Úc khởi động vụ kiện thứ hai về BH gián đoạn kinh doanh; Các hãng bảo hiểm chịu tổn thất lớn vì COVID; MIC và BIC cùng Hải Dương đẩy lùi dịch bệnh
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
Cháy kho chứa nệm mút ở Bình Dương, người dân lo lắng dọn đồ đạc
(TNO) – Sáng 22/2, một vụ cháy kho chứa nệm mút xảy ra ở P.Thuận Giao (TP.Thuận An, Bình Dương) khiến người dân địa phương hoảng sợ dọn đồ chạy cháy.
Khoảng 7 giờ 30 ngày 22.2, người dân P.Thuận Giao (TP.Thuận An, Bình Dương) phát hiện một đám cháy ở phòng trọ và kho chứa nệm mút, sau đó lan sang một xưởng gỗ…
Cột khói từ đám cháy nhanh chóng bốc cao. Ngọn lửa uy hiếp những khu phòng trọ và nhà dân ở lân cận đám cháy.
Nhiều người dân hoảng sợ đã ôm đồ tháo chạy và di chuyển đồ đạc ra ngoài, đề phòng cháy lan.
Cảnh sát PCCC Công an TP.Thuận An và tỉnh Bình Dương đã huy động 10 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ chiến đến hiện trường để dập lửa.
Do khu vực xảy ra cháy có đường vào nhỏ hẹp và kho chứa nệm mút nằm khuất ở phía trong khu nhà ở, nên cảnh sát PCCC phải đu dây qua mái nhà dân để phun nước dập lửa. Sau khoảng hơn một giờ, đám cháy kho chứa nệm mút ở Thuận An, Bình Dương đã cơ bản được dập tắt.
- Một vòng doanh nghiệp
Hanwha Life duy trì ổn định và tăng trưởng trong một năm đặc biệt
(TBTCVN) – Hanwha Life Việt Nam đã vượt qua năm 2020 với nhiều khó khăn chồng chất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để duy trì hoạt động ổn định và tăng trưởng bền vững, với gần 3.400 tỷ đồng tổng doanh thu phí, dự kiến lợi nhuận hơn 300 tỷ đồng.
Đây là lần đầu tiên Hanwha Life có lợi nhuận trong hai năm liên tiếp. Điều này có được nhờ công ty luôn kiên định với chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường hợp tác với các đối tác, đa dạng, mở rộng kênh phân phối và lan tỏa thương hiệu mạnh mẽ. Đồng thời, khẳng định vai trò là doanh nghiệp vì cộng đồng, đồng hành cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 cam go vừa qua.
Với nỗ lực mang đến dịch vụ thuận tiện và sáng tạo hơn, Hanwha Life Việt Nam là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ có hệ thống thanh toán rộng nhất thị trường khi kết nối gần như với tất cả các ngân hàng thương mại, ví điện tử, các cổng thanh toán điện tử và điểm thu trực tiếp. Cụ thể, trong quý III/2020, Hanwha Life Việt Nam liên tiếp hợp tác với các đối tác FinTech (công nghệ tài chính) như: MoMo, Payoo, Viettel Pay và QRCode-VNPay, để số hóa kênh thanh toán phí bảo hiểm. Bên cạnh các kênh ví điện tử, mạng lưới thanh toán phí của Hanwha Life Việt Nam hiện phủ sóng rộng khắp khi kết nối với các ngân hàng thương mại lớn và đối tác thu phí trực tiếp tại 23.000 điểm giao dịch của Việt Nam Post, Viettel Post và các cửa hàng liên kết với đơn vị thanh toán trung gian Payoo.
Một trong những mục tiêu lớn của chuyển đổi số là nâng cao hiệu quả hoạt động cho lực lượng kinh doanh (sale force) khi các ứng dụng hiện có như E-submission giúp tư vấn tài chính quản lý khách hàng tiềm năng và nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm một cách hiệu quả với 100% hồ sơ yêu cầu bảo hiểm tại Hanwha Life Việt Nam đã được tự động hóa với hệ thống này… Cùng với E-submission, các nền tảng hiện đại khác như FC-portal dành cho hoạt động kinh doanh và E-recruitment dành cho hoạt động tuyển dụng trực tuyến đã giúp cho đội ngũ tư vấn tài chính hoạt động ngày càng hiệu quả hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn công ty.
Chuyển đổi số không chỉ tập trung vào nâng cao trải nghiệm, tạo sự khác biệt trong chất lượng phục vụ, hỗ trợ đội ngũ kinh doanh hiệu quả mà xa hơn nữa là hướng đến việc trở thành công ty bảo hiểm được tin cậy nhất Việt Nam vào năm 2025.
Theo đó, Hanwha Life Việt Nam đang hoàn thiện ứng dụng thông minh cho khách hàng trên nền tảng di động. Ứng dụng mobile mang lại nhiều tiện ích như cho phép số hóa dữ liệu (digitalize data), cung cấp hợp đồng trực tuyến (ePolicy), thẩm định, phát hành bảo hiểm tự động (auto underwriting & issuance) và thanh toán trực tuyến (e-payment). Không chỉ mang lại nhiều tiện ích, ứng dụng dành cho khách hàng còn giúp nâng cao trải nghiệm, mang lại giá trị cộng thêm và tạo ra một hệ sinh thái hoàn thiện cho khách hàng trên nền tảng kỹ thuật số.
Chuyển đổi số còn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động cho lực lượng kinh doanh. Theo đó, cổng thông tin dành cho tư vấn tài chính trên nền tảng Zalo (Zalo for Sale), ứng dụng kinh doanh tự động (sale force automation platform), công cụ quản lý kinh doanh… và nền tảng học trực tuyến (e-learning) cũng sắp ra mắt. Điểm nổi bật của các nền tảng kinh doanh thông minh và tự động hóa này là tích hợp các công cụ hữu ích như học trực tuyến, bán hàng trực tuyến, tuyển dụng trực tuyến, tư vấn trực tuyến và sản phẩm trực tuyến giúp cho lực lượng tư vấn cung cấp dịch vụ đến khách hàng một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Hướng đến mục tiêu trở thành công ty được tín nhiệm vào năm 2025, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo sự gắn kết và lòng tự hào của nhân viên cũng là một trong những mục tiêu được Hanwha Life chú trọng. Theo đó, ứng dụng dành cho các thành viên của Hanwha Life (bao gồm nhân viên, các tư vấn tài chính) cũng đang được phát triển. Thông qua ứng dụng này, bên cạnh những tính năng vui nhộn và thiết thực, đây cũng là công cụ giúp nhân viên hiểu sâu hơn về Hanwha.
Có thể nói năm 2020 là năm của hợp tác và hoàn thiện hệ sinh thái đa dạng cho khách hàng trong bối cảnh ngành bảo hiểm đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Theo đó, thị trường bảo hiểm nhân thọ toàn cầu đang chứng kiến khoảng cách giữa kinh doanh tài chính và phi tài chính đang dần được xóa bỏ và các công ty tài chính được trang bị công nghệ (FinTech) đang tác động mạnh mẽ đến ngành tài chính. Đón đầu cho xu hướng đột phá mới trong ngành bảo hiểm, Hanwha Life Việt Nam đã liên tục hợp tác với các đối tác tài chính và phi tài chính bởi nhóm khách hàng trẻ và Millennial ngày càng mong muốn những sản phẩm và dịch vụ hiệu quả hơn. Vì vậy, để phục vụ khách hàng tốt hơn, Hanwha Life Việt Nam đã và đang đẩy mạnh việc hợp tác với các đối tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử…, để cung cấp các dịch vụ toàn diện hơn và tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các dịch vụ trên nền tảng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh các đối tác FinTech như MoMo, Payoo, Viettel Pay và QRCode-VNPay, công ty còn liên tục mở rộng hợp tác với các đối tác lớn như YAN Financial, LOTTE Finance và Gen Solutions để mở rộng kênh phân phối. Các hợp tác này còn giúp Hanwha Life Việt Nam từng bước tiến tới mục tiêu lâu dài là mang đến những sản phẩm và dịch vụ gia tăng an toàn, tiện lợi nhất cho khách hàng…
Generali Việt Nam khép lại một năm gặt hái nhiều thành tựu
(TBTCVN) – Trong tháng cuối cùng của năm 2020, Generali Việt Nam đã chính thức khai trương Generali Plaza – Trụ sở chính mới của công ty tại số 43 – 45 Tú Xương, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Generali Plaza có không gian rộng mở, thiết kế tinh tế, thân thiện môi trường, tiện ích đa dạng cùng trang thiết bị hiện đại và công nghệ trí tuệ nhân tạo tối tân.
Lễ khai trương Generali Plaza vinh dự được đón tiếp ông Dante Brandi – Tổng Lãnh sự Italia tại TP. Hồ Chí Minh. Ông Dante Brandi đã đánh giá cao cam kết và những đóng góp Generali mang lại cho thị trường Việt Nam, không những góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương Việt – Ý mà còn hỗ trợ, hợp tác lâu dài với các tổ chức của Ý tại Việt Nam.
Tọa lạc ngay trung tâm thành phố, giao thông thuận tiện,Generali Plaza sẽ là nơi đón tiếp, phục vụ khách hàng của Generali tại TP. Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Generali Plaza có tổng diện tích khoảng 5.000 m2 với kiến trúc cảnh quan ấn tượng, mang đậm phong cách của một quảng trường châu Âu. Bên cạnh những sản phẩm dịch vụ vượt trội luôn được đổi mới, nâng cấp, Generali Plaza là minh chứng sống động cho những nỗ lực của Generali nhằm không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Bà Tina Nguyễn – Tổng giám đốc Generali Việt Nam chia sẻ: “Trong văn hóa Ý, “plaza” (quảng trường) chính là nhịp đập của mỗi đô thị và là hơi thở cuộc sống của mỗi người dân. Với ý nghĩa này, “hơn cả một nơi làm việc”, Generali Plaza sẽ là nơi đội ngũ nhân viên và tư vấn viên của Generali Việt Nam được sống và cống hiến hết mình, trọn vẹn với đam mê và nhiệt huyết, thể hiện văn hóa “SOHI” đặc trưng của Generali. Đó là Simplification, Ownership, Human Touch, Innovation – Đơn giản, Chủ động, Thấu cảm, Sáng tạo. Tôi tin rằng điều này sẽ góp phần giúp Generali xây dựng một nguồn nhân lực hạnh phúc, để từ đó lan tỏa hạnh phúc đến khách hàng và cộng đồng”.
Generali Plaza sẽ là nơi làm việc tập trung của toàn bộ đội ngũ nhân viên của Generali tại TP. Hồ Chí Minh, từ đó nâng cao tương tác, gắn kết, hiệu quả phối hợp giữa các phòng ban. Không gian làm việc chính có bố cục mở, kết nối với nhiều khu vực tiện ích chung, với trang thiết bị hiện đại. Các góc thảo luận lên ý tưởng, phòng làm việc nhóm được trang bị màn hình tương tác, công nghệ họp trực tuyến, wifi thông minh. Hệ thống nhận diện gương mặt, đánh giá cảm xúc, đo thân nhiệt…, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI sẽ là một điểm nhấn công nghệ tại Generali Plaza. Khu vực đào tạo, huấn luyện (GenAcademy) cùng sảnh tập trung (SOHI town hall) có diện tích rộng rãi, trang thiết bị hiện đại, thiết kế mái vòm đẹp mắt, cho phép Generali tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện đào tạo, gắn kết nhân viên, tư vấn viên, đối tác, khách hàng.
Generali Plaza thể hiện cam kết thực hiện chính sách nhân sự chiến lược của tập đoàn là khuyến khích sự đa dạng và hòa nhập (Diversity & Inclusion) với các lối đi riêng, nhà vệ sinh chuyên biệt dành cho người khuyết tật, phòng sinh hoạt dành riêng cho những nhân viên nữ có con nhỏ (nursing room)… Generali Việt Nam cũng chú trọng thúc đẩy cân bằng công việc và cuộc sống cho nhân viên với những tiện ích như phòng tập gym, nhiều không gian giải lao, quán cà phê thư giãn ngay tại Generali Plaza.
Việc khai trương Generali Plaza đánh dấu cột mốc quan trọng, thể hiện cam kết hoạt động và phát triển lâu dài của Generali tại Việt Nam, một thị trường trọng điểm của Tập đoàn Generali tại châu Á.
Doanh nghiệp này vừa trải qua một năm với thử thách và cơ hội song hành, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các ngành nghề. Với chiến lược ứng phó linh hoạt cùng nỗ lực không ngừng của cả tập thể, Generali Việt Nam đã chủ động biến thử thách thành cơ hội, biến cơ hội thành hiện thực để có được một năm 2020 thành công trên nhiều phương diện.
Các quy trình vận hành, dịch vụ của công ty hầu hết đã được số hóa hiệu quả. Tất cả các kênh phân phối đều có tăng trưởng cao. Những cam kết và nỗ lực không ngừng của Generali trong việc tăng cường trải nghiệm khách hàng, đặc biệt là trong quy trình giải quyết quyền lợi cho khách hàng đã được đền đáp xứng đáng khi chỉ số đo lường mức độ hài lòng toàn phần của khách hàng (R-NPS) tăng liên tục và đã vươn lên dẫn đầu thị trường trong quý III/2020.
Generali cũng tăng cường các dịch vụ cộng thêm cho khách hàng và cộng đồng với các hoạt động và tính năng bổ ích trên hệ sinh thái kỹ thuật số GenVita như VITA-Rewards, Alo Dr. Gen, GenGo, GenXPlain…
Doanh nghiệp cũng được ghi nhận với các giải thưởng và chứng nhận danh giá: “Top 10 Doanh nghiệp có nguồn nhân lực hạnh phúc” theo khảo sát của Anphabe; “Doanh nghiệp vì cộng đồng – Saigon Times CSR 2020” của Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho chương trình “Sinh con, sinh cha”; giải thưởng “Chiến dịch Tiếp thị của năm”, do tạp chí Bảo hiểm châu Á trao tặng cho chiến dịch “Sống Như Ý”.
BIC ưu đãi 20% phí bảo hiểm sức khỏe nhân ngày Quốc tế phụ nữ
(BIC) – Chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) gửi tặng khách hàng chương trình khuyến mại “Ưu đãi ngập tràn, gửi trọn yêu thương” khi mua bảo hiểm sức khỏe trực tuyến.
Theo đó, từ ngày 01/03/2021 đến ngày 15/03/2021, khách hàng mua bảo hiểm sức khỏe tại website https://baohiemtructuyen.com.vn hoặc qua ứng dụng BIC Online sẽ được giảm ngay 20% phí bảo hiểm. Chương trình áp dụng cho khách hàng lần đầu tham gia bảo hiểm sức khỏe tại BIC.
Bảo hiểm sức khỏe từ lâu đã trở thành một món quà ý nghĩa dành cho phái đẹp trong ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Tại BIC, khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và tai nạn cá nhân BIC Tâm An có thể thỏa sức lựa chọn 1 trong 9 chương trình bảo hiểm với quyền lợi đa dạng cùng mức phí bảo hiểm linh hoạt. Tổng mức chi trả lên của BIC Tâm An lên tới 1 tỷ đồng trong khi phí bảo hiểm chỉ từ 100.000 đồng/tháng. Khách hàng không cần kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia bảo hiểm, đồng thời được hưởng dịch vụ bảo hiểm viện phí tại hơn 100 bệnh viện, cơ sở y tế cao cấp, uy tín có liên kết với BIC trên toàn quốc. Đặc biệt, khách hàng không cần chi trả thêm bất cứ chi phí nào thuộc phạm vi bảo hiểm.
- Nhịp đập thị trường
Những tranh chấp bồi thường bảo hiểm kéo dài
(ĐTCK) – Tỷ lệ chi trả bồi thường luôn tỷ lệ nghịch với lợi nhuận, nên việc nhà bảo hiểm tìm cách giảm tỷ lệ này ở mức thấp nhất là dễ hiểu, nhưng nếu vì thế để xảy ra tranh chấp thì không nên.
Thực tế, tình trạng tranh chấp bồi thường bảo hiểm vẫn khá phổ biến trong năm qua, trong đó đa phần người tham gia bảo hiểm là bên chịu thiệt nên xảy ra tranh chấp. Chẳng hạn, Bảo hiểm AAA vướng vào 2 vụ tranh chấp, khách hàng đều gửi đơn thư khiếu nại tới cơ quan chức năng đề nghị can thiệp.
Đầu tiên, Công ty TNHH Bắc Hà cho biết, toàn bộ đội xe của doanh nghiệp đã tham gia bảo hiểm tại Bảo hiểm AAA từ năm 2015 đến nay, trong đó có bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới cho xe ô tô biển kiểm soát 17C-07308. Vào ngày 26/6/2019, tại xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, lái xe này do không chú ý quan sát khi lùi xe đã gây tai nạn khiến 1 người tử vong.
Nhà bảo hiểm đã tiến hành xử lý vụ việc, nhưng phía khách hàng cho rằng quyết định của Bảo hiểm AAA chưa đúng cả về thời gian giải quyết và số tiền bồi thường nên khiếu nại và đề nghị bồi thường theo đúng số tiền mà khách hàng đã phải chi để khắc phục tổn thất do lái xe gây ra theo pháp luật bảo hiểm và các quy định liên quan.
Trả lời Công ty Bắc Hà, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết, theo quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 của Bộ Tài chính, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn (Điều 9) và về nguyên tắc bồi thường bảo hiểm, đối với vụ tai nạn được cơ quan có thẩm quyền xác định nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của bên thứ ba thì mức bồi thường bảo hiểm về người đối với các đối tượng thuộc bên thứ ba bằng 50% mức bồi thường quy định tại Phụ lục 6, thông tư này (Điều 13). Trường hợp các bên không thống nhất được cách thức giải quyết bồi thường thì có thể đưa vụ việc ra tòa án theo quy định tại Khoản 3, Điều 26 – Bộ luật Tố tụng dân sự.
Ngày 24/12/2020, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm có văn bản yêu cầu Bảo hiểm AAA rà soát lại và đảm bảo việc giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định pháp luật cũng như hợp hồng bảo hiểm, báo cáo và có văn bản trả lời bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.
Thứ hai, CTCP Tư vấn đầu tư xây dựng Chí Cường cũng đề nghị cơ quan này tiến hành thanh tra, kiểm tra việc giải quyết bồi thường thiệt hại trách nhiệm dân sự của Bảo hiểm AAA đối với chủ xe ô tô biển kiểm soát 29C-473.07, yêu cầu nhà bảo hiểm tuân thủ kết luận của cơ quan công an và Thông tư 22/2016/TT-BTC bồi thường đủ mức trách nhiệm bảo hiểm số tiền 100 triệu đồng.
Ngoài ra, Công ty Chí Cường còn yêu cầu làm rõ hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm của Bảo hiểm AAA trong vụ việc này để xử lý theo quy định tại Điều 14 – Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, được sửa đổi tại Nghị định số 48/2018/NĐ-CP đối với hành vi “giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra”. Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đã có công văn đề nghị Bảo hiểm AAA rà soát việc này.
Mới nhất, vào cuối năm 2020, một công ty bảo hiểm thuộc tốp đầu về doanh thu bán bảo hiểm xe cũng vướng tranh chấp tương tự. Hiện tại, vụ việc vẫn đang trong quá trình giải quyết.
Cụ thể, Công ty Hòa Thắng cho anh Thư mượn xe. Trên đường về quê, anh Thư giao anh Thành (anh trai) lái xe và bị tai nạn. Anh Thành đền cho chủ xe 80 triệu đồng, xe sửa hết 311 triệu đồng, nhưng nhà bảo hiểm chỉ bồi thường 167 triệu đồng theo kết luận của hội đồng định giá, đồng thời trừ 80 triệu đồng mà lái xe hỗ trợ chủ xe.
Theo ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair (Infair), hiện không có căn cứ pháp lý nào cho phép nhà bảo hiểm trừ số tiền này khi bồi thường cho chủ xe. Ông cũng cho biết, đa số quy tắc bảo hiểm của các công ty bảo hiểm đều quy định chủ xe phải bảo lưu quyền đòi bên thứ ba có lỗi cho nhà bảo hiểm trong trường hợp tổn thất có liên quan đến trách nhiệm của bên thứ ba, nhưng không có quy định thể hiện lái xe phải đền bù cho chủ xe hoặc đền bù lại cho nhà bảo hiểm khi lái xe (không phải là chủ xe) gây thiệt hại.
“Điều 49 – Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định chủ xe phải bảo lưu quyền đòi bên thứ ba có lỗi cho nhà bảo hiểm trong trường hợp tổn thất có liên quan đến trách nhiệm của bên thứ ba. Tuy nhiên, trong trường hợp này, trách nhiệm giữa lái xe và chủ xe là trách nhiệm trong hợp đồng, lái xe không phải là bên thứ ba nên không có trách nhiệm đền bù lại cho nhà bảo hiểm. Hay nói cách khác, nhà bảo hiểm không được trừ số tiền lái xe đã đền bù cho chủ xe”, ông Xuân nêu quan điểm.
- Bảo hiểm với cộng đồng
Bảo hiểm Quân đội trao quà tặng 100 triệu đồng cho y, bác sỹ CDC tỉnh Hải Dương
(MIC) – Ngày 5/2/2021 vừa qua, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) trao quà tặng trị giá 100 triệu đồng cho các y bác sỹ tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương đang trực tiếp tham gia công tác chống dịch Covid – 19.
Trong những ngày cuối năm dịch Covid – 19 bất ngờ bùng phát trở lại với nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Bên cạnh đó tình trạng lây lan nhanh do biến thể của chủng mới khiến công tác ứng phó chống dịch càng trở nên gấp rút để chúng ta có thể bình an đón Tết. Đặc biệt tại Hải Dương, địa phương trở thành ổ dịch lớn của cả nước đã gấp rút khoanh vùng cách ly trên diện rộng để hạn chế tối đa tình trạng lây lan. Tại đây các y bác sỹ thuộc CDC Hải Dương đang ngày đêm không ngủ, cố gắng phân loại hàng nghìn mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm nhanh chóng để khoanh vùng không để dịch lây lan rộng.
Đứng trước tình hình đó Ban Lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) vô cùng cảm kích trước những khó khăn, vất vả của các y bác sỹ, những vết hằn đỏ vì khẩu trang, những giọt mồ hôi… để đổi lại sự an toàn, bình yên cho cộng đồng. Bên cạnh đó không thể không kể đến những hy sinh thầm lặng, đối mặt với nguy cơ cao lây nhiễm, bỏ lại những phút giây sum họp bên gia đình dốc sức mình ngày đêm chiến đấu đẩy lùi đại dịch để toàn dân ta đón năm mới bình an, mạnh khỏe. MIC trân trọng trao quà tặng 100 triệu đồng tới tập thể y bác sỹ và Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Hải Dương.
Thông qua đó MIC hy vọng hành động ý nghĩa này sẽ lan tỏa trong cộng đồng để chung tay chiến đấu chống lại đại dịch. Đây cũng là nguồn cổ vũ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin giúp các y bác sỹ yên tâm nơi tuyến đầu chống dịch.
Công cuộc chống dịch, ngăn chặn lây lan là chìa khóa quyết định giúp Việt Nam sớm đẩy lùi dịch bệnh sớm khôi phục nền kinh tế. Qua đây MIC kính chúc các y bác sỹ- những người tiên phong tuyến đầu chống dịch luôn vững vàng, khỏe mạnh bảo vệ cộng đồng trong giai đoạn cấp bách như hiện nay..
Trước đó MIC đã có nhiều hoạt động tích cực trong công tác chung tay chống dịch là doanh nghiệp bảo hiểm vì cộng đồng tiên phong hàng đầu tài trợ chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin nano covax. Trong làn sóng Covid -19 lần 2 tại Quảng Nam, Đà Nẵng, MIC đã nhanh chóng hỗ trợ cho bà con tại các vùng cách ly 150 triệu đồng giúp mua sắm trang thiết bị và nhu yếu phẩm chống dịch. Với sứ mệnh trở thành điểm tựa vững chắc cho khách hàng, bảo vệ trước mọi rủi ro song hành cùng chiến lược phát triển kinh doanh, MIC luôn tiên phong tham gia các hoạt động cộng đồng và dần trở thành thương hiệu bảo hiểm nhận được sự tin yêu của hàng triệu khách hàng cũng như các thương hiệu lớn.
BIC chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 tại Hải Dương
(BIC) – Vừa qua, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã phối hợp với Tỉnh đoàn Hải Dương và Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương trao quà hỗ trợ tới lực lượng tuyến đầu chống dịch tại Hải Dương.
Hiện nay, toàn tỉnh Hải Dương có hơn 600 ca nhiễm Covid-19 tại tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố. Điều này tạo ra áp lực rất lớn cho hệ thống y tế, đội ngũ y bác sỹ cũng như lực lượng công an, quân đội và các tình nguyện viên của tỉnh trong hoạt động phòng, chống dịch. Nhằm kịp thời động viên các “chiến sỹ” trên tuyến đầu chống dịch khắc phục khó khăn, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, BIC đã thông qua Tỉnh đoàn Hải Dương và Trung tâm y tế thành phố gửi tặng lực lượng tuyến đầu các trang thiết bị y tế (như găng tay, kính chắn giọt bắn, quần áo bảo hộ…) và nhu yếu phẩm (sữa, mỳ tôm, nước…) để phục vụ cho “cuộc chiến” chống Covid-19.
Đây là hành động thể hiện tinh thần nhân ái, trách nhiệm chung tay vì cộng đồng của cán bộ nhân viên BIC, góp phần thiết thực hỗ trợ cho Hải Dương có thêm nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn hiện nay. BIC hy vọng hoạt động ý nghĩa này sẽ như một lời kêu gọi tới cộng đồng cũng như các doanh nghiệp trên toàn quốc cùng chung tay, quyết tâm cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh Covid-19.
- Tin quốc tế
Munich Re tiết lộ lợi nhuận giảm đáng kể
(IBM) – Munich Re đã trở thành nhà khổng lồ tái bảo hiểm mới nhất tiết lộ tác động của COVID-19 đối với kết quả kinh doanh cả năm 2020 và mặc dù công ty đã công bố lợi nhuận 1,2 tỷ Euro, giảm đáng kể so với con số 2,7 tỷ Euro năm 2019.
Munich Re lưu ý rằng năm tài chính 2020 được đánh dấu bởi tổn thất cao liên quan đến đại dịch COVID-19, và trong lĩnh vực tái bảo hiểm, thiệt hại do đại dịch gây ra là 3,4 tỷ Euro, với hơn 3 tỷ Euro trong số này là do tái bảo hiểm tài sản-tai nạn.
Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh vì tác động của COVID, Tập đoàn lưu ý rằng họ sẽ đạt được mục tiêu lợi nhuận dự kiến ban đầu là 2,8 tỷ Euro mà họ đã tự rút lại vào tháng 3 năm 2020. Quý 4 năm 2020 cho thấy xu hướng được cải thiện với lợi nhuận 212 triệu Euro, chỉ giảm nhẹ so với mức 217 triệu Euro của năm trước.
Kết quả hoạt động của Munich Re giảm so với cùng kỳ năm trước xuống 1,98 tỷ Euro từ 3,43 tỷ Euro vào năm 2019, trong khi kết quả ngoài hoạt động kinh doanh là lỗ 83 triệu Euro, cải thiện một chút so với khoản lỗ 91 triệu Euro năm trước.
Trong một số tin tốt, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 54,89 tỷ Euro từ 51,46 tỷ Euro năm 2019. Nhà tái bảo hiểm cũng lưu ý rằng tháng 1 năm 2021 đã cho thấy mức tăng phí bảo hiểm tái tục là 10,9% và giá phí tăng 2,4%.
Trong năm tài chính 2020, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (RoE) lên tới 5,3% và căn cứ vào sự chấp thuận của Ban kiểm soát và ĐHCĐ, hãng dự kiến sẽ chi trả mức cổ tức ổn định 9,80 €/CP.
Ông Joachim Wenning, Chủ tịch HĐQT Munich Re, lưu ý rằng, bất chấp COVID và tất cả những thách thức liên quan, hãng đã kết thúc năm 2020 với lợi nhuận rõ ràng và cổ tức vẫn đáng tin cậy. Ông cho biết, vào năm 2021, doanh nghiệp dự kiến sẽ đạt được mục tiêu lợi nhuận mà họ đã đề ra trước đại dịch và tất cả các yếu tố đã sẵn sàng để phục vụ cho mục tiêu này.
“Hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm của chúng tôi có vị trí lý tưởng để kiên quyết khai thác các cơ hội tăng trưởng có lãi trong môi trường thị trường được cải thiện,” ông nói. “… Chúng tôi đang hạn chế khởi động chương trình mua lại cổ phần mới vào thời điểm này, bởi vì các cổ đông của chúng tôi sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ các khoản đầu tư vào các cơ hội kinh doanh hấp dẫn hiện đang xuất hiện”.
Allianz bị tổn thất 1,3 tỷ Euro do COVID
(INN) – Allianz cho biết, tác động của COVID-19 tới bảng cân đối kế toán của công ty năm 2020 lên tới mức 1,3 tỷ Euro, khiến lợi nhuận hoạt động giảm 9%.
Thu nhập ròng thuộc về cổ đông giảm 14% xuống còn 6,8 tỷ Euro.
Trong quý 4, doanh thu không đổi so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận hoạt động tăng 8% lên 3 tỷ Euro.
Giám đốc Tài chính Giulio Terzariol cho biết hoạt động kinh doanh cơ bản của Allianz là “rất đa dạng và lành mạnh” và công ty đang ở vị thế vốn rất mạnh mẽ.
“Chúng tôi tự tin hướng tới năm 2021,” ông nói. “Mảng kinh doanh Bảo hiểm Tài sản-Thiệt hại (P&C) hoạt động phù hợp với mục tiêu trung bình của chúng tôi về lợi nhuận hoạt động nếu các khoản lỗ liên quan đến COVID-19 được loại trừ.”
Doanh thu bảo hiểm P&C năm 2020 tăng 0,4% lên 59,4 tỷ Euro trong khi lợi nhuận hoạt động giảm 13% xuống 4,4 tỷ Euro. Tỷ lệ kết hợp cải thiện 0,8 điểm phần trăm xuống còn 96,3% vào và ông Terzariol dự kiến “tiến tới” tỷ lệ kết hợp 93% trong năm nay.
Trong quý 4, lợi nhuận hoạt động P&C tăng 2% lên 881 triệu Euro nhờ kết quả kinh doanh bảo hiểm cao hơn đáng kể, trong khi tỷ lệ kết hợp cải thiện 2,2 điểm phần trăm về 97,4% so với một năm trước đó.
Tổn thất do COVID của AIG vượt trên 1 tỷ USD
(INN) – AIG cho biết, tổn thất COVID-19 cả năm 2020 lên tới 1,1 tỷ đô la Mỹ do đại dịch ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt là du lịch.
Khối bảo hiểm phi nhân thọ đã báo cáo khoản lỗ kinh doanh bảo hiểm Quý IV là 171 triệu đô la Mỹ, bao gồm 545 triệu đô la Mỹ thiệt hại do thảm họa, tăng từ 411 triệu đô la Mỹ một năm trước đó.
Tổn thất thảm họa trong Quý IV bao gồm 367 triệu đô la Mỹ chủ yếu liên quan đến các cơn bão Sally, Zeta, Laura và Delta, cũng như 178 triệu đô la Mỹ do COVID-19.
Tổng Giám đốc Brian Duperreault, người đang chuyển sang vai trò Chủ tịch điều hành và sẽ được kế nhiệm bởi Peter Zaffino, cho biết hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ cơ bản tiếp tục cải thiện, với sự cải thiện 1,9 điểm trong tỷ lệ kết hợp năm tai nạn so với năm 2019.
Ông nói: “Chúng tôi đang quản lý hiệu quả các tác động của COVID-19 và thảm họa thiên nhiên, đồng thời duy trì lợi nhuận tốt trong môi trường bất ổn chưa từng có này.
Tổng phí bảo hiểm phi nhân thọ trong Quý IV (GWP) giảm 2% xuống còn 7,14 tỷ USD trong khi tỷ lệ kết hợp tăng lên 102,8%, so với mức 99,8% Quý IV/2019.
Swiss Re: giai đoạn tồi tệ đã qua đi
(INN) – Swiss Re cho biết, đến nay, tác động tồi tệ nhất của virus Corona (đối với thu nhập của Công ty) đã qua sau khi các vụ bồi thường liên quan đến đại dịch đã thổi bay tới 3,9 tỷ đô la Mỹ năm 2020 do gián đoạn kinh doanh, sự kiện bị hủy bỏ và tỷ lệ tử vong cao hơn.
Đại dịch đã quét sạch khoảng ba tỷ đô la Mỹ khỏi lợi nhuận ròng năm 2020của Swiss Re, dẫn đến khoản lỗ ròng là 878 triệu đô la Mỹ. Nếu loại trừ các tác động COVID chưa từng có, Swiss Re đạt lợi nhuận ròng 2,2 tỷ USD.
Nhà tái bảo hiểm dự kiến các yêu cầu bồi thường liên quan đến COVID-19 và dự trữ trong hoạt động bảo hiểm P&C ở mức dưới nửa tỷ đô la Mỹ vào năm 2021, so với 1,9 tỷ đô la Mỹ năm 2020.
Swiss Re tiết lộ cho biết, Công ty đã đạt mức tăng giá phí danh nghĩa 6,5% vào kỳ tái tục tháng 1 đối với Tái bảo hiểm P&C, và cùng với việc tập trung vào chất lượng danh mục sản phẩm, điều này sẽ cho phép cải thiện tỷ lệ kết hợp trong năm nay, ước tính là dưới 95%, so với 99,8% vào năm 2020 không bao gồm tổn thất COVID-19 và 109% đã bao gồm các tổn thất COVID-19.
Giám đốc điều hành của Swiss Re’s Group, Christian Mumenthaler, chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng vào triển vọng năm 2021 với phần lớn các khoản lỗ COVID-19 đã ở phía sau”.
“Chúng tôi mong muốn cải thiện lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm P&C là kết quả của việc chúng tôi tập trung vào chất lượng danh mục sản phẩm và môi trường thị trường thuận lợi.”
Tái bảo hiểm P&C báo lỗ ròng 247 triệu đô la Mỹ nhưng hoạt động cơ bản vẫn tốt, với thu nhập ròng đạt 1,3 tỷ đô la Mỹ không bao gồm tác động của COVID-19, gần gấp ba lần thu nhập ròng năm 2019.
Ông Mumenthaler cho biết việc bắt đầu các nỗ lực tiêm chủng COVID mang lại “hy vọng rằng tình hình sẽ sớm được cải thiện”.
“Mặc dù dự kiến sẽ có thêm một số tổn thất COVID-19 vào năm 2021 nhưng chúng tôi đã giảm đáng kể mức độ rủi ro có liên quan trong các dòng sản phẩm P&C”.
Thiệt hại do thảm họa thiên nhiên gây ra trong năm 2020 lên tới 1,7 tỷ đô la Mỹ, phần lớn là do mùa bão Đại Tây Dương với kỷ lục 30 cơn bão được đặt tên. Vụ nổ cảng Beirut trong Quý III đã khiến cho tổng giá trị thiệt hại thảm họa lên tới 1,3 tỷ USD.
BHSI bổ nhiệm quản lý cấp cao về bồi thường toàn cầu
(IBM) – Berkshire Hathaway Specialty Insurance (BHSI) đã thông báo bổ nhiệm ông Andy Barberis làm Phó chủ tịch cấp cao về bồi thường. Trong vai trò mới của mình, Barberis sẽ làm việc với nhóm lãnh đạo của BHSI trên toàn thế giới về bồi thường bảo hiểm sức khỏe và thiệt hại mang tính thảm họa và phức tạp nhất.
“Với sự mở rộng ổn định của BHSI trên toàn cầu, chúng tôi vui mừng mở rộng chiều sâu của đội ngũ lãnh đạo thực hiện cam kết cơ bản của chúng tôi – ‘bồi thường là sản phẩm của chúng tôi’ – trên toàn thế giới,” ông Dave Crowe, Giám đốc bồi thường toàn cầu tại BHSI cho biết. “Andy là một người có thâm niên trong ngành, nổi tiếng và được kính trọng. Chuyên môn kỹ thuật đặc biệt của anh ấy sẽ mang lại lợi ích to lớn cho khách hàng của chúng tôi.”
Barberis có 35 năm kinh nghiệm quản lý bồi thường bảo hiểm thương mại. Trước khi gia nhập BHSI, ông đã có 23 năm làm việc tại AIG với vị trí chuyên viên bồi thường toàn cầu. Ông có bằng luật của Trường Luật Đại học St. John’s.
Barberis làm việc tại trụ sở BHSI ở New York.
Chính quyền Úc phát động chương trình dọn dẹp thảm họa cháy rừng
(IBM) – Vào ngày 05 tháng 2, Hội đồng Bảo hiểm Australia (ICA) tuyên bố vụ cháy rừng ở Perth Hills là một thảm họa, có nghĩa là các công ty bảo hiểm và giám định viên phải ưu tiên các yêu cầu bồi thường phát sinh từ sự kiện này. Đồng thời, ICA cũng hoan nghênh một thông báo chung của cả Khối thịnh vượng chung và chính phủ Tây Úc về việc khởi động một chương trình dọn dẹp phối hợp, duy nhất cho tất cả các khu dân cư bị ảnh hưởng bởi cháy rừng.
Chương trình sẽ bao gồm chi phí loại bỏ các mảnh vỡ và dọn dẹp hiện trường, và đã được Bộ trưởng Liên bang về Quản lý Khẩn cấp David Littleproud và Bộ trưởng Dịch vụ Khẩn cấp Tây Úc Francis Logan công bố sau khi thảo luận với ICA.
Ông Andrew Hall, Giám đốc điều hành ICA cho biết: “Chương trình dọn dẹp này sẽ giúp thu dọn địa điểm nhanh hơn và an toàn hơn, cũng như ưu tiên sự an toàn của cộng đồng bằng cách loại bỏ và vận chuyển các mảnh vỡ nguy hiểm tiềm tàng một cách phối hợp và an toàn”.
“Điều quan trọng là, hoạt động làm sạch do chính phủ tài trợ cho phép các công ty bảo hiểm chuyển khoản tiền tiết kiệm được sang cho các chủ hợp đồng để tối đa hóa số tiền dành cho việc xây dựng lại, cũng như xem xét tất cả các chủ sở hữu tài sản bị ảnh hưởng như nhau”.
ICA hoan nghênh sự tham gia của Khối thịnh vượng chung cùng với Chính phủ Tây Úc trong chương trình mới được công bố, đánh dấu bước đầu tiên hướng tới việc phục hồi cho các chủ sở hữu tài sản bị ảnh hưởng bởi cháy rừng.
Một chương trình làm sạch có sự phối hợp tương tự do chính phủ tài trợ tiếp theo sau trận cháy rừng Thứ Bảy Đen năm 2009 và cháy rừng Mùa hè Đen năm 2020 đều thành công và hiện được coi là ‘phương pháp hay nhất’ cho các cộng đồng bị ảnh hưởng sau sự kiện cháy rừng.
Theo ICA, vụ cháy rừng ở Perth Hills cho đến nay đã dẫn đến hơn 730 yêu cầu bồi thường, với giá trị thiệt hại ước tính lên tới 60 triệu USD.
Úc khởi động vụ kiện thứ hai về bảo hiểm gián đoạn kinh doanh do COVID
(AIR) – Hội đồng Bảo hiểm Australia (ICA) tuần trước đã hoan nghênh việc bắt đầu tố tụng tại Tòa án Liên bang Australia để kiểm tra việc áp dụng các vấn đề khác liên quan đến phạm vi bảo hiểm đại dịch trong các hợp đồng bảo hiểm gián đoạn kinh doanh.
Luật sư đại diện cho các công ty bảo hiểm tham gia đã đệ trình lên tòa án để chính thức bắt đầu vụ kiện thứ hai. Theo ICA, vụ kiện thứ nhất đã được xét xử tại Tòa phúc thẩm New South Wales vào năm ngoái liên quan đến việc áp dụng điều khoản loại trừ Đạo luật kiểm dịch đối với các hợp đồng gián đoạn kinh doanh.
Đơn xin kháng cáo trong vụ án xét xử đầu tiên hiện đã đệ trình lên Tòa án Cấp cao.
Vụ kiện thứ hai này sẽ xác định ý nghĩa của các điều khoản hợp đồng liên quan đến định nghĩa dịch bệnh, mức độ gần bùng phát đối với một doanh nghiệp và việc ngăn chặn việc tiếp cận các cơ sở do chính phủ ủy nhiệm, cũng như các hợp đồng kết hợp các điều khoản này.
Vụ kiện bao gồm chín đơn kiện riêng biệt của doanh nghiệp nhỏ được nộp cho Cơ quan Khiếu nại Tài chính Úc (AFCA) như một phần của quy trình giải quyết tranh chấp của cơ quan này. Các công ty bảo hiểm được đại diện là Allianz, IAG, Chubb, Guild và SwissRe Corporate Solutions, và các yêu cầu bồi thường bao gồm một loạt các lĩnh vực và địa điểm kinh doanh.
Ngành bảo hiểm hiểu mối quan tâm của các chủ hợp đồng có thể đang chờ đợi quyết định yêu cầu của họ hoặc giải quyết tranh chấp, tuy nhiên, những vấn đề này không rõ ràng và cần phải làm rõ các nguyên tắc pháp lý được sử dụng để giải quyết tranh chấp. Vụ việc đang được đệ trình lên Tòa án Liên bang theo yêu cầu của AFCA vì phạm vi khu vực pháp lý được đại diện bởi chín đơn kiện.
Các quyết định của tòa án sẽ cung cấp định hướng và hướng dẫn rõ ràng cần thiết để đưa ra quyết định về các vấn đề tương tự phát sinh trong các tranh chấp khác.
Ông Andrew Hall, Tổng Giám đốc ICA, cho biết, “Các công ty bảo hiểm muốn vụ kiện thứ hai này được đưa ra tòa càng nhanh càng tốt để quá trình này có thể được bắt đầu nhằm mang lại sự chắc chắn cho các chủ hợp đồng và ngành bảo hiểm. Chín trường hợp đã được thống nhất sau khi đàm phán kỹ lưỡng với AFCA sau khi rà soát tổng số 14 trường hợp do các công ty bảo hiểm đưa lên.
“Sau khi có được các phán quyết cuối cùng, các công ty bảo hiểm cam kết áp dụng các nguyên tắc liên quan một cách hiệu quả, minh bạch và nhất quán khi đánh giá các yêu cầu bồi thường của khách hàng”.
2020 là năm thời tiết khắc nghiệt gây tốn kém nhất ở New Zealand
(AIR) – Theo Hội đồng Bảo hiểm New Zealand (ICNZ), hỗ trợ bảo hiểm cho các cộng đồng ở New Zealand bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã đạt mức kỷ lục hàng năm mới là 248 triệu NZD (185 triệu USD), trong đó số vụ khiếu nại bảo hiểm liên quan đến thời tiết trong cả năm 2020 lên tới hơn 13.600 vụ.
Đáng chú ý trong đó là tình trạng thời tiết khắc nghiệt và lũ lụt khắp vùng Greater Wellington từ ngày 29 tháng 11 đến ngày 1 tháng 12 và trận mưa đá khủng khiếp tấn công vùng Nelson-Marlborough vào ngày 26 tháng 12.
Ông Tim Grafton, Tổng Giám đốc ICNZ, cho biết: “Thời tiết khắc nghiệt đột ngột và bất ngờ có thể để lại thiệt hại trên diện rộng cho các cá nhân và cộng đồng của họ. Khoản hỗ trợ sơ bộ từ các công ty bảo hiểm cho trận mưa đá trong Ngày lễ tặng quà là 41 triệu đô la NZ nhưng chi phí thực sự cao hơn nhiều”.
“Thật là tỉnh táo khi nghĩ đến nhiều vườn cây ăn trái trong khu vực có thể chưa có bảo hiểm – với chi phí thực sự của sự kiện trên thực tế lớn hơn nhiều so với số liệu của chúng tôi phản ánh.”
Các sự kiện thiệt hại lớn trong năm 2020 bao gồm lũ lụt ở Napier vào tháng 11, (tạm thời là 73 triệu NZD), lũ lụt trên Đảo Bắc vào tháng 7 (44 triệu NZD), trận mưa đá Nelson-Marlborough (tạm tính 41 triệu NZD), hỏa hoạn khu vực hồ Ohau vào tháng 10 (35 triệu NZD), lũ lụt ở Southland vào tháng 2 (30 triệu NZD) và cơn bão và lốc xoáy ở Upper North Island vào tháng 6 (17 triệu NZD).
Ông Grafton nói rằng do tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể sẽ trở nên thường xuyên hơn, với nhiều đợt hạn hán và lũ lụt hơn.
“Đáng buồn thay, những tác động của biến đổi khí hậu là rất thực tế đối với tất cả người dân New Zealand. Bảo hiểm đóng một vai trò quan trọng để hỗ trợ cộng đồng của chúng ta quản lý những rủi ro này và chưa bao giờ quan trọng hơn việc bảo hiểm đầy đủ cho các sự kiện bất ngờ.
“Ngược lại, chúng ta phải thích ứng với khí hậu đang thay đổi và thực hiện các bước để giảm thiểu rủi ro nếu có thể, xây dựng các cộng đồng kiên cường hơn. Điều này có thể có nghĩa là cải thiện cơ sở hạ tầng như hệ thống thoát nước mưa, không chấp thuận các tài sản mới ở các khu vực có nguy cơ cao hơn, cũng như xây dựng các tòa nhà dân cư và thương mại bền vững hơn.
“Chúng ta thích ứng càng sớm thì chúng ta càng ít thích nghi hơn và chúng ta càng ít bị ảnh hưởng bởi tần suất ngày càng cao và mức độ khắc nghiệt của thời tiết”.
BTV (Tổng hợp).