TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 04&05

PTI lỗ hơn 349 tỷ đồng năm 2022; Hanwha Life chi trả hơn 402 tỷ đồng; Tổn thất được bảo hiểm châu Á Thái Bình Dương lên tới 11 tỷ USD

Bản tin tổng hợp bảo hiểm tuần 5 năm 2023

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Dập tắt vụ cháy 8 ki-ốt bán trái cây gần chợ Long Khánh ở Đồng Nai

(LĐO) – Chiều 31/1, Công an TP Long Khánh, Đồng Nai tiếp tục làm rõ nguyên nhân vụ cháy 8 ki-ốt bán trái cây tại khu vực phía sau chợ Long Khánh.

Theo thông tin ban đầu, trưa 31/1, tại đường Trịnh Hoài Đức, khu phố 1, phường Xuân Trung, khu vực phía sau chợ Long Khánh, ngọn lửa bất ngờ bùng phát tại một ki-ốt bán trái cây, sau đó lan ra 7 ki-ốt bên cạnh.

Người dân địa phương đã dùng các bình chữa cháy xách tay dập tắt ngọn lửa nhưng không kịp. Nguyên do các ki-ốt này chứa nhiều thùng mút, xốp, giấy gói trái cây nên đám cháy lan nhanh, khói lan mù mịt.

Sau khi nhận được tin báo cháy, lực lượng chữa cháy của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cùng Công an TP Long Khánh đã xuất 2 xe chữa cháy đến hiện trường để xử lý đám cháy.

Sau khoảng 30 phút, ngọn lửa cơ bản được khống chế và dập tắt. Vụ cháy không thiệt hại về người nhưng đã khiến nhiều tài sản bên trong 8 ki-ốt bị hư hỏng.

Hà Nội: Cháy thiết bị điện gây hỏa hoạn ở phố Triều Khúc

(LĐO) – Trưa 27/1, một vụ cháy xảy ra tại nhà dân ở Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội). Nguyên nhân dẫn đến sự việc được xác định do cháy thiết bị điện.

Chiều 27/1, trao đổi với báo Lao Động, đại diện Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, vào khoảng 11h51 cùng ngày, đơn vị nhận được thông tin báo cháy từ trung tâm chỉ huy 114, xảy ra cháy nhà dân ở phố Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì).

Sau đó, đơn vị xuất 2 xe chữa cháy, phối hợp với Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an quận Thanh Xuân xuống hiện trường.

“Khi lực lượng chức năng tới nơi, người dân đã tự dập tắt vụ hỏa hoạn trên”, đại diện Công an huyện Thanh Trì thông tin.

Theo Công an, nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố cháy thiết bị điện (ấm siêu tốc) tại nhà ông N.H.T, địa chỉ số 120 đường Tân Triều, Thanh Trì. “Diện tích đám cháy khoảng 1,5m2, thiệt hại không đáng kể, vị đại diện này cho biết.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Hơn 402 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm được Hanwha Life chi trả năm 2022

(ĐTCK) – Vượt qua nhiều biến động của thị trường, năm 2022, Công ty Hanwha Life Việt Nam vẫn duy trì mạch tăng trưởng 2 con số trong 4 năm liên tiếp, đồng thời thực hiện cam kết với khách hàng khi chi trả hơn 402 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm.

Theo đó, lượng khách hàng mới của công ty tăng 15%, doanh thu phí mới tăng 20%, tỷ lệ duy trì hợp đồng của khách hàng đạt đến 70% với doanh thu phí tái tục đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tương đương tăng gần 15%. Đặc biệt, công ty vẫn duy trì mạch tăng trưởng 2 con số trong 4 năm liên tiếp với mức lợi nhuận trước thuế tăng đến 60% so với năm trước và là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động tại Việt Nam. Kết quả này đến từ chiến lược kinh doanh bền vững của công ty và cho thấy Hanwha Life là một trong những công ty bảo hiểm có bản lĩnh kiên cường trước những “cơn sóng” biến động từ bối cảnh quốc tế và trong nước.

Được biết, chỉ riêng năm 2022, Hanwha Life Việt Nam đã thực hiện thanh toán quyền lợi bảo hiểm cho gần 51.000 trường hợp, tăng đến 63% so với năm 2021, với số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng tăng 41% so với năm trước, tương đương hơn 402 tỷ đồng cho các quyền lợi liên quan đến bệnh hiểm nghèo, tử vong, thương tật do tai nạn, hỗ trợ viện phí,… Đây được xem là những con số trọng yếu tái khẳng định cam kết của công ty luôn mang lại sự an tâm, tin tưởng cho khách hàng, cũng như thể hiện vai trò của bảo hiểm nhân thọ trong việc bảo vệ, hỗ trợ tài chính cho các cá nhân và gia đình người Việt.

Tại Hanwha Life Việt Nam, giải quyết quyền lợi bảo hiểm kịp thời, nhanh chóng là một trong những mục tiêu tiên quyết trong hoạt động kinh doanh lấy khách hàng làm trọng tâm, bởi đó là sự bảo vệ hiệu quả và thiết thực nhất với khách hàng khi họ gặp phải các rủi ro không mong muốn.

Chính vì thế, công ty ngày càng đẩy mạnh số hóa quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, tiêu biểu như cổng thông tin khách hàng trực tuyến (Customer portal) kết hợp với ứng dụng trên di động LIME cho phép khách hàng chủ động quản lý hợp đồng trực tuyến (E-Policy), nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm trực tuyến (E-submission),….

Giải pháp số hóa không chỉ giúp quá trình xử lý diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức mà còn mang lại trải nghiệm tự phục vụ thuận tiện và đơn giản cho khách hàng. Nhờ đó, công ty đạt được những kết quả ấn tượng như tỷ lệ hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm nộp qua kênh trực tuyến tăng nhanh, hơn gấp đôi từ 25% năm 2021 lên 56% năm 2022, thời gian trung bình công ty xử lý quyền lợi bảo hiểm một trường hợp được rút ngắn, chỉ vào khoảng 6 ngày.

Đại diện Hanwha Life Việt Nam chia sẻ: “Khi khách hàng gặp biến cố, bảo hiểm như một bệ đỡ không chỉ về tài chính, mà còn nâng đỡ tinh thần, giúp họ an tâm hơn, thêm hy vọng vào chặng đường phía trước. Do đó, chúng tôi xác định giải quyết quyền lợi bảo hiểm là một trong những khâu quan trọng, chú trọng đầu tư mạnh để mang đến trải nghiệm trọn vẹn cho khách hàng.”.

Không chỉ riêng khâu giải quyết quyền lợi bảo hiểm mà dịch vụ chăm sóc khách hàng nói chung của Hanwha Life Việt Nam cũng “ghi điểm” trong lòng khách hàng, một phần nhờ chiến lược đẩy mạnh số hóa. Năm 2022, thông qua các kênh trực tuyến, công ty đã tiếp nhận và xử lý nhanh chóng hơn 47.000 yêu cầu của khách hàng, ghi nhận mức tăng ấn tượng đến 300% so với năm trước.

Song song đó, các điểm phục vụ khách hàng của Hanwha Life ngoài tư vấn viên còn có cả đội ngũ chăm sóc khách hàng, đảm bảo hành trình trải nghiệm của khách hàng từ khâu tìm hiểu, mua bảo hiểm đến khi cần dịch vụ hậu mãi luôn liền mạch, thuận tiện và nhanh chóng. Đến nay, Hanwha Life có hơn 160 điểm phục vụ khách hàng cùng 37.000 tư vấn tài chính chất lượng cao, chuyên nghiệp và tận tâm, đồng lòng mang đến trải nghiệm khác biệt và hài lòng nhất cho khách hàng.

Với nội lực tài chính mạnh cùng những đóng góp quan trọng vào thị trường bảo hiểm, năm 2022, Hanwha Life Việt Nam liên tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 10 công ty bảo hiểm uy tín và Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam của Vietnam Report, khẳng định là một trong những thương hiệu bảo hiểm được tín nhiệm nhất hiện nay.

Trong thời gian tới, hoạt động kinh doanh của Hanwha Life Việt Nam tiếp tục lấy khách hàng làm trọng tâm, do đó, công ty sẽ tập trung nâng cao chất lượng kênh phân phối và chăm sóc khách hàng, đẩy mạnh những ứng dụng số hóa thiết thực mang đến những trải nghiệm thuận tiện và hài lòng nhất cho khách hàng, đặc biệt là quy trình chi trả bồi thường để khách hàng an tâm tận hưởng chất lượng dịch vụ.

Bồi thường tăng, năm 2022, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) lỗ hơn 349 tỷ đồng

(ĐTCK) – Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) vừa công bố báo cáo giải trình nguyên nhân lợi nhuận sau thuế năm 2022 biến động giảm so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, theo giải trình báo cáo tài chính riêng năm 2022, lợi nhuận sau thuế của PTI âm hơn 349 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi hơn 262 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 611 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do trong năm 2022, PTI phát sinh chi phí liên quan đến chương trình bảo hiểm “Vững Tâm An” với số tiền hơn 353 tỷ đồng.

Ngoài ra, năm 2022 cả nước đã duy trì tình trạng bình thường mới với dịch bệnh Covid-19 không còn giãn cách, theo đó chi phí bồi thường của PTI tăng mạnh so với cùng kỳ gây ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh. Tổng chi bồi thường bảo hiểm năm 2022 tăng hơn 747 tỷ đồng, tương đương tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo tài chính riêng, năm 2022 doanh thu bao gồm doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm, doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư, doanh thu hoạt động tài chính và các thu nhập khác của PTI đạt hơn 5.320 tỷ đồng, tăng 2% so với năm trước.

Trong đó doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 5.152 tỷ đồng, tăng 4%; doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư đạt hơn 9 tỷ đồng, giảm 77%; doanh thu hoạt động tài chính đạt hơn 153 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm; thu nhập khác đạt hơn 5 tỷ đồng, tăng 41%.

Bảo Minh bổ nhiệm hai Phó Tổng Giám đốc mới

(BMI) – Căn cứ yêu cầu công việc và công tác cán bộ, Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh đã có quyết định bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc mới của Tổng công ty. Ngày 16/01/2022, Bảo Minh đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định về công tác cán bộ cho ông Nguyễn Ngọc Anh và ông Vũ Hải Lâm.

Tham dự buổi Lễ công bố, có ông Đinh Việt Tùng – Chủ tịch HĐQT, ông Vũ Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc TCT CP Bảo Minh; các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Điều hành, Ban chấp hành Đảng bộ; đại diện lãnh đạo các đoàn thể, Văn phòng, các phòng Ban trực thuộc Tổng công ty (TCT).

Mở đầu buổi lễ, Phó giám đốc phụ trách Ban Nhân sự đã công bố quyết định bổ nhiệm cán bộ của Bảo Minh. Căn cứ yêu cầu công việc và công tác cán bộ, được sự chấp thuận của Hội đồng Quản trị Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh đã bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Anh – Giám đốc Ban Tài sản Kỹ Thuật, và ông Vũ Hải Lâm – Giám đốc Công ty Bảo Minh Bắc Giang, giữ chức Phó Tổng giám đốc Tổng công ty,

Ông Nguyễn Ngọc Anh và ông Vũ Hải Lâm có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, đều từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại Bảo Minh và đại diện cho thế hệ nhân sự gắn bó lâu năm với ngành bảo hiểm. Phát biểu tại buổi công bố, Tổng giám đốc Vũ Anh Tuấn hy vọng, với cương vị mới, chức trách mới, hai vị Phó Tổng giám đốc mới sẽ cùng các đồng nghiệp của mình đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh.

Bảo hiểm Hàng không tổng kết năm 2022

(VNI) – Sáng ngày 13/01/2022, tại Hà Nội, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Năm 2022, kinh tế nước nhà chịu tác động ảnh hưởng lạm phát của kinh tế thế giới và ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, cháy nổ, hỏa hoạn thường xuyên. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng đạt 8,02%. Thị trường bảo hiểm trong nước có sự phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt mảng phi nhân thọ tăng trưởng 18%.

Trước tình hình chung, với sự chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp của Hội đồng Quản trị và Ban Tổng Giám đốc đã đưa hoạt động kinh doanh của VNI đã vượt qua thách thức, hoàn thành vượt mức, toàn diện kế hoạch kinh doanh. Năm 2022 ghi nhận VNI có kết quả kinh doanh tốt nhất trong 5 năm gần đây. Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động kinh doanh đạt 3.107 tỷ đồng, hoàn thành 106.7% kế hoạch được giao, tăng trưởng 26.5% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, Doanh thu bảo hiểm đạt 2.856 tỷ đồng, hoàn thành 105.3% kế hoạch, tăng trưởng 28.7% so với cùng kỳ 2021; Doanh thu hoạt động tài chính đạt 250.8 tỷ đồng, hoàn thành 125.2% kế hoạch, tăng trưởng 5.8% so với năm 2021.

Năm 2022, VNI giữ vững trong Top 10 DNBH phi nhân thọ lớn nhất trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, Top 2 doanh thu Bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô bắt buộc, vươn lên Top 3 doanh thu Bảo hiểm xe cơ giới. Ghi nhận 27 Công ty bảo hiểm thành viên hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 trong đó có 15 Công ty về đích sớm. Tập trung chuyển đổi số insurtech là một trong những giải pháp trọng tâm được VNI triển khai quyết liệt, đồng thời liên tục cải tiến chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh các sáng tạo đột phá về sản phẩm mang đến trải nghiệm ưu việt cho khách hàng. Bên cạnh đó, VNI tiếp tục mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh hợp tác với nhiều đối tác như Bankass, Global Care, Vifo, Fina, ABS…., tiếp tục ký kết hợp tác với các ngân hàng như Kienlongbank và Eximbank nâng tổng số ngân hàng hợp tác lên 11 ngân hàng. Liên tục đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phát triển kênh bán hàng online như website: ebhhk.com.vn, App My VNI Client, hóa đơn điện tử, chữ ký số, thực hiện công tác giám định, bồi thường online qua App My VNI tạo thuận lợi cho khách hàng. Đồng thời, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng VNI đã nghiên cứu và ra mắt các sản phẩm mới như: Bảo hiểm An tâm sống khỏe, Bảo hiểm du lịch quốc tế, bảo hiểm người nước ngoài du lịch Việt Nam, Bảo hiểm Chủ thẻ ngân hàng, Bảo hiểm An ninh mạng dành cho cá nhân, Bảo hiểm trễ chuyến bay đã mang đến nhiều lợi ích vượt trội, giúp khách hàng hoàn toàn an tâm trong mọi giao dịch cũng như bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình.

Với những thành tích đạt được trong năm 2022, VNI nhận nhiều phần thưởng cao quý như Top 200 giải thưởng Sao vàng đất việt, Top 10 Thương hiệu mạnh ngành dịch vụ tài chính 2022, Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen doanh nghiệp có thành tích trong phong trào thi đua, Top 10 thương hiệu nổi tiếng Đất Việt, Chủ tịch HĐQT nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Bảng vàng Doanh nhân xuất sắc Việt Nam do Viện Kinh tế Văn hóa trao tặng. Bên cạnh việc mở rộng hệ thống, nâng tổng số nhân sự lên hơn 1.720 CBNV, VNI còn có chế độ đãi ngộ xứng đáng và môi trường làm việc hạnh phúc cho CBNV, VNI thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn, đào tạo kỹ năng mềm và đưa ra lộ trình thăng tiến cụ thể, giúp CBNV có định hướng công việc rõ ràng, đồng thời là động lực để CBNV gắn bó lâu dài và bền vững. Qua đó, VNI đã vinh dự lọt Top 10 nơi làm việc tốt nhất ngành Bảo hiểm do Viet Research phối hợp với Báo Đầu tư nghiên cứu và công bố.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch Lê Thị Hà Thanh biểu dương thành tích mà VNI đã đạt được trong năm 2022 đồng thời nêu ra những điểm hạn chế mà VNI cần phải khắc phục để phát triển hiệu quả và bền vững hơn. Chủ tịch chỉ đạo, trong năm 2023, VNI tiếp tục kiên định với mục tiêu “Tăng trưởng và hiệu quả, giữ vững vị thế trong TOP 10”, Ban lãnh đạo cần có chính sách điều hành cần linh hoạt, phù hợp với thực tế của VNI; duy trì tốc đô tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của thị trường bảo hiểm; Phát triển thêm sản phẩm bảo hiểm mới và các kênh bán hàng trên nền tảng số; Tăng cường công tác quản trị rủi ro, nâng cao năng lực quản trị bằng các giải pháp cụ thể, quyết liệt và tuân thủ kỷ cương, chuyên nghiệp trong các hoạt động kinh doanh. Năm 2023 đã sang, và phía trước còn nhiều nhiệm vụ lớn hơn, thách thức lớn hơn đang chờ đợi chúng ta, đặc biệt đây là năm ghi dấu mốc 15 năm hình thành và phát triển của VNI. Chính vì vậy, Chủ tịch đề nghị toàn thể CBNV VNI đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, đổi mới phát huy những thành tích, kết quả đạt được trong năm 2022 đưa VNI tiếp tục chinh phục cột mốc mới trong năm 2023. Chủ tịch chúc toàn thể CBNV VNI một năm sức khỏe và thành công; chúc mỗi thành viên VNI tiếp tục phát huy những thành tích, thế mạnh sẵn có đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại để nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc góp phần xây dựng ngôi nhà chung VNI ngày một lớn mạnh.

Vậy là một năm 2022 đã chính thức khép lại khi còn nhiều trăn trở, 2023 đã mở ra với những thời cơ và thách thức mới. Nhưng với sức mạnh của tinh thần đoàn kết, VNI chắc chắn sẽ quyết tâm chinh phục những đỉnh cao mới, ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ ngành Bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

Cũng trong buổi lễ, Ban Lãnh đạo VNI vinh danh, khen thưởng và ghi nhận nỗ lực cho các tập thể, cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm 2022.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Đổi mới bảo hiểm xe cơ giới

(ĐTCK) – Cơ quan chức năng liên tục sửa đổi quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục bồi thường, giảm phí, thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, tăng tỷ lệ hỗ trợ nhân đạo…

Cắt giảm chứng từ yêu cầu bồi thường…

Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị định mới về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng có hiệu lực trong năm 2023.

Cụ thể, với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, dự thảo sẽ sửa đổi nhiều quy định theo hướng có lợi hơn cho người tham gia bảo hiểm, chẳng hạn tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm với việc kế thừa quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP. Theo đó, nhiều thủ tục chứng từ, tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng đã được cắt giảm, chỉ thu thập tài liệu của cơ quan công an có thẩm quyền trong trường hợp tử vong.

Sau khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng 1 giờ, doanh nghiệp bảo hiểm phải hướng dẫn hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm. Trong vòng 24 giờ, tổ chức thực hiện việc giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm. Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng theo quy định.

Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan công an (thay vì chủ xe); bổ sung biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất được thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe/người lái xe nhằm đẩy nhanh tốc độ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Dự thảo cũng mở rộng nội dung chi hỗ trợ nhân đạo đối với trường hợp “không thuộc phạm vi bảo hiểm” để góp phần hỗ trợ người bị thiệt hại khi xảy ra tai nạn. Quỹ Hỗ trợ nhân đạo là một khoản chi trong Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới nhằm hỗ trợ cho người bị thiệt hại trong trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm…

Mức phí sẽ tính theo lịch sử lái xe

Theo quy định hiện hành, mức phí bảo hiểm (chưa bao gồm VAT) đối với xe máy có dung tích dưới 50 cc, xe máy điện là 55.000 đồng/xe/năm, xe máy dung tích trên 50 cc là 60.000 đồng/xe/năm và không có quy định về giảm phí cho bất kỳ trường hợp nào.

Tuy nhiên, theo quy định mới tại dự thảo, căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét điều chỉnh tăng – giảm phí bảo hiểm, mức điều chỉnh tối đa là 15% dựa trên mức phí bảo hiểm.

Thực tế, việc tính phí theo kinh nghiệm lái xe và lịch sử tai nạn được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã triển khai hình thức này đối với bảo hiểm vật chất ô tô để khuyến khích khách hàng lái xe cẩn thận. Tuy nhiên, để áp dụng thống nhất trên toàn thị trường là điều không đơn giản, bởi hiện chưa có sự liên thông thông tin khách hàng giữa các công ty bảo hiểm, nên không loại trừ trường hợp khách hàng có tỷ lệ bồi thường cao ở doanh nghiệp này nhưng có tỷ lệ thấp ở doanh nghiệp khác.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo hướng chỉ loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế (theo Nghị định 03/2021, lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn gây tai nạn sẽ không được bồi thường bảo hiểm). Điều này sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay.

Thực tế, nhiều trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm dù biết khách hàng không uống rượu bia nhưng vẫn không thể chi trả bồi thường do không đủ căn cứ giải quyết khi khách hàng có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở. Đây là điều các doanh nghiệp bảo hiểm thường gặp phải và loay hoay tìm giải pháp sao cho “hợp tình hợp lý”.

  1. Nhịp đập thị trường

Lợi nhuận bảo hiểm “nương” theo đà tăng lãi suất

(ĐTCK) – Theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo tối thiểu 70% danh mục đầu tư là tiền gửi tiết kiệm. Do đó, môi trường lãi suất tăng đang giúp các doanh nghiệp bảo hiểm hưởng lợi.

Chưa rõ nét trong năm 2022

Khi thị trường tiền mặt ngày càng nóng lên với mức lãi suất được điều chỉnh tăng, ngành được hưởng lợi là bảo hiểm vì những doanh nghiệp ngành này sở hữu nhiều tiền mặt và gửi tiết kiệm nhiều nhất (ngành kinh doanh tiền, huy động tiền qua các sản phẩm bảo hiểm…).

Tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn cao giúp doanh nghiệp được hưởng lợi từ xu thế tăng lãi suất huy động, khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành. Dù chưa thể hiện sớm trong kết quả kinh doanh quý IV/2022, nhưng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ rõ ràng hơn từ quý I/2023.

Hiện tại, trong danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, khoản mục tiền gửi và trái phiếu doanh nghiệp thường chiếm khoảng 90% (tỷ lệ tiền gửi chiếm khoảng 70%, trái phiếu chiếm khoảng 20%) giá trị đầu tư, do đó hiệu suất sinh lời sẽ gia tăng trong môi trường lãi suất tăng. Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) ước tính, nếu lãi suất tăng thêm 1%/năm sẽ giúp lợi nhuận trước thuế các doanh nghiệp phi nhân thọ tăng thêm hơn 10%.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến hết ngày 12/12/2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 251.306 tỷ đồng (tăng 15,09% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 68.201 tỷ đồng, lĩnh vực nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng.

Ngành bảo hiểm tiếp tục là “tấm lá chắn” vững chắc cho nền kinh tế – xã hội. Hàng năm, ngành bảo hiểm chi trả hàng chục nghìn tỷ đồng tiền bồi thường và quyền lợi bảo hiểm cho các cá nhân, doanh nghiệp gặp rủi ro, góp phần ổn định ngân sách nhà nước.

Chi trả quyền lợi bảo hiểm tính đến ngày 12/12/2022 ước đạt 64.018 tỷ đồng (tăng 23,29% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó khối phi nhân thọ ước đạt 23.418 tỷ đồng, khối nhân thọ ước đạt 40.600 tỷ đồng.

Ở một thống kê khác, tính tới ngày 30/9/2022, chỉ riêng 7 công ty bảo hiểm đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (Tập đoàn Bảo Việt – mã BVH, Bảo hiểm Bảo Minh – mã BMI, Công ty Cổ phần PVI – mã PVI, Bảo hiểm Bưu điện – mã PTI, VINARE – mã VNR, PJICO – mã PGI, Bảo hiểm Quân đội – mã MIG) đã có 127.508,8 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn), chiếm trung bình 42% tổng tài sản.

Việc Ngân hàng Nhà nước nhiều lần điều chỉnh tăng lãi suất trong năm 2022 là cơ hội gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp sở hữu nhiều tiền mặt. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính có thể tác động mạnh lên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bảo hiểm là bởi các doanh nghiệp lĩnh vực này luôn sở hữu một lượng lớn tiền mặt.

Các quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành từ ngân hàng trung ương sẽ tác động trực tiếp lên khả năng sinh lời trên tổng tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm. Với lợi thế về lượng tiền mặt ròng, ngành bảo hiểm sẽ trực tiếp hưởng lợi khi mặt bằng lãi suất huy động tăng.

Trên thực tế, doanh thu tài chính của nhóm công ty bảo hiểm thường tỷ lệ thuận với diễn biến lãi suất thị trường trong từng giai đoạn. Khi lãi suất tăng, doanh thu tài chính tăng và ngược lại.

Chẳng hạn, xét doanh thu tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi ngân hàng) của 3 doanh nghiệp bảo hiểm là Bảo Việt, Bảo Minh và PVI, từ năm 2009 đến năm 2011, doanh thu này tăng trùng với thời điểm lãi suất trong nước tăng lên, sau đó chững lại trong giai đoạn lãi suất giảm từ năm 2012 đến năm 2015, trước khi phục hồi trong giai đoạn 2017-2019 khi lãi suất tăng trở lại.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS), trong năm 2023, doanh thu tài chính vẫn sẽ là động lực thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung, doanh nghiệp phi nhân thọ nói riêng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi còn ở mức cao.

Đơn cử, với Bảo hiểm Quân đội, trong quý III/2022, lợi nhuận tài chính đạt 44 tỷ đồng (tăng trưởng 10%), đóng góp 69,4% vào tổng lợi nhuận của doanh nghiệp này. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, con số này đạt 149 tỷ đồng (giảm 2,4%) do thị trường chứng khoán gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn đóng góp 87,4% vào lợi nhuận trước thuế.

BVS cho rằng, với hơn 52% danh mục đầu tư là tiền gửi tiết kiệm, Bảo hiểm Quân đội vẫn sẽ được hưởng lợi đáng kể từ xu hướng tăng lãi suất, cho dù tác động có độ trễ từ 6-12 tháng trước khi toàn bộ danh mục tiền gửi được phản ánh. BVS ước tính, tài sản đang quản lý (AUM) của hãng bảo hiểm này giảm 2% trong năm 2022, nhưng tăng 4% trong năm 2023.

Lợi suất đầu tư trong năm 2022 giảm xuống mức 5,3% do vẫn chịu mức lãi suất thấp và thị trường chứng khoán không thuận lợi, trước khi tăng lên mức 6,2% trong năm 2023 khi lãi suất tiền gửi tăng cao được phản ánh vào kết quả kinh doanh.

Thận trọng là trên hết

Lãi suất tăng là một yếu tố hỗ trợ, nhưng một số chuyên gia cho rằng, yếu tố này chưa phản ánh rõ nét vào lợi nhuận năm 2022, vì thời điểm cuộc đua tăng lãi suất huy động nổ ra vào cuối quý III/2022, trong khi các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm đã được lên kế hoạch từ trước. Do đó, trong năm 2023, khi được thể hiện cụ thể hơn, đây sẽ là kênh đầu tư an toàn và mang lại lợi nhuận tốt cho các công ty bảo hiểm, nhất là khi mặt bằng lãi suất tiền gửi dự kiến sẽ còn neo ở mức cao.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay, bên cạnh tuân thủ quy định phải đảm bảo tỷ lệ tiền gửi chiếm khoảng 70% tổng danh mục đầu tư, tình hình thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán không thuận lợi sẽ khiến các doanh nghiệp bảo hiểm ưu tiên gửi tiền tại ngân hàng. Với mức lãi suất khá hấp dẫn hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có xu hướng lựa chọn những kỳ hạn tiền gửi dài từ 1 năm trở lên để được hưởng mức lãi suất cao.

Liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, vị này cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới không cho phép các công ty bảo hiểm trực tiếp đầu tư vào bất động sản, điều này sẽ khiến doanh nghiệp bảo hiểm thận trọng hơn trong việc mở rộng danh mục đầu tư sang trái phiếu địa ốc, dù cho vẫn đánh giá đây là kênh hấp dẫn.

“Điểm mấu chốt trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm đó là tính thanh khoản để có nguồn tiền đảm bảo khả năng chi trả bồi thường cho khách hàng. Do đó, ngoài khoản mục đầu tư tiền gửi có mức độ an toàn cao, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ rất thận trọng trong việc đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp… Tùy vào tình hình thị trường cũng như mục tiêu kỳ vọng của doanh nghiệp mà tỷ trọng của các khoản mục này sẽ thay đổi theo”, vị đại diện trên nói.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

Sun Life Việt Nam: Khuyến khích sáng tạo từ những nguyên vật liệu đã qua sử dụng

(TBTCO) – Nhằm khuyến khích tái sử dụng các nguồn phế thải, vốn là giải pháp quan trọng để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, Sun Life Việt Nam phát động chương trình sáng tạo từ các vật liệu đã qua sử dụng, tạo ra những sản phẩm mới từ lượng dư thừa trong tiêu dùng của xã hội, qua đó nâng cao nhận thức của khách hàng trong việc bảo vệ môi trường, lan tỏa tinh thần sống xanh và hướng tới sự phát triển bền vững.

Sau gần hai tháng, chương trình nhận được sự hưởng ứng vô cùng tích cực từ các khách hàng tham gia với gần 200 tác phẩm gửi về từ khắp cả nước, chủ yếu được sáng tạo từ vật liệu tái chế như chai nhựa, ống hút nhựa, vải, túi ni lông, giấy cũ… mang lại sức sống mới cho những món “phế liệu”, biến chúng trở thành những vật dụng có ý nghĩa, mà vẫn giữ trọn vẹn tính thẩm mỹ. Mỗi tác phẩm là một kỳ công với tạo hình đẹp, độc đáo và mang đến một câu chuyện thiết thực, ý nghĩa, ẩn chứa những thông điệp với cộng đồng nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.

Ban giám khảo bao gồm anh Tuân Lê – Nhà sáng lập The Lab, chị Dương Nguyễn – Chủ biên Elle Decoration Việt Nam, chị Hà Đỗ – Giám đốc sáng tạo tạp chí Đẹp và anh Tom Trandt – Nhà sáng lập thương hiệu thời trang bền vững Môi Điên, đã chọn ra sáu sáng tạo đặc biệt nhất (trong đó có bốn tác phẩm do giám khảo và hai tác phẩm do công chúng bình chọn) cùng 40 tác phẩm xuất sắc.

Bốn tác phẩm đặc biệt do Ban giám khảo lựa chọn, gồm: Tác phẩm “The Ocean” của khách hàng Nguyễn Hoàng Thanh Phong được chế tạo từ giấy, nilon, ống hút đã qua sử dụng với thông điệp truyền tải sức sống của đại dương và chung tay bảo vệ đại dương thông qua việc giảm tải rác thải nhựa, vì một đại dương xanh.

“Ngồi đâu cũng cần ngồi đẹp” là tác phẩm được Dương Hoàng Bảo Trân tạo nên từ kệ Ti Vi cũ, với mong muốn cùng bên nhau để chăm sóc mỗi ngày trên hành trình gìn giữ và tìm lại sức khoẻ của người hiện đang mất đi sức khoẻ.

Tác phẩm “Mô hình xương cá” của Lê Trương Trúc Linh thực hiện từ muỗng nhựa, dĩa nhựa, lõi giấy vệ sinh, lược nhựa,… để truyền đi thông điệp “tất cả mọi vật trên thế này đều có vẻ đẹp riêng của nó”.

Tác phẩm “Đèn Chùm” của Âu Ánh Tuyết, từ những chai nhựa vứt bỏ, tác giả đã tạo nên một bức đèn chùm thật lung linh với thông điệp “tái chế chai nhựa – tái chế cuộc đời mới”…

Ông Luc Nhon Ly – Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam cho biết: “Khi phát động cuộc thi, mục tiêu của chúng tôi trước hết là khuyến khích lối sống xanh và bền vững thông qua việc tái chế các nguyên vật liệu đã qua sử dụng và sau đó là tạo cơ hội để các khách hàng và gia đình mình cùng nhau thực hiện những hoạt động sáng tạo đầy ý nghĩa cho môi trường. Chúng tôi thật sự bất ngờ trước số lượng và chất lượng của các tác phẩm của khách hàng gửi về với rất nhiều tác phẩm sáng tạo và có ý nghĩa sâu sắc”.

Ngoài ra, Sun Life Việt Nam cũng đã tổ chức các buổi trải nghiệm cho khách hàng để họ tự tay tạo nên các tác phẩm nghệ thuật từ vật liệu tái chế và sẽ tiếp tục nhân rộng những hoạt động này trong tương lai, tạo cảm hứng cho lối sống bền vững, giảm lãng phí tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường.

  1. Tin quốc tế

Dah Sing Bank, Sun Life hợp tác bancassurance trị giá 1,5 tỷ đô la Hồng Kông

(INA) – Theo một tuyên bố chung, Dah Sing Bank và Sun Life Hồng Kông đã ký kết hợp tác bancassurance độc quyền trong 15 năm tại Hồng Kông.

Theo quan hệ đối tác này, Sun Life sẽ là nhà cung cấp độc quyền các giải pháp bảo hiểm nhân thọ cho 570.000 khách hàng ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng Dah Sing.

Sun Life sẽ trả 1,5 tỷ đô la Hồng Kông cho thỏa thuận độc quyền này, với các khoản thanh toán thay đổi liên tục cho Ngân hàng Dah Sing dựa trên sự thành công của quan hệ đối tác.

Sau khi hoàn thành các quy trình pháp lý và phê duyệt, việc phân phối các sản phẩm của Sun Life dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 7 năm 2023.

Ông Harold Wong, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành của ngân hàng, cho biết Dah Sing rất vui mừng được hợp tác với Sun Life.

Ông Wong nói: “Với việc cả hai bên cùng chia sẻ những khát vọng và giá trị chung, liên minh chiến lược này sẽ tạo ra cơ hội cùng có lợi, mang đến cho khách hàng của ngân hàng sự lựa chọn đa dạng về các sản phẩm bảo vệ và cuộc sống tốt nhất, đồng thời giúp Sun Life tiếp cận nhanh chóng với các dịch vụ nhượng quyền quản lý tài sản đang phát triển ở Hồng Kông”.

Các công ty bảo hiểm Nhật Bản tăng 80% phí bảo hiểm đối với các tàu LNG trong vùng biển của Nga

(INA) – Báo cáo mới đây của Nikkei cho biết, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất ở Nhật Bản đang tăng phí bảo hiểm cho các tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang đi trên vùng biển của Nga lên tới 80%.

Theo báo cáo của Nikkei, chi phí bảo hiểm cho những con tàu này có thể tăng khoảng 80%: Từ 12 triệu Yên (92 nghìn USD) hiện tại lên đến 20 triệu Yên (150 nghìn USD).

Các công ty bảo hiểm có liên quan bao gồm một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất ở Nhật Bản và châu Á – Tokio Marine & Nichido Fire Insurance, Sompo Japan Insurance và Mitsui Sumitomo Insurance.

Sự gia tăng chi phí bảo hiểm có thể làm trầm trọng thêm thị trường LNG vốn đã căng thẳng, mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán sẽ tiếp tục thắt chặt vào năm 2023. Cuộc chiến do Nga gây ra với Ukraine đã dẫn đến nhiều lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu của Nga từ NATO và các nước đồng minh, bao gồm cả Nhật Bản.

Nga là một trong những nhà sản xuất LNG lớn nhất thế giới và những nỗ lực của châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga vào năm 2022 đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông. Chính phủ các nước của lục địa này tranh nhau tìm kiếm các nguồn khí tự nhiên thay thế, chẳng hạn như từ châu Phi và châu Á.

Prudential khai trương chi nhánh Mã Cao, bổ nhiệm cựu CEO AIA Ma Cao làm Tổng Giám đốc

(INA) – Prudential đã nhận được sự chấp thuận từ các quan chức Ma Cao để thành lập chi nhánh kinh doanh tại Ma Cao của Prudential Hồng Kông.

Công ty bảo hiểm bổ nhiệm Chris Ma làm Tổng Giám đốc của Prudential Ma Cao ngay lập tức. Ông Ma trước đây từng là giám đốc điều hành của AIA Ma Cao.

Ông được giao nhiệm vụ thúc đẩy chiến lược hoạt động, thiết lập các kênh phân phối và xây dựng một bộ sản phẩm toàn diện tại Ma Cao.

Trong thông cáo báo chí, Prudential chia sẻ kế hoạch cung cấp các giải pháp bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe tại chi nhánh mới. Các dịch vụ bao gồm các tùy chọn đa tiền tệ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng về tiết kiệm, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ.

Cô Lilian Ng, Giám đốc điều hành, nhóm kinh doanh chiến lược, Prudential, nói: “Mặc dù chúng ta đã chứng kiến sự phát triển kinh tế nhanh chóng ở Ma Cao, nhưng mức độ thâm nhập của bảo hiểm vẫn còn thấp. Với dân số đang già đi nhanh chóng của thành phố, người dân của thành phố có nhu cầu cao về các giải pháp có thể giúp họ tiếp cận các cơ sở chăm sóc sức khỏe tư nhân ở Ma Cao và các nơi khác trong GBA”.

Theo Prudential, Ma Cao có tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ năm 2021 chỉ ở mức 6,4%, thấp hơn nhiều so với mức 17,3% của Hồng Kông.

“Chi nhánh Ma Cao sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược của chúng tôi nhằm giúp người dân ở GBA dễ tiếp cận hơn với bảo hiểm y tế và tài chính, trong quá trình chúng tôi tận dụng kinh nghiệm 50 năm cung cấp bảo hiểm cho khách hàng ở Hồng Kông”, cô Ng cho biết.

Chi nhánh Ma Cao của Prudential tọa lạc tại 12 Andar A, FIT Center Ma Cao, Avenida Doutor Mario Soares.

Bảo hiểm y tế quốc gia của Đài Loan chi trả cho các thủ tục phẫu thuật bằng robot

(INA) – Bảo hiểm Y tế Quốc gia Đài Loan (NHIA) sẽ chi trả cho các thủ thuật được thực hiện bởi hệ thống phẫu thuật robot, Da Vinci Surgical Systems bắt đầu từ ngày 1 tháng 3.

Cơ quan Quản lý Bảo hiểm Y tế Quốc gia đã công bố vào tháng 12 năm ngoái rằng NHI sẽ chi trả cho 17 ca phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot. Người ta ước tính rằng gần 1.000 người sẽ được hưởng lợi từ công nghệ này mỗi năm trong tương lai và qua đó sẽ tiết kiệm trung bình 90.000 Đài tệ (2925,16 USD) mỗi người, một báo cáo của Focus Taiwan cho biết.

Năm 2022, nhà chức trách đã ban hành quyết định phê duyệt sử dụng cánh tay robot cho 17 thủ thuật như cắt gan, loại bỏ khối u ung thư ra khỏi gan.

Quan chức NHIA Chen Yi-chieh cho biết Đánh giá Công nghệ Y tế về công nghệ y tế đã tìm thấy bằng chứng về tính an toàn và hiệu quả, đồng thời dữ liệu thực nghiệm cho thấy Hệ thống Phẫu thuật Da Vinci có thể giúp giảm thời gian thực hiện các thủ thuật và lượng máu mất. Dựa trên những phát hiện này, vào ngày 22 tháng 12, NHIA đã nhất trí thông qua bảo hiểm y tế cho các thủ tục bổ sung.

Theo ông Chen, chỉ những bác sĩ được chứng nhận đặc biệt mới được phép vận hành thiết bị. Ngoài ra, các cơ sở chăm sóc sức khỏe sẽ được yêu cầu trình bày báo cáo trong vòng hai tháng kể từ ngày phẫu thuật về việc liệu các phản ứng bất lợi có xảy ra trong vòng 14 ngày sau khi phẫu thuật hay không, có mất máu trong phẫu thuật hay không và hiệu quả để hỗ trợ nghiên cứu lâm sàng về hệ thống.

NHIA đã chi trả cho các ca phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt triệt để và cắt bỏ một phần thận do hệ thống thực hiện lần lượt kể từ tháng 1 năm 2016 và tháng 12 năm 2019. Vào năm 2021, Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật lồng ngực Đài Loan, Hiệp hội tuyến tụy Đài Loan và các hiệp hội y tế khác đã kêu gọi cơ quan này đưa vào phạm vi bảo hiểm khác cho các thủ thuật khác, chẳng hạn như cắt bỏ một phần gan.

BPI AIA bổ nhiệm tân CEO

(INA) – BPI AIA đã bổ nhiệm cô Karen Custodia làm Giám đốc điều hành mới.

Custodia đảm nhận trách nhiệm giám sát Kênh phân phối đối tác đang phát triển của BPI AIA và quản lý mối quan hệ chiến lược với BPI đồng thời cung cấp khả năng lãnh đạo để hỗ trợ nhiều sáng kiến.

Trước khi được bổ nhiệm, cô giữ vai trò Giám đốc Kênh Bán hàng Phân phối Đối tác tại BPI AIA từ năm 2014. Ở vai trò trước đây, cô đã lãnh đạo một nhóm hơn 1.500 nhân viên từ Bán hàng Doanh nghiệp tại Chi nhánh, Bán hàng Trực tiếp, Ngân hàng Cá nhân và Đội ngũ bán hàng qua điện thoại.

Custodia đã thay thế Surendra Menon, người đã có sáu năm làm Giám đốc điều hành BPI AIA và gần đây được bổ nhiệm làm Giám đốc Phân phối Đối tác của AIA Indonesia. Custodia sẽ hợp tác chặt chẽ và sẽ báo cáo trực tiếp lên Kelvin Ang, Tổng Giám đốc AIA Philippines.

BPI AIA là liên doanh giữa hai biểu tượng của ngành tài chính, AIA Philippines (trước đây là AIA Philam Life) và Ngân hàng quần đảo Philippines (BPI).

Tổn thất được bảo hiểm châu Á Thái Bình Dương năm 2022 đạt 11 tỷ USD

(INA) – Báo cáo của Aon cho biết, tổn thất được bảo hiểm ở Châu Á Thái Bình Dương đạt 11 tỷ đô la vào năm 2022, trong đó một phần ba tổn thất liên quan đến thảm họa ở Úc.

Tổng thiệt hại kinh tế ở khu vực APAC vào năm 2022 lên tới 80 tỷ đô la với khoảng cách bảo vệ đáng kể là 86%. Thiệt hại do lũ lụt tiếp tục duy trì vị trí thống trị là mối nguy hiểm tốn kém nhất trong năm thứ ba liên tiếp, chiếm hơn 61% tổng thiệt hại. Phần lớn thiệt hại do lũ lụt vào năm 2022 xảy ra ở Nam Á, nơi tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm vẫn còn rất thấp.

Lũ lụt trên diện rộng ở Queensland và New South Wales vào tháng 2 và tháng 3 đã gây ra 8 tỷ đô la thiệt hại kinh tế và trong đó 4 tỷ đô la thiệt hại được bảo hiểm. Do đó, sự kiện này đã trở thành sự kiện tốn kém nhất đối với ngành bảo hiểm địa phương được ghi nhận trên cơ sở điều chỉnh lạm phát.

Ở châu Á, lũ lụt vẫn là mối đe dọa lặp đi lặp lại với thiệt hại hàng năm vượt quá 30 tỷ USD kể từ năm 2010. Nhiều nơi có lượng mưa kỷ lục và lũ lụt nghiêm trọng vào năm 2022 — Pakistan, Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Hàn Quốc. Đặc biệt, lũ lụt ở Nam Á gây thiệt hại kinh tế 19 tỷ đô la và lũ lụt ở Trung Quốc đóng góp thêm 16 tỷ đô la.

Aon cho biết năm 2022 là năm tốn kém thứ năm trong lịch sử đối với các công ty bảo hiểm trên toàn cầu.

Ấn Độ: Dự báo phí bảo hiểm y tế bán lẻ sẽ tăng 5,3 lần lên 25 tỷ USD vào năm tài chính 2027

(AIR) – Theo báo cáo của công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Mumbai, Avendus Capital, lĩnh vực bảo hiểm y tế bán lẻ của Ấn Độ có tiềm năng mang lại lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (RoE) 20% hàng năm.

Báo cáo “Bảo hiểm y tế bán lẻ: Khoảng trắng lớn” dự báo quy mô thị trường cho lĩnh vực này là 25 tỷ đô la vào năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2027 (năm tài chính 2027), tăng 5,3 lần so với mức 4 tỷ đô la được ghi nhận trong năm tài chính 2022.

Báo cáo cho biết: “Tại Ấn Độ, phân khúc bảo hiểm sức khỏe bán lẻ sức khỏe hiện đang bị chi phối bởi năm công ty bảo hiểm sức khỏe tiêu chuẩn (SAHI): Religare-led Care Health Insurance, Niva (Max) Bupa Health Insurance, Aditya Birla Health Insurance, Star Health and Allied Insurance và ManipalCigna Health Bảo hiểm”.

Theo nghiên cứu, các công ty này đã chiếm thị phần trên 50% và dự kiến sẽ là những người hưởng lợi nhiều nhất từ sự tăng trưởng trong phân khúc, đồng thời cho biết thêm rằng các công ty này đã nhận được sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư trong nước và toàn cầu trong quá khứ. Chẳng hạn, năm ngoái, Bảo hiểm Y tế Aditya Birla đã nhận được 6,65 tỷ INR (81,5 triệu USD) từ Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi.

Bà Snigdha Khemka, Giám đốc Người tiêu dùng và nhóm tổ chức tài chính (FIG) tại Avendus Capital, cho biết “SAHI đã thiết lập sự hiện diện trong phân khúc bán lẻ y tế. Nhận thức về bảo hiểm y tế sau COVID đã đóng vai trò là chất xúc tác mạnh mẽ. Do việc phân phối sức khỏe bán lẻ chủ yếu do các đại lý cá nhân thúc đẩy, việc tập trung vào một sản phẩm duy nhất của SAHI và phân phối chênh lệch giá đối với các công ty bảo hiểm đa kênh phân phối mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh”.

Đối với các nhà đầu tư, bảo hiểm sức khỏe bán lẻ sẽ tiếp tục là một trong những phân khúc thú vị nhất trong toàn bộ thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hoặc bảo hiểm phi nhân thọ. Ông Anshul Agarwal, thành viên HĐQT kiêm đồng Giám đốc người tiêu dùng, FIG và dịch vụ kinh doanh tại Avendus Capital, cho rằng phân khúc này sẽ tiếp tục chứng kiến các khoản đầu tư đáng kể do tỷ lệ duy trì hợp đồng cao, tỷ lệ tổn thất tương đối thấp và dư địa tăng trưởng do độ thâm nhập thấp.

Ông Agarwal cho biết: “Khả năng tạo ra lợi nhuận cao liên tục và ROE trên 20% sẽ khiến nhà đầu tư thèm muốn lâu dài do cơ hội hạn chế ở các công ty tập trung hoàn toàn vào phân khúc sức khỏe bán lẻ”.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng do khoảng 45% dân số có liên quan của Ấn Độ hiện không có bất kỳ bảo hiểm y tế nào, nên phân khúc bảo hiểm sức khỏe bán lẻ dự kiến sẽ dẫn đầu trong số các phân khúc phi nhân thọ.

Theo báo cáo, tỷ lệ thâm nhập thấp (chỉ có 60 triệu cá nhân được bảo hiểm), cùng với sự gia tăng nhận thức do COVID dẫn đầu, đổi mới sản phẩm, thu nhập khả dụng tăng, v.v., là một số chất xúc tác chính cho tăng trưởng trong phân khúc bán lẻ sức khỏe, nơi bảo hiểm dự kiến đạt khoảng 250 triệu khách hàng.

Hàn Quốc: Cơ quan quản lý nhấn mạnh quản lý rủi ro trong bảo hiểm

(AIR) – Giám đốc điều hành của các công ty bảo hiểm địa phương được khuyến khích chú ý hơn đến quản lý rủi ro và ổn định thị trường đồng thời hạn chế mở rộng quá mức.

Lời khuyên này được đưa ra bởi Giám đốc cơ quan Dịch vụ Giám sát Tài chính (FSS), ông Lee Bok-hyun trong cuộc họp với CEO của 14 công ty bảo hiểm hồi tuần trước tại Seoul, The Korea Times đưa tin.

Ông nói: “Ngành bảo hiểm đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường vốn bằng cách cung cấp thanh khoản dài hạn, bất cứ khi nào thị trường tài chính trải qua các giai đoạn bất ổn.

“Tôi hy vọng các công ty bảo hiểm sẽ tiếp tục đảm nhận đầy đủ vai trò cung cấp thanh khoản thông qua việc mua các sản phẩm đầu tư đa dạng – như trái phiếu – với tư cách là nhà đầu tư tổ chức để tình trạng mất khả năng thanh toán của một công ty không gây ra rủi ro hệ thống trong ngành tài chính”.

Tham dự cuộc họp bao gồm người đứng đầu các DNBH nhân thọ lớn của cả nước: Samsung Life, Hanwha Life, Kyobo Life, NongHyup Life, Shinhan Life, Mirae Asset Life và KB Life; cũng như các công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn, bao gồm Samsung Fire & Marine Insurance, Hyundai Marine & Fire, DB Insurance, KB Insurance, Seoul Assurance Insurance và Korean Reinsurance.

Ông Lee cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo bảo hiểm ứng phó trước với các rủi ro thị trường tiềm ẩn, để tránh mọi rủi ro bắt nguồn từ việc triển khai IFRS17 trong nước.

Ngoài ra, ông nói: “Có vẻ như cần phải tăng cường đánh giá các khoản vay của các công ty bảo hiểm trong việc tài trợ cho các dự án bất động sản hoặc đầu tư thay thế ở nước ngoài.

AXA XL thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại Châu Á Thái Bình Dương và Châu Âu thông qua bổ nhiệm cán bộ quản lý

(IBM) – Bảo hiểm AXA XL đã bổ nhiệm bà Marine Charbonnier (ảnh trên) làm Giám đốc đánh giá rủi ro bảo hiểm chuyên ngành và tái bảo hiểm cố định, khu vực châu Á Thái Bình Dương và Châu Âu.

Bà Charbonnier sẽ lãnh đạo hoạt động kinh doanh lưu động của AXA XL cho đơn vị kinh doanh Châu Á-Thái Bình Dương và Châu Âu. Cô ấy sẽ hợp tác chặt chẽ với các nhóm đánh giá rủi ro của công ty để hỗ trợ các chương trình lưu động hiện có và mới cho các khách hàng ở Châu Âu, Châu Á và Úc. Bà cũng sẽ chịu trách nhiệm triển khai chiến lược đánh giá rủi ro tái bảo hiểm cố định bên ngoài của AXA XL cho hai khu vực, hỗ trợ các nhà bảo hiểm địa phương.

Ông Etienne Champion, Giám đốc đánh giá rủi ro, APAC & Châu Âu tại AXA XL, cho biết: “Mối quan tâm đến bảo hiểm chuyên ngành đã tăng mạnh trong ba năm qua, trong đó các khách hàng của chúng tôi sở hữu, phát triển hoặc tìm cách mở một công ty bảo hiểm chuyên ngành.

“Đây là một công cụ quản lý rủi ro chiến lược cho khách hàng của Công ty và là một lĩnh vực tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi.

“Marine là một chuyên gia bảo hiểm dày dạn kinh nghiệm với kiến thức sâu rộng về quản lý bảo hiểm chuyên ngành. Bà ấy được công nhận về chuyên môn của mình ở Châu Âu và hơn thế nữa, đồng thời mở rộng vai trò của mình sang APAC có nghĩa là các khách hàng Châu Á và Úc của chúng tôi sẽ được hưởng lợi từ các nguồn lực và khả năng bổ sung để quản lý rủi ro phức tạp của họ”.

Charbonnier trước đây là giám đốc khu vực chương trình toàn cầu và bảo hiểm chuyên ngành ở Châu Âu tại AXA XL. Bà gia nhập AXA vào năm 2013 với tư cách là người đứng đầu các giải pháp tài trợ rủi ro và được thăng chức thành Giám đốc các giải pháp tích hợp để chuyển giao rủi ro thay thế vào năm 2018. Trước khi làm việc cho AXA, Charbonnier đã có hơn 20 năm làm việc tại Gras Savoye, nơi bà giữ nhiều vai trò chiến lược khác nhau về bảo hiểm chuyên ngành và chuyển giao rủi ro thay thế.

BTV (Tổng hợp).