TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 03+04

Virus corona mở đường cho rủi ro không gian mạng mới; CEO Samsung Life từ chức; Hợp tác chiến lược giữa VASS và MONCOVER

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Vụ tai nạn giao thông tại huyện Chư Sê – tỉnh Gia Lai: PJICO gấp rút tạm ứng bồi thường bảo hiểm

(PJICO) – Ngày 31/01/2020, đại diện Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đã khẩn trương tạm ứng bồi thường cho các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ tại nạn giao thông giữa xe mô tô và xe khách mang BKS 81B-01521 của nhà xe Thuận Tiến tham gia bảo hiểm tại PJICO với tổng số tiền 60 triệu đồng.

Trước thông tin vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai xảy ra trong ngày 29/01, PJICO  – là doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, bảo hiểm tự nguyện vật chất cho xe ô tô khách BKS 81B-01521 của nhà xe Thuận Tiến đã kịp thời nắm bắt thông tin và cử đơn vị thành viên là PJICO Gia Lai khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng thu thập hồ sơ để xác định nguyên nhân, từ đó có cơ sở xem xét giải quyết bồi thường và chi trả các quyền lợi bảo hiểm trong thời gian sớm nhất cho khách hàng.

Ngay trong ngày 31/01, đại diện PJICO đã tổ chức thăm hỏi, chia buồn cùng các gia đình nạn nhân và tạm ứng bồi thường cho các nạn nhân bị thiệt mạng số tiền 20 triệu đồng/người với mong muốn các gia đình vượt qua sự mất mát này. 

Như Báo Giao thông đưa tin, khoảng 20h20 ngày 29/01, em Rah Lan Thuân (sinh năm 2002) điều khiển xe mô tô trên đường Hồ Chí Minh theo hướng đi Đắk Lắk, chở theo 2 người là Rmah H’Oai (sinh năm 2003) và Siu H’Hiên (sinh năm 2005, cùng trú tại thôn Tao Kó, xã Ia Ròng, H. Chư Pưh), khi đến đoạn thôn An Điềm, X. Ia Blang, H. Chư Sê đã tông trực diện vào ô tô khách giường nằm BKS 81B – 01521 (của nhà xe Thuận Tiến Gia Lai) do tài xế Lê Minh Thanh (sinh năm 1971, trú tại tổ 3, phường Trà Bá, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) điều khiển theo chiều ngược lại. Hậu quả, cả 3 thanh thiếu niên trên xe mô tô tử vong tại chỗ.

Chiều ngày 31/01, Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết, cơ quan chức năng đã kiểm tra nồng độ cồn trong máu của tài xế mô tô, kết quả cho thấy, nạn nhân có nồng độ 84,2 mg/đơn vị lít máu, vượt qua mức tối đa trong khung xử phạt về nồng độ cồn là 80 mg/ đơn vị máu, đồng thời cơ quan công an cũng xác nhận, tài xế mô tô này chưa có giấy phép lái xe. Tài xế xe ô tô là anh Lê Thanh Minh (sinh năm1971, trú tại phường Trả Bá, TP. Pleiku) – người điều khiển xe khách hãng Thuận Tiến Gia Lai không có nồng độ cồn, không dương tính với chất ma tuý.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Bảo Minh tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2019 và triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2020

(BMI) – Ngày 17/01/2020, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2019 và triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2020 với sự tham dự của các đại biểu gồm Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành và Giám đốc các công ty thành viên trong toàn hệ thống của Bảo Minh. 

Thay mặt Ban điều hành, Ông Lê Văn Thành – Tổng Giám đốc đã trình bày báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2019 và triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2020. Trong bối cảnh của nền kinh tế thế giới năm 2019 có nhiều diễn biến phức tạp do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin kinh doanh, quyết định đầu tư và thương mại toàn cầu. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực trong năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức với thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng, sự tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch. Ngành bảo hiểm cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do tình trạng cạnh tranh gay gắt, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Hội đồng quản trị, Ban điều hành cùng với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên toàn hệ thống, Bảo Minh đã đạt được những kết quả khả quan như sau: Tổng doanh thu đạt 4.325 tỷ đồng, đạt 98.21% kế hoạch, tăng trưởng 7,37% so với cùng kỳ. Trong đó, phí bảo hiểm gốc là 3.824 tỷ đồng tăng trưởng 7,79% so với cùng kỳ. Tỷ lệ bồi thường chiếm 39,71%. Tại Hội nghị, Ông Lê Văn Thành cũng nhấn mạnh năm 2020, Bảo Minh tiếp tục kiên định với mục tiêu hiệu quả – bền vững; nâng cao chất lượng phục vụ, hình ảnh và thương hiệu Bảo Minh, tập trung đẩy mạnh phát triển kênh bancassurance; tăng cường công tác quản lý giám định, bồi thường.

Nhân dịp này Hội nghị cũng đã biểu dương và khen thưởng các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác năm 2019. Đối với các công ty thành viên: Khen thưởng 12 đơn vị hoàn thành vượt kế hoạch doanh thu trước thời hạn, 27 đơn vị hoàn thành kế hoạch doanh thu đúng thời hạn, 21 đơn vị có doanh thu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với Trụ Sở Chính, Khen thưởng 03 ban nghiệp vụ hoàn thành kế hoạch doanh thu và tăng trưởng, 03 tập thể lao động xuất sắc, 03 tập thể lao động tiên tiến.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ông Lê Song Lai – Chủ tịch HĐQT đã đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể CBNV Bảo Minh, các Công ty thành viên và ghi nhận, biểu dương các tập thể, cá nhân đã đạt thành tích trong năm 2019. Kết quả kinh doanh năm 2019 mặc dù còn một số đơn bị không đạt kế hoạch đề ra, nhưng toàn tổng công ty đã đạt kế hoạch ĐHĐCĐ giao về. Nhằm đạt mục tiêu kế hoạch năm 2020, toàn thể cán bộ nhân viên hệ thống cần tiếp tục đoàn kết, năng động, nổ lực hết sức, tập trung phát triển doanh thu và quản lý bồi thường, chi phí để đạt hiểu quả cao, thực hiện tốt kế hoạch. Bên cạnh đó, Chủ tịch cũng đưa ra các chỉ đạo định hướng sát sao cho công tác triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2020.

Bảo hiểm PTI: Cán mốc doanh thu 5.000 tỷ đồng – tăng trưởng cao nhất thị trường

(TBTCVN) – Tính đến thời điểm kết thúc tháng 11/2019, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã chính thức cán mốc doanh thu 5.000 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Với con số này, tốc độ tăng trưởng của PTI đang dẫn đầu thị trường bảo hiểm.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 9 tháng đầu năm 2019 đạt 37.808 tỷ đồng, tăng trưởng 13%. Doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất là PTI, với tỷ lệ tăng trưởng 39,5%, doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng cao thứ 2 và thứ 3 lần lượt là VBI với 28,7% và Viễn Đông là 25,4%.

Được biết, PTI chính thức góp mặt trong các doanh nghiệp nghìn tỷ từ năm 2011, với doanh thu 1.000 tỷ đồng. Đến nay, sau 8 năm con số đó đã tăng lên gấp 5 lần và dự kiến hết năm 2019, PTI sẽ đạt khoảng 5.500 tỷ đồng. Với kết quả doanh thu này, PTI hoàn thành 117% kế hoạch đầu năm đề ra.

Trong năm 2019, doanh thu từ các nghiệp vụ chính của PTI liên tục tăng mạnh, hai nghiệp vụ có tỷ trọng cao là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người chiếm đến 83% tổng doanh thu của cả Tổng công ty. 

Trong đó, bảo hiểm xe cơ giới đạt mức doanh thu 2.213 tỷ đồng, tăng trưởng 24,3% và bảo hiểm con người đạt mức doanh thu 1.918 tỷ đồng, tăng trưởng 61,9%. Không chỉ tạo nên doanh thu “khủng” trong Tổng công ty, hai nghiệp vụ trên còn giữ vững vị trí thứ 2 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Ngoài hai nghiệp vụ trên, hai nghiệp vụ khác là bảo hiểm tài sản kỹ thuật và bảo hiểm hàng hải tuy không đạt được tốc độ tăng trưởng “khủng” như bảo hiểm con người và xe cơ giới nhưng cũng đạt mức doanh thu ấn tượng, lần lượt đạt 700 tỷ đồng và 186 tỷ đồng.

Để có được những thành quả đáng khích lệ trên, tập thể lãnh đạo và cán bộ, nhân viên của PTI luôn lấy chất lượng dịch vụ làm trọng tâm. Tổng giám đốc PTI Bùi Xuân Thu cho biết, bảo hiểm là một ngành dịch vụ, khi làm dịch vụ mà chất lượng không đặt lên hàng đầu thì sẽ khó có thể cạnh tranh được với những sản phẩm khác, chứ chưa nói đến sự phát triển. Chính vì vậy, mỗi nhân viên PTI luôn ý thức được điều này và cố gắng nỗ lực hết sức mình để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ngoài ra, trong định hướng phát triển của mình PTI luôn xác định đúng đắn hướng kinh doanh là trở thành “doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ, thực sự trở thành công ty bảo hiểm của cộng đồng”. Một trong những lý do nữa giúp PTI đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất thị trường là sự linh hoạt tận dụng các thế mạnh của từng kênh phân phối để đem lại sự thuận tiện nhất cho khách hàng không chỉ trong khâu bán hàng mà còn trong khâu bổi thường. 
Với chiến lược kinh doanh này, Ban lãnh đạo PTI đã tận dụng triệt để mạng lưới phân phối từ các điểm bưu điện văn hóa xã, bưu điện, bưu cục của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam để phân phối các sản phẩm bán lẻ của mình đến các khách hàng từ thành thị, nông thôn và những người dân vùng hải đảo, miền núi xa xôi. 

Chiến lược kinh doanh đó cũng quyết định việc đóng gói các sản phẩm bảo hiểm cho phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng khác nhau. Đồng thời, PTI cũng liên tục bứt phá để tìm được những hướng tiếp cận mới, mở rộng doanh thu ra khỏi những khách hàng truyền thống trong ngành bưu chính, viễn thông để tiếp cận những phương thức kinh doanh theo xu thế hiện nay như: bán hàng qua kênh ngân hàng, kênh trực tuyến, kênh môi giới… Các kênh bán hàng đều đạt được những con số kinh doanh ấn tượng, cụ thể: Doanh thu qua kênh ngân hàng trong năm 2019 đạt 1.100 tỷ đồng, tăng trưởng 46%, hoàn thành 124% kế hoạch; doanh thu kênh môi giới đạt 585 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với cùng kỳ…

PTI cũng là doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều cho Insurtech (công nghệ bảo hiểm)  thông qua việc ký kết với các đối tác để triển khai các ứng dụng công nghệ bán hàng hay là áp dụng hóa đơn điện tử thay cho việc phát hành hóa đơn giấy để tiết kiệm thời gian cho hai bên, thậm chí đến quy trình bồi thường cho bảo hiểm xe cơ giới cũng hoàn toàn có thể thực hiện online, tạo thuận tiện cho khách hàng.

Chính những nỗ lực liên tục trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ là yếu tố quyết định mấu chốt giúp PTI liên tục gặt hái được nhiều thành công trên thị trường bảo hiểm thời gian qua.

VBI tổ chức workshop công nghệ “Giám định bồi thường trong kỷ nguyên số”

(VBI) – Chiều ngày 13/01, Tổng Công ty Bảo hiểm VietinBank (VBI) tổ chức workshop công nghệ với chủ đề “Giám định bồi thường nhanh như chớp trong thời đại công nghệ 4.0” trong không khí tưng bừng đón chào năm mới.

Với định hướng trong năm 2020 đó là “Nâng tầm trải nghiệm khách hàng”, VBI đã mang đến cho hơn 100 đối tác là chủ doanh nghiệp, chủ sở hữu của các gara ô tô trên địa bàn Hà Nội những chủ đề thú vị và những trải nghiệm khác biệt về công nghệ giám định bồi thường của VBI.

Đại diện VBI chia sẻ rằng “Sự trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng là kim chỉ nam để VBI đầu tư phát triển các nền tảng công nghệ ngày một hoàn thiện và thông minh hơn. VBI quan niệm rằng những cải tiến đó không chỉ giúp nâng tầm trải nghiệm cho các khách hàng mà còn hỗ trợ các đối tác “số hóa” toàn diện khâu dịch vụ khách hàng trong tương lai.”

Xe cơ giới luôn là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng cốt lõi trong các sản phẩm của VBI và trên thị trường đây cũng là nhóm sản phẩm mang tính cạnh tranh cao nhất. Vậy nên, thách thức đối với VBI đó là phải tạo nên sự khác biệt trong dịch vụ để khẳng định thương hiệu cũng như thu hút khách hàng nhiều hơn. Ứng dụng MyVBI – ứng dụng bảo hiểm bồi thường trực tuyến đầu tiên có mặt trên Việt Nam giúp giải quyết bài toán thuận tiện cho khách hàng. Trải qua 2 năm nâng cấp và phát triển, MyVBI ngày nay được tích hợp công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống dữ liệu lớn (Big data), hệ thống nhận diện hình ảnh, ký tự,… Với những tính năng công nghệ hiện đại nhất được tích hợp, VBI tự tin đem lại 3 giá trị cho khách hàng đó là bồi thường nhanh nhất thị trường, báo giá minh bạch, trải nghiệm mua hàng khác biệt.

Tại workshop, VBI đã đưa ra các phương pháp tích hợp công nghệ đặc biệt hỗ trợ các đối tác rút ngắn thời gian giám định, xử lý bồi thường cho khách hàng để cùng hợp tác đưa đến cho khách hàng những trải nghiệm tuyệt vời.

Ông Nguyễn Hồng Phong – Phó Tổng Giám đốc VBI chia sẻ tại workshop “VBI xác định bảo hiểm xe cơ giới sẽ là sản phẩm tăng trưởng mạnh trong tương lai, vậy nên chúng tôi đã thay đổi quy trình bồi thường sang bồi thường tập trung để đảm bảo chất lượng bồi thường giống nhau. Về định hướng năm 2020, VBI sẽ gia tăng liên kết với các gara trên cả nước, cùng kết hợp đổi mới công nghệ giám định bồi thường để đem đến cho khách hàng sự trải nghiệm dịch vụ bảo hiểm trọn vẹn nhất.”

Các workshop tại khu vực miền tây, miền nam dự kiến sẽ được tiếp tục tổ chức để tạo sự gắn kết, trao đổi giữa VBI và các đối tác.

  1. Nhịp đập thị trường

Thời của các sản phẩm bảo hiểm đầu tư

(ĐTCK) – Với lợi thế đang có, doanh thu phí của sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và có khả năng chiếm trên 80% tổng doanh thu phí mới của thị trường. 

Từ một dòng sản phẩm khi mới được đem vào thị trường với sự đón nhận khá dè dặt và có nhiều ý kiến còn hoài nghi tính khả khi, thì tính đến quý III/2019, theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 72% doanh thu phí khai thác mới.

Tiếp theo là bảo hiểm hỗn hợp, chiếm tỷ trọng 13%, bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 2,5%, các nghiệp vụ chính còn lại như bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe (sản phẩm chính) chiếm tỷ trọng 1,8%. Doanh thu phí bảo hiểm bổ trợ chiếm tỷ trọng gần 11%.

So với cùng kỳ năm 2018, doanh thu khai thác mới của nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư tăng gần 43%, nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp giảm hơn 40%…

Nhiều doanh nghiệp liên tục đưa các sản phẩm mới thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết ra thị trường, khiến cơ cấu doanh thu phí mới có sự biến động mạnh ở hai sản phẩm chính là liên kết đầu tư và các sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp.

Sự thay đổi doanh thu của hai sản phẩm này xuất phát từ việc các công ty bảo hiểm đẩy mạnh bán sản phẩm liên kết đầu tư, sau khi Nghị định 151/2018/NÐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện đại lý được bán sản phẩm liên kết đầu tư được ban hành.

Ngoài ra, một lý do quan trọng khác là trong giai đoạn lãi suất trái phiếu chính phủ giảm thấp, các công ty bảo hiểm chủ động đẩy mạnh bán bảo hiểm liên kết đầu tư và giảm bán sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp nhằm giảm áp lực chi phí trích lập dự phòng rủi ro cho các sản phẩm này theo Thông tư 50/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Ðược biết, lãi suất trái phiếu chính phủ trung bình là một tham số được sử dụng trong tính toán dự phòng toán học đối với sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp và lãi suất trái phiếu chính phủ trung bình càng thấp, chi phí dự phòng toán học càng cao.

Nếu doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh doanh số đối với sản phẩm này, chi phí trích lập dự phòng toán học có thể sẽ tăng mạnh.

Theo ông Ngô Thế Triệu, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Eastspring Việt Nam, không chỉ ở Việt Nam, thị trường tài chính thế giới cũng đang ở chu kỳ các loại lãi suất đều giảm mạnh.

Các tập đoàn tài chính ở các quốc gia cũng luôn phải tìm giải pháp để tăng tổng tài sản của khách hàng và tái cấu trúc danh mục đầu tư là một phương án.

Các mức lãi suất này có giảm hay không là khó có thể đoán trước. Chính vì thế, tất cả các công ty đều phải nghiên cứu các loại thị trường khác nhau để đầu tư tăng lợi nhuận, chẳng hạn chuyển hướng sang trái phiếu doanh nghiệp và các loại hình đầu tư khác như cổ phiếu…

Năm 2018, lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi sự sụt giảm của lãi suất trái phiếu.

Năm 2019, dù các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động thay đổi, đẩy mạnh việc phát triển và bán các sản phẩm liên kết đầu tư, nhưng thử thách vẫn chưa phải đã hết nếu lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm, ảnh hưởng đến vốn và lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Có thể, các công ty bảo hiểm lại phải tiếp tục thay đổi chiến lược phát triển sản phẩm trong thời gian tới.

“Nếu lãi suất trái phiếu tiếp tục giảm sâu, các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ lại gặp khó, đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm trước đây bán nhiều sản phẩm hỗn hợp. Còn các sản phẩm liên kết đầu tư ít bị ảnh hưởng hơn, trừ khi lãi suất xuống dưới 3%/năm.

Lúc này, các doanh nghiệp bảo hiểm lại phải tiếp tục chỉnh sửa sản phẩm, giảm lãi suất cam kết và đẩy mạnh bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị (unit-linked)”, đại diện một công ty bảo hiểm chia sẻ.

Nếu như bảo hiểm liên kết đầu tư giúp khách hàng thỏa mãn đồng thời hai nhu cầu là bảo vệ tài chính trước các rủi ro và tiết kiệm – đầu tư thu lợi nhuận, trong đó yếu tố tiết kiệm – đầu tư là chủ yếu.

Cụ thể, sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến hợp đồng, phí bảo hiểm còn lại sẽ được dùng để mua các đơn vị đầu tư trong quỹ liên kết. Với sản phẩm này, công ty bảo hiểm sẽ đảm bảo mức lợi nhuận cơ bản.

Ngoài ra, giá trị các quỹ đầu tư có thể tăng lên, hoặc giảm xuống, phụ thuộc vào giá trị các đơn vị đầu tư trong quỹ liên kết.

Còn bảo hiểm liên kết đơn vị là dòng sản phẩm giúp khách hàng vừa được bảo hiểm rủi ro, tai nạn bất ngờ, vừa trở thành nhà đầu tư thông qua hình thức liên kết với doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào các quỹ liên kết đơn vị.

Ðây là dòng sản phẩm công ty bảo hiểm không cam kết lợi nhuận, khách hàng tự đầu tư vào các quỹ đầu tư từ an toàn đến mạo hiểm theo nhu cầu của mình.

Theo các chuyên gia trong ngành tài chính, khi thị trường chứng khoán ra đời và phát triển, nhiều người có tiền nhàn rỗi muốn tham gia đầu tư dài hạn nhưng không có điều kiện trực tiếp mua bán các loại cổ phiếu trên thị trường, họ có thể uỷ thác đầu tư cho các quỹ đầu tư chứng khoán. Sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị sẽ đáp ứng nhu cầu này.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, trên thị trường bảo hiểm hiện nay, Prudential đang là doanh nghiệp bán rất mạnh dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, với sản phẩm Pru-Ðầu tư linh hoạt.

Doanh thu phí từ dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị của Prudential tính đến tháng 9/2019 chiếm khoảng 60 – 70% tổng doanh thu phí của hãng bảo hiểm này.

Với dòng sản phẩm liên kết đầu tư, Công ty mới cho ra mắt thị trường sản phẩm Pru-Chủ động cuộc sống, thêm sự lựa chọn cho khách hàng về nhu cầu bảo vệ và tích lũy.

Cùng với lý do lãi suất trái phiếu có thể tiếp tục xuống thấp nên các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải đẩy mạnh việc bán các sản phẩm không cam kết lãi suất như bảo hiểm liên kết đơn vị thì nhìn chung, thị trường Việt Nam với lực lượng dân số có thu nhập cao có nhu cầu đầu tư sinh lợi, tích lũy tài sản gia tăng chính là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung khai thác bằng việc ra mắt các dịch vụ, sản phẩm tài chính mới, trong đó có sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị.

Lãnh đạo cấp cao của Dai-ichi Life Việt Nam cho biết, Công ty đã bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị từ lâu, nhưng chưa tập trung đẩy mạnh.

Trong thời gian tới, chiến lược phát triển của Công ty sẽ có sự thay đổi, trong đó thay đổi điều kiện bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư để đại lý bảo hiểm có thể bán nhiều dòng sản phẩm.

Lãnh đạo Dai-ichi Life Việt Nam kỳ vọng, chiến lược khai thác mới sẽ giúp nâng tỷ lệ doanh thu phí của sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị lên khoảng 10% tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới.

Trong khi đó, tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ chia sẻ, công ty đã triển khai cho lực lượng đại lý nòng cốt bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị.

“Bảo hiểm liên kết đơn vị, chúng tôi vẫn đang triển khai khá thận trọng, bởi rủi ro lớn nhất khi bán sản phẩm này chính là nếu đại lý tư vấn không đúng và xảy ra trên diện rộng thì có thể ảnh hưởng đến cả ngành bảo hiểm”, tổng giám đốc công ty bảo hiểm trên nhìn nhận.

Thực tế, không phải bắt đầu từ năm 2019 các doanh nghiệp bảo hiểm mới đẩy mạnh bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, mà ngay từ năm 2018 đã khởi động việc thúc đẩy dòng sản phẩm này, tập trung vào đối tượng khách hàng thành thị, có thu nhập khá và ổn định.

Sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị là loại sản phẩm được rất nhiều nước trên thế giới phát triển, nhưng với thị trường Việt Nam, do trình độ dân trí về tài chính chưa cao, các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ phải mất nhiều thời gian để cung cấp kiến thức đầu tư cho khách hàng.

  1. Tin quốc tế

Samsung thay đổi lãnh đạo, CEO bảo hiểm nhân thọ từ chức

(IAN) – Theo tin tức từ các phương tiện truyền thông địa phương, do chính sách thay đổi quản lý hàng năm của Tập đoàn Samsung Group nênông Hyun Sung-chul, Tổng Giám đốc Bảo hiểm nhân thọ Samsung có thể sẽ phải từ chức.

Ông Choi Young-moo, Tổng Giám đốc Samsung Fire & Marine, dự kiến sẽ vẫn tại vị.

Hai ông Hyun và Choi được bổ nhiệm vào năm 2018. Trước đây, ông Hyun từng giữ chức Phó chủ tịch của Samsung Fire & Marine còn ông Choi là Trưởng phòng bảo hiểm xe cơ giới Tập đoàn.

Đại diện của Tập đoàn Samsung nhận xét: “Tập đoàn có khả năng tiến hành cải tổ quản lý vào đầu tuần này, trước khi bắt đầu Tết Nguyên đán, nhưng ở thời điểm hiện tại, chúng tôi không thể xác nhận thông tin chi tiết”.

Theo thông lệ, các tập đoàn lớn thường tiến hành cải tổ hàng năm các giám đốc điều hành của mình vào dịp tháng 12. Việc đánh giá Tập đoàn Samsung năm 2019 đã bị hoãn do phiên điều trần mới của người thừa kế Samsung và là Phó chủ tịch Tập đoàn Lee Jae-yong, và liên quan đến vụ bê bối hối lộ và tham nhũng quy mô lớn với cựu tổng thống Park Geun-hye.

Trong năm 2019, mặc dù thị trường Hàn Quốc phần lớn ổn định song cả các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đã phải vật lộn và chuẩn bị cho một năm 2020 khó khăn.

Năm vừa qua, 3 công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu của Hàn Quốc đã giảm 38% lợi nhuận ròng xuống còn 1,13 tỷ USD do điều kiện thị trường đầy thách thức. Top 5 công ty phi nhân thọ hàng đầu cũng bị sụt giảm 37,6% lợi nhuận ròng trong 9 tháng đầu năm.

AIG bổ nhiệm CEO Châu Á Thái Bình Dương

(IAN) – AIG vừa bổ nhiệm ông Steven Barnett làm Giám đốc điều hành bảo hiểm phi nhân thọ khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Ông sẽ làm việc tại trụ sở Singapore và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Ông Barnett (ảnh) kế nhiệm ông Sachin Shah, Tổng Giám đốcTập đoàntừ tháng 1 năm 2019. Theo một tuyên bố của AIG, ông Shah sẽ rời đi để “theo đuổi các cơ hội khác”.

Ông Barnett sẽ báo cáo lên ông Lex Baugh, Quyền Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành bảo hiểm quốc tế và Giám đốc đánh giá rủi ro toàn cầu về trách nhiệm và tài chính.

Trong nhiệm kỳ gần ba thập kỷ của mình với AIG, ông Barnett đã giữ một số vị trí quản lý cấp cao – gần đây nhất là Giám đốc điều hành khu vực Trung Đông và Châu Phi kể từ năm 2018. Ông cũng là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của AIG Hàn Quốc từ 2011 đến 2018, và Giám đốc điều hành AIG Thái Lan từ 2003 đến 2011.

Ông Baugh nhận xét: “Hồ sơ kinh nghiệm của Barn Barnett và hiểu biết sâu sắc về khu vực năng động này khiến anh ấy là sự lựa chọn lý tưởng cho vai trò này, với mục tiêu của Tập đoàn nhằm nâng cao giá trị cung cấp cho khách hàng trên khắp Châu Á Thái Bình Dương và tiếp tục đưa AIG trở thành công ty dẫn đầu ngành”.

Ông Thomas Lillelund, Giám đốc điều hành AIG Châu Âu, sẽ thay thế ông Barnett và chuyển từ Luxembourg đến Dubai. Ông Lillelund trước đây là Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, ông cũng sẽ báo cáo lên ông Baugh.

Hiện nay, AIG đang tìm kiếm người kế nhiệm cho ông Chris Townsend, người từng là Giám đốc điều hành bảo hiểm phi nhân thọ quốc tế. Ông Townsend làm việc tại trụ sở Hồng Kông và trong thời gian trước mắt, ông Lex Baugh sẽ tạm thay thế cho ông Townsend.

Willis Re bổ nhiệm Giám đốc bảo hiểm thiệt hại quốc tế

(IAN) – Willis Re vừa làm rung chuyển đội ngũ quản lý cấp cao của hãng tại Úc.

Theo đó, ông Cameron Green, Tổng Giám đốc lâu năm của Willis Re Australia, sẽ giữ chức vụ Giám đốc bảo hiểm thiệt hại quốc tế, trong khi ông John Philipsz, Phó Tổng Giám đốc Australia, sẽ tiếp quản vị trí trước đây của Green.

Cả hai sẽ tiếp tục làm việc tại trụ sở tại Sydney và ông Green (ảnh) cũng sẽ trở thành Chủ tịch của Willis Re Australia.

Giờ đây, Green sẽ quản lý bảo hiểm/tái bảo hiểm thiệt hại trên toàn cầu, đồng thời thực thi các dự án dành riêng cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Trước đây ông đã từng là giám đốc điều hành của Willis Re Australia từ năm 2013. Trước Willis Re, ông cũng từng giữ các vị trí quản lý tại Aon Benfield, Guy Carpenter và Swiss Re.

Ông Philipsz trước đây từng là Phó Tổng Giám đốc Australia. Ông gia nhập Willis Re Australia vào năm 2018 từ Willis Towers Watson Securities. Ông đã có một sự nghiệp đa dạng, đảm nhận nhiều vị trí khác nhau tại Willis Capital Markets & Advisory, Bank of America và Merrill Lynch.

Bình luận về sự kiện này, ông Green nói: “Willis Re đã xác định phân khúc bảo hiểm thiệt hại là cơ hội chính cho hoạt động kinh doanh quốc tế của mình. Đó là một môi trường được đặc trưng bởi nhu cầu thay đổi liên tục về bảo hiểm và một khu vực năng động của (tái) bảo hiểm. Thêm vào đó, mối quan hệ làm việc chặt chẽ hơn với doanh nghiệp và đồng nghiệp Hoa Kỳ sẽ đem lại lợi ích đáng kể cho hoạt động kinh doanh quốc tế của chúng tôi”.

Tháng 9 năm ngoái, Willis Re đã công bố Franck Pinette là Giám đốc bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe quốc tế, thay thế cho ông Greg Solomon, người chuyển đến Peak Re.

Tổn thất thảm họa tại Australia vượt 1,46 tỷ USD

(IAN) – Thiệt hại được bảo hiểm từ các vụ cháy rừng và mưa đá kể từ tháng 11 tại Úc đã lên tới 2,16 tỷ AUD (1,46 tỷ đô la Mỹ) do yêu cầu bồi thường tiếp tục tăng lên.

Tổng thiệt hại do cháy rừng kể từ ngày 8 tháng 11 lên tới 1,65 tỷ AUD (1,12 tỷ đô la Mỹ) từ 20.000 yêu cầu bồi thường, đây là thông tin từ Hội đồng Bảo hiểm Úc (ICA) trong bản cập nhật mới nhất.

Yêu cầu bồi thường do mưa đá vào tuần trước tại Lãnh thổ Thủ đô Úc, New South Wales và Victoria đã tăng lên 514 triệu AUD(tương đương 349 triệu đô la Mỹ) từ 55.650 yêu cầu bồi thường.

Mùa hè nóng nực ở Úc khiến cho những đám cháy vẫn đang bùng lên mạnh mẽ hơn.Do đó, theo AM Best, tỷ lệ phí tái bảo hiểm có thể tăng khi vào mùa tái tục.

Hãng bảo hiểm IAG đã bị vắt kiệt lợi nhuận từ thảm họa thiên nhiên. Tuy nhiên, nhìn chung, thị trường dự kiến ​​sẽ được phòng ngừa tốt và sẽ phục hồi trở lại.

Đồng thời, Úc sẽ phải gánh chịu ​​một cú đánh kinh tế tổng thể không chỉ từ các vụ cháy rừng mà còn từ virus corona – tác nhân có thể ảnh hưởng lớn vì Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Úc và kéo theo sự sụt giảm du khách đến từ Trung Quốc với mức chi tiêu hàng tỷ AUD mỗi năm.

Mùa cháy rừng và bão vô tiền khoáng hậu đối với Suncorp

(IAN) – Suncorp đã thông báo cho biết, thiệt hại từ cháy rừng, mưa đá và mưa lớn trong nửa đầu năm tài chính 2020 dự kiến sẽ được giới hạn ở mức 300 triệu AUD (202 triệu đô la Mỹ) nhờ tái bảo hiểm.

Vừa qua, Công ty đã nhận được hơn 25.000 yêu cầu bồi thường từ mưa đá tấn công Victoria, Lãnh thổ thủ đô Úc và New South Wales trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến 21 tháng 1 và 1.400 yêu cầu bồi thường khác do mưa lớn ở Queensland và New South Wales vào ngày 17 và 18 tháng 1.

Tổng Giám đốc Suncorp, ông Steve Johnston cho biết: “đây là một khởi đầu chưa từng có trong mùa cháy rừng và bão ở Úc”.

Ông Johnston nói thêm: “Công ty tiếp tục huy động các nhóm hỗ trợ khách hàng ở những khu vực khách hàng đang cần nhất và chúng tôi cũng đã tăng khả năng của các trung tâm liên lạc để quản lý số lượng cuộc gọi đang gia tăng từ khách hàng ở khu vực bờ biển phía đông”.

Suncorp sẽ công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm tài chính vào ngày 11 tháng 2.

Bão Hagibis ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh Quý IV

(IAN) –Theo JP Morgan, siêu bão Hagibis sẽ trở thành nguyên nhân chính gây ra tổn thất thảm họa cho một số công ty tái bảo hiểm P&C lớn khi họ công bố kết quả quý IV năm 2019.

Số liệu ước tính của thị trường cho thấy thiệt hại được bảo hiểm do siêu bão gây ra vào khoảng từ 8 tỷ đến 10 tỷ USD. Cơn bão này đổ bộ vào tháng 10 và đã làm sập nhiều khu vực của Nhật Bản, gây ra lũ lụt trên diện rộng.

Theo các nhà phân tích tại JP Morgan, cơn bão và sự kết hợp của các tổn thất Quý 4 nghiêm trọng khác trên toàn thế giới có thể đã đẩy một số công ty tái bảo hiểm, bao gồm cả Scor và Swiss Re, vượt quá mức trợ cấp thảm họa trong Quý 4 – nghĩa là họ sẽ không đạt được tỷ lệ hoạt động kết hợp và mục tiêu thu nhập.

Năm 2018 và 2019 đã chứng kiến một loạt các cơn bão có ảnh hưởng lớn ở Nhật Bản, bao gồm cả cơn bão Jebi có ảnh hưởng lớn đến thu nhập quý 4 năm 2018 và quý 1 năm 2019. Biến đổi khí hậu được hiểu là nguyên nhân gây ra tình trạng thời tiết khắc nghiệt. Siêu bão này có thể góp phần làm tăng tỷ lệ phí tái tục tái bảo hiểm của Nhật Bản mùa tháng 4 năm nay.

Scor sẽ công bố kết quả vào ngày 27 tháng 2 trong khi Swiss Re sẽ báo cáo hiệu suất hoạt động năm 2019 vào ngày 20 tháng 2.

Thời tiết xấu gần đây ở châu Á có thể đã góp phần vào sự sụp đổ của công ty Asia Capital Re có trụ sở tại Singapore, vừa đi vào hoạt động vào cuối năm ngoái.

Trung Quốc:lợi nhuận 2019 của PICC dự kiến tăng trưởng 60% đến 80%

(IAN) – Theo hồ sơ ngày 21 tháng 1 gửi Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông (HKEX), lợi nhuận ròng năm 2019 của Công ty bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc (PICC) dự kiến sẽ tăng 60% đến 80%.

Cụ thể, lợi nhuận ròng năm 2019 của công ty đạt khoảng từ 21,52 tỷ Tệ (3,13 tỷ USD) đến 24,21 tỷ Tệ (3,5 tỷ USD).

Theo PICC, đạt được kết quả vượt trội này là nhờ thu nhập đầu tư cao hơn và hiệu quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm chính hàng năm rất mạnh. Giảm thuế đối với hoạt động kinh doanh PICC Nhân thọ và PICC Tài sản và Thiệt hại cũng đóng góp vào kết quả này của PICC.

Đối với PICC Tài sản và Thiệt hại, mức tăng lợi nhuận ròng năm 2019 là từ 35% đến 60%.

Trong nửa đầu năm 2019, PICC đã công bố lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ – tăng 53% lên 7,5 tỷ Tệ (1,05 tỷ USD), chủ yếu nhờ hoạt động kinh doanh P&C và tổn thất bảo hiểm sức khỏe thấp hơn.

Các chuyên gia quan sát thị trường đang theo dõi sát sao Trung Quốc khi nước này tiếp tục tự do hóa và mở cửa. Ngày 15/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã ký hiệp định thương mại giai đoạn đầu, theo đó sẽ dỡ bỏ quy định về trần vốn chủ sở hữu nước ngoài đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài vào tháng Tư năm nay.

Virus corona mở đường cho những rủi ro không gian mạng mới

(AIR) – Với thực trạng virus corona chết người (2019-nCoV) đang chiếm lĩnh tất cả các tiêu đề truyền thông tại thời điểm này, tội phạm mạng hiện đang lợi dụng sự hoảng loạn và lo lắng của công chúng về dịch bệnh trên toàn thế giới làm mồi nhử để phát tán các tệp độc hại.

Điều này gây ra rủi ro không gian mạng đáng kể cho các doanh nghiệp cũng như các cá nhân có thể trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công mạng khi họ lướt web để biết thêm thông tin về tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu mới được tuyên bố.

Các tệp độc hại được ngụy trang dưới dạng tài liệu pdf, mp4, docx liên quan đến viruscorona đã được Kaspersky phát hiện. Mặc dù tên của các tệp ngụ ý rằng chúng chứa các hướng dẫn bằng video về cách tìm kiếm sự bảo vệ khỏi virus, cập nhật về các mối đe dọa và thậm chí các quy trình phát hiện virus, song thực tế không phải như vậy.

Trên thực tế, các tệp này chứa một loạt các mối đe dọa từ Trojan đến sâu có khả năng phá hủy, chặn, sửa đổi hoặc sao chép dữ liệu cũng như can thiệp vào hoạt động của máy tính hoặc mạng máy tính.

Theo ông Anton Ivanov, chuyên gia phân tích phần mềm độc hại của Kaspersky: “Đến nay, chúng tôi mới phát hiện được 10 tệp, nhưng vì loại hoạt động này thường xảy ra với các chủ đề truyền thông phổ biến nên chúng tôi cho rằng xu hướng này sẽ còn phát triển. Khi mọi người tiếp tục lo lắng cho sức khỏe của họ, chúng ta có thể thấy ngày càng nhiều phần mềm độc hại ẩn bên trong các tài liệu giả mạo về viruscorona đang được lan truyền”.

Để tránh trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công mạng trong khi tìm kiếm thông tin liên quan đến viruscorona, Kaspersky khuyên bạn nên thực hiện các bước sau:

  • Cố gắng tránh các liên kết đáng ngờ, hứa hẹn nội dung độc quyền. Tham khảo các nguồn chính thức để biết thông tin đáng tin cậy và hợp pháp.
  • Nhìn vào phần mở rộng tập tin đã tải xuống. Các tài liệu và tệp video không nên được tạo ở định dạng .exe hoặc .lnk.
  • Sử dụng một giải pháp bảo mật đáng tin cậy để bảo vệ toàn diện khỏi hàng loạt các mối đe dọa.

BTV (Tổng hợp).