TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 07

Swiss Re nỗ lực cắt giảm khí thải carbon vì môi trường; Arch Re thâu tóm để mở rộng kinh doanh tại châu Á; PVI dự lãi 840 tỷ đồng năm 2020

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

ABIC chi trả 202,4 triệu đồng bảo hiểm Bảo an tín dụng

(ABIC) – Chiều ngày 18/2, tại UBND xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang (Bắc Giang), Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) – Chi nhánh Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) Chi nhánh huyện Lạng Giang, Bắc Giang II tổ chức chi trả quyền lợi bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình ông Dương Ngọc Anh, thôn Đồn 19, xã Hương Sơn.

Đến dự có đại diện lãnh đạo Agribank Chi nhánh Bắc Giang II, ABIC Chi nhánh Hà Nội, Agribank Chi nhánh huyện Lạng Giang, Bắc Giang II và lãnh đạo xã Hương Sơn…

Trước đó, ngày 4-11-2018, ông Dương Ngọc Anh đến Phòng Giao dịch Kép thuộc Agribank Chi nhánh huyện Lạng Giang, Bắc Giang II làm thủ tục vay số tiền 200 triệu đồng và được ngân hàng giải ngân.

Được cán bộ tín dụng ngân hàng giới thiệu, tư vấn về sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của bảo hiểm Bảo an tín dụng xây dựng dành riêng cho người vay vốn tại Agribank, ông Dương Ngọc Anh đã quyết định tham gia với số tiền được bảo hiểm là 200 triệu đồng, phí bảo hiểm 1,3 triệu đồng.

Ngày 26- 9-2019, ông Dương Ngọc Anh không may gặp tai nạn để lại khoản vay 200 triệu đồng của ngân hàng cho người thân.

Qua hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ tận tình của cán bộ tín dụng Agribank Chi nhánh huyện Lạng Giang- Bắc Giang II, ngày 20-12-2019, gia đình đã cung cấp toàn bộ hồ sơ theo yêu cầu. Theo đó, gia đình ông Dương Ngọc Anh được nhận số tiền chi trả là 202,4 triệu đồng, bao gồm các khoản: Quyền lợi cơ bản, mai tang phí, lãi tiền vay.

ABIC với sản phẩm chủ lực là sản phẩm bảo hiểm sức khỏe cho người vay vốn có tên gọi Bảo an tín dụng, hằng năm đã có gần 3 triệu khách hàng trên toàn quốc được sử dụng sản phẩm khi vay vốn tại Agribank. Tại tỉnh Bắc Giang, năm 2019 có hơn 60 nghìn khách hàng sử dụng sản phẩm Bảo an tín dụng, riêng năm 2019 đã có 210 khách hàng được bồi thường với số tiền 9,5 tỷ đồng. Lũy kế từ khi triển khai sản phẩm, trên toàn tỉnh đã có hơn 1 nghìn khách hàng được bồi thường với số tiền ABIC đã chi trả hơn 40 tỷ đồng.

  1. Một vòng doanh nghiệp

PVI chưa ảnh hưởng dịch Covid-19, dự lãi 840 tỷ đồng năm 2020

(Nhadautu) – Chiều ngày 24/2 đã diễn ra cuộc gặp mặt nhà đầu tư năm 2020 của CTCP PVI tại PVI Tower, số 1 Phạm Văn Bạch, Cầu giấy, Hà Nội.

Buổi gặp mặt diễn ra trong bối cảnh PVI đang chuẩn bị chốt danh sách cổ đông để tổ chức ĐHĐCĐ năm 2020 vào tháng 3 tới, đồng thời cơ cấu cổ đông cũng như nhân sự chủ chốt của công ty này có nhiều xáo trộn trong thời gian qua.

Sự kiện khai mạc đúng như lịch trình khi phần lớn nhà đầu tư đều có mặt đầy đủ từ sớm, dẫu đang trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Mở đầu hội thảo, ông Jens Holger Wohlthat, Chủ tịch HĐQT đồng thời là đại diện của HDI Global SE, cổ đông lớn nhất của PVI cho biết tập đoàn đang muốn mở rộng các sản phẩm của mình tới thị trường các nước Asean khác, bởi hiện tại PVI chỉ mới hoạt động bảo hiểm tại Singapore và Việt Nam. Đồng thời, PVI sẽ nỗ lực tạo ra môi trường làm việc tốt cho người lao động và cung cấp những sản phẩm bảo hiểm tốt cho khách hàng.

Ngay sau đó, bà Trần Thu Hà- Trưởng ban chiến lược PVI đã trình bày lịch sử phát triển cũng như kế hoạch và chiến lược trong thời gian tới với nhà đầu tư tham gia hội thảo.

Cụ thể, về cơ cấu tổ chức, hiện PVI sở hữu 100% quyền biểu quyết tại Tổng công ty bảo hiểm PVI; 73,11% tại Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI; 65% CTCP Quản lý quỹ PVI và thông qua pháp nhân này sở hữu 100% quyền biểu quyết tại Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI và Quỹ đầu tư Hạ tầng PVI.

Về cơ cấu cổ đông, ngoài HDI Global SE – một thành viên của Tập đoàn Talanx (top 5 tập đoàn bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất Châu Âu) đang là cổ đông lớn nhất sở hữu 43% vốn tại PVI thì PVN hiện đang là cổ đông lớn thứ hai tại đây với tỷ lệ sở hữu 35%, ngoài ra quỹ Funderburk Lighthouse Limited cũng đang sở hữu 12%.

Về kế hoạch kinh doanh toàn hệ thống năm 2020, PVI đưa ra mục tiêu doanh thu 10.126 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 840 tỷ đồng, đồng thời kỳ vọng chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 22% (ngang bằng tỷ lệ năm 2019).

Ngoài ra, theo bà Trần Thu Hà, tầm nhìn mà PVI hướng đến là xây dựng công ty này trở thành một định chế tài chính – bảo hiểm lớn và chuyên nghiệp trên thị trường Việt Nam với chất lượng hàng đầu, đồng bộ trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính gồm: Bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm và đầu tư.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra lo lắng và quan tâm tới ảnh hưởng của dịch bệnh đến kết quả kinh doanh của PVI.

Trước thắc mắc về vấn đề này, ông Phạm Anh Đức, Phó Tổng giám đốc PVI lại tỏ ra khá lạc quan và cho biết, hiện tại kết quả kinh doanh trong tháng 1 và kết quả dự kiến đến thời điểm hiện tại tháng 2 chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.  

“Chúng tôi rất vui vì hiện tại kết quả kinh doanh chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh không được kiểm soát thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của PVI. Do vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ bám sát vấn đề này và thông báo tới cổ đông”, ông Đức khẳng định.

Một vấn đề khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư là cơ cấu sở hữu của các quỹ ngoại, đặc biệt là HDI Global SE tại PVI.

“Hiện tại HDI Global SE đang là cổ đông lớn nhất tại PVI nhưng chưa đạt đến mức chi phối, vậy quỹ này hướng đến tỷ lệ tối đa là bao nhiêu?”, một nhà đầu tư đặt câu hỏi.

Theo Chủ tịch HĐQT Jens Holger Wohlthat, hiện tại, tỷ lệ sở hữu của HDI Global SE tại PVI là 43% và để có thể tăng tỷ lệ sở hữu lên 65% thì chỉ còn cách mua lại cổ phần mà PVN nắm giữ. Vị này cho biết HDI Global SE đang rất hài lòng về khoản đầu tư tại PVI.

“Hiện tại, việc nâng tỷ lệ sở hữu của HDI hoàn toàn phụ thuộc vào việc PVN có muốn thoái vốn khỏi PVI hay không. Ở thời điểm hiện tại, cả PVN và HDI Global SE đều có chung mục tiêu giúp PVI hoạt động hiệu quả, tạo môi trường làm việc tốt cho nhân viên, cùng với đó là tạo ra các lợi ích cho cổ đông. Trong tương lai, nếu PVN thoái vốn, ban lãnh đạo sẽ tìm một đơn vị nhận sở hữu cổ phần này tại PVI để đảm bảo công ty vẫn hoạt động hiệu quả. Với HDI Global SE, mục đích của chúng tôi là đầu tư vô thời hạn nên cũng không quan tâm đến giá cổ phiếu PVI mà chỉ quan tâm đến hiệu quả hoạt động và giá trị trả cổ tức”, ông Jens Holger Wohlthat thông tin tới cổ đông.

Chia sẻ thêm về hoạt động kinh doanh cốt lõi của PVI, ông Jens cho biết, ngoài mảng bán lẻ, bảo hiểm công nghiệp là một mảng quan trọng của PVI, đây là mảng mà Bảo hiểm PVI và Tái bảo hiểm PVI đang làm rất tốt và là đơn vị hoạt động lớn nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay.

“PVI có mối quan hệ tốt, chặt chẽ với nhiều khách hàng lớn cũng như các tổ chức bảo hiểm lớn trong thị trường. Cùng với đó, PVI là một đơn vị có năng lực chi trả, kiến thức và kinh nghiệm nội bộ đã được tích lũy trong một thời gian dài”, Chủ tịch HĐQT PVI chia sẻ về tiền đề tạo ra sự thành công của Tập đoàn trong suốt thời gian qua.

Tập đoàn Bảo Việt đồng hành cùng khách hàng, cộng đồng trong dịch Covid-19

(BVH) – Trước tình hình diễn biến phức tạp và khó lường của virus corona (Covid-19), Bảo Việt đã có các chính sách đặc biệt dành cho khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm, chung tay cùng cộng đồng góp phần gia tăng tối đa sự bảo vệ, đảm bảo tài chính cho khách hàng và gia đình trước các rủi ro bệnh tật có thể xảy đến bất ngờ.

Với mục tiêu phát triển bền vững, vì sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng ngày một tốt hơn, Bảo hiểm Bảo Việt cam kết giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng không may bị mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) căn cứ vào điều kiện, điều khoản quy định trong từng sản phẩm bảo hiểm hoặc hợp đồng đã giao kết với khách hàng.

Các quyền lợi được chi trả bao gồm chi phí xét nghiệm, chi phí điều trị, chi phí trợ cấp nằm viện nội trú… Bảo hiểm Bảo Việt cũng giải quyết quyền lợi bảo hiểm trong trường hợp Người được bảo hiểm tử vong do Covid-19 (nếu có tham gia quyền lợi Bảo hiểm Sinh mạng).

Đồng thời, trong giai đoạn từ ngày 03/02 – 10/3/2020, với mong muốn được chung tay chia sẻ và đồng hành cùng cộng đồng trước đại dịch lớn, Bảo hiểm Bảo Việt áp dụng giảm phí 20% các chương trình Bảo hiểm sức khỏe là Bảo Việt An Gia và Bảo Việt Intercare mà vẫn được hưởng trọn vẹn các quyền lợi tối ưu nhất trong cả năm. Đây cũng là hai sản phẩm bảo hiểm sức khỏe nằm trong danh mục các sản phẩm được bảo hiểm trong trường hợp sự kiện bảo hiểm phát sinh do nhiễm chủng mới Covid-19. Thông tin chi tiết các gói sản phẩm bảo hiểm sức khỏe hiện nay của Bảo hiểm Bảo Việt được đăng tải tại địa chỉ: baovietonline.com.vn với các quyền lợi đáp ứng phù hợp theo nhu cầu của khách hàng và thị trường.

Bảo Việt Nhân thọ cam kết chi trả quyền lợi bảo hiểm đối với tất cả các sản phẩm hiện hành cho các khách hàng không may gặp rủi ro do bị nhiễm dịch bệnh Covid-19. Theo đó, các khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm của Bảo Việt Nhân thọ khi nhiễm Covid-19 sẽ được chi trả các quyền lợi bao gồm quyền lợi trợ cấp viện phí, quyền lợi bệnh lý nghiêm trọng và quyền lợi tử vong theo phạm vi bảo hiểm của điều khoản sản phẩm.

Để hỗ trợ khách hàng kịp thời trong trường hợp không may gặp rủi ro do nhiễm Covid-19, Bảo Việt Nhân thọ còn áp dụng chính sách đặc biệt: chi trả 200% số tiền bảo hiểm của quyền lợi trợ cấp viện phí thông thường đối với khách hàng nằm viện cách ly do nhiễm Covid-19 theo chẩn đoán xác định của cơ quan y tế có thẩm quyền. Dù người nhiễm Covid-19 đã được điều trị và chăm sóc miễn phí theo chính sách của Nhà nước, khi đã tham gia bảo hiểm nhân thọ, khách hàng vẫn được nhận trợ cấp viện phí đặc biệt theo điều khoản và phạm vi của hợp đồng. Đồng thời, Bảo Việt Nhân thọ sẽ miễn thời gian chờ đối với khách hàng nhiễm Covid-19. Trong trường hợp khách hàng phải nằm viện, bị bệnh lý nghiêm trọng hoặc tử vong do nhiễm Covid-19 khi hợp đồng đang có hiệu lực, khách hàng sẽ được xem xét giải quyết quyền lợi bảo hiểm mà không phụ thuộc vào thời gian có hiệu lực của hợp đồng. Bảo Việt Nhân thọ cũng sẽ ưu tiên giải quyết đối với các hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm do nhiễm Covid-19. Thời gian áp dụng chính sách đặc biệt đối với các rủi ro phát sinh kể từ ngày công bố dịch (01/02/2020) đến ngày 30/6/2020.

Chung tay cùng cộng đồng, với phương châm phát triển bền vững, Tập đoàn Bảo Việt và các đơn vị thành viên đạt được sự thống nhất cao trong việc thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh. Tập đoàn Bảo Việt quyết liệt chỉ đạo tăng cường phòng chống dịch cho cán bộ, nhân viên và đối tác, khách hàng tại tất cả các đơn vị thành viên trên toàn quốc. Cùng với việc tuyên truyền kịp thời, liên tục về các biện pháp phòng chống, diễn biến dịch bệnh, Bảo Việt tiến hành phun thuốc khử trùng trụ sở làm việc, phát động cuộc thi Góc làm việc đẹp, đảm bảo khu vực làm việc vệ sinh, sạch đẹp. Tập đoàn cũng hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người, khuyến khích thay bằng phương thức làm việc trực tuyến, sử dụng email, điện thoại, công văn; đối với các cuộc họp cần thiết, có các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh do Covid-19, được biết lượng máu dự trữ tại Ngân hàng máu đang khan hiếm, ngày 17/02/2020, Tập đoàn Bảo Việt đã phối hợp với Viện Huyết học Truyền máu Trung ương tổ chức hiến máu tình nguyện. Chỉ trong một buổi sáng, hàng trăm cán bộ nhân viên Tập đoàn Bảo Việt đã chung tay cùng cộng đồng tham gia hiến máu tình nguyện.

VNI bổ nhiệm lại Tổng Giám đốc

(VNI) – Chiều ngày 17/2/2020 tại trụ sở chính, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) đã long trọng tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm lại Tổng Giám đốc Trần Trọng Dũng và là người đại diện theo pháp luật của VNI, thời hạn bổ nhiệm 03 năm kể từ ngày 18/02/2020 theo Quyết định số 15/QĐ – HĐQT ngày 17/2/2020 của Hội đồng Quản trị VNI.

Trước đó, ông Trần Trọng Dũng đã giữ chức vụ Tổng giám đốc VNI kể từ ngày 17/2/2017 theo quyết định số 10/QĐ – HĐQT ngày 17/2/2017 của Hội đồng Quản trị VNI.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Tổng Giám đốc Trần Trọng Dũng đã chứng tỏ được phẩm chất và năng lực khi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đưa VNI vào câu lạc bộ doanh thu nghìn tỷ, phát triển mạnh mạng lưới & kênh bán, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị, đem lại tiện ích cho khách hàng, phát triển thêm nhiều sản phẩm bảo hiểm mới.

Tại buổi lễ, bà Lê Thị Hà Thanh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã trao quyết định bổ nhiệm lại vị trí Tổng Giám đốc đồng thời chúc mừng ông Trần Trọng Dũng đã nhận được sự tín nhiệm cao của HĐQT, Ban Lãnh đạo Tổng công ty. Chủ tịch HĐQT VNI mong muốn trong thời gian tới Tổng Giám đốc quyết liệt, điều hành đưa VNI bứt phá, chinh phục TOP 10 và gặt hái nhiều thành công mới.  

Tại buổi lễ, ông Trần Trọng Dũng phát biểu cám ơn HĐQT, Ban Lãnh đạo VNI đã tin tưởng giao nhiệm vụ và khẳng định quyết tâm nỗ lực cùng Ban lãnh đạo Tổng công ty đưa VNI ngày càng phát triển vững mạnh, hoàn thành mục tiêu HĐQT giao.

FWD ra mắt sản phẩm “FWD Bảo hiểm Corona và hỗ trợ viện phí”

(ĐTCK) – FWD vừa chính thức giới thiệu ra thị trường sản phẩm mới “FWD Bảo hiểm Corona và hỗ trợ viện phí”. Sản phẩm được thiết kế nhằm gia tăng sự bảo vệ khách hàng trong mùa dịch bệnh COVID-19 (virus Corona).

Bên cạnh quyền lợi hỗ trợ chi trả viện phí khi nằm viện điều trị nội trú hoặc trải qua phẫu thuật trong ngày đối với tất cả các loại bệnh và tai nạn, khách hàng tham gia sản phẩm “FWD Bảo hiểm Corona và hỗ trợ viện phí” còn được nhận ngay 20 triệu đồng trường hợp có chẩn đoán dương tính với virus Corona và được chi trả đến 300 triệu đồng trường hợp tử vong do nhiễm virus Corona.

Bên cạnh đó, FWD cũng miễn áp dụng thời gian chờ 30 ngày cho các quyền lợi liên quan đến virus Corona.

Với mức phí đóng chỉ vài ngàn đồng/ngày, sản phẩm “FWD Bảo hiểm Corona và hỗ trợ viện phí” có thể được khách hàng mua hoàn toàn trực tiếp trên trang bán hàng trực tuyến iFWD và trang thương mại điện tử Tiki.

Thêm vào đó, hợp đồng sản phẩm “FWD Bảo hiểm Corona và hỗ trợ viện phí” được thẩm định tự động và phát hành trong vòng 24 giờ (không tính thứ 7, Chủ Nhật), mang đến sự bảo vệ kịp thời và nhanh chóng cho khách hàng.

AIA ra mắt sản phẩm “Sống khỏe hơn 100”

(ĐTCK) – AIA Việt Nam vừa chính thức giới thiệu ra thị trường Sản phẩm Bảo hiểm Nhân thọ mới “Sống Khỏe Hơn 100”. 

Khác với những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trước đây, “Sống Khỏe Hơn 100” được thiết kế nhằm hỗ trợ tài chính trước các rủi ro về sức khoẻ cho khách hàng ngay từ giai đoạn sớm của ung thư (với lựa chọn quyền lợi nâng cao). 

Cụ thể, khi tham gia “Sống Khỏe Hơn 100” với lựa chọn quyền lợi nâng cao, khách hàng sẽ được hỗ trợ tài chính khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và bệnh hiểm nghèo từ giai đoạn sớm nhất, bao gồm bệnh ung thư giai đoạn sớm, ung thư biểu mô tại chỗ, ung thư nghiêm trọng và 23 bệnh hiểm nghèo giai đoạn sớm, 45 bệnh hiểm nghèo giai đoạn nghiêm trọng.

Khách hàng cũng có thể chủ động lựa chọn thời gian đóng phí 12 – 15 – 20 năm phù hợp với điều kiện kinh tế tài chính của mình.

Ngoài ra, để mang đến sự an tâm tuyệt đối cho khách hàng trong suốt quá trình tham gia bảo hiểm, AIA Việt Nam còn cùng đồng hành với khách hàng thông qua tổng đài bác sĩ tư vấn miễn phí về ung thư và bệnh hiểm nghèo và giải đáp nhanh chóng thủ tục yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm.

  1. Nhịp đập thị trường

Doanh thu phí mới từ kênh đại lý đang tăng trở lại

(ĐTCK) – Người dân tăng mua bảo hiểm, chính sách thi tuyển đại lý thay đổi… là những yếu tố giúp doanh thu phí mới từ kênh đại lý tăng dần.

Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm khai mới toàn thị trường tháng 1/2020 giảm khoảng 5% chủ yếu do đây là thời điểm Tết nên doanh thu thường không cao, mà không hoàn toàn do ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19.

Từ đầu tháng 2, tăng trưởng phí khai thác mới diễn biến khả quan, chứ không ảm đạm như dự báo trước đó.

“Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới những ngày đầu tháng 2 của Công ty có hơi chậm, nhưng đã khả quan hơn sau đó. Sự tăng trưởng chủ yếu ghi nhận ở kênh đại lý”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay.

Tại Dai-ichi Life Việt Nam, sau thời gian điều chỉnh tốc độ tăng trưởng ở kênh đại lý với mức tăng doanh thu phí mới âm 10% trong năm 2019, hãng bảo hiểm này đặt mục tiêu tăng trưởng trở lại ở kênh này trong năm 2020 là 25%.

Ông Trần Đình Quân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết, tính sơ bộ trong tháng đầu năm 2020 thì doanh thu phí bảo hiểm đến từ kênh bancassurance không tăng nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước, trong khi kênh đại lý bắt đầu tăng trưởng trở lại.

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh thu phí mới đang tăng trưởng khả quan, chứ không ảm đạm như dự báo, một phần xuất phát từ việc người dân người dân đã ý thức hơn trong việc mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro dịch bệnh, trong khi các hãng bảo hiểm cũng tìm cách đẩy mạnh việc bán bảo hiểm như tăng cường thi đua cho khối đại lý, tăng gặp trực tiếp khách hàng thay vì tổ chức các hội thảo…

Còn theo lãnh đạo cấp cao của một công ty bảo hiểm, nguyên ngân chủ yếu là do chính sách thi tuyển đại lý thay đổi.

“Việc người dân quan tâm hơn đến bảo hiểm khi dịch bệnh xảy ra chỉ là một phần, còn tôi cho rằng, lý do chính khiến doanh thu phí mới từ kênh đại lý tăng trưởng trở lại đến từ việc cơ quan chức năng tạm thời cho phép đại lý thi tuyển trên giấy ngay tại các cơ sở của doanh nghiệp bảo hiểm, thay vì thi online theo quy định mới để tránh các cuộc tụ họp đông người khi đang có dịch bệnh”, vị lãnh đạo trên cho biết.

Thực tế, năm 2019, doanh thu phí mới của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ giảm sút ngoài do một số doanh nghiệp có thị phần lớn điều chỉnh tốc độ tăng trưởng, thì còn do quy định tuyển dụng đại lý mới chặt chẽ, khó khăn hơn, dẫn đến không tăng trưởng ở kênh này.

Trong khi đó, đối với ngành bảo hiểm nhân thọ, khoảng 40% doanh thu phí bảo hiểm đến từ đại lý mới gia nhập trong 3 tháng đầu tiên, nên khi việc tuyển dụng giảm, doanh thu phí mới sẽ tăng trưởng chậm lại.

Nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, thì nhiều khả năng trong tháng 3 tới, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tiếp tục thực hiện thi tuyển đại lý mới tại cơ sở của doanh nghiệp và khi việc tuyển dụng mới tăng, ắt sẽ kéo tăng trưởng doanh thu phí mới tăng theo.

Theo giới chuyên gia, một thị trường bảo hiểm đang phát triển như Việt Nam thường phụ thuộc vào tuyển dụng đại lý mới. Khi hoạt động tuyển dụng gặp khó khăn, công ty bảo hiểm có xu hướng “đi đường vòng” qua các mô hình khác để tăng số lượng đại lý.

Tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo thị trường cũng như doanh nghiệp phát triển bền vững, việc nâng cao chất lượng bán hàng ngay từ khâu tuyển dụng đại lý luôn là mục tiêu doanh nghiệp hướng tới. Điều này giải thích vì sao các doanh nghiệp bảo hiểm dành nhiều nguồn lực để phát triển mô hình đại lý toàn thời gian

“Kênh đại lý chuyên nghiệp hay đại lý toàn thời gian có năng suất lao động rất cao, nhưng chưa thể là lực lượng nòng cốt để đảm bảo doanh thu phí mới tăng trưởng cao do còn khiêm tốn về mặt số lượng. Hiện nay, mức tăng doanh thu phí mới vẫn chủ yếu đến từ lực lượng đại lý bán thời gian”, CEO một công ty bảo hiểm chia sẻ.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

PTI trao tặng phòng học cho Trường tiểu học Hưng Phước- Bù Đốp

(ĐTCK) – Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Quỹ văn hóa DB Kim Jun Ki, Tổ chức Korea Food for the Hungry International (KFHI) vừa  tổ chức bàn giao phòng học và trao tặng xe đạp cho học sinh trường tiểu học Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Tổng giá trị phòng học và thiết bị giảng dạy là hơn 1 tỷ đồng.

Phòng học mới đáp ứng được nhu cầu dạy và học 2 buổi một ngày của toàn bộ học sinh tiểu học và mẫu giáo của trường. Đây được kỳ vọng sẽ là không gian giúp tăng khả năng tương tác giữa thầy và trò, hỗ trợ tối đa các hoạt động giáo dục.

Bên cạnh đó, phía PTI cũng trao tặng 20 chiếc xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng cố gắng vươn lên trong học tập. Đây là phần thường để khuyến khích các em phấn đấu hơn nữa trong học kỳ mới.

Được biết, bắt đầu từ năm 2015, PTI đã phối hợp với Quỹ văn hóa DB Kim Jun Ki của Hàn Quốc triển khai nhiều hoạt động vì cộng đồng, đặc biệt là tập trung nhiều dự án hỗ trợ cho giáo dục. Ngân sách dành cho phát triển giáo dục của PTI lên đến gần 15 tỷ đồng. Trong đó bao gồm rất nhiều các hoạt động đa dạng cho học sinh sinh viên trên toàn quốc như: Trao tặng học bổng cho học sinh sinh viên; Tài trợ các thiết bị giảng dạy và phòng học Tiếng Anh đa năng, và mới đây, PTI đã khởi động chương trình “Nuôi dưỡng tài năng bảo hiểm” và trao đi 83 suất học bổng cho sinh viên trên toàn quốc…

  1. Tin quốc tế

Generali và Great Eastern có thể sẽ đấu giá mua cổ phần Axa Affin

(IAN) – Theo báo cáo của Bloomberg, công ty bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe Axa Affin của Malaysia (liên doanh giữa Tập đoàn Axa của Pháp và Ngân hàng Affin của Malaysia) đang là đối tượng thu hút sự quan tâm đấu giá mua cổ phần từ công ty bảo hiểm Ý Generali và công ty bảo hiểm Singapore Great Eastern Holdings,.

Điều này có nghĩa là Generali và Great East đang thảo luận với các cố vấn để đưa ra các đề nghị tiềm năng. Các cuộc đàm phán vẫn đang được tiến hành và chưa có bất kỳ giao dịch nào được xác nhận.

Vòng đấu giá đầu tiên cho Axa Affin dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 3 năm nay.

Căn cứ thỏa thuận tiềm năng được thông báo lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2019, Axa Affin có thể thu về 650 triệu đô la Mỹ qua giao dịch này. Công ty kỳ vọng bán được hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ với giá 500 triệu đô la Mỹ và hoạt động bảo hiểm nhân thọ với giá 150 triệu đô la Mỹ.

Năm 2018, hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ của Axa Affin đạt được doanhthu khai thác mới 347 triệu đô la Mỹ và có thu nhập ròng là 24 triệu đô la Mỹ. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ của Axa Affin bắt đầu từ năm 2006 và đạt được doanh thu phí 111,5 triệu đô la Mỹ và lỗ 1,9 triệu đô la Mỹ cho năm 2018.

Generali, Great East và Axa từ chối bình luận về giao dịch này.

Các hoạt động M&A tại Malaysia đang ở trong tình trạng không chắc chắn. Tháng 12 năm ngoái, Ngân hàng Malaysia RHB (RHB) và công ty bảo hiểm Tokio Marine Nhật Bản khu vực châu Á (TMA) đã công bố một thỏa thuận bán toàn bộ hoạt động bảo hiểm P&C của RHB cho TMA. Nếu thỏa thuận được thực hiện, nó sẽ đánh dấu triển vọng M&A tích cực hơn cho đất nước này.

Mặc dù sự phát triển của luật pháp Malaysia đang có dấu hiệu gắn kết với các thị trường tiên tiến và các thông lệ tốt nhất nhưng các công ty bảo hiểm trong nước vẫn chưa nắm bắt được các thông lệ cạnh tranh tốt nhất.

Arch Re thâu tóm công ty Marketing để mở rộng kinh doanh tại châu Á Thái Bình Dương

(IAN) – Arch Re đã đồng ý mua phần lớn cổ phần của Precision Marketing Châu Á Thái Bình Dương (PMAP) có trụ sở tại Sydney.

PMAP cung cấp dữ liệu marketing theo định hướng cho các công ty bao gồm các công ty bảo hiểm, ngân hàng, nhà bán lẻ và các công ty chăm sóc sức khỏe trên khắp Châu Á Thái Bình Dương.

Ngoài Sydney, công ty còn có văn phòng tại Hồng Kông, Jakarta và Tokyo. PMAP triển khai máy học, trí tuệ nhân tạo và các chuyên gia khoa học dữ liệu vào các chiến dịch marketing chính xác và đã được Sinarmas MSIG Life ở Indonesia sử dụng.

Giao dịch này dự kiến sẽ hỗ trợ các hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và tai nạn và sức khỏe (A&H) của Arch Re trong khu vực.

Ông Maamoun Rajeh, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Tập đoàn Tái bảo hiểm Arch Worldwide, nhận xét: “Thâu tóm Precision Marketing Châu Á Thái Bình Dương phù hợp với chiến lược của chúng tôi trong việc theo đuổi có chọn lọc các thị trường chuyên biệt, nơi chúng tôi có thể áp dụng kiến thức và chuyên môn của mình”.

Ông Rajeh nói thêm: “Precision Marketing nổi tiếng với cách tiếp cận phân tích bậc cao đối với phân phối và thiết kế sản phẩm đa kênh và tôi tin rằng Arch Re sẽ được hưởng lợi từ nền tảng của mình do chúng tôi tìm cách tăng sự hiện diện của hoạt động bảo hiểm nhân thọ và A&H tại Nhật Bản và các thị trường châu Á Thái Bình Dương khác”.

PMAP sẽ sử dụng vốn để mở rộng thị trường.

Ông Keith Lowry, Giám đốc điều hành Precision Marketing Châu Á Thái Bình Dương, cho biết: Sau nhiều năm hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng quản trị của Precision Marketing nhận thấy tầm quan trọng của việc tăng vốn để tăng tốc quy mô kinh doanh và mang lại giá trị lớn hơn cho các đối tác phân phối của chúng tôi tại Nhật Bản.”

Australia: PSC tăng trưởng 37% phí bảo hiểm trong 6 tháng đầu năm

(IAN) – Tập đoàn bảo hiểm PSC, công ty niêm yết tại thị trường chứng khoán Úc, đã công bố mức tăng 31% doanh thu trong hoạt động kinh doanh chính lên 18,8 triệu đô la Úc (12,45 triệu đô la Mỹ) trong kỳ sáu tháng đầu năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2019.

Đà tăng doanh thu của công ty được hỗ trợ bởi các thương vụ thâu tóm của PSC vào năm 2019 – đóng góp khoảng 7,1 triệu đô la Úc (4,7 triệu đô la Mỹ) vào kết quả tăng trưởng.

PSC cho biết: “Kết quả này là sản phẩm từ cách tiếp cận kỷ luật của Tập đoàn để xây dựng doanh nghiệp môi giới và dịch vụ bảo hiểm tuyệt vời, đồng thời phản ánh sự tăng trưởng từ hoạt động kinh doanh hiện tại và bao gồm các vụ thâu tóm gần đây”.

Tháng 7 năm ngoái, tập đoàn này đã mua lại cổ phần trị giá 1,01 triệu đô la Úc (tương đương 670.337 đô la Mỹ) của công ty môi giới Hồng Kông Charter Gilman. PSC mô tả về chiến lược thâu tóm và thành lập các liên doanh kinh doanh mới: “Hoạt động thâu tóm bao gồm các cơ hội ở Úc và Vương quốc Anh và khả năng nắm giữ một doanh nghiệp nhỏ ở Hồng Kông để kiểm tra các cơ hội trong khu vực đó”.

Các thương vụ thâu tóm lớn trong năm 2019 bao gồm mua lại hai nhà môi giới thuộc Lloyd’s. Cụ thể, PSC đã mua Paragon International có trụ sở tại Luân đôn vào tháng 7 năm ngoái với số tiền ban đầu là 52,3 triệu USD và Tập đoàn bảo hiểm Carroll vào tháng 11 năm ngoái với giá 4,4 triệu USD.

PSC tiết lộ: “giá trị quan trọng của các giao dịch này là đóng góp lợi nhuận kỳ vọng và đội ngũ nhân sự gia nhập Tập đoàn sau khi hoàn tất giao dịch”.

Vào tháng 5 năm ngoái, PSC đã bổ nhiệm ông Tony Robinson làm Giám đốc điều hành, đồng thời Giám đốc điều hành mãn nhiệm Paul Dwyer vẫn giữ vai trò Phó chủ tịch. Với những thay đổi này, ông Dwyer bắt đầu tập trung vào chiến lược M&A và cơ hội tăng trưởng cho Tập đoàn.

PSC có 12 văn phòng và có hai mạng lưới với hơn 200 đại diện được ủy quyền trên khắp nước Úc. PSC là một phần của mạng lưới Brokerslink.

PSC kiểm soát hơn 1,5 tỷ đô la Úc (1 tỷ đô la Mỹ) phí bảo hiểm trên toàn cầu.

Swiss Re hoàn thành mua lại cổ phần, nhìn thấy cơ hội PPP tại Nhật Bản

(IAN) – Swiss Re đã hoàn thành chương trình mua lại cổ phần công khai năm 2019 với giá trị mua gần 1 tỷ SFr (1,02 tỷ USD).

Chủ trương này được thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của công ty vào ngày 17 tháng 4 năm 2019. Sau đó bắt đầu triển khai vào ngày 6 tháng 5 và hoàn thành ngày 18 tháng 2 năm 2020.

Kể từ ngày 6 tháng 5, Swiss Re đã mua lại 9,907.398 cổ phiếu với tổng giá trị mua là SF.999.999.970 (1,02 tỷ USD) với giá mua trung bình 100,93 CHF mỗi cổ phiếu. Giá cổ phiếu của Swiss Re đã tăng 0,22% vào ngày 18 tháng 2 lên 115,95 CHF.

Swiss Re cho biết, chương trình mua lại cổ phần công khai được thành lập để đạt được mục tiêu hoàn lại vốn cho các cổ đông, phù hợp với các ưu tiên quản lý vốn của công ty. Swiss Re đã quyết định chống lại đợt mua lại thứ hai thông qua một thông báo vào ngày 31/10 vừa qua.

Trong khi đó, Viện Swiss Re Institute cho biết việc sử dụng ngày càng nhiều các quan hệ đối tác công tư (PPP) để điều hành các dự án tài sản công của Nhật Bản, bao gồm cả cơ sở hạ tầng, sẽ mang đến cho các công ty bảo hiểm P&C cơ hội đạt được doanh thu phí 900 triệu USD.

Chính phủ Nhật Bản đang nhắm đến mục tiêu các dự án PPP đạt quy mô 21 nghìn tỷ Yên (191,1 tỷ USD) trong giai đoạn từ 2013 đến 2023.

Do đó, Swiss Re ước tính các quan hệ đối tác công tư, bao gồm cả việc thay thế cơ sở hạ tầng cũ như cầu và cửa ngăn nước, vẫn sẽ được hoàn thành vào năm 2018, sẽ tạo ra 900 triệu đô la phí bảo hiểm mới hàng năm cho các công ty bảo hiểm Nhật Bản. Doanh thu phí bảo hiểm có thể đạt được đối với tất cả các nghiệp vụ như tài sản, trách nhiệm pháp lý, gián đoạn kinh doanh và giám đốc và người điều hành.

Báo cáo lưu ý: “Chuyên gia quản lý và sáng kiến của khu vực tư nhân sẽ giới thiệu hiệu quả hoạt động mới và giảm bớt áp lực đối với ngân sách công cộng do chi tiêu cho việc duy trì và thay thế cơ sở hạ tầng cũ. Đồng thời, những nhượng bộ trong PPP mở ra khả năng có sự tham gia lớn hơn của các nhà đầu tư tổ chức khu vực tư nhân trong việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng công cộng”.

Lợi nhuận Swiss Re gia tăng cho dù chịu ảnh hưởng của thảm họa

(INN) – Lợi nhuận ròng năm 2019 của Swiss Re đã tăng 73% lên 727 triệu đô la Mỹ cho dù phải gánh chịu thiệt hại 2,7 tỷ đô la Mỹ từ các thảm họa tự nhiên và nhân tạo.

Chi phí bồi thường bảo hiểm tại chi nhánh bảo hiểm thiệt hại tại Hoa Kỳ và Công ty Corporate Solutions gây ra khoản lỗ ròng 647 triệu đô la Mỹ, tuy nhiên thu nhập ròng của Công ty Tái bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe (L&H Re) tăng 18% lên 899 triệu đô la Mỹ.

“Kết quả kinh doanh năm 2019 của chúng tôi chịu ảnh hưởng từ các yếu tố gồm tổn thất nặng nề từ thảm họa tự nhiên, gia tăng bồi thường bảo hiểm thiệt hại tại Hoa Kỳ và sự hành động quản lý quyết đoán của Lãnh đạo Tập đoàn để tái định vị công ty Corporate Solutions”, ông Christian Christian Mumenthaler, Giám đốc điều hành, nhận định.

“Tập đoàn đang thực hiện các biện pháp chủ động để tránh được các xu hướng bất lợi.”

“Mặt khác, chúng tôi đã đạt được một kết quả đầu tư tuyệt vời và hiệu quả mạnh mẽ của công ty L&H Re, thể hiện sức mạnh của mô hình kinh doanh đa dạng”.

“Và chúng tôi đang bắt đầu năm 2020 với chất lượng danh mục được cải thiện, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của hoạt động tái tục trong tháng 1 và đà tăng giá phí bảo hiểm”.

Swiss Re nỗ lực cắt giảm khí thải carbon vì môi trường

(INN) – Swiss Re tăng cường ứng phó với mối đe dọa biến đổi khí hậu bằng cách công bố một loạt các biện pháp nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon.

Năm 2018, công ty tái bảo hiểm đã tiết lộ chính sách than nhiệt. Còn bây giờ, họ đã có những bước đi xa hơn.

Theo đó, Swiss Re sẽ “giảm dần sự hỗ trợ kinh doanh” trong hoạt động đánh giá rủi ro và quản lý tài sản đối với 10% các nhà sản xuất dầu và khí đốt sử dụng nhiều carbon nhất trên thế giới. Tiến tới ngừng hỗ trợ hoàn toàn cho các công ty này vào năm 2023.

“Tập đoàn sẽ ngừng cung cấp bảo hiểm/tái bảo hiểm cũng như ngừng đầu tư vào các công ty dầu khí sử dụng nhiều carbon nhất”, Swiss Re cho biết.

“Đối với các hoạt động của riêng mình, SwissRe cam kết đạt được mục tiêu phát thải bằng không vào năm 2030”.

Giám đốc điều hành Christian Mumenthaler chia sẻ: “mỗi công ty đều có nghĩa vụ” đóng góp cho việc chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.

“Trong 40 năm qua, SwissRe đã cảnh báo về tác động của biến đổi khí hậu và thực hiện các biện pháp tiến bộ để giảm khí thải”, ông nói.

“Hôm nay chúng tôi đang thông báo các bước tiếp theo của chúng tôi trên hành trình này để giải phóng toàn bộ mô hình kinh doanh của chúng tôi và thực hiện theo các cam kết phát thải ròng bằng không”.

Lợi nhuận bảo hiểm P&C của Allianz giảm sút

(INN) – Năm 2019, công ty bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) của Allianz đã giảm 11,9% lợi nhuận hoạt động xuống còn 5 tỷ euro (8,2 tỷ USD) mặc dù tạo ra doanh thu tăng 59,2 tỷ euro (97 tỷ USD), tăng 6,8% so với năm 2018.

Allianz cho biết, thu nhập đã bị ảnh hưởng bởi việc “tăng cường các quỹ dự phòng” tại Allianz Global Corporate & Special (AGCS).

“Kết quả khối kinh doanh P&C của chúng tôi đạt dưới mức kỳ vọng vào năm 2019, cùng với việc tăng cường trích lập các quỹ dự phòng đáng thất vọng tại AGCS đã tước hết thành quả có được từ một năm tai nạn ổn định, thu nhập tốt từ đánh giá rủi ro và tăng năng suất”, Giám đốc Tài chính Giulio Terzario nói.

Tỷ lệ kết hợp P&C giảm 1,5 điểm phần trăm xuống 95,5% vào năm ngoái.

Trong quý IV, doanh thu P&C tăng 7,5% lên 13,1 tỷ euro (21,5 tỷ USD) nhưng lợi nhuận hoạt động giảm 42,3% xuống 861 triệu euro (1,41 tỷ USD) do cùng lý do ảnh hưởng đến thu nhập cả năm. Tỷ lệ kết hợp làm xấu đi 5,5 điểm phần trăm, tăng lên 99,6%.

Năm 2019, Allianz đạt được tổng thu nhập ròng là 8,3 tỷ euro (13,59 tỷ đô la), tăng 7,8%. Trong đó, quý IV đạt mức tăng 11,2% lên gần 2 tỷ euro (3,3 tỷ đô la).

Axa XL thực hiện các bước để tăng thu nhập, bổ nhiệm CEO mới

(INN) – Công ty bảo hiểm Axa có trụ sở tại Paris đã cảnh báo thu nhập thuần sẽ bị ảnh hưởng trong năm nay từ các chi phí nhằm bảo vệ thu nhập tại Axa XL. Công ty cũng vừa tuyên bố bổ nhiệm CEO mới để điều hành hoạt động.

Việc kinh doanh của công ty con Axa XL bị ảnh hưởng do mức phí thảm họa tự nhiên cao hơn bình thường trong năm 2019.

Công ty cho biết họ đã thực hiện các bước để giảm biến động thu nhập, chi 200 triệu euro (301,56 triệu USD) để giảm rủi ro thảm họa và tăng tái bảo hiểm.

Theo dự báo của ban điều hành, công ty XL, có tỷ lệ kết hợp 101,5% vào năm ngoái, sẽ đạt được thu nhập cơ bản 1,2 tỷ euro (1,81 tỷ USD) trong năm nay, so với 507 triệu euro (764,45 triệu USD) vào năm 2019.

Axa đã mua lại Tập đoàn XL có trụ sở tại Bermuda vào tháng 9 năm 2018 trong một thỏa thuận chuyển đổi hoạt động kinh doanh của Axa, từ chủ yếu là bảo hiểm nhân thọ và tiết kiệm sang chủ yếu là tài sản và thiệt hại. Axa XL chiếm khoảng 1/5 doanh thu Tập đoàn trong năm 2019.

CEO mới của Axa XL là ông Scott Gunter, người trước đây là Phó Tổng Giám đốc cấp cao tại Chubb. Ông kế nhiệm cho ông Greg Hendrick.

Axa, công ty bảo hiểm lớn thứ hai ở châu Âu sau Allianz, đã công bố mức tăng 4% thu nhập cơ bản năm 2019. Doanh thu tăng lên 103,5 tỷ euro (156,06 đô la).

Thu nhập cơ bản của Bảo hiểm Tài sản & Thiệt hại tăng 12% lên 3,3 tỷ euro (4,98 tỷ USD).

Tỷ lệ kết hợp bảo hiểm tài sản và thiệt hại của Axa là 96,4%, cải thiện 0,6%, trong khi tỷ lệ kết hợp bảo vệ được cải thiện 0,7% về 93,2%. Tỷ lệ kết hợp sức khỏe tăng 0,1% lên 94,1%.

Tại Axa XL, tổng doanh thu tăng 10% với 18,7 tỷ euro (28,2 tỷ USD).

Doanh thu bảo hiểm P&C của Axa XL đã tăng 18% lên 9,1 tỷ euro (13,72 tỷ USD) trong khi doanh thu bảo hiểm chuyên biệt tăng 6% lên 4,9 tỷ euro (7,39 tỷ USD). Doanh thu tái bảo hiểm tăng 2% đạt 4,5 tỷ euro (6,79 tỷ USD).

BTV (Tổng hợp).