồi thường lớn nhất trong lịch sử của bang.

Hội đồng không cung cấp bất kỳ ước tính thiệt hại nào nhưng cho biết thảm họa có thể dẫn đến hàng trăm nghìn yêu cầu bảo hiểm tài sản từ các đường ống bị vỡ và hậu quả là thiệt hại, mái nhà bị dột, cây đổ và tai nạn xe cộ trên những con đường băng giá.

ICT cho biết họ đang thu thập thông tin để đánh giá mức độ tổn thất được bảo hiểm và chi phí yêu cầu bồi thường.

Công ty mô hình thảm họa Karen Clark & Company đã ước tính thiệt hại được bảo hiểm từ thảm họa này khoảng 18 tỷ đô la Mỹ, bao gồm cả thiệt hại ở các bang xung quanh khác.

Người phát ngôn cho biết tổn thất bao gồm nhà cửa, động cơ, thương mại, công nghiệp và gián đoạn kinh doanh. Phần lớn thiệt hại là thiệt hại thương mại, bao gồm 20 tiểu bang với hơn một nửa tổng số ở Texas.

Cơ quan xếp hạng AM Best dự đoán thiệt hại ở Texas và các tiểu bang khác có thể khiến các công ty bảo hiểm bị thiệt hại về tài sản kỷ lục trong quý đầu tiên.

“AM Best tin rằng khối lượng khiếu nại lớn nhất sẽ thuộc về chủ nhà, tài sản thương mại và các ngành nghề kinh doanh bảo hiểm ô tô,” cơ quan này cho biết.

“Các nhà quan sát trong ngành tin rằng thiệt hại cuối cùng và khối lượng yêu cầu bắt nguồn từ các tổn thất được bảo hiểm sẽ rất đáng kể, cũng như áp lực gây ra đối với cơ sở hạ tầng của bang, số lượng nhà thầu có sẵn và các nguồn lực liên quan có thể là đáng kể.”

Biến đổi khí hậu ít ảnh hưởng đến xếp hạng công ty bảo hiểm

(INN) – Fitch Ratings cho biết, biến đổi khí hậu dự kiến sẽ ít ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp bảo hiểm, bất chấp thách thức nghiêm trọng của nó và những câu hỏi đặt ra về khả năng chi trả khi giá phí tăng lên.

Công ty xếp hạng cho biết tần suất và mức độ nghiêm trọng của các thảm họa thiên nhiên dự kiến sẽ tăng lên nhưng các cơ quan quản lý và đối tác kinh doanh như công ty mô hình thảm họa công ty tái bảo hiểm cung cấp khả năng nghiên cứu để giúp ngành bảo hiểm vượt qua thách thức.

Trong một báo cáo, Fitch Ratings cho biết: “Ngược lại với các yêu cầu về trách nhiệm, thiệt hại tài sản do thảm họa thiên nhiên gây ra sẽ giải quyết trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, hiếm khi vượt quá hai đến ba năm. Điều này hạn chế sự không chắc chắn xung quanh các khoản lỗ cuối cùng và rủi ro định giá không phù hợp”.

Các công ty tái bảo hiểm cũng rất quan trọng trong việc quản lý rủi ro thiên tai và thường có thể đa dạng hóa rủi ro của họ trên quy mô toàn cầu.

Báo cáo tập trung vào việc bảo đảm khả năng chịu rủi ro do thảm họa thiên nhiên gây ra hơn là các tác động như áp lực pháp lý hoặc công chúng tăng cao để tránh đầu tư hoặc bảo hiểm cho một số ngành nhất định.

Công ty cho biết: “Ngành bảo hiểm có nhiều công cụ khác nhau để quản lý rủi ro này một cách hiệu quả. Do đó, Fitch tin rằng biến đổi khí hậu có tác động tối thiểu đến xếp hạng của hầu hết các công ty bảo hiểm trong danh mục sản phẩm của mình”.

Cơ quan Bảo hiểm và Hưu trí Nghề nghiệp Châu Âu đã xuất bản một tài liệu thảo luận xem xét cách đưa biến đổi khí hậu vào các hiệu chỉnh yêu cầu về khả năng thanh toán vốn do thảm họa thiên tai. Bản báo cáo cuối cùng sẽ được đưa ra trong nửa đầu năm nay.

Theo Fitch, các cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu lo ngại về rủi ro biến đổi khí hậu đối với ngành bảo hiểm và phí vốn đối với rủi ro thiên tai sẽ tăng trong tương lai, với hậu quả là giá cả và khả năng bảo hiểm rủi ro.

Công ty cho biết các yêu cầu về vốn cao hơn sẽ dẫn đến việc tăng thuế quan để đáp ứng các yêu cầu về lợi tức tài chính, điều này có thể khiến các công ty bảo hiểm gặp phải các vấn đề ngày càng tăng do khách hàng có thể không muốn hoặc không có khả năng chi trả cho việc bảo vệ thảm họa thiên nhiên.

Nó nói: “Một câu trả lời có thể là việc rút lui dần dần khỏi việc bảo hiểm rủi ro cho thảm họa thiên nhiên, dẫn đến sự cần thiết phải có sự can thiệp của nhà nước”.

“Ví dụ như trường hợp đã xảy ra ở Florida, chính quyền có thể quyết định cung cấp bảo hiểm trên và ngoài những gì mà ngành bảo hiểm và tái bảo hiểm có thể sẵn sàng hoặc có thể cung cấp.”

Ngành bảo hiểm đoàn kết để giải quyết mối đe dọa biến đổi khí hậu

(INN) – Tổ chức tư vấn Hiệp hội Geneva đã thành lập một nhóm công tác để phát triển các phương pháp và công cụ đánh giá rủi ro khí hậu cho lĩnh vực bảo hiểm.

Nhóm đặc nhiệm của Hiệp hội Geneva bao gồm các chuyên gia từ 17 công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ hàng đầu thế giới, những người tuần trước đã công bố báo cáo đầu tiên về những thách thức mà ngành phải đối mặt khi quá trình khử cacbon đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu.

Ông MD Jad Ariss, Giám đốc điều hành Hiệp hội Geneva, cho biết: “Chỉ trong năm 2020, thế giới đã chứng kiến những trận cháy rừng lớn ở California và Australia, lũ lụt lịch sử ở Trung Quốc và mùa bão kỷ lục ở Đại Tây Dương”.

“Các tác động xã hội của biến đổi khí hậu đã trở nên phổ biến, và các cá nhân và tổ chức phải cam kết đối phó một cách toàn diện với khủng hoảng khí hậu ngay từ bây giờ.

“Các công ty bảo hiểm rõ ràng là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ về hành động khí hậu toàn cầu, với chức năng cốt lõi của họ – quản lý rủi ro và đầu tư – và sáng kiến dẫn đầu trong ngành của chúng tôi chứng tỏ rằng họ đang chủ động đón đầu cơ hội”.

Theo báo cáo, có một số nguồn gốc không chắc chắn liên quan đến việc chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp cần được xem xét trong đánh giá rủi ro khí hậu.

Báo cáo cho biết: “Trong những thập kỷ tới, các chính sách, quy định công, tiến bộ công nghệ, điều kiện thị trường và các khía cạnh khác của quá trình chuyển đổi xã hội sang nền kinh tế các-bon thấp sẽ ảnh hưởng đến mức độ rủi ro biến đổi khí hậu và bối cảnh rủi ro trong tương lai”.

“Những yếu tố này nêu bật một số yếu tố không chắc chắn cố hữu cần phải được xem xét và tính đến khi đánh giá mức độ rủi ro với biến đổi khí hậu.”

Rủi ro vật chất, mối đe dọa khác được đề cập trong báo cáo, đang trực tiếp ảnh hưởng đến ngành bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm tài sản và thiệt hại đã và đang trải qua sự phát triển về mức độ rủi ro do biến đổi khí hậu dần dần.

Báo cáo cho biết: “Danh mục bảo hiểm thảm họa tài sản đang được chú trọng, nhưng chúng được hưởng lợi từ mô hình trách nhiệm pháp lý ngắn hạn”.

“Với phần lớn bảo hiểm tài sản bị ảnh hưởng được bảo hiểm hàng năm, các công ty tái bảo hiểm tài sản và thiệt hại có cơ hội theo dõi những thay đổi dần dần đối với bối cảnh rủi ro khí hậu và xem xét các điều chỉnh đối với giá cả và/hoặc dịch vụ sản phẩm.”

BTV (Tổng hợp).