TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 06

HSBC hoàn thành hợp nhất AXA Singapore; BYD thách thức Tesla trên thị trường bảo hiểm xe điện Trung Quốc; Bảo hiểm Bảo Việt tiên phong triển khai bảo hiểm vi mô

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 6

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

BIC chi trả bồi thường cho khách hàng bị mất cắp xe máy

(BIC) – Ngày 16/01/2023, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã thực hiện chi trả hơn 17 triệu đồng tiền bồi thường bảo hiểm vật chất xe máy cho khách hàng Nguyễn Thị Hà (trú tại Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Chị Nguyễn Thị Hà mua chiếc xe máy Honda Wave Alpha tại Honda Thắng Lợi (Hà Nội) ngày 09/10/2022. Được sự tư vấn của nhân viên bán hàng, chị Hà đã tham gia bảo hiểm vật chất cho chiếc xe để an tâm hơn trong quá trình sử dụng và tham gia giao thông.

Vào khoảng 18h30, ngày 06/01/2023, chị Hà lái xe về và dựng trước cửa khu trọ tại Thôn Bầu, Xã Kim Chung, Huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, khoảng 1 tiếng sau phát hiện xe bị mất cắp. Ngay sau đó, chị Hà đã liên hệ với cơ quan Công An xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) để trình báo sự việc, đồng thời thông báo sự kiện bảo hiểm cho Công ty Bảo hiểm BIDV Đông Đô (BIC Đông Đô) – đơn vị cấp đơn bảo hiểm cho khách hàng.

Nhận được thông tin từ khách hàng, BIC Đông Đô đã nhanh chóng liên hệ, phối hợp với chị Hà cũng như cơ quan Công An để thu thập hình ảnh, thông tin và khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để chi trả bồi thường 17.859.273 đồng cho khách hàng chỉ 10 ngày sau khi nhận được thông báo.

Chia sẻ sau khi nhận được bồi thường, chị Nguyễn Thị Hà cảm thấy rất may mắn khi đã tham gia bảo hiểm vật chất xe máy tại BIC, đồng thời cảm ơn sự phối hợp và hỗ trợ tận tình của cán bộ bảo hiểm BIC để giải quyết vụ việc nhanh chóng trước dịp Tết Nguyên đán.

Bảo hiểm vật chất xe máy của BIC sẽ bồi thường cho khách hàng các tổn thất, thiệt hại vật chất xảy ra đối với xe trong các trường hợp: tai nạn bất ngờ do đâm va khi đang tham gia giao thông; cháy, hỏa hoạn, nổ xe; mất cắp, mất cướp toàn bộ xe và tai họa bất khả kháng do thiên nhiên như: giông, bão, lũ lụt, cuồng phong, sụt lở, sét đánh… Ngoài ra, trong trường hợp tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm, BIC cũng sẽ thanh toán cho khách hàng những chi phí phát sinh để bảo vệ và đưa xe tới nơi sửa chữa gần nhất; giám định để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Số tiền bảo hiểm mà khách hàng tham gia theo sản phẩm này được tính toán trên cơ sở thay mới của xe.

Ưu điểm nổi bật khi khách hàng tham gia bảo hiểm vật chất xe máy tại BIC đó là thủ tục bồi thường rất đơn giản và nhanh chóng. Khi có sự cố, chủ xe chỉ cần gọi điện cho cán bộ bảo hiểm hoặc hotline 1900 9456 để được hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ bồi thường. Trên cơ sở giám định tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm, khách hàng sẽ được giải quyết và chi trả bồi thường trong vòng 15 ngày sau khi BIC nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Bảo hiểm Bảo Việt tiên phong triển khai bảo hiểm vi mô, đảm bảo an sinh xã hội

(TBTCO) – Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt triển khai chương trình bảo hiểm vi mô An bình yên vui – An sinh hạnh phúc với phạm vi bảo hiểm rộng bao gồm bảo hiểm cho các rủi ro ốm bệnh, ung thư, tai nạn, hỗ trợ giáo dục và thu nhập chỉ với từ 44 nghìn đồng phí/năm.

Là doanh nghiệp bảo hiểm trong nước đầu tiên triển khai loại hình bảo hiểm này, Bảo hiểm Bảo Việt kỳ vọng sẽ mang lại sự bảo vệ chắc chắn cả về tài chính lẫn sức khỏe tới phân khúc khách hàng có thu nhập thấp.

Rủi ro luôn hiện diện và gây tổn thất về kinh tế, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống, sản xuất kinh doanh. Người nghèo, người thu nhập thấp là các đối tượng yếu thế, chịu tác động mạnh mẽ trước những rủi ro, tuy nhiên, khả năng tiếp cận sản phẩm bảo hiểm thương mại của họ bị hạn chế do mức phí bảo hiểm của các sản phẩm thương mại thường cao hơn khả năng tài chính của họ.

Chính vì thế, việc cho ra đời một sản phẩm bảo hiểm dành riêng cho phân khúc khách hàng có thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội là điều trăn trở mà Bảo hiểm Bảo Việt đã không ngừng ấp ủ. An Bình Yên Vui – An Sinh Hạnh Phúc là chương trình bảo hiểm đơn giản, dễ tiếp cận với các quyền lợi cơ bản phù hợp với khả năng tài chính thấp, áp dụng cho khách hàng từ 15 ngày tuổi đến 70 tuổi (An bình yên vui) hoặc đến 60 tuổi, tái tục đến 65 tuổi (An Sinh Hạnh Phúc).

Trước những trở ngại về sức khỏe, bảo hiểm vi mô “An Bình Yên Vui” và “An Sinh Hạnh Phúc” thực sự là nguồn hỗ trợ tài chính kịp thời để người dân an tâm chữa bệnh, giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho gia đình với phạm vi bảo vệ rộng.

Chương trình hấp dẫn với chi phí chỉ từ 44.000 đồng/người/năm nhưng vẫn đảm bảo các quyền lợi y tế đa dạng và tối ưu, như quyền lợi tối đa lên tới 78 triệu đồng với phạm vi bao gồm bảo hiểm cho các rủi ro ốm bệnh, tai nạn, phẫu thuật, hỗ trợ giáo dục và thu nhập, bao gồm rủi ro ung thư. Điểm đặc biệt của chương trình bảo hiểm là khách hàng trẻ em được tham gia độc lập, thời gian chờ linh hoạt; cùng với đó là hình thức bồi thường khoán, chi trả độc lập với các loại hình bảo hiểm khác và không yêu cầu hóa đơn tài chính. Khách hàng sẽ dễ dàng tham gia bảo hiểm cũng như yêu cầu bồi thường nhanh chóng, kịp thời.

Bên cạnh đó, áp dụng quy trình số hóa hiện đại, tiên tiến, thuận lợi và dễ sử dụng, bảo hiểm vi mô được Bảo hiểm Bảo Việt triển khai cấp đơn dễ dàng qua ứng dụng Zalo mini app, thời gian cấp đơn không quá 5 phút. Phương thức thanh toán linh hoạt: tiền mặt, chuyển khoản hoặc sử dụng cổng thanh toán trực tuyến VNPay tùy theo nhu cầu của khách hàng. Trong thời gian đầu triển khai sản phẩm, Bảo hiểm Bảo Việt triển khai ưu đãi giảm phí 10% khi khách hàng tham gia đồng thời cả hai chương trình bảo hiểm An Bình Yên Vui và An Sinh Hạnh Phúc.

VBI: Doanh thu 2022 vượt mốc 3.200 tỷ đồng, tăng trưởng vượt kế hoạch

(TBTCO) – Kết thúc năm 2022, Bảo hiểm VietinBank (VBI) ghi nhận kết quả kinh doanh xuất sắc với tốc độ tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận đứng Top đầu thị trường. Đây là kết quả tích cực giữa bối cảnh thị trường bảo hiểm trải qua một năm đầy biến động.

Năm 2022 trong bối cảnh nền kinh tế hậu Covid-19 vẫn đang giai đoạn hồi phục, phí bồi thường chung tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT), nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Bảo hiểm VietinBank đã “biến nguy thành cơ”, hiện thực hóa thành công các mục tiêu: Cải thiện thị phần; duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận vượt trội so với trung bình của thị trường và đảm bảo hiệu quả kinh doanh 2022.

Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2022 của VBI đạt hơn 3.200 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ, tương đương 102% kế hoạch; doanh thu bảo hiểm gốc tăng 32% lên hơn 3.050 tỷ đồng, gấp 2 lần so với mức tăng trưởng trung bình ngành. Trong đó, sản phẩm trọng điểm bảo hiểm khoản vay đạt kết quả tích cực nhờ nỗ lực cải thiện dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Thị phần bảo hiểm gốc tiếp tục nâng vị trí xếp hạng trong nhóm các công ty hàng đầu trên thị trường. Lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 25% lên gần 254 tỷ đồng, đây là mức tăng mạnh nhất trong nhóm 11 doanh nghiệp BHPNT có thị phần lớn nhất trên thị trường. Với kết quả kinh doanh trên, cả tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của VBI trong năm 2022 hiện đứng Top đầu trên thị trường.

Được biết, trong hệ thống VietinBank, VBI cũng thuộc top đầu trong khối các công ty thành viên có đóng góp hiệu quả vào kết quả kinh doanh của ngân hàng. Theo đó, hiệu quả kinh doanh của VBI ghi nhận chỉ số lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt gần 15%. Hiệu quả từ hoạt động đầu tư với tỷ suất lợi nhuận trên quy mô đầu tư (ROI) của VBI đứng thứ 2 thị trường (cải thiện 4 bậc so với năm 2021).

Phân tích về kết quả đạt được, ông Nguyễn Huy Quang – Chủ tịch HĐQT VBI cho biết: Ngay từ đầu năm 2022, VBI đã chủ động đề ra một loạt các giải pháp để sẵn sàng đối phó với tình hình đầy khó khăn của ngành như: tái cơ cấu danh mục nghiệp vụ, sản phẩm; phát triển và đa dạng các kênh bán, phân phối; bên cạnh việc tập trung khai thác các sản phẩm trọng điểm, VBI mở rộng khai thác các sản phẩm bảo hiểm mới có dư địa thị trường tốt.

Mặt khác, VBI đã có những thay đổi đột phá về chiến lược kinh doanh với các giải pháp đồng bộ về cải tổ cơ cấu bộ máy, phát triển các công cụ bán hàng, cải tiến quy trình, nghiệp vụ bồi thường nhằm tinh gọn thời gian phục vụ và thủ tục cho khách hàng.

Trong năm qua, VBI đã phát triển riêng trang giám định và bồi thường bảo hiểm trực tuyến, trở thành đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Với việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa (Automation), thời gian giải quyết các vụ tổn thất thông thường được rút ngắn từ 15 ngày xuống còn một ngày.

Với kết quả kinh doanh năm 2022 xuất sắc, VBI lần đầu tiên có tên trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500), đồng thời thăng hạng trong Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500), Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (PROFIT500), Top 10 doanh nghiệp BHPNT uy tín nhất Việt Nam, Sao vàng Đất Việt, Thương hiệu số 1, Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam, Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam…

Năm 2023, VBI đánh dấu mốc kỷ niệm 15 năm thành lập, Tổng Công ty đặt mục tiêu doanh thu vượt mốc 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 30%; lợi nhuận đạt 380 tỷ đồng, tăng trưởng gần 50%.

Về định hướng và chủ điểm chiến lược hoạt động, VBI cho biết sẽ tập trung khai thác tối đa các sản phẩm có hiệu quả, đặc biệt thúc đẩy tăng trưởng mạnh các sản phẩm trọng điểm trên các phân khúc khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, ưu tiên tập trung vào các kênh khai thác hiệu quả như kênh Bancassurance… để tối ưu hóa nguồn lực và lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu quả khai thác.

Bên cạnh đó, VBI tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ bán hàng, đẩy mạnh các sản phẩm bảo hiểm vi mô qua VietinBank và các đối tác; qua đó góp phần đa dạng hóa danh mục sản phẩm, mở rộng khả năng tiếp cận bảo hiểm tới đại bộ phận người dân Việt Nam.

Mirae Asset Prévoir năm thứ 5 liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng International Finance

(TBTCO) – Tại lễ trao giải thưởng International Finance tại Bangkok, Thái Lan, đại diện Mirae Asset Prévoir, ông Ko Young Wan – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc đã nhận giải thưởng “Đối tác Bảo hiểm Nhân thọ tốt nhất Việt Nam” năm 2022.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp Mirae Asset Prévoir được vinh danh tại giải thưởng danh giá này.

International Finance là giải thưởng thường niên (bắt đầu từ 2013) được tổ chức bởi Tạp chí Tài chính Quốc tế (“IFM”) – Vương Quốc Anh, nhằm vinh danh những tổ chức tài chính có thành tích, nỗ lực phát triển nổi bật trong nhiều lĩnh vực (ngân hàng, bảo hiểm, tài chính…) trên toàn cầu. Đây là một trong những giải thưởng có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại châu Á – nơi được mệnh danh là “nền kinh tế năng động nhất thế giới”.

Năm 2022, Mirae Asset Prévoir đã ghi dấu hành trình nỗ lực và gặt hái nhiều thành tựu. Bên cạnh việc ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan qua kênh bancassurance và các tổ chức tài chính, Mirae Asset Prévoir tiếp tục mở rộng hợp tác với các tổ chức khác trong và ngoài nước. Cụ thể, tháng 10/2022, Mirae Asset Prévoir đã ký kết hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với Công ty Cổ phần Thương mại và Liên kết Nano (Happy Money), đồng thời triển khai thành công nền tảng bán bảo hiểm trực tuyến, nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Với định hướng phát triển bền vững, Mirae Asset Prévoir khép lại năm 2022 với kết quả kinh doanh đạt 100% kế hoạch, với mức tăng trưởng doanh thu tăng 37%.

Bảo hiểm BSH – 15 năm “An toàn để phát triển”

(ĐTCK) – Sau 15 năm, Bảo hiểm BSH đã tạo dựng được cho mình vị thế Top đầu trên thị trường Bảo hiểm Phi nhân thọ tại Việt Nam. Với doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2022 đạt mức trên 3.000 tỷ đồng, Bảo hiểm BSH hiện nằm trong nhóm doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất ngành bảo hiểm, nhiều năm liền được khách hàng bình chọn là top 10 công ty bảo hiểm uy tín.

BSH hoàn thiện và đổi mới hệ sinh thái sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ

Bảo hiểm BSH hiện cung cấp các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ ở các lĩnh vực: bảo hiểm con người, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm hàng hoá…

Với phương châm “An toàn để phát triển” BSH đã và đang từng bước hoàn thiện về sản phẩm, dịch vụ, hệ thống bán hàng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Vừa qua sản phẩm Bảo hiểm sức khỏe Topcare sau một thời gian được triển khai trên thị trường đã được khách hàng đón nhận và đạt giải “Top 10 Sản Phẩm – Dịch Vụ Tin Dùng Việt Nam 2022”, Bảo hiểm an ninh mạng cá nhân và doanh nghiệp CyberGuard, CyberRisk,…tiên phong ra mắt tại thị trường Việt Nam cũng được IDG trao giải “Sản phẩm bảo hiểm sáng tạo tiêu biểu năm 2021”.

Trong giai đoạn đại dịch Covid – 19 bùng phát, BSH cũng được nhắc tới hình ảnh một doanh nghiệp bảo hiểm thích nghi nhanh với các thay đổi từ thị trường khi cho ra mắt sản phẩm bảo hiểm mùa dịch – nCoV Shield và bảo hiểm trách nhiệm tiêm chủng – Couple 19 đáp ứng được nhu cầu và thói quen mới của khách hàng.

Đối với các sản phẩm truyền thống như bảo hiểm xe cơ giới, BSH liên tục làm mới, linh hoạt điều chỉnh các quyền lợi và thời hạn bảo hiểm, phí đóng để tạo điều kiện cho khách hàng có thêm lựa chọn cũng như doanh nghiệp có giải pháp thích nghi với tình trạng “bình thường mới” của xã hội. Bảo hiểm BSH đã trở thành cái tên tiêu biểu, tiên phong về các sản phẩm bảo hiểm độc đáo, thiết thực của ngành.

Bên cạnh đó, công ty tiếp tục thúc đẩy các mô hình chuyển đổi kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ để tối ưu hoá quy trình vận hành, tiếp cận khách hàng trên mọi nền tảng. Năm 2022, BSH đã triển khai phát triển và đưa vào sử dụng công cụ cấp đơn bảo hiểm online, ứng dụng bán Bảo hiểm số hoá BSH Omni – ứng dụng nhận được giải thưởng “Top 10 Sản phẩm Uy tín Chất lượng tốt được người Việt tin dùng năm 2022”. Tất cả nhằm mục đích tạo ra sự thuận tiện cùng trải nghiệm sử dụng sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất, xứng đáng với số tiền mà khách hàng bỏ ra khi chọn mua, hợp tác với BSH.

BSH – Top 10 nơi làm việc tốt nhất ngành bảo hiểm

“An toàn để phát triển” không những là phương châm cốt lõi, kim chỉ nam trong chiến lược hoạt động kinh doanh của BSH mà đồng thời cũng là thông điệp mà công ty muốn truyền tải tới toàn bộ cán bộ nhân viên (CBNV) trên toàn hệ thống. Công ty chú trọng xây dựng văn hoá doanh nghiệp, tạo ra môi trường làm việc thân thiện, cởi mở và chuyên nghiệp để nhân viên có thể phát huy hết năng lực, tài năng của bản thân.

Cùng với đó, Bảo hiểm BSH cũng chú trọng đến các quyền lợi cho CBNV như: 100% CBNV BSH được hưởng chế độ Bảo hiểm sức khỏe BSH Care; các chương trình phúc lợi hàng năm, hỗ trợ vật tư chống dịch, hỗ trợ thu nhập cho người lao động trong thời kỳ đại dịch… Năm 2022, BSH được vinh danh trong “Top 10 nơi làm việc tốt nhất ngành Bảo hiểm Phi nhân thọ”.

Mục tiêu phát triển doanh nghiệp đi đôi với nâng cao trách nhiệm cộng đồng

Về định hướng phát triển, BSH đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai, phát triển doanh nghiệp đi đôi với trách nhiệm xã hội. Thời gian qua, BSH đã đồng hành, hưởng ứng cùng Chính phủ và các tổ chức trong các hoạt động nhân đạo, thiện nguyện, góp một phần nhỏ vào công tác an sinh xã hội cho cộng đồng.

Bước sang chặng đường 15 năm tiếp theo, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, BSH sẽ tiếp tục cống hiến cho cộng đồng dưới nhiều hình thức khác nhau. Đây vừa là sứ mệnh và cũng là mục tiêu mà Bảo hiểm BSH hướng tới được chung tay đóng góp cho cộng đồng, vì một tương lai tốt đẹp hơn.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Chuyển hồ sơ, đề nghị Bộ Công an điều tra việc gửi tiết kiệm thành bảo hiểm

(TPO) – Cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài chính đã chuyển đơn tố cáo của hàng chục công dân về việc họ đi gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng SCB song bị “hô biến’ thành hợp đồng bảo hiểm với Manulife tới C03, Bộ Công an để xem xét, giải quyết theo quy định.

Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa có phiếu chuyển đơn tố cáo gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 – Bộ Công an). Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, nhận được đơn tố cáo các công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên Ngân hàng SCB (đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam).

Các đơn thư cùng tố giác việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo; buộc ngân hàng SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.

“Căn cứ quy định của Luật Tố cáo, Nghị định 31/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, Thông tư số 05/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, Bộ Tài chính chuyển đơn đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu để được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật và thông báo kết quả tới Bộ Tài chính”, phiếu chuyển đơn của Bộ Tài chính nêu rõ.

Trước đó, phản ánh với chúng tôi, nhiều người dân phản ánh việc gửi tiết kiệm bị nhân viên bảo hiểm tư vấn lập lờ thông tin. Trao đổi với phóng viên, chị Diễm Trinh – một trong những khách hàng khi đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng bị tư vấn viên lập lờ chuyển sang mua gói bảo hiểm Tâm An Đầu tư của Manulife cho biết, đã ròng rã đi đòi lại tiền gửi tiết kiệm nhưng không nhận được trả lời thỏa đáng.

Theo chị Trinh, tư vấn viên của Ngân hàng SCB và Mannulife làm sai quy trình tư vấn cho khách hàng. Nhiều khách hàng được nhân viên chăm sóc khách hàng của Ngân hàng SCB tư vấn bảo hiểm, sau đó người đứng tên ký hợp đồng là nhân viên bảo hiểm khác mà trước đó khách hàng không hề biết.

“Các tư vấn viên tự ý điền thông tin của khách hàng không đúng với thu nhập thực tế, khai khống con số và thậm chí giả mạo chữ ký của khách hàng trong một số giấy tờ. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp bút tích để công ty đối chiếu hoặc làm giám định nét bút để chứng minh nhân viên của phía công ty đã sai ngay từ đầu”, chị Trinh cho biết.

Cùng chung phản ánh, bà Tạ Thị Thanh Sơn 58 tuổi (Hà Nội) cho biết, dù ở nhà nội trợ nhưng bị kê khống thu nhập 120 triệu/tháng. Theo bà Sơn, trong quá trình tư vấn, tư vấn viên không nói rõ đây là hợp đồng bảo hiểm, không phân tích nhu cầu, không phân tích tài chính, không tư vấn đúng giá trị của bảo hiểm mà chỉ tập trung vào lãi suất sẽ nhận được.

“Chúng tôi không được tư vấn viên của Manulife giải thích bất cứ điều gì về quyền lợi và nghĩa vụ khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Tôi không được biết về các loại phí khi tham gia bảo hiểm hay các điều khoản loại trừ. Tôi nói rõ với tư vấn viên của Manulife không tham gia bảo hiểm nhưng tư vấn viên cố tình đánh tráo khái niệm, lừa chúng tôi đây chỉ là sản phẩm đầu tư mà SCB kết hợp với Manulife và gói bảo hiểm là quà tặng kèm”, bà Sơn cho biết.

Báo Tiền Phong đã liên lạc với đại diện Manulife trao đổi về vấn đề này nhưng không nhận được trả lời.

Được biết, rất nhiều người dân đã gửi đơn khiếu nại tới Cục Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) và Ngân hàng Nhà nước về tình trạng gửi tiết kiệm bị biến thành bảo hiểm nhân thọ. Sau khi nhận đơn khiếu nại, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước đã chuyển đơn của tập thể 33 khách hàng đến SCB xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, trả lời tập thể 33 khách hàng và thông báo kết quả giải quyết đến cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng.

Trước đó, vào tháng 10/2022, sau khi chúng tôi phản ánh về tình trạng người dân gửi tiền tiết kiệm bị biến thành bảo hiểm nhân thọ, Manulife đã hủy hợp đồng, trả lại tiền cho một số người dân.

  1. Nhịp đập thị trường

Lợi nhuận bảo hiểm “nương” theo đà tăng lãi suất

(ĐTCK) – Theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo tối thiểu 70% danh mục đầu tư là tiền gửi tiết kiệm. Do đó, môi trường lãi suất tăng đang giúp các doanh nghiệp bảo hiểm hưởng lợi.

Chưa rõ nét trong năm 2022

Khi thị trường tiền mặt ngày càng nóng lên với mức lãi suất được điều chỉnh tăng, ngành được hưởng lợi là bảo hiểm vì những doanh nghiệp ngành này sở hữu nhiều tiền mặt và gửi tiết kiệm nhiều nhất (ngành kinh doanh tiền, huy động tiền qua các sản phẩm bảo hiểm…).

Tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn cao giúp doanh nghiệp được hưởng lợi từ xu thế tăng lãi suất huy động, khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành. Dù chưa thể hiện sớm trong kết quả kinh doanh quý IV/2022, nhưng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ rõ ràng hơn từ quý I/2023.

Hiện tại, trong danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, khoản mục tiền gửi và trái phiếu doanh nghiệp thường chiếm khoảng 90% (tỷ lệ tiền gửi chiếm khoảng 70%, trái phiếu chiếm khoảng 20%) giá trị đầu tư, do đó hiệu suất sinh lời sẽ gia tăng trong môi trường lãi suất tăng. Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) ước tính, nếu lãi suất tăng thêm 1%/năm sẽ giúp lợi nhuận trước thuế các doanh nghiệp phi nhân thọ tăng thêm hơn 10%.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến hết ngày 12/12/2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 251.306 tỷ đồng (tăng 15,09% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 68.201 tỷ đồng, lĩnh vực nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng.

Ngành bảo hiểm tiếp tục là “tấm lá chắn” vững chắc cho nền kinh tế – xã hội. Hàng năm, ngành bảo hiểm chi trả hàng chục nghìn tỷ đồng tiền bồi thường và quyền lợi bảo hiểm cho các cá nhân, doanh nghiệp gặp rủi ro, góp phần ổn định ngân sách nhà nước.

Chi trả quyền lợi bảo hiểm tính đến ngày 12/12/2022 ước đạt 64.018 tỷ đồng (tăng 23,29% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó khối phi nhân thọ ước đạt 23.418 tỷ đồng, khối nhân thọ ước đạt 40.600 tỷ đồng.

Ở một thống kê khác, tính tới ngày 30/9/2022, chỉ riêng 7 công ty bảo hiểm đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (Tập đoàn Bảo Việt – mã BVH, Bảo hiểm Bảo Minh – mã BMI, Công ty Cổ phần PVI – mã PVI, Bảo hiểm Bưu điện – mã PTI, VINARE – mã VNR, PJICO – mã PGI, Bảo hiểm Quân đội – mã MIG) đã có 127.508,8 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn), chiếm trung bình 42% tổng tài sản.

Việc Ngân hàng Nhà nước nhiều lần điều chỉnh tăng lãi suất trong năm 2022 là cơ hội gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp sở hữu nhiều tiền mặt. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính có thể tác động mạnh lên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bảo hiểm là bởi các doanh nghiệp lĩnh vực này luôn sở hữu một lượng lớn tiền mặt.

Các quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành từ ngân hàng trung ương sẽ tác động trực tiếp lên khả năng sinh lời trên tổng tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm. Với lợi thế về lượng tiền mặt ròng, ngành bảo hiểm sẽ trực tiếp hưởng lợi khi mặt bằng lãi suất huy động tăng.

Trên thực tế, doanh thu tài chính của nhóm công ty bảo hiểm thường tỷ lệ thuận với diễn biến lãi suất thị trường trong từng giai đoạn. Khi lãi suất tăng, doanh thu tài chính tăng và ngược lại.

Chẳng hạn, xét doanh thu tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi ngân hàng) của 3 doanh nghiệp bảo hiểm là Bảo Việt, Bảo Minh và PVI, từ năm 2009 đến năm 2011, doanh thu này tăng trùng với thời điểm lãi suất trong nước tăng lên, sau đó chững lại trong giai đoạn lãi suất giảm từ năm 2012 đến năm 2015, trước khi phục hồi trong giai đoạn 2017-2019 khi lãi suất tăng trở lại.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS), trong năm 2023, doanh thu tài chính vẫn sẽ là động lực thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung, doanh nghiệp phi nhân thọ nói riêng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi còn ở mức cao.

Đơn cử, với Bảo hiểm Quân đội, trong quý III/2022, lợi nhuận tài chính đạt 44 tỷ đồng (tăng trưởng 10%), đóng góp 69,4% vào tổng lợi nhuận của doanh nghiệp này. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, con số này đạt 149 tỷ đồng (giảm 2,4%) do thị trường chứng khoán gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn đóng góp 87,4% vào lợi nhuận trước thuế.

BVS cho rằng, với hơn 52% danh mục đầu tư là tiền gửi tiết kiệm, Bảo hiểm Quân đội vẫn sẽ được hưởng lợi đáng kể từ xu hướng tăng lãi suất, cho dù tác động có độ trễ từ 6-12 tháng trước khi toàn bộ danh mục tiền gửi được phản ánh. BVS ước tính, tài sản đang quản lý (AUM) của hãng bảo hiểm này giảm 2% trong năm 2022, nhưng tăng 4% trong năm 2023.

Lợi suất đầu tư trong năm 2022 giảm xuống mức 5,3% do vẫn chịu mức lãi suất thấp và thị trường chứng khoán không thuận lợi, trước khi tăng lên mức 6,2% trong năm 2023 khi lãi suất tiền gửi tăng cao được phản ánh vào kết quả kinh doanh.

Thận trọng là trên hết

Lãi suất tăng là một yếu tố hỗ trợ, nhưng một số chuyên gia cho rằng, yếu tố này chưa phản ánh rõ nét vào lợi nhuận năm 2022, vì thời điểm cuộc đua tăng lãi suất huy động nổ ra vào cuối quý III/2022, trong khi các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm đã được lên kế hoạch từ trước. Do đó, trong năm 2023, khi được thể hiện cụ thể hơn, đây sẽ là kênh đầu tư an toàn và mang lại lợi nhuận tốt cho các công ty bảo hiểm, nhất là khi mặt bằng lãi suất tiền gửi dự kiến sẽ còn neo ở mức cao.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay, bên cạnh tuân thủ quy định phải đảm bảo tỷ lệ tiền gửi chiếm khoảng 70% tổng danh mục đầu tư, tình hình thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán không thuận lợi sẽ khiến các doanh nghiệp bảo hiểm ưu tiên gửi tiền tại ngân hàng. Với mức lãi suất khá hấp dẫn hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có xu hướng lựa chọn những kỳ hạn tiền gửi dài từ 1 năm trở lên để được hưởng mức lãi suất cao.

Liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, vị này cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới không cho phép các công ty bảo hiểm trực tiếp đầu tư vào bất động sản, điều này sẽ khiến doanh nghiệp bảo hiểm thận trọng hơn trong việc mở rộng danh mục đầu tư sang trái phiếu địa ốc, dù cho vẫn đánh giá đây là kênh hấp dẫn.

“Điểm mấu chốt trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm đó là tính thanh khoản để có nguồn tiền đảm bảo khả năng chi trả bồi thường cho khách hàng. Do đó, ngoài khoản mục đầu tư tiền gửi có mức độ an toàn cao, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ rất thận trọng trong việc đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp… Tùy vào tình hình thị trường cũng như mục tiêu kỳ vọng của doanh nghiệp mà tỷ trọng của các khoản mục này sẽ thay đổi theo”, vị đại diện trên nói.

  1. Tin quốc tế

Công ty khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm Thái Lan Eazy Digital huy động được 850 nghìn đô la trong vòng hạt giống

(INA) – Công ty khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm có trụ sở tại Thái Lan Eazy Digital đã huy động được 850 nghìn đô la trong vòng hạt giống do Wavemaker Partners dẫn đầu, với sự tham gia của Seedstars International Ventures, Wing Vasiksiri và Sasin Bangkok Venture Club.

Eazy Digital là một nền tảng giúp các công ty bảo hiểm quản lý đại lý, vận hành, giới thiệu người dùng và mức độ tương tác. Công ty khởi nghiệp được thành lập bởi Harprem Doowa và Maethavee Sukul, hai nhân vật kỳ cựu của ngành bảo hiểm và là cựu giám đốc điều hành của bolttech.

Nền tảng của Eazy Digital tập trung vào việc cung cấp giải pháp SaaS cho các công ty bảo hiểm vừa và nhỏ thiếu nguồn lực để số hóa quy trình và phân phối của mình.

HSBC hoàn thành hợp nhất AXA Singapore

(IBM) – HSBC đã công bố hoàn tất việc hợp nhất pháp lý giữa AXA Singapore và Bảo hiểm HSBC (Singapore) thông qua một kế hoạch chuyển nhượng. Điều này cũng đánh dấu sự khởi đầu của hoạt động kinh doanh bảo hiểm dưới hình thức kinh doanh kết hợp trực thuộc HSBC Life (Singapore) Pte Ltd.

HSBC cho biết việc tích hợp hoàn tất sẽ cho phép công ty phát triển hơn nữa hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Singapore và mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng trong lĩnh vực sức khỏe và quản lý tài sản. Việc chuyển giao và đổi thương hiệu sẽ không ảnh hưởng đến các điều khoản của bất kỳ hợp đồng đang có hiệu lực nào do AXA Singapore hoặc Bảo hiểm HSBC (Singapore) cung cấp.

Kết quả này đạt được sau gần 1,5 năm sau khi HSBC thông báo rằng họ sẽ mua AXA Singapore vào tháng 8 năm 2021. Đây là thương vụ mua lại lớn đầu tiên của HSBC sau 10 năm. Giao dịch được định giá 529 triệu đô la Mỹ (694 triệu đô la Singapore).

Ông Wong Kee Joo, Tổng Giám đốc HSBC Singapore cho biết: “Việc hợp nhất các hoạt động kinh doanh bảo hiểm của chúng tôi với HSBC Life Singapore là một bước quan trọng để HSBC đạt được tham vọng trở thành công ty quản lý tài sản hàng đầu ở châu Á và phục vụ các nhu cầu về sức khỏe và quản lý tài sản của khách hàng.

“Bản đồ chuyển đổi ngành của Singapore năm 2025 mang đến nhiều cơ hội cho HSBC do Singapore củng cố vị thế là một trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu ở châu Á. Nhìn về phía trước, chúng tôi muốn trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực tài chính của đất nước bằng cách nắm bắt những con đường tăng trưởng mới thông qua sự giàu có, bền vững và số hóa”.

Ông Ho Lee Yen, Giám đốc điều hành HSBC Life Singapore, nói: “HSBC Life Singapore giờ đây lớn mạnh hơn. Với quy mô ngày càng tăng, chúng tôi có thể phục vụ khách hàng tốt hơn mọi lúc mọi nơi và mang đến vô số cơ hội cho nhân viên cũng như các nhà phân phối trực thuộc”.

“Tương tự như việc chúng tôi muốn trở thành một phần trong cuộc sống của khách hàng qua các giai đoạn của cuộc đời, chúng tôi đặt mục tiêu phát triển cùng với nhân viên của mình thông qua các cột mốc sự nghiệp khác nhau với rất nhiều khả năng trong toàn bộ tập đoàn HSBC ở Singapore và hơn thế nữa”.

Lạm phát, chiến tranh, thiên tai cản trở tăng trưởng tái bảo hiểm khu vực châu Á-Thái Bình Dương

(IBM) – Theo một báo cáo của ngành, tổn thất do rủi ro thiên nhiên không bền vững và lạm phát cao sẽ cản trở sự tăng trưởng của thị trường tái bảo hiểm ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) trong năm 2023.

Báo cáo của GlobalData cho biết, lĩnh vực tái bảo hiểm của khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,6% từ 171,4 tỷ USD năm 2021 lên 246,8 tỷ USD vào năm 2026 xét về phí nhượng tái bảo hiểm. Tuy nhiên, báo cáo cũng dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ giảm rõ rệt, từ 12,7% năm 2021 xuống 7,5% năm 2022.

Deblina Mitra, nhà phân tích bảo hiểm cấp cao tại GlobalData cho biết: “Chi phí bồi thường gia tăng do lạm phát cao đang gây thêm áp lực lên lợi nhuận của các công ty tái bảo hiểm. Để giảm bớt điều này, các công ty tái bảo hiểm đang hạn chế phạm vi bảo hiểm đối với các nghiệp vụ thua lỗ, tăng phí bảo hiểm và thúc đẩy các công ty bảo hiểm khấu trừ cao hơn. Đến lượt mình, điều này sẽ thúc đẩy các công ty bảo hiểm tăng giá phí bảo hiểm và mức giữ lại để dự phòng cho các khoản khấu trừ cao hơn. Chẳng hạn, công ty bảo hiểm Úc IAG, trong lần gia hạn các chương trình tái bảo hiểm thảm họa vào tháng 1 năm 2023, đã tăng tỷ lệ giữ lại lên 75% so với tháng 7 năm 2022”.

Năm thị trường tái bảo hiểm hàng đầu của Châu Á-Thái Bình Dương về phí nhượng tái bảo hiểm là Nhật Bản, Trung Quốc, Úc, Hồng Kông và Hàn Quốc. Các thị trường này chiếm tổng cộng 84% thị phần trong khu vực vào năm 2021.

Các lĩnh vực dễ bị tổn thương bao gồm bảo hiểm hàng không, hàng hải, mạng, bạo lực chính trị và tín dụng thương mại, được dự đoán là vẫn dễ bị tổn thất do cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra vào năm 2023. GlobalData cũng cho biết các công ty bảo hiểm ở khu vực APAC đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm phạm vi bảo hiểm phù hợp đối với các rủi ro chiến tranh đối với việc vận chuyển hàng hóa và nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên xung quanh khu vực xung đột, vì các nhà tái bảo hiểm truyền thống đang rút khỏi ngành kinh doanh này.

Tuy nhiên, một số thay đổi về quy định pháp lý ở châu Á-Thái Bình Dương có thể làm giảm nhẹ tác động của các yếu tố tiêu cực, báo cáo cho biết.

Một trong những bước phát triển đó là việc thực hiện các tiêu chuẩn vốn cao hơn đối với các công ty bảo hiểm ở Nhật Bản vào năm 2025. GlobalData cho biết điều này dự kiến sẽ tạo ra nhu cầu tái bảo hiểm bằng cách gây áp lực buộc các công ty bảo hiểm nhân thọ phải tăng tái bảo hiểm để giảm rủi ro tài sản. Nhật Bản chiếm 35,2% phí nhượng lại của châu Á vào năm 2021 và được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 4,1% từ năm 2021 đến 26.

Tại Trung Quốc, các công ty tái bảo hiểm dự kiến sẽ được hưởng lợi từ việc giảm các rào cản gia nhập. Các quy định được nới lỏng sẽ tạo ưu đãi cho các công ty tái bảo hiểm nước ngoài, nếu hệ thống quản lý khả năng thanh toán của họ được công nhận ở Trung Quốc. Các công ty tái bảo hiểm hiện đang tận dụng lợi thế này, thể hiện qua việc MAPFRE Re thành lập công ty con tại Trung Quốc vào năm 2022. Trung Quốc chiếm 25,6% thị phần phí nhượng tái bảo hiểm ở Châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2021, trong đó phí tái bảo hiểm của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng với tốc độ CAGR là 12,4% cho đến năm 2026 .

“Vào năm 2023, các công ty tái bảo hiểm ở APAC sẽ tập trung vào quản lý rủi ro và hạn chế tổn thất do xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra và lạm phát cao,” Mitra cho biết. “Tuy nhiên, sự tăng trưởng dài hạn sẽ vẫn ổn định do sự phát triển thuận lợi của các quy định pháp lý, điều này sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho các công ty tái bảo hiểm”.

Tập đoàn Trung Quốc BYD thách thức Tesla trên thị trường bảo hiểm xe điện Trung Quốc

(INA) – Nhà sản xuất xe điện lớn BYD Co Ltd đang đàm phán để mua lại công ty bảo hiểm Yi’an P&C Insurance Co.

Nhà phân tích Murthy Grandhi của GlobalData cho biết động thái này đánh dấu sự gia nhập của BYD vào thị trường bảo hiểm xe điện, có khả năng thách thức những người công ty lớn như Tesla và Nio.

BYD cũng đã bắt đầu tuyển dụng, đưa ra thông báo tuyển dụng nhân sự cho một số vị trí bảo hiểm bao gồm giám đốc điều hành, chuyên gia bồi thường, thủ quỹ, giám đốc sản phẩm và giám đốc tuân thủ, cùng những vị trí khác.

“BYD có kế hoạch tạo ra một hệ thống khép kín hoàn chỉnh bằng cách tận dụng dữ liệu ô tô dựa trên viễn thông từ các phương tiện BYD đang chạy trên đường, dữ liệu này có thể được tận dụng để tạo ra các gói bảo hiểm hợp lý hơn so với các công ty bảo hiểm truyền thống. Các công ty bảo hiểm truyền thống thường phải đối mặt với những thách thức trong việc đánh giá việc bảo trì sau bán xe điện do công nghệ, sự tham gia của nhiều bộ phận điện và chi phí sửa chữa đắt đỏ. Điều này cũng sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho BYD để cạnh tranh với Tesla ở Trung Quốc”, ông Grandhi nói.

8/10 người lao động Đài Loan không có kế hoạch nghỉ hưu

(INA) – Khảo sát mới đây của Bộ Lao động Đài Loan cho biết, hơn 8/10 hay 86,2% lao động Đài Loan không có kế hoạch nghỉ hưu.

Chỉ 13,8% số người có kế hoạch nghỉ hưu và mong muốn nghỉ hưu ở tuổi trung bình là 61.

Trong khi đó, hai phần ba hay 66,9% cho biết bảo hiểm lao động và quỹ hưu trí là nguồn thu nhập hưu trí theo kế hoạch chính của họ, tiếp theo là tiết kiệm cá nhân ở mức 66,2%.

Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 6 năm 2021 đến tháng 5 năm 2022 và tập trung vào điều kiện sống và việc làm của người lao động trong nước.

Tổn thất bảo hiểm khu vực Châu Á-Thái Bình Dương năm 2022 là 11 tỷ USD

(AIR) – Báo cáo mới đây của Aon cho biết, tổn thất được bảo hiểm ở Châu Á Thái Bình Dương năm 2022 lên tới 11 tỷ đô la, trong đó một phần ba tổn thất liên quan đến thảm họa ở Úc.

Tổng thiệt hại kinh tế ở khu vực APAC vào năm 2022 lên tới 80 tỷ đô la với khoảng cách bảo vệ đáng kể là 86%. Thiệt hại do lũ lụt tiếp tục duy trì vị trí thống trị là rủi ro tốn kém nhất trong năm thứ ba liên tiếp, chiếm hơn 61% tổng thiệt hại. Phần lớn thiệt hại do lũ lụt vào năm 2022 xảy ra ở Nam Á, nơi tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm vẫn còn rất thấp.

Lũ lụt trên diện rộng ở Queensland và New South Wales vào tháng 2 và tháng 3 đã gây ra 8 tỷ đô la thiệt hại kinh tế và 4 tỷ đô la thiệt hại được bảo hiểm. Do đó, sự kiện này đã trở thành sự kiện tốn kém nhất đối với ngành bảo hiểm địa phương được ghi nhận trên cơ sở điều chỉnh lạm phát.

Ở châu Á, lũ lụt vẫn là mối đe dọa lặp đi lặp lại với thiệt hại hàng năm vượt quá 30 tỷ USD kể từ năm 2010. Nhiều nơi có lượng mưa kỷ lục và lũ lụt nghiêm trọng vào năm 2022 – Pakistan, Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Hàn Quốc. Đặc biệt, lũ lụt ở Nam Á gây thiệt hại kinh tế 19 tỷ đô la và lũ lụt ở Trung Quốc đóng góp thêm 16 tỷ đô la.

Aon cho biết năm 2022 là năm tốn kém thứ năm trong lịch sử đối với các công ty bảo hiểm trên toàn cầu.

Thái Lan: Bảo hiểm phi nhân thọ dự đoán tăng trưởng 5% vào năm 2023

(AIR) – Theo Hiệp hội Bảo hiểm phi nhân thọ Thái Lan (TGIA), tổng phí bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ của Thái Lan năm 2023 dự báo sẽ tăng 4,5-5%, đạt 282 tỷ THB (8,56 tỷ USD) – 287 tỷ THB nhờ sự phục hồi kinh tế.

Ông Anon Vangvasu, chủ tịch TGIA, nói với trang tin tức Prachachat rằng lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước tính đã tăng trưởng 4% trong năm 2022. Để so sánh, vào năm 2021, ngành bảo hiểm phi nhân thọ của Thái Lan tăng trưởng 5,2% so với năm 2020, với tổng phí bảo hiểm là 265,8 tỷ THB vào năm 2021, so với 252,8 tỷ THB vào năm 2020.

Mặc dù lĩnh vực xuất khẩu của Thái Lan đang trì trệ do suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng các yếu tố thuận lợi khác cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ bao gồm triển vọng tốt hơn về doanh số bán xe và các sáng kiến của chính phủ nhằm kích thích nền kinh tế. Ông Anon cho biết: “Năm nay, phí bảo hiểm xe cơ giới dự kiến sẽ tăng 5-6%, trong đó xe điện vẫn chiếm một tỷ trọng nhỏ trong hoạt động kinh doanh.”

Ngoài ra, thị trường tái bảo hiểm chặt chẽ hơn có thể dẫn đến việc tăng phí bảo hiểm do các công ty bảo hiểm đưa ra cho khách hàng.

Cạnh tranh trên thị trường giảm đi phần nào sau khi một số công ty bảo hiểm phải đóng cửa do thua lỗ vì bán các hợp đồng bảo hiểm liên quan đến COVID. Diễn biến này khiến các công ty bảo hiểm còn lại trên thị trường thận trọng hơn trong việc chấp nhận rủi ro.

Swiss Re chia tách hoạt động tái bảo hiểm từ ngày 3 tháng 4

(AIR) – Nhà khổng lồ tái bảo hiểm toàn cầu Swiss Re mới đây đã công bố kế hoạch hợp lý hóa cơ cấu tổ chức của mình bằng cách chia Đơn vị Kinh doanh Tái bảo hiểm hiện tại thành P&C Re (tái bảo hiểm tài sản và thiệt hại) và L&H Re (tái bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe), mỗi công ty có toàn quyền đối với các quy trình quản lý bồi thường và đánh giá rủi ro tương ứng.

Swiss Re cho biết trong một tuyên bố rằng việc tái tổ chức nhằm mục đích đơn giản hóa cấu trúc, nâng cao hiệu quả và trải nghiệm của khách hàng sẽ có hiệu lực từ ngày 3 tháng 4 năm 2023, căn cứ sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Christian Mumenthaler cho biết: “Những thay đổi theo kế hoạch sẽ nhấn mạnh trách nhiệm giải trình về hiệu suất và mang lại hiệu quả rõ ràng. Việc thiết lập đơn giản hơn với các đường ra quyết định ngắn hơn cũng sẽ giúp nâng cao sự tập trung vào khách hàng”.

Ông Urs Baertschi, hiện là Giám đốc điều hành Tái bảo hiểm EMEA, sẽ lãnh đạo P&C Re. Ông Paul Murray, hiện là Giám đốc điều hành Tái bảo hiểm Châu Á Thái Bình Dương, sẽ lãnh đạo L&H Re.

Ông Moses Ojeisekhoba, hiện là Giám đốc điều hành Tái bảo hiểm, sẽ đảm nhận vị trí Giám đốc Khách hàng và Giải pháp Toàn cầu. Đơn vị kinh doanh này sẽ bao gồm các nhóm quản lý khách hàng phục vụ các khách hàng tái bảo hiểm toàn cầu của Swiss Re, các giải pháp dành cho Khu vực công, iptiQ và Giải pháp tái bảo hiểm.

Giải pháp Doanh nghiệp tiếp tục là một Đơn vị Kinh doanh dưới sự lãnh đạo của ông Andreas Berger.

Trách nhiệm của Giám đốc đánh giá rủi ro của Tập đoàn sẽ được phân bổ lại, quan trọng nhất là đối với các CUO của P&C Re và L&H Re, cũng như Quản lý rủi ro của Tập đoàn, để tiếp tục tập trung vào việc đánh giá rủi ro xuất sắc của Tập đoàn. Nhiệm vụ của các Chủ tịch Khu vực sẽ được phân bổ lại vì các vai trò sẽ không còn tồn tại trong cơ cấu mới.

Ấn Độ: Ngân sách Liên minh hạn chế miễn thuế đối với quyền lợi đáo hạn bảo hiểm nhân thọ

(AIR) – Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman, trong bài phát biểu về Ngân sách Liên minh hàng năm của mình mới đây, đã đề xuất quy định rằng với các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (ngoài các hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị [ULIP]) được phát hành vào hoặc sau ngày 1 tháng 4 năm 2023 có tổng phí bảo hiểm lũy kế trên 500.000 INR (6.115 USD), chỉ thu nhập từ những hợp đồng có tổng phí bảo hiểm lũy kế đến 500.000 INR mới được miễn thuế thu nhập.

Quy định này sẽ không ảnh hưởng đến việc miễn thuế cho quyền lợi bảo hiểm tử vong, cũng sẽ không ảnh hưởng đến các hợp đồng bảo hiểm được phát hành cho đến ngày 31 tháng 3 năm 2023.

Lãnh đạo các doanh nghiệp bảo hiểm nói rằng động thái này gây ảnh hưởng không tốt cho ngành.

Ông Vighnesh Shahane, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Bảo hiểm Nhân thọ Liên bang Ageas, nói với Thời báo Kinh tế: “Đề xuất này có khả năng làm giảm doanh số bán các sản phẩm không ngang giá vốn đã có ​​sự tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm qua, đặc biệt là trong đại dịch COVID. Vì giới hạn 500.000 INR được áp dụng cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của các công ty bảo hiểm, nên điều này có thể ngăn cản các cá nhân mua các hợp đồng bổ sung nếu họ đã mua hết hạn mức”.

Theo Indo-Asian News Service, động thái này sẽ tác động đến các sản phẩm tiết kiệm thường là các sản phẩm có giá trị cao và ký quỹ (mặc dù không phải là sản phẩm bảo vệ).

Trên bình diện rộng hơn, Ngân sách được thông qua có tác dụng thúc đẩy các dịch vụ tài chính, bao gồm cả bảo hiểm.

Ông Sarbvir Singh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Policybazaar.com, nói với Business World: “Trong Ngân sách 2023, điều đáng khen ngợi là Bộ trưởng Tài chính đã tiếp tục cải thiện sự thuận tiện trong kinh doanh ngay trung tâm trong các thông báo của bà. Trong lĩnh vực bảo hiểm, mọi thứ đều phụ thuộc vào sợi chỉ mong manh là niềm tin của khách hàng. Các quy trình KYC đơn giản hơn, các dịch vụ DigiLocker nâng cao và sự thúc đẩy tổng thể đối với các giao dịch kỹ thuật số sẽ giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Điều này đến lượt nó chắc chắn sẽ cải thiện việc áp dụng bảo hiểm của Ấn Độ”.

Ông Tarun Chugh, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Bảo hiểm nhân thọ Bajaj Allianz, cho biết: “Nhìn chung, Ngân sách rất tích cực với sự thận trọng về tài chính và tập trung rõ ràng vào tăng trưởng chung. Khi Ấn Độ tiếp tục củng cố nền kinh tế của mình, Ngân sách này đã đặt nền tảng cho sự tăng trưởng dài hạn trên tất cả các lĩnh vực – nông nghiệp, FinTech, cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội, du lịch, v.v. Ngân sách được cân bằng tốt với sự thúc đẩy cho cả vốn đầu tư và tiêu dùng”.

BTV (Tổng hợp).