Môi giới Frank đổi thương hiệu thành bolttech; Số vụ cướp biển tại châu Á cao nhất trong 5 năm; Generali nhận giải “Chiến dịch Tiếp thị của Năm”
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
Cháy kho hàng ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Quảng Ninh
(Vnexpress) – Kho hàng của doanh nghiệp đang chờ làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh bất ngờ bốc cháy, thiêu rụi gần 10 tấn hàng.
Khoảng 8h ngày 20/1, kho tạm của Công ty TNHH một thành viên đầu tư xuất nhập khẩu Phúc An nằm cạnh nhà kiểm hóa cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà, bốc cháy.
Nhà chức trách tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh đã phun nước dập lửa, đồng thời di dời hàng hóa ra ngoài.
Khoảng 8h30, xe cứu hỏa của Công an huyện Hải Hà tiếp cận, ít phút sau hỏa hoạn được khống chế.
Do 10 tấn hàng trong kho chủ yếu là đồ dễ cháy gồm đồ nhựa, đồ gia dụng… nên đã bị thiêu rụi. Số hàng này của doanh nghiệp đang chờ làm thủ tục hải quan.
Diện tích kho bị cháy rộng hơn 100 m2, cao 4 m, xung quanh được quây tôn. Nguyên nhân hỏa hoạn đang được điều tra.
Đã chi bồi thường khoảng 5.300 tỷ đồng bảo hiểm xe cơ giới
(TBTCO) – Sau hơn 10 năm (2008 – 2019) thực hiện Nghị định số 103/2008/NĐ-CP, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm xe cơ giới khoảng 5.300 tỷ đồng, trong đó, bồi thường về người khoảng 2.950 tỷ đồng, về tài sản khoảng 2.350 tỷ đồng.
Theo báo cáo đánh giá của các bộ, ngành có liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia), các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, sau hơn 10 năm (2008 – 2019) thực hiện Nghị định số 103/2008/NĐ-CP, chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới đã đạt được một số kết quả nhất định.
Trong giai đoạn trên đã có khoảng 110,3 triệu lượt xe các loại tham gia. Với kết quả như vậy, tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới trong tổng số xe đang lưu hành hiện nay được đánh giá vào khoảng 90% đối với xe ô tô (trong tổng số gần 3 triệu xe ô tô) và 30% đối với xe mô tô (trong tổng số trên 50 triệu xe máy).
Về công tác giải quyết bồi thường, hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông khắc phục tổn thất về người và tài sản, các DNBH đã giải quyết được 593.658 vụ tai nạn giao thông, trong đó bồi thường cho 70.421 trường hợp tử vong (trung bình vào khoảng 7.400 trường hợp/năm, chiếm trên 73% số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông bình quân hàng năm, chiếm trên 87% vào năm 2017).
Tổng số tiền bồi thường khoảng 5.300 tỷ đồng (chưa kể dự phòng bồi thường gần 2.000 tỷ đồng). Trong đó, bồi thường về người khoảng 2.950 tỷ đồng, về tài sản khoảng 2.350 tỷ đồng. Qua công tác bồi thường bảo hiểm đã giúp cho các tổ chức, cá nhân không may bị tai nạn giao thông kịp thời và chủ động hơn trong việc khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống.
- Một vòng doanh nghiệp
Generali Việt Nam nhận giải “Chiến dịch Tiếp thị của Năm” của InsuranceAsia News
(ĐTCK) – Generali Việt Nam đã giành chiến thắng tại hạng mục “Chiến dịch Tiếp thị của Năm” do InsuranceAsia News (Tạp chí Bảo hiểm châu Á) trao tặng. Giải thưởng này được dành cho chiến dịch thương hiệu “Sống Như Ý” với chuỗi 4 phim quảng cáo ra mắt từ quý IV/2019.
Chiến dịch “Sống Như Ý” bao gồm một chuỗi phim âm nhạc ngắn xoay quanh các nhân vật luôn theo đuổi cuộc sống mình hằng mơ ước.
Chiến dịch đã nhận được phản hồi rất tích cực từ khán giả, thu hút hơn 100 triệu lượt xem trên kênh YouTube và Facebook chính thức của Generali Việt Nam, cùng hơn 4 triệu lượt chia sẻ và bình luận, đặc biệt từ đông đảo thế hệ khán giả trẻ (Millennials), đối tượng mục tiêu của chiến dịch.
Các đoạn phim được ra mắt vào các dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán, Quốc tế Phụ nữ, Ngày của Cha với chất lượng nghệ thuật cao và những câu chuyện đầy xúc cảm, phản ánh chân thực cuộc sống, chuyển tải những thông điệp sâu sắc về sự thấu hiểu, yêu thương, tôn trọng sự khác biệt để ai cũng được sống như ý, trọn vẹn.
Không chỉ dừng lại ở việc tăng độ nhận biết thương hiệu, “Sống Như Ý” còn nâng cao độ yêu mến thương hiệu từ cộng đồng khi tập trung lan tỏa những thông điệp sống tích cực với cách tiếp cận mới mẻ sáng tạo, dựa trên sự thấu hiểu sâu sắc và tinh tế về khách hàng, cộng đồng.
Nối tiếp thành công các phiên bản của loạt phim âm nhạc “Sống Như Ý” được phát hành trong năm 2020, Generali Việt Nam vừa tiếp tục cho ra mắt phiên bản “Tết 2021”, thể hiện câu chuyện xúc động của người cha đầy trìu mến và người con gái với nhiều nỗi niềm “về quê ăn Tết” giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống mưu sinh.
Câu chuyện lại càng trở nên gần gũi hơn với đông đảo khán giả sau một năm nhiều biến động và mất mát do thiên tai và dịch bệnh và vì thế đã nhanh chóng tạo nên sự lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng…
MB Ageas Life chính thức phân phối sản phẩm bảo hiểm qua nền tảng điện tử
(ĐTCK) – Ngày 18/1/2020, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (MB Ageas Life) đã chính thức kí kết hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm Tai nạn 360 qua App MBBank của Ngân hàng TMCP Quân đội MB.
Theo đó, chưa đầy 5 phút, với một vài thao tác đơn giản trên ứng dụng của MBBank khách hàng đã nhanh chóng hoàn thành giao dịch và tham gia bảo hiểm với MB Ageas Life.
Với các đặc tính ưu việt của sản phẩm như sử dụng công nghệ thẩm tự động, trả kết quả ngay, không điều chỉnh phí theo năm và không loại trừ, không tăng phí với nhóm nghề nghiệp nguy hiểm, do đó việc phân phối sản phẩm qua ứng dụng MBBank sẽ được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, với các tính năng thuận tiện như giao dịch nhanh chóng, và trích phí tự động qua tài khoản hàng tháng, bước phát triển mới của MB Ageas Life được ghi nhận phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ của thời đại, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.
Ra mắt từ tháng 4/2020, sản phẩm Bảo hiểm tại nạn 360 của Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life đã được thị trường đón nhận với nhiều tín hiệu tích cực.
Là dòng sản phẩm được thiết kế thông minh, tinh gọn, sản phẩm thu hút được nhiều đối tượng khách hàng có dải thu nhập đa dạng. Chỉ với mức “phí hạt dẻ” 65.000 vnđ/tháng đối với khách hàng nữ giới và 95.000 vnđ/tháng đối với khách hàng nam giới, người mua đã có thể có được giải pháp tài chính bảo vệ trước những rủi ro tai nạn, với quyền lợi bảo vệ lên đến 600 triệu đồng.
MB Ageas Life, thành viên của Tập đoàn MB, chỉ sau 4 năm hoạt động đã khẳng định được tên tuổi và vị trí trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam khi lọt vào Top 6 trên thị trường về doanh thu khai thác mới.
Về hiệu quả hoạt động, năm 2019, MB Ageas Life đã bắt đầu có lãi, tức là chỉ sau 3 năm hoạt động, so với thông lệ ngành là sau từ 5-7 năm.
Đây được xem là trường hợp hiếm của ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam. Năm 2020, MB Ageas Life đã vinh dự nhận được danh hiệu Top 10 công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín.
Từ ngày 15/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021, MB Ageas Life triển khai chương trình khuyến mại “Bảo hiểm trao tay, An tâm bảo vệ”.
Theo đó, khi khách hàng mua Hợp đồng bảo hiểm tai nạn 360 qua MB App sẽ nhận được Quà tặng bằng tiền để đóng Phí bảo hiểm 01 tháng đầu tiên của Hợp đồng. Tổng giá trị quà tặng lên đến 13,5 tỷ đồng.
Năm 2020, lợi nhuận hợp nhất của BIC tăng trưởng 39%
(ĐTCK) – Tin từ bảo hiểm BIC cho biết, kết thúc năm 2020, Công ty đã hoàn thành xuất sắc tất cả các chỉ tiêu kế hoạch.
Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng Công ty mẹ BIC năm 2020 đạt 2.529 tỷ đồng, tăng trưởng 13,8% so với năm 2019, hoàn thành 104,3% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc là 2.363 tỷ đồng, tăng trưởng 17,4% so với năm ngoái.
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế toàn hệ thống năm qua đạt 375,6 tỷ đồng, tăng trưởng 39% so với năm 2019, hoàn thành 156% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế riêng Công ty mẹ đạt 363,5 tỷ đồng, tăng trưởng 38,8%, hoàn thành 158% kế hoạch được giao.
Năm 2020, BIC tiếp tục đạt được lợi nhuận cao trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tỷ lệ chi phí kết hợp ở mức tốt nhất trong 15 năm hoạt động.
Năm qua, hoạt động bán lẻ của BIC cũng đạt được những kết quả rất ấn tượng. Đặc biệt, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) tăng trưởng gần 70%, mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử cho bảo hiểm xe cơ giới từ ngày 1/3
(ĐTCK) – Kể từ 1/3/2021, ngoài bản giấy chứng nhận bảo hiểm được cấp như thường lệ, chủ xe có thể được cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử.
Đây quy định mới tại Nghị định 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới vừa được Chính phủ ban hành khi mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân.
Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cấp Giấy chứng nhận khi chủ xe cơ giới đã đóng phí hoặc có thoả thuận với chủ xe cơ giới về thời hạn thanh toán phí bảo hiểm theo quy định.
Giấy chứng nhận này có các thông tin như: tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ xe; biển kiểm soát hoặc số khung số máy, loại xe và chỗ ngồi; tên địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm; ngày, tháng, năm cấp.
Giấy chứng nhận bảo hiểm cũng có đầy đủ mã vạch được đăng ký để có thể truy xuất thông tin định danh doanh nghiệp bảo hiểm và nội dung cơ bản của giấy chứng nhận bảo hiểm.
Cũng theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 03, trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ nội dung quy định.
Như vậy, ngoài bản giấy như thường lệ, chủ xe có thể được cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử. Người tham gia giao thông phải luôn mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực (bản cứng hoặc bản điện tử) khi tham gia giao thông, xuất trình giấy tờ này khi có yêu cầu của lực lượng Cảnh sát giao thông và cơ quan chức năng có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
Đối với xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm.
Đối với các xe cơ giới còn lại, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và thời hạn tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ có thời hạn trên 1 năm.
Nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện bảo hiểm nông nghiệp
(TBTCO) – Bảo hiểm nông nghiệp về cơ bản vẫn là sản phẩm mới, phức tạp không chỉ đối với bản thân người nông dân mà còn đối với đội ngũ cán bộ thực thi chính sách tại cơ sở. Do đó, quá trình tổ chức thực hiện đã và dự báo sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn.
Thông tin về những kết quả đạt được khi triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, công tác tuyên truyền, hướng dẫn về chính sách đã được Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quan tâm triển khai theo chuyên đề hoặc lồng ghép vào các chương trình công tác thường xuyên, đa dạng dưới nhiều hình thức từ đưa tin, bài, phóng sự… đến tổ chức các hội thảo chuyên đề.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương (Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT) ban hành đầy đủ hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP và Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cơ bản hoàn thành việc lựa chọn địa bàn được hỗ trợ.
Ngoài ra, Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT đã tích cực trong việc đôn đốc triển khai thực hiện; chủ động giám sát tình hình, thường xuyên tổ chức các đoàn công tác liên ngành (Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam) làm việc thực tế tại 15/19 địa phương thuộc địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp để nắm bắt thực tế, kịp thời giải đáp các vướng mắc về chính sách theo thẩm quyền.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã xây dựng và trình Bộ Tài chính phê chuẩn đầy đủ các bộ sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp về các đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm, bao gồm cây lúa, vật nuôi (trâu, bò) và thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Về cơ bản, các sản phẩm bảo hiểm được xây dựng đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật; lấy nông dân làm trung tâm với các quy định đảm bảo rõ ràng, minh bạch về quyền lợi, trách nhiệm, điều kiện bảo hiểm; mức phí bảo hiểm không chỉ phù hợp với điều kiện, mức trách nhiệm bảo hiểm mà còn đảm bảo phù hợp với khả năng chi trả của người nông dân và đảm bảo khả năng cân đối ngân sách nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số chính sách, cơ chế hướng dẫn thực hiện ban hành còn chậm (Thông tư số 09/2020/TT-BNNPTNT ban hành ngày 24/7/2020; sản phẩm bảo hiểm được phê chuẩn vào ngày 26/5/2020), dẫn đến các địa phương còn gặp khó khăn, lúng túng trong tổ chức thực hiện.
Mặc dù cơ bản hoàn thành việc lựa chọn địa bàn được hỗ trợ, mới chỉ có một số UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện, dẫn đến việc các doanh nghiệp gặp lúng túng trong việc tiếp cận, cấp đơn bảo hiểm cho nông dân. Cho đến nay, kết quả cấp đơn bảo hiểm cho nông dân vẫn còn hạn chế. Mới chỉ có 2/19 tỉnh (Nghệ An và Hà Giang) có kết quả triển khai bảo hiểm. Tại Nghệ An đã thực hiện cấp đơn bảo hiểm cây lúa tại 102/246 xã được lựa chọn địa bàn hỗ trợ (chiếm 41,5%); Hà Giang cấp đơn bảo hiểm trâu, bò tại 29/60 xã được lựa chọn địa bàn hỗ trợ (48,3%).
Lý giải về những tồn tại trên, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho rằng, mặc dù có nhiều kinh nghiệm đã được rút ra sau giai đoạn thực hiện thí điểm (2011-2013), bảo hiểm nông nghiệp về cơ bản vẫn là sản phẩm mới, phức tạp không chỉ đối với bản thân người nông dân mà còn đối với đội ngũ cán bộ thực thi chính sách tại cơ sở; quá trình tổ chức thực hiện đã và dự báo sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức đối với không chỉ doanh nghiệp bảo hiểm mà còn đối với các cấp chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2019-2020, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thực tế tình hình sản xuất và cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến chính quyền địa phương gặp khó khăn trong bố trí nguồn lực, nhân lực triển khai chính sách.
Đồng thời, theo đánh giá của các địa phương, thời gian thực hiện Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg (kết thúc vào 31/12/2020) là quá ngắn, gây khó khăn, lúng túng cho địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm. Đồng thời, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp sau năm 2020 vẫn chưa rõ ràng, gây tác động rất lớn đến tâm lý của doanh nghiệp bảo hiểm, người nông dân.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ
(TBTCO) – Theo thống kê năm 2020, trên toàn quốc có 113.192 cơ sở thuộc diện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, trong đó số cơ sở đã mua là 67.855, chiếm 59,95%, số cơ sở chưa mua bảo hiểm chiếm tỷ lệ cao với 45.337, chiếm 40,05%.
Theo nhận định của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn ( Bộ Công an), số cơ sở chưa mua bảo hiểm cháy, nổ hoặc mua chưa đúng biểu phí, chưa đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là do bộ phận tham mưu giúp việc hoặc người đứng đầu cơ sở thuộc diện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, chưa nắm rõ các quy định của pháp luật quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Ngoài ra có những cơ sở chỉ tham gia mua bảo hiểm rủi ro hoặc chỉ tham gia một phần mà không tham gia mua bảo hiểm cho toàn bộ giá trị tài sản, hàng hóa trong cơ sở nhằm mục đích để đối phó hoặc chỉ tham gia một phần theo loại hình bảo hiểm hỏa hoạn hoặc bảo hiểm mọi rủi ro tài sản với mức phí theo thỏa thuận…
Để nâng cao hơn nữa tính tự nguyện và hiệu quả triển khai chính sách về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với lực lượng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn tiến hành tuyên truyền, phổ biến cho người đứng đầu cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc những quy định của pháp luật về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và những lợi ích của việc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc khi có cháy, nổ xảy ra. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân, hộ gia đình, cơ sở không bắt buộc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tham gia tự nguyện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cần cạnh tranh lành mạnh và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; tư vấn cho các cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và tạo điều kiện thuận lợi để hai bên thống nhất, ký kết hợp đồng mua bán bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nhanh, thuận tiện; rút ngắn thời gian, giảm tối đa thủ tục, hồ sơ bồi thường bảo hiểm đối với các cơ sở bị cháy, nổ để tránh gây tâm lý lo ngại trong việc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Ngoài ra, người đứng đầu cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về việc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (mua đúng loại hình bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; mua đúng biểu phí và giá trị tài sản của mình); phối hợp với các đơn vị kinh doanh bảo hiểm, cơ quan quản lý nhà nước kịp thời phát hiện, góp ý những sơ hở, thiếu sót đối với các quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc để kịp thời đề xuất, điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn cho biết, để tăng cường hiệu quả triển khai bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc để phù hợp với sự thay đổi của văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Với vai trò được giao là cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và bảo hiểm, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn và Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) sẽ tăng cường phối hợp.
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị kinh doanh bảo hiểm, các cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Bảo hiểm để kịp thời đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc phù hợp, hiệu quả; thường xuyên cập nhật, rà soát, bổ sung quy định và hướng dẫn nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với các đơn vị kinh doanh bảo hiểm.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết thêm, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp hướng dẫn, giải đáp khó khăn vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp bảo hiểm, cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ trong triển khai thực hiện những quy định của pháp luật có liên quan đến việc thực hiện bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Ngoài ra, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trong việc kiểm tra việc thực hiện bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
Doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng
(TBTCO) – Trong giai đoạn (2008 – 2019), tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đạt khoảng 18.110 tỷ đồng.
Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết, hiện nay, chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới (bao gồm chính sách bảo hiểm và Quỹ bảo hiểm xe cơ giới) được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định số 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới (Nghị định số 103/2008/NĐ-CP); Thông tư số 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới; Thông tư số 103/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.
Trong giai đoạn 2008 – 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đạt khoảng 18.110 tỷ đồng, trong đó: từ xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự khoảng 5.540 tỷ đồng; xe ô tô không kinh doanh vận tải khoảng 5.530 tỷ đồng; xe ô tô kinh doanh vận tải khoảng 2.830 tỷ đồng; xe ô tô chở hàng khoảng 3.510 tỷ đồng; các loại xe cơ giới khác (gồm xe tập lái, xe taxi, xe ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo và xe máy chuyên dùng) khoảng 1.588 tỷ đồng.
Về hoạt động tài trợ, đầu tư, xây dựng các công trình đề phòng hạn chế tổn thất tai nạn giao thông, từ năm 2009 đến nay Quỹ bảo hiểm xe cơ giới đã tài trợ 56 công trình tại hơn 37 tỉnh thành phố trên cả nước với số kinh phí tài trợ 70,6 tỷ đồng. Việc tài trợ, đầu tư tập trung vào các công trình, các hạng mục như lắp đặt hộ lan tôn sóng, hộ lan bê tông, biển báo, dải phân cách cứng, thiết bị chống chói đèn, đèn tín hiệu giao thông, các thiết bị tuyên truyền cảnh báo giao thông, xe cứu thương, thiết bị hành trình…
- Tin quốc tế
Chính phủ Đài Loan tăng phí bảo hiểm y tế quốc gia
(AIR) – Tỷ lệ phí bảo hiểm y tế quốc gia của Đài Loan đã tăng từ 4,69% trước đây lên 5,17% kể từ ngày 1/1/2021.
Ông Chen Shih-chung, Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi, tuyên bố rằng tỷ lệ này sẽ được duy trì ít nhất đến năm 2022, đồng thời cho biết thêm rằng tỷ lệ phí bảo hiểm y tế quốc gia bổ sung cũng được tăng từ 1,91% lên 2,11% từ đầu năm nay.
Central News Agency dẫn lời ông Chen nói rằng sự gia tăng là cần thiết để bù đắp những tổn thất do Chương trình Bảo hiểm Y tế Quốc gia gây ra, dự kiến sẽ thâm hụt 77,1 tỷ Đài tệ (2,7 tỷ USD) và quỹ dự trữ của chương trình này sẽ cạn kiệt vào cuối năm nay.
Tỷ lệ phí được điều chỉnh lần cuối vào năm 2016, giảm từ 5,17% xuống 4,69%, trong khi tỷ lệ phí bảo hiểm y tế quốc dân bổ sung cũng đồng thời giảm từ 2% xuống 1,91%.
Trung bình, người lao động sẽ phải chịu mức tăng phí bảo hiểm y tế quốc gia là 63 Đài tệ mỗi tháng. Đồng thời, có khoảng 70% số người lao động có mức tăng phí dưới 70 Đài tệ/tháng.
Tuy nhiên, 1,26 triệu người được chính phủ trợ cấp đầy đủ theo chương trình không bị ảnh hưởng bởi việc tăng phí bảo hiểm này.
Hàn Quốc: Dự án thí điểm về hoàn trả bảo hiểm y tế cho thuốc thảo dược
(AIR) – Chính phủ Hàn Quốc đang tiến hành một dự án bảo hiểm y tế thí điểm nhằm hoàn trả chi phí thuốc thảo dược, trước sự phản đối phần lớn từ cộng đồng y tế được đào tạo từ phương Tây.
Bộ Y tế và Phúc lợi sẽ chi 150 tỷ Won (136 triệu USD) cho dự án toàn quốc kéo dài 3 năm được bắt đầu vào tháng 11 năm ngoái, Korea Biomedical Review đưa tin.
Theo chương trình thí điểm, các khoản bồi hoàn đối với ba bệnh: liệt dây thần kinh mặt, tác dụng phụ của bệnh mạch máu não (từ 65 tuổi trở lên) và đau bụng kinh – và sẽ hoàn trả 50% giá thuốc mỗi năm một lần cho các đợt dùng thuốc 10 ngày và hai lần một năm đối với các đợt dùng thuốc 5 ngày.
Tuy nhiên, các ngành liên quan – bác sĩ, dược sĩ và thậm chí một số bác sĩ thảo dược vì những lý do khác nhau – đang phản đối kế hoạch bồi hoàn của chính phủ. Không giống như dược phẩm, các bác sĩ cho biết, thuốc thảo dược chưa trải qua các quy trình để chứng minh tính an toàn và hiệu quả của chúng.
Nói chung, thuốc chỉ được phép lưu hành từ Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm sau khi đảm bảo an toàn và hiệu quả thông qua thử nghiệm lâm sàng bốn giai đoạn. Toàn bộ quá trình này mất hơn một thập kỷ.
Tất cả các bên liên quan chỉ ra rằng các loại thuốc thảo dược trước tiên phải xác nhận tính an toàn và hiệu quả trước khi được chính phủ chi trả chi phí của chúng.
Malaysia: Ngành bảo hiểm làm việc với chính phủ để đài thọ chi phí COVID-19 tại các bệnh viện tư nhân
(AIR) – Ngành bảo hiểm và takaful hiện đang làm việc với Bộ Y tế và Ngân hàng Trung ương Malaysia để tìm cách giúp các công ty bảo hiểm và nhà điều hành takaful có thể giảm bớt một số chi phí nhằm giúp cho bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại các bệnh viện tư nhân.
Trong một tuyên bố chung, Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ Malaysia, Hiệp hội Bảo hiểm phi nhân thọ Malaysia và Hiệp hội Takaful của Malaysia nói rằng ngành bảo hiểm hoàn toàn ủng hộ lời kêu gọi của chính phủ về sự hợp tác công tư để quản lý các trường hợp bệnh nhân COVID-19 ngày càng tăng.
Các hiệp hội nói rằng vì COVID-19 là đại dịch nên không được bảo hiểm/chi trả theo bảo hiểm y tế và sức khỏe hoặc các quyền lợi takaful. “Việc loại trừ bắt nguồn từ khó khăn trong việc định phí cho phạm vi bảo hiểm liên quan đến một sự kiện như đại dịch có thể xảy ra một lần trong đời, có tác động và chi phí khôn lường.”
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của quốc gia trong giai đoạn đầu của đại dịch vào năm 2020, phần lớn các công ty bảo hiểm nhân thọ và các nhà điều hành takaful đã cung cấp các lợi ích bổ sung như thu nhập bệnh viện hàng ngày để trả cho các chủ hợp đồng bị ảnh hưởng.
Các hiệp hội cũng nói rằng ngành bảo hiểm đã nhanh chóng triển khai các biện pháp cứu trợ khác nhau để giúp chủ hợp đồng đối phó với tác động tài chính của đại dịch, bao gồm việc hoãn đóng phí bảo hiểm và các khoản đóng góp takaful đối với hơn 1 triệu chủ hợp đồng với giá trị hơn 1,6 tỷ MYR (396 triệu đô la).
Quỹ Thử nghiệm COVID-19 MYR8m cũng đã được thành lập vào tháng 3 năm 2020 để cho phép các chủ hợp đồng thực hiện các xét nghiệm tìm virus Corona.
Chính phủ cho biết họ có thể sử dụng hệ thống chăm sóc sức khỏe tư nhân để điều trị bệnh nhân COVID-19 vì sự gia tăng số ca mắc bệnh đã làm quá tải các cơ sở y tế công.
Ấn Độ đề xuất liên kết phí bảo hiểm xe cơ giới với vi phạm giao thông
(AIR) – Một nhóm công tác do Ủy ban quản lý bảo hiểm Ấn Độ (IRDAI) chỉ định đã đề xuất liên kết phí bảo hiểm xe máy với vi phạm giao thông. Loại phí bảo hiểm xe máy mới này được gọi là “Phí bảo hiểm vi phạm giao thông”.
Hiện tại, các chủ hợp đồng bảo hiểm xe máy trả phí bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm thiệt hại của chính xe máy, bảo hiểm trách nhiệm cơ bản của bên thứ ba, bảo hiểm trách nhiệm bổ sung của bên thứ ba hoặc bảo hiểm tai nạn cá nhân bắt buộc.
Theo dự thảo đề xuất, phí bảo hiểm vi phạm giao thông có thể được đính kèm vào bất kỳ phần nào của bảo hiểm xe máy được mua, chủ yếu là bảo hiểm thiệt hại của chính xe máy hoặc bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ ba.
Cục Thông tin Bảo hiểm Ấn Độ (IIB) sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông ở các bang khác nhau và Trung tâm Tin học Quốc gia để nắm bắt dữ liệu vi phạm giao thông, tính toán điểm vi phạm của từng phương tiện không tuân thủ và cung cấp thông tin cho tất cả các công ty bảo hiểm nói chung.
IIB sẽ duy trì dữ liệu vi phạm giao thông lịch sử của tất cả các phương tiện trong hai năm trước đó. Trong trường hợp xe không vi phạm giao thông trong suốt hai năm thì lịch sử vi phạm giao thông là trong sạch.
Theo dự thảo, điểm vi phạm giao thông sẽ xác định phí vi phạm giao thông phải trả. Chủ sở hữu đã đăng ký xe là người trả khoản phí bảo hiểm này.
Nhưng phí bảo hiểm vi phạm giao thông sẽ được gắn với từng chiếc xe, thay vì chủ sở hữu. Điều này có nghĩa là khi một chiếc xe mới được đưa vào sử dụng thì tiền sử vi phạm giao thông là trong sạch và chủ sở hữu khi mua bảo hiểm xe máy sẽ không cần phải đóng bất kỳ khoản phí vi phạm giao thông nào ngay cả khi họ có tiền sử vi phạm giao thông trước đó.
Chubb tiết lộ quan hệ đối tác với fintech
(IBM) – Chubb vừa công bố ra mắt quan hệ đối tác bảo hiểm mới với Revolut, một công ty công nghệ tài chính cung cấp dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số.
Sự hợp tác sẽ cung cấp phạm vi bảo hiểm rộng rãi cho khách hàng của Revolut, bao gồm bảo vệ mua hàng, bảo vệ hoàn tiền và hủy vé, trong đó tài khoản Revolut được sử dụng. Chính sách này cũng cung cấp bảo hiểm trong trường hợp khách hàng có chẩn đoán xác nhận về COVID-19 và do đó không thể sử dụng vé sự kiện được mua bằng tài khoản Revolut của mình.
Chubb đã được chọn để hợp tác với Revolut do tính chất đa quốc gia và sự hiện diện trên toàn cầu của hãng. Chương trình hợp tác sẽ được triển khai trên 22 quốc gia.
Ông Florian Eisele, Giám đốc bảo hiểm tai nạn và sức khỏe của Chubb Lục địa Châu Âu cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng với quan hệ đối tác kỹ thuật số mới với Revolut. Chúng tôi cố gắng xây dựng các mối quan hệ lâu dài và thành công với các đối tác bảo hiểm để mang lại giá trị cho đối tác và khách hàng của họ. Đối với chúng tôi, Revolut là một ví dụ điển hình về đổi mới kỹ thuật số phù hợp với tham vọng của công ty”.
Ông Goulven Thépot, Giám đốc Khu vực về đánh giá rủi ro tai nạn và sức khỏe của Chubb Lục địa Châu Âu, nhận xét: “Quan hệ đối tác của chúng tôi với Revolut đánh dấu một bước quan trọng của Chubb khi chúng tôi tiếp tục thúc đẩy các mối quan hệ trong không gian kỹ thuật số. Chúng tôi rất mong được hợp tác với Revolut để cung cấp các giải pháp bảo hiểm có giá trị cho khách hàng của họ”.
Về phần mình, ông Felix Jamestin, Giám đốc sản phẩm cao cấp tại Revolut cho biết: “Chúng tôi luôn tìm cách cung cấp giá trị tốt nhất có thể cho khách hàng và giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn từ tiền của mình. Chúng tôi không ngừng cải thiện các gói sản phẩm của mình và rất vui mừng được hợp tác với Chubb để bổ sung tính năng bảo vệ mua hàng, bảo vệ hoàn tiền và hủy vé cho khách hàng”.
Manulife Hồng Kông tăng cường năng lực về phân phối
(IBM) – Manulife Hong Kong đã bổ nhiệm Ivan Chan (ảnh trái) làm Giám đốc đại lý (CAO) và Tracy Leung (ảnh phải) làm Giám đốc phân phối đối tác (CPDO). Cả hai sẽ báo cáo lên ông Damien Green, Giám đốc điều hành Manulife Hong Kong và Macau.
Theo một tuyên bố từ công ty, cả hai quyết định bổ nhiệm đều nằm trong nỗ lực để xây dựng đội ngũ lãnh đạo và mở rộng hơn nữa khả năng phân phối của hãng.
Ông Chan đã gia nhập Manulife vào năm 1999 và hiện đang đứng đầu lực lượng đại lý của công ty ở Hồng Kông và Ma Cao và được giao nhiệm vụ thúc đẩy doanh số và số lượng đại lý. Gần đây nhất, Chan đảm nhiệm vị trí CPDO của công ty. Ở cương vị mới, Chan kế nhiệm Kareen Chow, người đã nghỉ hưu sau 30 năm gắn bó với Manulife và sẽ ở lại công ty với tư cách cố vấn.
Về phần mình, cô Leung tiếp quản vị trí mà Chan bỏ trống. Cô giám sát việc phân phối các sản phẩm của hãng tại thị trường Hồng Kông và Ma Cao thông qua các ngân hàng, nhà môi giới và tư vấn tài chính độc lập. Là một người kỳ cựu trong ngành với 24 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, cô đã gia nhập Manulife từ Ngân hàng Standard Chartered, nơi cô gần đây nhất là Giám đốc điều hành và Giám đốc bancassurance.
Bình luận về sự kiện này, ông Green cho biết: “Tôi rất vui khi thấy Ivan, một trong những tài năng tự trưởng thành tốt nhất của chúng tôi, được bổ nhiệm làm CAO mới của chúng tôi và để Tracy, một giám đốc điều hành dày dặn kinh nghiệm trong ngành tài chính, tham gia với tư cách là CPDO mới. Thật vui khi cả hai đều mang đến hơn hai thập kỷ chuyên nghiệp và thành tích xuất sắc cho các vai trò mới của họ tại Manulife. Kinh nghiệm dày dặn và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ của họ sẽ rất quan trọng trong việc thúc đẩy việc mở rộng hơn nữa lực lượng đại lý và phân phối đối tác của công ty”.
Hãng môi giới bảo hiểm Thái Lan Frank đổi thương hiệu thành bolttech
(IBM) – Công ty môi giới kỹ thuật số có trụ sở tại Thái Lan Frank đã đổi thương hiệu thành bolttech, sau khi được công ty mẹ Pacific Century Group của bolttech mua lại vào tháng 12 năm 2018.
Theo một tuyên bố của bolttech, Frank được thành lập vào năm 2016 và tạo dựng danh tiếng bằng cách cung cấp báo giá tức thì, bảo hiểm tức thì và hỗ trợ khách hàng đa kênh.
Sau khi đổi thương hiệu, Frank sẽ trở thành một phần của mạng lưới đang phát triển của bolttech trong khu vực, cho phép các đối tác bảo hiểm và đại lý kết nối khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với sản phẩm bảo hiểm họ cần, bao gồm bảo hiểm du lịch, xe cơ giới, tài sản và nhân thọ.
Ông Rob Schimek, Giám đốc điều hành bolttech cho biết: “Việc đổi tên Frank thành bolttech đánh dấu một cột mốc quan trọng khác đối với chúng tôi khi tiếp tục nắm bắt nhiều hơn các hội phát triển kỹ thuật số trong khu vực. Tôi rất vui khi thấy sức mạnh của ba năng lực của công ty kết hợp với nhau trên thị trường để tạo ra một hệ thống sinh thái bảo vệ hàng đầu ở Thái Lan”.
Ông Harprem Doowa (Prem), Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc sàn giao dịch insurtech tại Thái Lan của bolttech, nói thêm: “Việc Frank đổi tên thành bolttech là một bước tiến quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng đưa dịch vụ kỹ thuật số của mình ở Thái Lan lên một tầm cao mới khi tiếp tục tập trung không ngừng vào công nghệ tiên tiến và trải nghiệm khách hàng ưu tiên kỹ thuật số”.
Số vụ cướp biển tại châu Á cao nhất trong 5 năm
(IBM) – Tổng số vụ cướp biển ở châu Á đã tăng 17% vào năm 2020, đánh dấu mức cao nhất trong 5 năm, đồng thời số sự cố thực tế cũng tăng 32%.
Trong báo cáo thường niên cho năm 2020, Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền ở châu Á (ReCAAP) cho biết có 97 vụ cướp biển và cướp có vũ trang trong khu vực, trong đó có 95 vụ thực tế và 2 vụ cố ý.
Sự gia tăng các sự cố xảy ra ở Bangladesh, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam, Biển Đông và eo biển Singapore. Mặc dù có sự gia tăng nhưng mức độ nghiêm trọng của các vụ việc vẫn ở mức trung bình. Có một sự cố CAT1 (nghiêm trọng nhất), trong khi 74% sự cố là CAT4 – thủ phạm không có vũ khí và thủy thủ đoàn không bị ảnh hưởng gì.
Báo cáo cũng xác định hai lĩnh vực đáng quan tâm. Eo biển Singapore đã chứng kiến sự gia tăng các sự cố, với 34 vụ vào năm 2020 (tăng từ 31 vụ vào năm 2019). Trong khi đó, tại vùng biển Sulu-Celebes giữa Indonesia, Malaysia và Philippines, đã xảy ra một vụ bắt cóc thủy thủ đoàn vào năm 2020. Kể từ tháng 3 năm 2016, tổng cộng 86 thuyền viên đã bị bắt cóc trong khu vực, 4 người còn lại bị giam cầm.
Các vùng biển Trung Quốc và Malaysia đã có sự cải thiện, theo đó Trung Quốc cả năm không có sự cố nào còn số vụ cướp biển tại Malaysia giảm từ 8 xuống 3.
Ông Masafumi Kuroki, Giám đốc Điều hành ReCAAP ISC, cho biết: “Đại dịch COVID-19 đã củng cố tầm quan trọng của vận tải biển đối với thương mại toàn cầu. Sự gia tăng 32% các sự cố so với cùng kỳ là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng cần phải thực hiện nhiều hơn nữa để tăng cường an toàn giao thông hàng hải và bảo vệ thủy thủ đoàn.
“Ngoài sự cảnh giác, báo cáo kịp thời của các tàu, tuần tra tăng cường của các cơ quan thực thi, cũng như sự hợp tác giữa các quốc gia ven biển, chúng tôi tin rằng việc bắt giữ và đưa thủ phạm ra trước công lý là một biện pháp răn đe cần thiết để ngăn chặn sự gia tăng các vụ cướp biển”.
BTV (Tổng hợp).