BH Xuân Thành thành lập thêm 03 công ty con; Dai-Ichi Life Việt Nam trao thưởng tri ân mừng 4 triệu khách hàng; Bảo hiểm nông nghiệp Thái Lan sử dụng vệ tinh và big data
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
ABIC chi trả hơn 250 triệu đồng Bảo hiểm Bảo an Tín dụng
(ABIC) – Sáng ngày 29.6, công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp ABIC chi nhánh Đà nẵng phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Agribank huyện Nam Giang tổ chức chi trả quyền lợi cho thân nhân khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm Bảo An tín dụng không may gặp rủi ro.
Tại đây, công ty bảo hiểm đã trao 171.968.000 đồng cho gia đình ông A Lăng Miệt, trú tại thôn Đắc Rích xã Đắc Tôi và 81.186.000 đồng cho gia đình ông Phạm Bảy, trú tại thôn Thạnh Mỹ 2, thị trấn Thạnh Mỹ. Thay mặt hai gia đình em Phạm Thị Kim Thanh đã cảm ơn công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp ABIC chi nhánh Đà nẵng và chi nhánh Ngân hàng Agribank huyện Nam Giang đã làm thủ tục và chi trả quyền lợi, mai táng phí và lãi vay cho gia đình.
Trước đó, năm 2015, ông A Lăng Miệt mua bảo hiểm 80 triệu, với mức phí 936 nghìn đồng, với thời gian hai năm và năm 2016 ông mua bảo hiểm 90 triệu với mức phí 1.550 nghìn đồng, với thời gian ba năm. Ông Phạm Bảy, năm 2014, 2015 mua bảo hiểm 160 triệu đồng với mức phí 1.440 nghìn đồng.
Bảo An tín dụng là sản phẩm của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp được Nhà nước, Bộ Tài chính phê chuẩn cho phép triển khai. Là sản phẩm dành cho người vay vốn của Agribank, khi người vay vốn không may gặp rủi ro thì Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp sẽ thay mặt người đi vay trả cho Agribank một phần hoặc toàn bộ số tiền người vay còn nợ Ngân hàng đến thời điểm người vay không may gặp rủi ro, số tiền còn lại sẽ được chi trả cho người nhà người được bảo hiểm. Qua 9 năm thành lập công ty đã triển khai 80 loại hình sản phẩm, tại huyện Nam Giang đã triển khai sản phẩm bảo hiểm Bảo an tín dụng được hơn 2 năm, đây là lần thứ 3 công ty chi trả bảo hiểm cho khách hàng.
Bảo hiểm PVI hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông tại tỉnh Gia Lai
(TBTCO) – Bảo hiểm PVI đã quyết định trích từ quỹ của PVI chi hỗ trợ cho các gia đình có nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn xảy ra tại đường liên xã Đak Sơmei – Hà Đông, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai mỗi gia đình 10.000.000 đồng để chia sẻ khó khăn với các gia đình.
Khoảng 1 giờ sáng ngày 09/02/2022, một vụ tai nạn giao thông thảm khốc đã xảy ra tại đường liên xã Đak Sơmei – Hà Đông, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) khiến 6 người chết, 3 người bị thương.
Khi xảy ra tai nạn, chiếc xe tải chở sắn khô từ địa phận xã Hà Đông ra khu vực xã Đak Sơ Mêi đã lao xuống vực, hầu hết các nạn nhân đều bị mắc kẹt trong cabin do phần đầu xe bị bẹp dúm. Các nạn nhân bị thương đang được điều trị tích cực tại các cơ sở y tế.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Bảo hiểm PVI đã kiểm tra và xác nhận xe có tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS tại Bảo hiểm PVI. Tuy nhiên những người ngồi trên xe tải không thuộc phạm vi bồi thường theo quy định của Nghị định 03/2021/NĐ-CP.
Do vụ tai nạn có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gia đình các nạn nhân đều có hoàn cảnh khó khăn nên Bảo hiểm PVI quyết định trích từ quỹ của PVI chi hỗ trợ cho các gia đình có nạn nhân tử vong mỗi gia đình 10.000.000 đồng để chia sẻ khó khăn với các gia đình.
Bảo hiểm PVI đã cử cán bộ kịp thời đến hiện trường để phối hợp với cơ quan chức năng hỗ trợ công tác cứu nạn, cứu hộ, xác định thiệt hại cũng như động viên tinh thần, chia sẻ nỗi đau mất mát tới người bị nạn và gia đình, đồng thời tổ chức trao tiền hỗ trợ ngay trong chiều cùng ngày.
- Một vòng doanh nghiệp
PVI vững vàng trong “bão dịch”, kỳ vọng bứt phá 2022
(TBTCO) – Nhìn lại kết quả kinh doanh ấn tượng của năm 2021 – một năm đầy biến động, đầy khó khăn và thách thức, những người chèo lái con thuyền Bảo hiểm PVI cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Bảo hiểm PVI có thể tự hào về những thành quả đã đạt được. Năm 2022 gõ cửa, các doanh nghiệp Việt trong đó có Bảo hiểm PVI vẫn phải đối mặt với vô vàn thách thức, nhưng với quyết tâm kiên định với “chiến lược riêng, lối đi riêng” đã chọn, Bảo hiểm PVI kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá và hoàn thành những mục tiêu đề ra.
Bảo hiểm PVI – Cán mốc doanh thu đầy kỳ vọng
Dịch bệnh kéo dài hai năm qua, đặc biệt là trong năm 2021, nhiều tỉnh, thành trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội trong một thời gian dài, điều này đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của nhiều ngành, nghề, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc đóng cửa.
Bảo hiểm PVI cũng phải đối mặt với thách thức từ việc tái tục các hợp đồng cũ, thu nhập của khách hàng giảm sút mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh… Tuy nhiên Ban lãnh đạo Bảo hiểm PVI vẫn kiên định với chiến lược tăng trưởng gắn liền với hiệu quả, đồng thời triển khai các giải pháp linh hoạt để thích ứng kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh, áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh và quản trị…
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 được công bố đã khiến Ban lãnh đạo Bảo hiểm PVI “thở phào” và càng khẳng định chiến lược đúng đắn mà Bảo hiểm PVI đã chọn “ưu tiên tập trung vào hiệu quả và chỉ tăng trưởng quy mô nếu có hiệu quả” mà doanh nghiệp này đã theo đuổi từ tháng 6/2019.
Theo đó, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 của Bảo hiểm PVI ước đạt 5.329 tỷ đồng, hoàn thành 112% kế hoạch 6 tháng và 55,6% kế hoạch năm, tăng trưởng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 4.491 tỷ đồng, tăng trưởng 11,1% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 1,6 lần so với bình quân thị trường.
Trong quý III/2021, mặc dù là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, tuy nhiên Bảo hiểm PVI vẫn duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng.
Tại Hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI Phạm Anh Đức đã hào hứng chia sẻ vị trí dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ về thị phần của Bảo hiểm PVI, đồng thời duy trì vị trí số 1 thị trường về quy mô vốn điều lệ và hiệu quả nghiệp vụ. Vị đại diện Bảo hiểm PVI cũng chia sẻ những con số đầy ấn tượng. Cụ thể, tổng doanh thu 9 tháng đầu năm của Bảo hiểm PVI đạt 7.583,7 tỷ đồng, hoàn thành 107,8% kế hoạch 9 tháng và 79,2% kế hoạch năm 2021, tăng trưởng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng bảo hiểm gốc, doanh thu tăng trưởng 10,1% so với 9 tháng đầu năm 2020. Lợi nhuận trước thuế của Bảo hiểm PVI đạt 686,6 tỷ đồng, tăng trưởng 20,1% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 161,9% kế hoạch 9 tháng, 106,4% kế hoạch năm.
Và vào tuần cuối cùng của năm 2021, Bảo hiểm PVI đã cán mốc doanh thu đầy kỳ vọng mà doanh nghiệp đặt ra từ đầu năm: 10.000 tỷ đồng, vượt mọi chỉ tiêu kế hoạch năm 2021. Dù trong bối cảnh năm 2021 đầy biến động, Bảo hiểm PVI vẫn luôn kiên định và nỗ lực để hoàn thành mốc doanh thu đầy thách thức này, chào mừng kỷ niệm 1/4 thế kỷ hình thành và phát triển của mình.
Bảo hiểm PVI cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong cung cấp các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến, triển khai cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử trách nhiệm dân sự bắt buộc đạt hiệu quả cao. Với việc đầu tư rất sớm và bài bản vào lĩnh vực công nghệ số, Bảo hiểm PVI đã tối ưu hóa các hoạt động kinh doanh, giám định, bồi thường và mang lại hiệu quả cao bất chấp bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Bảo hiểm PVI còn nỗ lực cải thiện các chế độ lương, thưởng, phúc lợi dành cho cán bộ, nhân viên nhằm tạo động lực cho người lao động ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn với công ty, đóng góp nhiều hơn cho công ty.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh hiệu quả, Bảo hiểm PVI còn xông xáo trong các hoạt động thể hiện trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, đồng hành cùng Chính phủ chống dịch. Theo đó, doanh nghiệp này đã trao tặng, hỗ trợ hàng tỷ đồng cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19, phối hợp cùng Công đoàn Y tế Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình “Bảo hiểm an toàn cho cán bộ Y tế trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19”…
Tự tin hoàn thành mục tiêu năm 2022
Năm 2022 bắt đầu trong bối cảnh “bình thường mới” dù dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Ban lãnh đạo Bảo hiểm PVI khẳng định quyết tâm kiên định, vững vàng với chiến lược đã phát huy hiệu quả 3 năm qua.
Theo đó, Bảo hiểm PVI đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững với việc tăng cường tính hiệu quả; doanh thu tăng ở mức 2 con số và duy trì lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức cao như các năm gần đây. Duy trì vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực bảo hiểm thương mại và công nghiệp tại thị trường trong nước, tiến từng bước vững vàng trên con đường vươn ra thị trường Đông Nam Á.
Đặc biệt, trong năm 2022, doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ số để mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng cũng như tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, quản lý, giải quyết bồi thường cho khách hàng…
“Bảo hiểm PVI sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng của cán bộ, nhân viên thông qua những khóa đào tạo chuyên ngành để cùng đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững của công ty. Cùng với đó, nâng xếp hạng tài chính để đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường khu vực và thế giới; linh hoạt trong chính sách kinh doanh để ứng phó với biến động của dịch bệnh…” – đại diện Bảo hiểm PVI khẳng định.
Thành viên HĐQT PVI, Chủ tịch HĐTV Bảo hiểm PVI Dương Thanh Francois nhấn mạnh: “Đón vận hội mới, duy trì bản sắc, vững vàng bản lĩnh PVI, ‘Chủ động thay đổi, vươn tới thành công’, tầm nhìn của Bảo hiểm PVI là cùng nhau xây dựng một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu tại Đông Nam Á trong tương lai gần”.
Với 2 cổ đông chi phối lớn nhất là HDI Global SE và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), theo đó, HDI Global đã cam kết kế hoạch thông qua và sử dụng Bảo hiểm PVI để phát triển mảng bảo hiểm gốc của HDI Global ở Đông Nam Á, đồng thời nâng hạng năng lực tài chính của Bảo hiểm PVI từ B++ (Tốt) hiện nay lên A- trong thời gian sớm nhất. Còn PetroVietnam, trong suốt 25 năm qua luôn là đối tác bảo hiểm quan trọng của Bảo hiểm PVI, cam kết sẽ tiếp tục duy trì, phát triển và nâng tầm hợp tác giữa 2 bên lên một tầm cao mới.
Cam kết của các cổ đông cùng chiến lược kinh doanh đúng đắn và cách thức quản trị, nâng cao và tôn vinh giá trị cống hiến của mỗi tập thể, cá nhân cũng như kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh trong năm 2020, 2021, Bảo hiểm PVI tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu năm 2022 và trở thành doanh nghiệp bảo hiểm quốc tế có thứ hạng cao ở Đông Nam Á.
Bảo hiểm Xuân Thành thành lập thêm 03 công ty thành viên
(XTI) – Ngày 27 tháng 01 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký Giấy phép điều chỉnh số 57/GPĐC20/KDBH chấp thuận cho Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành thành lập thêm 03 Công ty Bảo hiểm thành viên trực thuộc, cụ thể như sau:
- Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Thái Nguyên
Địa chỉ: Tầng 2, tòa nhà Phát hành sách, số 65 đường Hoàng Văn Thụ, tổ 2, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
- Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Tân Sơn Nhất
Địa chỉ: 02 Thân Văn Nhiếp, phường An Phú, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
- Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Tiền Giang
Địa chỉ: Ấp Bình Thành, xã Song Bình, Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Ưu đãi tới 50% khi mua bảo hiểm BIC qua ứng dụng BIDV Smartbanking
(BIC) – Chào mừng lần đầu tiên ra mắt các sản phẩm bảo hiểm trên ứng dụng ngân hàng số BIDV SmartBanking, từ ngày 09/02/2022 tới 31/03/2022, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) triển khai chương trình ưu đãi, giảm phí tới 50% cho khách hàng mua bảo hiểm qua ứng dụng trên.
Cụ thể, trong thời gian diễn ra chương trình, khách hàng tham gia bảo hiểm BIC qua ứng dụng BIDV SmartBanking sẽ được giảm ngay 50% phí bảo hiểm toàn diện nhà tư nhân, 40% phí bảo hiểm du lịch, 30% phí bảo hiểm tai nạn con người 24/24 và 30% phí bảo hiểm sức khoẻ BIC Tâm An (đối với khách hàng lần đầu tham gia bảo hiểm sức khoẻ tại BIC). Bên cạnh đó, khách hàng cũng có thể chọn mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự ô tô và xe máy đơn giản, nhanh chóng ngay trên ứng dụng. Trong thời gian tới, BIC cũng sẽ triển khai thêm các sản phẩm mới như Bảo hiểm bệnh Ung thư BIC Phúc Tâm An và bảo hiểm vật chất ô tô trên ứng dụng BIDV Smart Banking.
Ra mắt các sản phẩm bảo hiểm trên ứng dụng BIDV SmartBanking, BIC cung cấp tới khách hàng trọn bộ giải pháp an toàn để an tâm tận hưởng cuộc sống. Quy trình mua bảo hiểm rất đơn giản, thuận tiện từ tra cứu thông tin sản phẩm, quy trình bồi thường đến đặt mua, thanh toán nhằm tiết kiệm tối đa thời gian cho khách hàng. Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử sẽ được gửi tới khách hàng trong vòng 1 phút ngay khi đặt mua thành công. Đặc biệt, ứng dụng cũng hỗ trợ khách hàng gửi yêu cầu bồi thường bảo hiểm trực tuyến 24/7.
- Nhịp đập thị trường
“Hậu trường” bán bảo hiểm dịch bệnh
(ĐTCK) – Trong năm 2021, do vẫn chờ quy định mới thay thế Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về bảo hiểm Covid nên các công ty bảo hiểm phi nhân thọ vẫn vừa bán, vừa nghe ngóng.
Thấp thỏm bảo hiểm Covid…
Theo Chỉ thị 16, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không được phép giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến dịch bệnh Covid-19 để tránh các rủi ro tiềm ẩn. Ngay sau đó, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ quán triệt trong hệ thống, đại lý về việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng.
Trước khi có chỉ thị, sự xuất hiện của Covid-19 khiến bảo hiểm chưa khi nào trở nên “hot” đến vậy, các sản phẩm bảo hiểm mang tên Corona được bán ngập tràn, nhiều doanh nghiệp xem đây như là quà dành tặng khách hàng, cán bộ, nhân viên. Đơn cử, MSB có chương trình tặng bảo hiểm Corona cho khách hàng mở thẻ tín dụng, vay vốn; HDBank mua bảo hiểm Corona Guard cho cán bộ, nhân viên ngân hàng; SHB tặng 100% phí bảo hiểm năm đầu Gói bảo hiểm nCoV Shield của BSH…
Tuy nhiên, khi Chỉ thị 16 được đưa ra, nhiều công ty bảo hiểm đang triển khai dở hoặc vừa ra sản phẩm mới về Covid đều dừng triển khai sản phẩm này, chờ ngày có chỉ đạo mới. Hiện tại, một số công ty bảo hiểm đã bổ sung quyền lợi bảo hiểm có liên quan đến dịch bệnh trên nền sản phẩm bảo hiểm cũ, có công ty thì chuẩn bị sẵn các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe có quyền lợi về dịch bệnh, chỉ chờ được phép là “tung hàng” ra thị trường.
Còn nhớ, quảng cáo ra mắt sản phẩm “VBI – vì cộng đồng” của Bảo hiểm VietinBank (VBI) được cho là có dấu hiệu vi phạm Chỉ thị 16 bởi bao gồm cả quyền lợi rủi ro liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Trả lời phóng viên lúc đó, VBI lập luận rằng, Công ty không quảng cáo bất kỳ thông tin nào liên quan đến bệnh Covid-19, mà chỉ đề cập đây là sản phẩm bảo hiểm sức khỏe khách hàng nên tham gia trong mùa dịch do có quyền lợi và chi phí phù hợp, như vậy không vi phạm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đại diện nhà bảo hiểm này, “VBI – vì cộng đồng” là chương trình bảo hiểm sức khỏe thông thường của VBI, được áp dụng theo Quy tắc Bảo hiểm sức khỏe VBIcare đã được ban hành và triển khai bán từ tháng 3/2012. Theo quy định của Bộ Tài chính, các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe ban hành trước 1/10/2012 không phải tiến hành đăng ký phê chuẩn, các công ty bảo hiểm được phép lưu hành và triển khai bán theo đúng quy định pháp luật về bảo hiểm.
Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng đã bán cho Vincomerce gói bảo hiểm “Khỏe mạnh trong mùa dịch” để tặng cho khách hàng của VinMart. Theo đó, sau 72h kể từ khi hợp đồng hiệu lực, nếu khách hàng vô tình nhiễm Covid thì vẫn được MIC bảo hiểm chi trả quyền lợi sức khoẻ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, gói bảo hiểm này sớm dừng lại.
… và những lùm xùm
Tại khối nhân thọ, hàng loạt công ty bảo hiểm như Prudential, Manulife, Generali, AIA, Sunlife, BIDV Metlife, Cathay… cũng tung ra các chương trình hỗ trợ đặc biệt liên quan đến dịch bệnh Covid-19 vừa để kích cầu bán hàng, vừa chia sẻ với khách hàng gặp khó khăn do dịch.
Với động thái này, đội ngũ kinh doanh của các công ty bảo hiểm đã dễ bán hàng hơn. Các công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết, họ đã chi hàng chục tỷ đồng hỗ trợ cho các khách hàng và đại lý không may bị nhiễm Covid-19, nhưng trên thực tế, không phải khách hàng nào cũng nhận được hỗ trợ.
Đáng chú ý, những khách hàng không được hỗ trợ theo cam kết bày tỏ thái độ không hài lòng và phản ánh lên các cơ quan quản lý cũng như báo đài. Báo Đầu tư Chứng khoán cũng nhận được phản ánh của một số khách hàng về việc không được công ty bảo hiểm hỗ trợ theo cam kết của Chương trình hỗ trợ đặc biệt liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Theo những khách hàng này, họ mua bảo hiểm từ nhiều kênh, từ trực tiếp tại công ty bảo hiểm đến thông qua các đại lý cá nhân, tổ chức, nhưng không được thông báo chi tiết về chương trình hỗ trợ này, nên sau đó tuy nhiễm Covid nhưng không được hỗ trợ (vì đã hết thời hạn hỗ trợ).
Giải thích lý do, có nhà bảo hiểm cho hay, trong hồ sơ yêu cầu hỗ trợ của khách hàng chỉ có giấy xác nhận hoàn thành cách ly tại nhà/nơi lưu trú do trạm y tế phường cấp, không phải giấy ra viện do bệnh viện cấp, hoặc kết quả test PCR và mã số bệnh nhân, nên không đáp ứng các tiêu chí để nhận hỗ trợ. Còn khách hàng cho biết, do bị cách ly tại nhà nên không thể có mã bệnh nhân và không được di chuyển ra bệnh viện/trạm y tế test PCR nên cũng bị công ty bảo hiểm từ chối hỗ trợ.
Một nhóm khách hàng sau khi bị từ chối hỗ trợ đã đòi hủy hợp đồng bảo hiểm, sau đó được phía công ty bảo hiểm xoa dịu bằng một vài món quà nhỏ và được đại lý bảo hiểm “trấn an” rằng: “Nếu hủy lúc này thì sẽ mất gần hết số tiền đã đóng vì tổng các loại phí liên quan đến hợp đồng năm đầu khá cao”. Khách hàng vì lo mất tiền nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Kỳ vọng 2022 sẽ trôi chảy
Thời gian qua, nhiều công ty bảo hiểm đã giảm bớt điều khoản đối với những trường hợp khách hàng mua bảo hiểm không may nhiễm Covid, cụ thể là trước đây nếu ai mắc Covid thì phải qua 6 tháng mới được xem xét bảo hiểm, thì bây giờ chỉ cần 1 tháng. Vì thế, nếu đại lý bảo hiểm tư vấn tốt sẽ thúc đẩy doanh số bán bảo hiểm trong năm 2022 này.
Đơn cử, tại Hanwha Life, sau 1 tháng kể từ ngày test kháng nguyên Covid-19 cho kết quả âm tính lần cuối, nhà bảo hiểm này sẽ cân nhắc nhận bảo hiểm cho các quyền lợi cơ bản, tạm hoãn đối với các sản phẩm bảo hiểm bổ sung để theo dõi thêm. Ngoài ra, sau 3 tháng kể từ ngày test âm tính lần cuối, xem xét nhận tất cả các quyền lợi tùy tình trạng sức khỏe/di chứng/biến chứng của bệnh lý.
Tại Cathay, thời hạn 1 tháng được tính kể từ thời điểm F0 điều trị khỏi bệnh mới tham gia được bảo hiểm. Với Sunlife, thời hạn 1 tháng được tính từ ngày xuất viện hoặc ngày hoàn tất cách ly, áp dụng thời hạn 3 tháng nếu khách hàng có các bệnh lý nền như béo phì, tim mạch, huyết áp, tiểu đường…
Có doanh nghiệp bảo hiểm còn không bắt buộc khách hàng chụp X quang phổi khi nộp yêu cầu bảo hiểm như Sunlife, Hanwha Life… Trong trường hợp cần thiết, công ty bảo hiểm sẽ ra thư mời khách hàng bổ sung thông tin hoặc kiểm tra y tế.
Bên cạnh đó, để nâng cao trải nghiệm của khách hàng và hỗ trợ xử lý nhanh chóng các yêu cầu chi trả bồi thường, nhiều công ty bảo hiểm đã đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp thông minh. Đơn cử, Hanwha Life Việt Nam cho ra mắt ứng dụng LIME cho phép khách hàng yêu cầu và nhận quyền lợi bảo hiểm trực tuyến, quản lý hợp đồng trực tuyến (e-Policy), thay đổi thông tin cá nhân, thông tin hợp đồng, thanh toán bảo hiểm online (e-payment)…
- Bảo hiểm với cộng đồng
Dai-Ichi Life Việt Nam trao giải thưởng chương trình tri ân chào mừng 4 triệu khách hàng
(ĐTCK) – Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life Việt Nam) đã tổ chức Lễ trao giải thưởng cho các khách hàng may mắn trúng thưởng trong chương trình tri ân Chào mừng 4 triệu khách hàng.
Lễ trao giải thưởng được tổ chức và kết nối truyền hình trực tiếp đồng thời tại Văn phòng Công ty ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội với sự tham dự của Ban Giám đốc Cấp cao Dai-ichi Life Việt Nam, đại diện đối tác, các khách hàng trúng thưởng và đội ngũ kinh doanh Dai-ichi Life Việt Nam.
Tại buổi lễ, ông Đặng Hồng Hải – Phó Tổng Giám đốc điều hành Dai-ichi Life Việt Nam, phụ trách các lĩnh vực Tài chính, Định phí bảo hiểm, Phát triển & Quản trị sản phẩm, Phân phối Mở rộng – đã chúc mừng khách hàng thứ 4 triệu Nguyễn Phi Long và trao giải Kim cương – 10 lượng vàng SJC 999.9.
Ngoài ra, các đại diện Ban Giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam cũng đã chúc mừng và trao các giải Vàng, giải Titan, giải Bạc cùng nhiều giải thưởng khác cho những khách hàng may mắn trúng thưởng của chương trình.
Hướng đến cột mốc phục vụ 4 triệu Khách hàng, Dai-ichi Life Việt Nam đã triển khai Chương trình tri ân Chào mừng 4 triệu Khách hàng trong hơn 8 tháng, bắt đầu từ ngày 5/5/2021 đến ngày 31/12/2021, với hơn 400 giải thưởng “Vàng SJC 999.9” hấp dẫn có tổng trị giá trên 4,5 tỷ đồng, thu hút sự tham gia của hàng trăm ngàn khách hàng.
Ông Trần Đình Quân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam, cho biết: “Dai-ichi Life Việt Nam đã chính thức vượt cột mốc phục vụ hơn 4 triệu khách hàng vào tháng 12/2021. Đây là mốc son quan trọng và đáng ghi nhớ sau 15 năm hình thành và phát triển của Dai-ichi Life Việt Nam. Để Công ty có được tầm vóc, vị thế và nền tảng vững chắc như ngày hôm nay, chúng tôi hiểu rằng, nhân tố quyết định chính là sự tin yêu và gắn bó của hơn 4 triệu khách hàng. Chúng tôi rất tự hào, trân quý và biết ơn hơn 4 triệu khách hàng đã cho chúng tôi cơ hội được cung cấp các giải pháp bảo vệ tài chính và chăm sóc sức khỏe hiệu quả để bảo đảm cuộc sống bình an, tương lai tươi sáng cho khách hàng và gia đình”.
Năm 2021 vừa qua, Dai-ichi Life Việt Nam đã thực hiện thành công 4 chương trình khuyến mại với tổng trị giá hơn 16 tỷ đồng. Đặc biệt, khởi động năm mới 2022 với nhiều điều tốt đẹp, Dai-ichi Life Việt Nam cùng lúc giới thiệu đến khách hàng hai chương trình khuyến mại – Mừng Xuân bình an, Rinh quà cực sang và Mừng tuổi 15, Rước “xế” về nhà với tổng trị giá trên 3,3 tỷ đồng.
“Với phương châm hoạt động “Khách hàng là trên hết” cùng thông điệp “Kết nối Triệu Yêu Thương”, Dai-ichi Life Việt Nam luôn xem khách hàng là trọng tâm trong mọi hoạt động và lấy sự hài lòng của khách hàng làm thước đo thành công. Chúng tôi cam kết không ngừng sáng tạo, đổi mới sản phẩm, chú trọng đầu tư công nghệ nhằm mang đến các tiện ích tối ưu, gia tăng trải nghiệm công nghệ số cũng như tạo ra các giá trị vượt trội cho khách hàng, đối tác và cộng đồng”, ông Quân chia sẻ thêm.
Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, Dai-ichi Life Việt Nam đã lớn mạnh hơn gấp 30 lần về tổng doanh thu phí bảo hiểm, số lượng khách hàng tăng gấp 12 lần, tổng vốn đầu tư tăng 42 lần và tổng giá trị tài sản tăng 65 lần. Riêng năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm của Dai-ichi Life Việt Nam đạt trên 18.650 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2020, tiếp tục giữ vững vị thế là một trong ba công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài lớn nhất thị trường. Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản do Dai-ichi Life Việt Nam quản lý đạt 46.000 tỷ đồng.
Song hành với nỗ lực kinh doanh hiệu quả, trong suốt 15 năm qua, Dai-ichi Life Việt Nam đã dành hơn 55 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, xuyên suốt các lĩnh vực giáo dục, sức khỏe y tế và bảo vệ môi trường.
- Tin quốc tế
Chubb cho phép hủy và hoàn tiền miễn phí đối với các hợp đồng bảo hiểm du lịch tại Singapore
(INA) – Chubb đang cung cấp dịch vụ hủy và hoàn tiền mà không cần hỏi đối với các hợp đồng bảo hiểm du lịch mà công ty đã thực hiện tại Singapore.
Ưu đãi này dành cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm du lịch một chiều cho cá nhân do Chubb cấp đơn từ ngày 16 tháng 12 năm 2021 đến ngày 31 tháng 3 năm 2022.
Cam kết về dịch vụ này cũng được hỗ trợ bởi các đối tác phân phối các sản phẩm du lịch của Chubb, như American Express, DBS Bank Ltd và GrabInsure Insurance Agency (S) Pte Ltd, v.v.
Ông Serene Neo, Giám đốc Bảo hiểm Tai nạn & Sức khỏe của Chubb tại Singapore, nói: “Bản thân là người tiêu dùng, chúng tôi hiểu rằng với những yêu cầu/hoàn cảnh thay đổi, việc lập kế hoạch du lịch quốc tế có thể căng thẳng và hợp đồng bảo hiểm của chúng tôi không nên làm tăng thêm căng thẳng đó. Bằng cách cho phép khách hàng của chúng tôi hủy và hoàn lại tiền cho các hợp đồng của họ mà không có câu hỏi nào, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp cho họ sự tự tin hơn và cần có sự bảo vệ liên quan khi họ tiếp tục hành trình”.
Ngành BHNT Australia năm 2021 có lợi nhuận trở lại
(INA) – Theo Cơ quan giám sát tài chính và bảo hiểm Úc (Australian Prudential Regulation Authority – APRA) , ngành bảo hiểm nhân thọ nước này đã bắt đầu phục hồi với tỷ suất lợi nhuận trên tài sản ròng năm 2021 tăng 3%, từ mức -6% vào năm 2020.
Trong năm đánh giá của mình, APRA cho biết ngành bảo hiểm nhân thọ đã chứng tỏ khả năng phục hồi trước sự không chắc chắn do đại dịch gây ra, với kết quả tài chính được cải thiện nhờ các sáng kiến định giá lại và cải thiện doanh thu đầu tư.
“Mặc dù hoạt động tài chính được cải thiện trong 12 tháng đến tháng 6 năm 2021, các sản phẩm bảo hiểm rủi ro vẫn không có lãi, chủ yếu do những yêu cầu bồi thường bất lợi dai dẳng của sản phẩm Bảo hiểm tàn tật cá nhân và những tổn thất gần đây trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhóm. Yêu cầu bồi thường cao hơn dự kiến do hậu quả trực tiếp của COVID-19 có thể sẽ tồn tại trong thời gian từ ngắn đến trung hạn”, APRA bình luận.
Báo cáo cho biết thêm rằng ngành bảo hiểm nhân thọ vẫn tập trung hợp lý, với năm công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu chiếm 68% tổng tài sản toàn ngành, tăng từ 62% vào năm 2020. Điều này là do hoạt động mua lại tiếp tục giữa các công ty bảo hiểm nhân thọ lớn hơn. Trong khi đó, xu hướng gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong ngành cũng vẫn tiếp diễn.
Singapore: Chubb SG và StarHub ra mắt bảo hiểm quấy rối mạng
(INA) – Chubb Singapore và công ty viễn thông StarHub đã hợp tác để khởi động CyberCover, một sản phẩm bảo vệ mạng được thiết kế để cung cấp hỗ trợ tài chính cho các khách hàng StarHub Mobile và Broadband bị ảnh hưởng bởi các hành vi quấy rồi trên mạng (cyber-bullying), đánh cắp danh tính, giao dịch trái phép và các giao dịch mua trực tuyến không thành công.
Bảo hiểm bảo vệ cho các chi phí phát sinh cho tư vấn pháp lý, hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn hoặc hỗ trợ chống lại quấy rối trực tuyến và các mối đe dọa mạng khác.
Khách hàng muốn mua bảo hiểm có thể thực hiện bằng cách mở ứng dụng My StarHub và đăng ký CyberCover. Gói đăng ký có giá 9,99 đô la Singapore/người/tháng hoặc 12,99 đô la Singapore/tháng để chi trả cho tất cả các thành viên gia đình sống cùng nhà.
Ông Kevin Bogardus, Giám đốc Quốc gia của Chubb tại Singapore, cho biết: “Khi các giao dịch kỹ thuật số tăng lên, khả năng tiếp xúc với rủi ro mạng cũng tăng theo. Chúng tôi rất vui mừng về sự hợp tác của chúng tôi với StarHub để cung cấp CyberCover. Thông qua giải pháp bảo vệ cá nhân này, chúng tôi muốn mang đến cho khách hàng của StarHub và các thành viên gia đình của họ sự hỗ trợ thiết thực khi đối mặt với tội phạm mạng”.
Nhật Bản: Taiju Life ngừng bán bảo hiểm COVID-19
(INA) – Công ty bảo hiểm Nhật Bản Taiju Life Insurance đã thông báo rằng họ sẽ ngừng bán sản phẩm bảo hiểm COVID-19 của mình do sự gia tăng nhanh chóng của biến thể Omicron trong nước.
Sản phẩm này có mức phí bảo hiểm hàng tháng là 370 JPY cho nam giới và 340 JPY cho nữ giới, cung cấp khoản thanh toán một lần 100.000 JPY (868,44 USD) trong trường hợp khách hàng phải nhập viện sau khi bị nhiễm COVID-19.
Các quan chức của công ty cho biết hợp đồng sẽ không được bán nữa do có thể gặp khó khăn trong việc chi trả quyền lợi một lần cho các chủ hợp đồng.
Tổng cộng có khoảng 57.000 khách hàng đã mua sản phẩm bảo hiểm được ra mắt vào ngày 21 tháng 12 năm ngoái.
Số người bị mắc COVID-19 ở Tokyo lên tới 21.576 người vào thứ sáu tuần trước, lần đầu tiên vượt mức 20.000 ca nhiễm mới/ngày.
Philippines: Đồng bảo hiểm nông nghiệp giữa DN bảo hiểm nhà nước và tư nhân
(AIR) – Tập đoàn Bảo hiểm Cây trồng Philippines (PCIC) thuộc sở hữu nhà nước đã ký kết thỏa thuận lần đầu tiên với một công ty tư nhân để bảo hiểm cho nông dân và sản lượng của họ cũng như nhằm giảm thiểu rủi ro có thể dẫn đến sụp đổ về tài chính.
The Philippine Star đưa tin cho biết, PCIC đã ký hợp đồng đồng bảo hiểm với CARD Pioneer Microinsurance (CPMI) để chia sẻ rủi ro được bảo hiểm cho từng hợp đồng bảo hiểm theo tỷ lệ 70:30.
Theo thỏa thuận, CPMI sẽ đóng vai trò là nhà bảo hiểm chính, trong khi PCIC sẽ là nhà đồng bảo hiểm, vì tổ chức tư nhân sẽ tiếp thị các kế hoạch bảo hiểm của PCIC cho nông dân.
Theo thỏa thuận, PCIC cũng sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho CPMI về các vấn đề định phí, quản lý bồi thường, quản lý hợp đồng và đánh giá rủi ro.
Công ty bảo hiểm vi mô sẽ tập trung vào việc bảo hiểm các loại cây trồng có giá trị cao ở một số tỉnh mà PCIC chưa có hoạt động. Do đó, thỏa thuận được coi là sẽ mang lại lợi ích cho những nông dân ở các khu vực xa xôi, những người cần tiền bảo hiểm để khôi phục lại trong thời gian thiên tai.
Ủy viên Bảo hiểm Dennis Funa cho biết ông hy vọng quan hệ đối tác công tư sẽ đóng góp vào mục tiêu của chính phủ là nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm cho nông dân ở nông thôn.
Ông Funa cho biết: “Trong những năm qua, PCIC chỉ cung cấp bảo hiểm cây trồng nhiều rủi ro cho nhiều loại hàng hóa nông nghiệp khác nhau và chính phủ đã trợ cấp phí bảo hiểm vì lợi ích của các hộ nông dân nhỏ trong nước.
“Mặc dù vậy, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm cho nông dân ở Philippines vẫn còn thấp. Rõ ràng, cần phải giải quyết khoảng cách bảo vệ trong lĩnh vực nông nghiệp, xem xét khả năng chịu đựng trước các thảm họa nghiêm trọng và thường xuyên”.
Các quan chức tài chính trước đây đã báo động đỏ đối với PCIC vì nguy cơ mất khả năng thanh toán do phải phụ thuộc vào trợ cấp của nhà nước trong quá trình hoạt động.
Thái Lan: Bảo hiểm cây trồng tìm đến công nghệ vệ tinh và dữ liệu lớn
(AIR) – Hiệp hội Bảo hiểm phi nhân thọ Thái Lan (TGIA) đã bắt tay với Thaicom để sử dụng dữ liệu lớn và công nghệ vệ tinh để phát triển bảo hiểm cây trồng.
Hiệp hội đã ký Biên bản Ghi nhớ (MOU) với Thaicom, nhà khai thác vệ tinh và cung cấp các dịch vụ vệ tinh và viễn thông, để hợp tác trong lĩnh vực này.
Ông Anon Vangvasu, chủ tịch TGIA, tiết lộ rằng hiện tại, nông dân Thái Lan phải đối mặt với nhiều vấn đề, đặc biệt là điều kiện thời tiết thay đổi và sâu bệnh.
Hiệp hội nhận thấy tầm quan trọng và lợi ích của việc áp dụng công nghệ đánh giá thiệt hại cây trồng và thu thập dữ liệu thông qua công nghệ di động, để có thể phát triển một hệ thống đánh giá thiệt hại toàn diện và hiệu quả hơn.
Vào tháng 3 năm 2021, Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp (OAE) cho biết họ đang nghiên cứu phương án giảm các khoản chi trả của nhà nước cho nông dân có cây trồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thay thế hỗ trợ đó bằng một chương trình bảo hiểm cây trồng đồng chi trả.
Để thu hút nông dân tham gia chương trình bảo hiểm đồng chi trả, OAE sẽ giới thiệu bảo hiểm nhân thọ cho những nông dân tham gia gói bảo hiểm cây trồng. Về dài hạn, người ta hy vọng rằng nông dân sẽ tự trả tiền bảo hiểm cây trồng và tiền tiết kiệm của chính phủ sẽ được phân bổ để cải thiện công nghệ cho trang trại, hậu cần và chuỗi cung ứng.
Pakistan: Tổng phí của công ty bảo hiểm nhà nước tăng vọt vào năm 2021
(AIR) – National Insurance Company Ltd (NICL), công ty bảo hiểm thuộc 100% sở hữu nhà nước của Pakistan, đã công bố doanh thu phí năm 2021 hơn 20 tỷ PKR (115 triệu USD), so với 15 tỷ PKR vào năm 2020 và 10,6 tỷ PKR vào năm 2019.
Theo một báo cáo của tạp chí Global Village Space, doanh thu phí năm 2021 của công ty tăng gần gấp đôi so với năm 2019 và tăng 33% so với năm 2020.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2016 đến 2021, số thuế nộp của NICL chiếm trung bình khoảng 30% so với toàn bộ ngành bảo hiểm ở Pakistan. Đây là dữ liệu từ Hội đồng Doanh thu Liên bang.
Với tốc độ tăng trưởng không ngừng, NICL đang củng cố vốn chủ sở hữu của mình, cho phép công ty giữ lại rủi ro ở mức độ lớn hơn.
NICL bảo hiểm hầu như tất cả các dự án cơ sở hạ tầng lớn có tầm quan trọng chiến lược quốc gia đối với Pakistan, bên cạnh tất cả động sản và bất động của chính quyền liên bang và cấp tỉnh. NICL là công ty bảo hiểm độc quyền về tài sản và tài sản công cũng như bất kỳ nơi nào mà Chính phủ Pakistan có lợi ích tài chính. NICL cũng cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các tập đoàn trong khu vực tư nhân.
Cơ quan Bảo hiểm Hồng Kông đóng cửa văn phòng trước mối đe dọa mới của Omicron
(INA) – Cơ quan Bảo hiểm Hồng Kông đã thông báo rằng họ sẽ đóng cửa các văn phòng của mình ở Wong Chuk Hang và North Point để đối phó với những diễn biến mới nhất của đại dịch COVID-19.
IA cho biết họ vẫn sẽ có giờ hoạt động bình thường cho các dịch vụ đường dây nóng giải đáp thắc mắc và khiếu nại. Việc trả lời email cũng sẽ tiếp tục như bình thường.
Một nhân viên được cử làm việc tại chỗ trong khi phần lớn nhân viên IA sẽ làm việc tại nhà.
IA cho biết họ sẽ tiếp tục xem xét tình hình và sẽ thông báo bất kỳ cập nhật nào trên trang web của mình.
Các quan chức y tế cảnh báo rằng nhiều chuỗi lây truyền không thể theo dõi của biến thể Omicron đang lan rộng khắp Hồng Kông – cảnh báo này được đưa ra sau khi nhiều người Hồng Kông đón Tết Nguyên đán.
HSBC đặt mục tiêu mở rộng cổ phần tại công ty bảo hiểm Ấn Độ
(INA) – Công ty bảo hiểm HSBC Insurance Asia Pacific Holdings (INAH) đang có kế hoạch mở rộng cổ phần của mình trong công ty bảo hiểm Ấn Độ Canara HSBC OBC Life Insurance bằng cách mua lại cổ phần của Punjab National Bank’s (PNB) trong công ty.
Theo hồ sơ của PNB nộp lên cơ quan quản lý nhà nước, họ đã nhận được thông báo từ INAH rằng INAH có ý định mua cổ phần của ngân hàng trong công ty bảo hiểm.
PNB cho biết, họ sẽ đánh giá đề xuất của INAH về vấn đề này.
INAH, với tư cách là đối tác nước ngoài nắm giữ 26% cổ phần của Canara HSBC OBC Life Insurance trong khi PNB nắm giữ 23% cổ phần của Ngân hàng Thương mại Phương Đông (OBC).
Cơ quan Quản lý và Phát triển Bảo hiểm của Ấn Độ cấm các công ty sở hữu hơn 10% trong liên doanh bảo hiểm thứ hai, điều này đã khiến PNB thông báo vào tháng 5 năm ngoái rằng họ sẽ thoái vốn tại Canara HSBC OBC Life Insurance.
BTV (Tổng hợp).