TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 03

Hanwha Life & BSH lọt Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; Sun Life đồng hành cùng các tài năng thể thao; Moody’s cải thiện xếp hạng đối với Zurich

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Cháy chợ lúc rạng sáng, 20 gian hàng bị thiêu rụi

(TPO) – Khoảng 1h sáng ngày 19/1 (tức 28 Tết), hỏa hoạn bất ngờ bùng phát tại các gian hàng bán vải và đồ mỹ phẩm nằm về phía đường Quang Trung, bên phải cổng chợ Bình Định nằm trên địa bàn phường Bình Định, thị xã An Nhơn.

Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, lãnh đạo địa phương có mặt tại hiện trường, cùng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) đã khẩn trương tiến hành chữa cháy.

Theo ghi nhận, thời điểm xảy ra vụ cháy có gió lớn, các gian hàng bị cháy buôn bán vải và mỹ phẩm.

Ngành chức năng phải huy động lực lượng PCCC và CNCH của TP Quy Nhơn, Khu công nghiệp Phú Tài và Khu kinh tế Nhơn Hội đến tiếp ứng với gần 10 chiếc xe chữa cháy chuyên dụng và hàng chục chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH cùng với người dân địa phương nỗ lực dập lửa, không cho ngọn lửa cháy lan. Đến 2h30 sáng cùng ngày, ngọn lửa được khống chế hoàn toàn.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Thanh Tùng – Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn – cho biết, vụ cháy đã thiêu rụi, làm ảnh hưởng khoảng 20 gian hàng bán vải, đồ mỹ phẩm, trái cây, gạo bánh… của tiểu thương. Ước tính thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.

Theo ông Tùng, thị xã sẽ chi hỗ trợ cho những gian hàng có giá trị lớn là 5 triệu đồng, những hộ còn lại 2 triệu đồng, trước mắt để người dân ổn định cuộc sống.

Cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra tìm hiểu nguyên nhân vụ cháy. Chợ vẫn duy trì hoạt động mua bán của các tiểu thương còn lại cho ổn định để phục Tết cho bà con nhân dân.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Bảo hiểm VietinBank – VBI chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 15%

(TBTCO) – Chiều 9/1/2023, tại Hà Nội, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Bảo hiểm VietinBank – VBI) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần thứ 1 năm 2023. Đại hội đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2021, sửa đổi và bổ sung Điều lệ tổ chức, hoạt động của VBI cho phù hợp với kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021.

Tham dự Đại hội có ông Nguyễn Huy Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị VBI, ông Lê Tuấn Dũng – Tổng Giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị VBI, bà Trần Thị Hương Thủy – Phó Tổng Giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị VBI, cùng các cổ đông sáng lập, đại diện vốn của VietinBank và cổ đông chiến lược khác…

Tại Đại hội, VBI đã trình ĐHĐCĐ thảo luận và thông qua phương án trả cổ tức năm 2021, sửa đổi và bổ sung Điều lệ tổ chức, hoạt động của VBI cho phù hợp với kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021.

Theo đó, Bảo hiểm VietinBank – VBI dự kiến phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị phát hành thêm là 100 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện tương đương 15% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Đối tượng phát hành là các cổ đông hiện hữu có tên trong danh sách cổ đông tại ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ năm 2021 (căn cứ số liệu tại Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán của VBI). Thời gian phát hành dự kiến trong Quý I/2023. Như vậy, sau khi hoàn thành phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, vốn điều lệ của VBI dự kiến sẽ tăng từ 666,7 tỷ đồng lên 766,7 tỷ đồng.

Sau khi nghe trình bày của Đoàn Chủ tịch, đại hội đã đồng lòng nhất trí thông qua các nội dung: Thông qua Phương án trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%; Thông qua sửa đổi Điều lệ Tổ chức và hoạt động của VBI phù hợp với mức vốn điều lệ, số lượng cổ phần tăng thêm.

Năm 2022, hoạt động kinh doanh của VBI ghi nhận kết quả tích cực so với bức tranh chung của thị trường bảo hiểm phi thọ, với tổng doanh thu phí bảo hiểm dự kiến đạt hơn 3.200 tỷ đồng, tương đương 102% kế hoạch, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ. Doanh thu bảo hiểm gốc ước tăng 32% lên khoảng 3.050 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với mức tăng trưởng trung bình ngành. Lợi nhuận trước thuế tăng 25% lên gần 254 tỷ đồng. Với kết quả trên, VBI là một trong số ít các công ty bảo hiểm phi nhân thọ có tốc độ tăng trưởng mạnh cả doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022.

Mới đây, Bảo hiểm VietinBank – VBI đã được vinh danh trong Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022 (VNR500) do Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố, khẳng định vị thế thương hiệu bảo hiểm phi nhân thọ năng động và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường. Giải thưởng cũng là minh chứng cho sự tin tưởng, đồng hành của khách hàng và đối tác trên hành trình “Bảo toàn giá trị cuộc sống” của VBI trong suốt 15 năm qua.

Bảo hiểm BSH đạt top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022

(TBTCO) – Theo báo cáo kết quả tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2022 và triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2023, tổng doanh thu bảo hiểm gốc của Tổng công ty CP Bảo hiểm BSH năm 2022 đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 12,9% – nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất nhất Việt Nam năm 2022.

Bảo hiểm BSH vinh dự có mặt trong bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam do Vietnam Report bình chọn, với thứ hạng tăng 41 bậc so với năm 2021.

Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) năm 2022 đã bước sang năm thứ 16 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp có quy mô lớn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định. Những doanh nghiệp đã cho thấy bản lĩnh kiên cường và là đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam trước những cơn sóng biến động bất ngờ từ bối cảnh quốc tế.

Việc được vinh danh trong Bảng xếp hạng VNR500 đã giúp bảo hiểm BSH khẳng định vị thế trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Đồng thời, đây cũng là minh chứng cho sự tin tưởng của khách hàng, đối tác; sự ghi nhận của các tổ chức uy tín và cộng đồng đối với những nỗ lực của BSH trong suốt thời gian qua.

Bước sang năm thứ 15 hình thành và phát triển, Bảo hiểm BSH đã và đang không ngừng nỗ lực để làm rất tốt vai trò sứ mệnh của mình, mang đến những sản phẩm chất lượng, đảm bảo quyền lợi và nhu cầu cho mọi khách hàng, phục vụ với tất cả sự tâm huyết.

Nằm trong top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất hiện nay, năm 2022, Bảo hiểm BSH đã có bước tiến mạnh mẽ, đạt được những cột mốc kinh doanh ấn tượng như lần đầu vượt mốc 3.000 tỷ doanh thu phí bảo hiểm gốc; lần đầu có công ty thành viên vượt mốc doanh thu 200 tỷ đồng; đạt kỷ lục về số lượng công ty thành viên có quy mô doanh thu trên 100 tỷ với 5 công ty thành viên.

Tính đến hết ngày 31/12/2022, doanh thu phí bảo hiểm gốc Bảo hiểm BSH tăng trưởng khoảng 12,9% so với năm 2021. Doanh thu các mảng nghiệp vụ có mức tăng trưởng tương đối khả quan, trong đó nghiệp vụ bảo hiểm con người tăng trưởng gần 9%, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật – hàng hải tăng trưởng khoảng 17,5% so với năm 2021. Riêng nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, BSH tăng trưởng hơn 14% so với năm 2021, đứng thứ 3 trên toàn thị trường về quy mô doanh thu tai nạn dân sự xe ô tô.

Bên cạnh những dấu mốc về kinh doanh, bảo hiểm BSH còn ghi dấu ấn với khách hàng, đối tác, cơ quan ngôn luận thông qua việc được trao tặng các giải thưởng danh giá trong và ngoài nước như top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín tại Việt Nam; top 10 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam ngành bảo hiểm phi nhân thọ; top 100 Sao vàng đất Việt; đạt danh hiệu công ty có sản phẩm bảo hiểm sáng tạo tiêu biểu; công ty có sản phẩm uy tín – chất lượng tốt được người Việt tin dùng,…

Đại diện doanh nghiệp cho biết, sự tín nhiệm và tin yêu của khách hàng sẽ là thước đo mà bảo hiểm BSH tiếp tục chú trọng cải thiện. Để thực hiện được điều đó, BSH thực hiện những giải pháp như nhanh chóng tiếp cận các phản hồi của khách hàng và cam kết giải quyết trong thời gian quy định hướng tới việc gia tăng sự hài lòng của khách hàng để từ đó củng cố niềm tin vào thương hiệu BSH.

Hanwha Life được vinh danh Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2022

(ĐTCK) – Vừa qua, trong Lễ công bố VNR500 tại Hà Nội, Hanwha Life Việt Nam được vinh danh là một trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2022, giải thưởng được công ty duy trì suốt hơn 14 năm có mặt tại Việt Nam.

Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) được Vietnam Report và Báo VietnamNet công bố thường niên từ năm 2007, dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập theo chuẩn mực quốc tế nhằm ghi nhận và tôn vinh các doanh nghiệp có quy mô doanh thu lớn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định.

Trong suốt hành trình phát triển của mình, với chiến lược “lấy khách hàng làm trọng tâm”, Hanwha Life Việt Nam đã liên tục thiết kế những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu thiết thực và đa dạng của khách hàng.

Các sản phẩm chủ lực như Life Fun:D – Sống Thỏa Chất, Tôi Chọn An Yên, An Khang Tài Lộc… được “đo ni đóng giày” dựa trên nhu cầu của người dân Việt, giúp khách hàng an tâm được bảo vệ với mức phí hợp lý. Bên cạnh liên tục cải tiến sản phẩm, thì nâng cao trải nghiệm khách hàng cũng là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Hanwha Life Việt Nam.

Nhằm giúp khách hàng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm dễ dàng, nhanh chóng, Hanwha Life đã có hơn 160 điểm phục vụ khách hàng cùng 37.000 tư vấn tài chính chất lượng cao, chuyên nghiệp, tận tâm, sẵn sàng tháo gỡ băn khoăn, mang lại trải nghiệm hài lòng và tin cậy cho khách hàng.

Theo Hanwha Life Việt Nam, một yếu tố khác quan trọng góp phần đưa công ty góp mặt trong bảng xếp hạng VNR500 là sự chú trọng đầu tư chuyển đổi số nhằm gia tăng mạnh mẽ khả năng kết nối và đáp ứng tối đa những nhu cầu hiện hữu của khách hàng.

Công ty đã hoàn tất quy trình “không giấy” trong 1 số khâu giao dịch và chăm sóc khách hàng thông qua cổng thông tin khách hàng trực tuyến (Customer portal) kết hợp với ứng dụng trên di động LIME giúp khách hàng chủ động quản lý hợp đồng trực tuyến (e-Policy), bảo lãnh phát hành và bảo hiểm tự động (auto underwriting), thanh toán trực tuyến (e-Payment)…; hay các quy trình số hóa khác như quản lý khách hàng tiềm năng và nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm trực tuyến (E-submission), giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến (JetClaim)….

Song song với đó là ứng dụng LIME Pro, giúp đội ngũ kinh doanh giải quyết 4 bài toán khó là quản lý hiệu quả công việc, quản lý nhân sự, chăm sóc khách hàng, tự động hóa quản lý tổng thể. Với LIME Pro, đội ngũ tư vấn tài chính có thể học tập trực tuyến, tuyển dụng dễ dàng, tương tác cùng khách hàng một cách chuyên nghiệp, hiệu quả.

Nhờ chiến lược phát triển bền vững, năm 2022, Hanwha Life Việt Nam vẫn đứng vững trước những biến động của thị trường, đồng thời tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Điều này thể hiện qua nhiều chỉ tiêu tài chính không ngừng gia tăng so với năm 2021 như lượng khách hàng mới tăng 15%, doanh thu phí mới tăng 20%, tỷ lệ duy trì hợp đồng của khách hàng đạt đến 70% với doanh thu phí tái tục là 2.500 tỷ đồng, tương đương tăng gần 15%.

Đặc biệt, Hanwha Life Việt Nam vẫn duy trì mạch tăng trưởng 2 con số trong 4 năm liên tiếp với mức lợi nhuận trước thuế ước tính tăng đến 60% so với năm trước và là mức cao nhất trong lịch sự hoạt động của công ty tại Việt Nam.

Hanwha Life Việt Nam còn là công ty tích cực đóng góp cho sự phát triển bền vững, phồn vinh của cộng đồng thông qua các hoạt động trách nhiệm xã hội. Các chương trình được Hanwha Life Việt Nam thiết kế hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, đầu tư kiến tạo giá trị lâu dài với 3 mũi nhọn: Bảo vệ trẻ em, Thúc đẩy giáo dục và Chăm lo sức khỏe cộng đồng. Các chương trình tiêu biểu trong năm 2022 có thể kể đến như: Chiến dịch “Cái ôm ấm áp” phối hợp cùng ChildFund Việt Nam và ChildFund Hàn Quốc; đồng hành cùng chương trình hiến máu nhân đạo “Chủ nhật đỏ” do báo Tiền Phong chủ trì, cùng các hoạt động trao học bổng, đào tạo kỹ năng cho sinh viên – thế hệ tương lai của đất nước…

Đại diện công ty chia sẻ: “Với tầm nhìn trở thành công ty bảo hiểm được tín nhiệm nhất tại Việt Nam, chúng tôi không ngừng cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mang đến giải pháp tài chính tối ưu cho khách hàng, từ đó đóng góp thiết thực cho sự phát triển bền vững của ngành bảo hiểm. Thành tích đáng tự hào tại VNR500 năm nay sẽ là một động lực để chúng tôi tiếp tục nỗ lực mang đến những giá trị tốt nhất cho khách hàng, cộng đồng, đối tác trong những năm tới”.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Chất lượng tư vấn bảo hiểm

(ĐTCK) – Sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đang bùng nổ khi đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của khách hàng, nhưng đằng sau đó còn có những câu chuyện cần quan tâm…

Không chỉ các công ty bảo hiểm phi nhân thọ như Bảo Việt, PVI, MIC, VBI…, thị trường những năm gần đây còn chứng kiến cuộc chạy đua sản phẩm sức khỏe với nhiều cải tiến để gia tăng sức cạnh tranh, thu hút khách hàng của các công ty bảo hiểm nhân thọ từ nhỏ đến lớn như Prudential, Manulife, Dai-ichi, Generali, FWD, Hanwha, Aviva, Cathay, Fubon…

Đơn cử, mới đây, ngày 14/12/2022, Generali tung ra dòng sản phẩm bảo hiểm ITA – Sức Khỏe Vàng (phiên bản 3) hỗ trợ chi trả chi phí y tế thực tế lên đến 2,5 tỷ đồng/năm, nhận gói kiểm tra sức khỏe toàn diện khi không có bất kỳ sự kiện bảo hiểm nào của bảo hiểm bổ trợ phát sinh trong năm hợp đồng thứ nhất…

Những tấm thẻ chăm sóc sức khỏe (health care) không chỉ nhỏ gọn, bắt mắt, mà còn tích hợp thêm cả chức năng sử dụng trên app giúp giao dịch tiện lợi, cộng với quyền lợi bảo hiểm đa dạng từ bị tai nạn, thương tật, ốm đau tới chăm sóc sức khỏe, khách hàng nằm viện như “đi nghỉ dưỡng” ở các bệnh viện tư nhân sang chảnh chẳng khác nào khách sạn 5 sao như Việt Pháp, Vinmec, Thu Cúc, Hồng Ngọc…, trong khi phí đóng hàng năm không quá cao như càng làm tăng sức hút cho sản phẩm này.

Tuy nhiên, theo nhiều đại lý bảo hiểm, khách hàng từng tham gia, những tấm thẻ bảo hiểm sức khỏe không “hoàn hảo, toàn năng” như lời tư vấn, quảng cáo. Câu chuyện ở đây chính là nội dung được các tư vấn viên giới thiệu đến khách hàng “quá” so với công dụng của sản phẩm.

“Có tư vấn viên nói với khách hàng rằng, anh/chị mua thẻ này của bên em đi, mỗi năm hạn mức chi trả 500-700 triệu đồng, thậm chí 1-2 tỷ đồng, nên ốm đau cứ vào Việt Pháp, Vinmec, Hồng Ngọc… mà nằm như đi nghỉ dưỡng, công ty em sẽ trả hết, yên tâm không lo chi phí nữa”, một đại lý bảo hiểm cho hay.

Còn chị Kim Minh kể, cuối tuần qua, một facebooker có nick là hãng bảo hiểm của Nhật Bản chạy quảng cáo trên facebook rằng: “Gói bảo hiểm ưu việt nhất hiện nay, thanh toán toàn bộ chi phí viện phí, thuốc, giường, xét nghiệm, phẫu thuật, quyền lợi nội trú lên tới 1 tỷ đồng…”.

Là người từng mua bảo hiểm sức khỏe và được thanh toán viện phí qua thẻ, chị biết thực tế không hẳn như vậy nên đã phản hồi lại. Sau một hồi tranh cãi, facebooker phải thừa nhận rằng, không phải mọi khoản chi phí đều được bên bảo hiểm chi trả, tiền giường cũng chỉ tối đa 3 triệu đồng/ngày (nếu vượt quá số tiền này thì khách hàng phải tự bỏ tiền túi ra trả) và cuối cùng, người này đã bỏ chữ “toàn bộ” trong quảng cáo.

Cụ thể hơn, đại lý bảo hiểm Lê Thị Kim Ngân cho biết, với thẻ bảo hiểm sức khỏe của Prudential, gói nội trú Hoàn Hảo, hạn mức nội trú mỗi năm là 1 tỷ đồng, được gia tăng thêm 1 tỷ đồng nếu đã sử dụng hết hạn mức cũ mà phát hiện một bệnh mới, nghĩa là hạn mức tổng tối đa 2 tỷ đồng/năm, nhưng đó là hạn mức theo năm của tất cả các đợt điều trị, còn mỗi đợt điều trị chỉ được chi trả tối đa 250 triệu đồng/đợt, trong đó tiền giường/phòng thường không quá 6 triệu đồng/ngày.

Hay như thẻ bảo hiểm sức khỏe của Manulife, gói Bạch Kim, hạn mức mỗi năm là 1 tỷ đồng, nhưng cũng là cho tất cả các đợt điều trị, còn mỗi đợt điều trị hạn mức tối đa là 200 triệu đồng đối với điều trị không phẫu thuật và 400 triệu đồng đối với điều trị có phẫu thuật. Tiền giường/phòng thường không quá 5 triệu đồng/ngày.

“Bước sang năm 2023, khi Luật Kinh doanh bảo hiểm mới chính thức có hiệu lực, thị trường bảo hiểm sẽ thanh lọc dần những hoạt động không lành mạnh, nhưng khách hàng cũng cần tinh tấn hơn và phải hiểu rằng, nhà bảo hiểm cũng đi kinh doanh, không phải nhà từ thiện”, đại lý Ngân nói và chia sẻ thêm, không chỉ thẻ bảo hiểm sức khỏe mà với cả những sản phẩm bảo hiểm khác, chẳng hạn như bảo hiểm nhân thọ, sản phẩm chính chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, nếu muốn có quỹ hưu trí an nhàn sau này thì bắt buộc phải “nâng cấp” sản phẩm và đương nhiên, số tiền bảo hiểm phải đóng hàng năm cũng sẽ tăng theo.

  1. Nhịp đập thị trường

Doanh nghiệp phi nhân thọ thận trọng với kế hoạch 2023

(ĐTCK) – Một vài doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thuộc tốp dẫn đầu công bố kết quả kinh doanh ước tính năm 2022 khá khả quan, nhưng cũng tỏ rõ sự thận trọng khi “phác thảo” một vài mục tiêu cơ bản cho năm tài chính 2023.

Vĩ mô khó đoán định

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo, kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ đối diện với nhiều khó khăn hơn, nguyên nhân là do 3 nền kinh tế lớn gồm Mỹ, châu Âu và Trung Quốc – vốn là động lực chính của tăng trưởng, đều đang giảm tốc.

Tại Việt Nam, sức tăng trưởng của thị trường trong nước chưa rõ nét cộng với dự báo không mấy tích cực về kinh tế thế giới là những lý do khiến các doanh nghiệp bảo hiểm thận trọng khi đưa ra các chỉ tiêu kinh doanh cho năm 2023.

Một số dự báo cho thấy, trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và lạm phát có thể sẽ làm giảm tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm tính theo giá trị thực tế xuống dưới 1% trong năm 2023. Đà tăng trưởng chỉ có thể hồi hồi trong 1-2 năm tới nếu lạm phát giảm tốc và xu hướng thị trường “cứng” được duy trì.

Lạm phát luôn là mối quan tâm hàng đầu của ngành bảo hiểm. Swiss Re dự báo, lạm phát cao trong các thành phần chi phí liên quan đến các công ty bảo hiểm, chẳng hạn như bảo hiểm xây dựng và chăm sóc sức khỏe, cho thấy bồi thường và chi phí của các công ty bảo hiểm có thể tăng trong 2023, ngay cả khi không xem xét đến những thay đổi về tần suất bồi thường và diễn biến của thảm họa tự nhiên.

Tại thị trường trong nước, Bảo hiểm Bảo Minh (mã BMI) và Bảo hiểm Petrolimex – PJICO (mã PGI) là 2 doanh nghiệp công bố sớm nhất kế hoạch kinh doanh năm 2023 trong khối phi nhân thọ với sự thận trọng nhất định.

Cụ thể, năm 2023, PJICO đặt mục tiêu tổng doanh thu bảo hiểm gốc tăng trưởng 10%, lợi nhuận trước thuế đạt 250 tỷ đồng, đều tương đương kết quả của năm 2022; mức chi trả cổ tức dự kiến 12%.

Được biết, kết thúc năm 2022, PJICO đạt 3.678,5 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm gốc khoảng, tăng 10% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế ước đạt 252 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch giao. So với các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc tốp 6, những nghiệp vụ PJICO có mức tăng trưởng nổi bật là bảo hiểm hàng hóa và hàng không, ước tăng trưởng lần lượt 52,1% và 52,6%.

Với Bảo Minh, nhà bảo hiểm này lên kế hoạch tăng trưởng tối thiểu 6% doanh thu và 10% lợi nhuận trước thuế, mà vẫn đảm bảo duy trì kiểm soát bồi thường, nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng.

Kết thúc năm 2022, Bảo Minh dự kiến hoàn thành kế hoạch doanh thu trước thời hạn với tổng doanh thu ước đạt 6.230 tỷ đồng, hoàn thành 109,3% kế hoạch năm và tăng trưởng 16,51%; lợi nhuận trước thuế ước đạt 340 tỷ đồng, tăng trưởng 11%.

Bảo Minh là một trong số ít công ty bảo hiểm phi nhân thọ duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận 2 con số trong năm 2022, khi thị trường đối mặt với nhiều khó khăn như tỷ lệ bồi thường tăng, thị trường tài chính – chứng khoán không thuận lợi…

Trong năm 2023, ngoài vấn đề chung của thị trường, việc tái tục các đơn hàng có rủi ro cao vốn được dự báo sẽ gặp khó khăn hơn khi nhà tái tăng cường siết chặt các quy tắc, điều khoản… Việc khó thu xếp tái bảo hiểm sẽ gây ra nhiều cản trở khi nhận các dự án lớn, buộc doanh nghiệp bảo hiểm phải thận trong quá trình chọn lọc để có thể dễ dàng thỏa thuận với các nhà tái hơn.

Về phía công ty tái bảo hiểm, mối quan tâm nhất lúc này là sự tích tụ rủi ro và các tổn thất tiềm tàng phát sinh từ một sự kiện bảo hiểm. Khi các công ty tái bảo hiểm càng thận trọng thì trách nhiệm của các công ty bảo hiểm sẽ càng lớn.

Áp lực cạnh tranh gia tăng

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một doanh nghiệp phi nhân thọ nhìn nhận, trong năm 2023 sẽ có thêm nhiều yếu tố tác động đến hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, mức tăng trưởng của ngành trong năm nay được cho là sẽ thấp hơn năm trước bởi trong năm 2022, thị trường tăng trưởng trên nền doanh thu thấp của năm 2021.

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, việc khai thác khách hàng mới cũng như giữ khách tái tục gặp khó khăn, đặc biệt đối với các sản phẩm bảo hiểm bán lẻ như bảo hiểm xe và bảo hiểm sức khỏe (2 nghiệp vụ mang lại doanh thu cao nhất) khiến cạnh tranh về phí sẽ gay gắt hơn. Vì thế, không loại trừ khả năng có doanh nghiệp sẵn sàng hạ phí để giữ thị phần, bất chấp tỷ lệ bồi thường cao.

Đại diện một doanh nghiệp phi nhân thọ trong tốp đầu thị phần doanh thu phí chia sẻ, năm 2022, hãng này phải “buông” một khách hàng lớn vì không thể cạnh tranh bằng chiến lược giảm phí. Ngoài ra, hãng cũng chủ trương bỏ kênh khai thác qua các công ty tài chính của sản phẩm sức khỏe người vay do chi phí cao…

Không chỉ kênh bán lẻ, áp lực cạnh tranh cũng tăng đối với kênh môi giới bảo hiểm. Theo đó, bên cạnh triển khai các dịch vụ mới, các nhà bảo hiểm cũng sẽ mở rộng thêm điều kiện, điều khoản bảo hiểm để thu hút khách hàng và tăng lợi thế so với đối thủ, với mục tiêu cố gắng giữ được tỷ lệ tái tục cao trên 90%.

Bên cạnh những yếu tố khó đoán định, thị trường bảo hiểm năm 2023 cũng ghi nhận một số yếu tố hỗ trợ tích cực. Chẳng hạn, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2023 sẽ giúp thị trường bảo hiểm gia tăng sự minh bạch cũng như sức cạnh tranh, từ đó củng cố vững chắc nền tảng phát triển.

Luật mới tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty phi nhân thọ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phi nhân thọ trong nước phải đổi mới mô hình quản trị, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để tăng tính cạnh tranh cũng như phù hợp với các quy định mới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phi nhân thọ cũng sẽ được hưởng lợi từ những chính sách về lãi suất hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, giúp gia tăng lợi nhuận; sẵn sàng nghiên cứu, đóng gói các sản phẩm mới, sản phẩm tiềm năng phù hợp với xu thế thị trường, đáp ứng nhu cầu khách hàng và đa dạng hóa danh mục sản phẩm của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phi nhân thọ còn có cơ hội khai thác các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, cháy nổ… khi một loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia được thúc đẩy triển khai trên cả nước như cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1…

Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đề ra trong bối cảnh thị trường còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đều đã tính sẵn các phương án dự phòng để có thể chủ động phát huy được lợi thế cạnh tranh và duy trì ổn định hoạt động kinh doanh trong năm nay.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

Phú Hưng Life tham dự chương trình Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý 2023

(PHL) – Sáng ngày 07/01/2023, đại diện Ban giám đốc cùng tập thể nhân viên Phú Hưng Life đã cùng tham dự chương trình Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý 2023 với chủ đề “Bước chân chia sẻ”. Đây là sự kiện cộng đồng thường niên nhằm gây quỹ hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đón Tết ấm no; ủng hộ Quỹ “Chung một tấm lòng” của Đài Truyền hình TP.HCM và Quỹ “Bảo trợ Tài năng Thể thao” của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM.

Phú Hưng Life tự hào tiếp tục là nhà tài trợ Bạc trong chương trình Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý 2023. Với hành động thiết thực này, Phú Hưng Life mong muốn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và lan tỏa tinh thần chia sẻ trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, từ những năm đầu thành lập cho đến nay, Phú Hưng Life đã phối hợp với Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng Đinh Thiện Lý (Quỹ Đinh Thiện Lý) thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, trao tặng học bổng, quyên góp xe lăn, và chuỗi tập huấn tài chính cho phụ nữ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến, trong năm 2023, Phú Hưng Life sẽ tiếp tục nhân rộng các chương trình thăm khám sức khỏe và cung cấp kiến thức quản lý tài chính cá nhân, nhằm tiếp tục hành trình mang đến những giá trị bền vững cho đất nước và con người Việt Nam.

ABIC Đà Nẵng đồng hành cùng chương trình “Xuân yêu thương – Tết nghĩa tình”

(ABIC) – Ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Bảo hiểm Agribank Đà Nẵng cho biết, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tương thân, tương ái”, phát huy tinh thần đó, Bảo hiểm Agribank Đà Nẵng đã đồng hành với xã Hòa Bắc thực hiện Chương trình “Xuân yêu thương – Tết nghĩa tình”, nhằm chia sẻ một phần khó khăn cùng với bà con. Giúp cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tốt hơn đón một cái Tết ấm áp, đủ đầy.

Sun Life đồng hành cùng các tài năng trẻ trong lĩnh vực thể thao

(TBTCO) – Công ty bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam (Sun Life) vừa phối hợp cùng Sở Văn hóa Thể thao TP. Hồ Chí Minh và Liên đoàn Cử tạ, Liên đoàn Muay Thái và Liên đoàn Bơi lội ký kết thỏa thuận đồng hành cùng 5 vận động viên tiêu biểu thuộc Đoàn thể thao thành phố Hồ Chí Minh.

Với mục tiêu khuyến khích duy trì thể chất khỏe mạnh và một tinh thần lạc quan để sẵn sàng cho mọi hành trình trong cuộc sống, Sun Life Việt Nam đã và đang phát triển chương trình hỗ trợ các tài năng trẻ trong nhiều lĩnh vực từ văn hóa, nghệ thuật đến thể thao…, nhằm lan tỏa lối sống lành mạnh và tích cực trong cộng đồng. Các bạn trẻ này đều là những nhân vật truyền cảm hứng cho giới trẻ với những câu chuyện rất riêng trong hành trình đi đến thành công của mình.

Theo đó, 5 vận động viên (VĐV) đầy triển vọng ở các bộ môn thể thao khác nhau bao gồm: Trần Duy Khôi (bơi lội), Vũ Thị Phương Anh (bơi lội), Huỳnh Hà Hữu Hiếu (Muay Thai), Huỳnh Văn Tuấn (Kick-boxing) và Khổng Mỹ Phượng (Cử tạ) sẽ được Sun Life hỗ trợ, với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng trong vòng 2 năm. Những VĐV này tuy có xuất phát điểm khác nhau nhưng đều chia sẻ một tinh thần đam mê, quyết tâm và kiên định khi theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp và chính là những gương mặt tiêu biểu có sức lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng.

Trải qua quá trình luyện tập đầy thử thách, các tài năng trẻ say mê nói về tình yêu với thể thao, về tinh thần chiến đấu không bỏ cuộc, về cảm giác hạnh phúc khi chiến thắng bản thân và sáng ngời khao khát bứt phá giới hạn của chính mình, sau hết là chinh phục những tấm huy chương danh giá trên đấu trường trong nước và quốc tế. Với sự đồng hành của Sun Life Việt Nam, các VĐV sẽ yên tâm hơn khi luyện tập, vững tâm về tương lai, để hết mình cống hiến và đạt được những thành tích lớn hơn trong sự nghiệp của mình.

Ông Luc Nhon Ly – Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi thật sự ấn tượng và khâm phục tinh thần của các vận động viên trẻ. Họ vượt qua thử thách không chỉ bằng tài năng, sức mạnh mà còn là sự đam mê, quyết tâm, thái độ lạc quan và một tâm thế sẵn sàng dấn bước. Đó là những giá trị tích cực mà Sun Life đang chia sẻ và chúng tôi rất vui mừng đồng hành với những tài năng trẻ và cùng với các bạn, lan tỏa tinh thần sống lạc quan, lành mạnh đến với cộng đồng vì cuộc sống tươi sáng hơn”.

  1. Tin quốc tế

Indonesia: Cơ quan quản lý có kế hoạch quy định giá sàn cho các hợp đồng bảo hiểm tín dụng

(AIR) – Cơ quan Dịch vụ Tài chính (OJK) đang có kế hoạch đặt ra giới hạn tối thiểu cho phí bảo hiểm tín dụng, sau cuộc chiến giá cả trong ngành kinh doanh này.

The Jakarta Post đưa tin cho biết, các công ty bảo hiểm tín dụng của Indonesia đang bị giám sát chặt chẽ sau khi cơ quan giám sát của chính phủ nhận thấy sự cạnh tranh trong ngành là không lành mạnh vào thời điểm mà những người cho vay đang nộp đơn yêu cầu nhiều hơn về các khoản vay không trả được nợ.

Ông Ogi Prastomiyono, Giám đốc điều hành của đơn vị Giám sát ngành tài chính phi ngân hàng (IKNB) của OJK, đã tiết lộ rằng, hiện tại, mức phí bảo hiểm tín dụng trung bình là dưới 1%.

Ông Ogi cho biết: “Trong khi đó, chúng tôi biết rằng tỷ lệ vỡ nợ tín dụng nằm trong khoảng từ 2% đến 3%”.

Dữ liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm phi nhân thọ Indonesia (AAUI) ghi nhận rằng tổng số yêu cầu bảo hiểm tín dụng được thanh toán trong quý 3 năm 2022 lên tới 8,1 nghìn tỷ IDR (534 triệu USD), tăng 83,5% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu phí bảo hiểm tăng 17,1% so với cùng kỳ lên 10,77 nghìn tỷ IDR.

Hiện tại, OJK đang quy định giá sàn cho các sản phẩm bảo hiểm tài sản và xe cơ giới.

Dân số Trung Quốc tăng trưởng âm lần đầu tiên sau 61 năm

(AIR) – Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố cho thấy, dân số Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng âm lần đầu tiên sau 61 năm, giảm 850.000 người vào năm 2022.

Vào cuối năm 2022, dân số quốc gia này là 1,41 tỷ người, bao gồm dân số của 31 tỉnh, khu tự trị và thành phố và quân nhân, nhưng không bao gồm cư dân Hồng Kông, Macao và Đài Loan và người nước ngoài sống ở đại lục, Global Times trích dẫn NBS dữ liệu.

Sinh ít hơn

Năm 2022, số ca sinh là 9,56 triệu với tỷ lệ sinh là 6,77 phần nghìn, đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1950 số ca sinh mới giảm xuống dưới 10 triệu và là năm thứ ba tỷ lệ sinh của cả nước giảm xuống dưới 1%.

Trung Quốc đã ghi nhận 10,4 triệu ca tử vong vào năm ngoái, tương đương với tỷ lệ tử vong là 7,37 phần nghìn, với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên chung ở mức âm 0,6 phần nghìn.

Cơ cấu tuổi và giới tính

Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố cho thấy 62% dân số đang trong độ tuổi lao động – được Trung Quốc định nghĩa là những người từ 16 đến 59 tuổi, giảm so với khoảng 70% một thập kỷ trước. Dân số nam là 722,06 triệu trong khi dân số nữ là 689,69. Tỷ lệ giới tính là 104,69 nam trên 100 nữ.

Ông Cai Fang, nguyên Phó giám đốc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định: Tổng quy mô dân số của Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2022, sớm hơn nhiều so với dự kiến, điều đó có nghĩa là dân số nước này sẽ tiếp tục tăng trưởng âm từ năm 2023 hoặc bước vào kỷ nguyên tăng trưởng âm sau năm 2023.

Ông Yuan Xin, giáo sư từ Viện Dân số và Phát triển tại Trường Kinh tế của Đại học Nam Khai, cho biết vào năm 2022, quy mô dân số trong giai đoạn đầu của quá trình thu hẹp vẫn sẽ lớn. Dự báo là tổng dân số vẫn sẽ vượt quá 1,4 tỷ vào năm 2035 và vẫn ở mức khoảng 1,3 tỷ vào năm 2050.

Điểm hẹn Ấn Độ: sự kiện bảo hiểm thu hút hơn 800 đại biểu tham gia

(AIR) – Con số kỷ lục 800 đại biểu từ 35 quốc gia đã đăng ký tham dự Điểm hẹn Ấn Độ lần thứ 16 khai mạc tại Mumbai ngày 18/01/2023.

Sự kiện thường niên kéo dài ba ngày được tổ chức vào ngày 18-20 tháng 1 do Asia Insurance Review và GIC Re đồng tổ chức tại khách sạn Taj Lands End rộng rãi và một lần nữa sẽ cung cấp nền tảng cho cả công ty bảo hiểm và công ty tái bảo hiểm cũng như các bên trung gian cùng nhau nắm bắt tình hình thị trường bảo hiểm Ấn Độ và thị trường tái bảo hiểm ở Ấn Độ.

Điểm hẹn Ấn Độ, ra mắt vào năm 2008, cũng đã phát triển thành nền tảng tư tưởng lãnh đạo với một số CEO toàn cầu chia sẻ những hiểu biết của mình. Trong những năm qua, sự kiện này đã nhận được sự hỗ trợ từ Hiệp hội Bảo hiểm Quốc tế (IIS), Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Hiệp hội Geneva và Liên đoàn các Công ty Bảo hiểm & Tái bảo hiểm Á-Phi (FAIR). Sự kiện này nhằm mục đích trở thành động lực thúc đẩy các cuộc thảo luận về cách Ấn Độ vươn tới trở thành trung tâm tái bảo hiểm tương lai cho khu vực. Để làm được như vậy, Ấn Độ buộc phải đổi mới và luôn phù hợp.

Thị trường bảo hiểm Ấn Độ là nơi hội tụ cơ hội thực sự năng động, hiện đang tăng trưởng ở mức 14-15%. Thị trường bảo hiểm Ấn Độ được đặt mục tiêu để phát triển hơn nữa với sứ mệnh của IRDAI là đạt được “Bảo hiểm cho mọi người Ấn Độ vào năm 2047”.

Đại dịch COVID-19 đã cho thấy rõ ràng rằng ngành bảo hiểm có thể làm rất nhiều việc để không chỉ tăng cường phạm vi bảo vệ mà còn trở thành một thành phần rất quan trọng của hệ thống kinh tế và xã hội rộng lớn hơn cần phát triển để giải quyết các vấn đề gia tăng, các sự kiện thảm khốc và đại dịch. Với suy nghĩ này, chủ đề của Điểm hẹn năm nay “Mạnh mẽ, kiên cường, sẵn sàng” đã được chọn để thể hiện sức chịu đựng và sự bền bỉ của Ấn Độ trong suốt thời gian dài đại dịch.

Điểm hẹn Ấn Độ đã phát triển ngày càng mạnh mẽ qua từng năm. Bắt đầu với 250 đại biểu tại sự kiện khai mạc vào năm 2008, Rendezvous ngày nay là một sự kiện phải tham dự cho bất kỳ ai quan tâm đến việc kinh doanh ở Ấn Độ, thu hút số lượng đại biểu kỷ lục mỗi năm liên tiếp. Sự kiện này được hỗ trợ trong năm nay bởi FAIR, Hiệp hội môi giới bảo hiểm Ấn Độ và GIFT City.

Lloyd’s được S&P Global xếp hạng nợ tốt hơn

(IBM) – Xếp hạng cấp độ phát hành đối với các trái phiếu Lớp 2 trực thuộc của Lloyd’s đã được S&P Global Ratings nâng từ ‘BBB+’ lên ‘A-‘.

“Tỷ lệ khả năng thanh toán theo quy định trên toàn thị trường và tỷ lệ khả năng thanh toán trung tâm của Lloyd vẫn ổn định trong năm 2022, mặc dù có dự phòng đáng kể cho cuộc xung đột Nga-Ukraine và cơn bão Ian, lãi suất tăng và đầu tư vào tài sản tư nhân thông qua nền tảng đầu tư mới ra mắt,” S&P lưu ý trong một thông báo mới đây.

“Lloyd’s nắm giữ thặng dư vốn thoải mái trong cả nửa năm 2022, tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định trên toàn thị trường là 179% (cuối năm 2021 là 177%) và tỷ lệ khả năng thanh toán trung tâm là 395% (cuối năm 2021 là 388%). Chúng tôi hy vọng cả tỷ lệ khả năng chi trả trên toàn thị trường và trung tâm sẽ duy trì ở mức cao ngay cả trong các tình huống cực kỳ căng thẳng, chẳng hạn như các sự kiện thảm khốc hoặc nếu môi trường lạm phát hiện tại tiếp tục diễn ra vào năm 2023 và 2024.”

Trong khi đó, S&P Global đang dự báo tỷ lệ kết hợp khoảng 95% vào cuối năm 2022 cho Lloyd’s, có tính đến tỷ lệ kết hợp nửa năm là 91,4% và dự trữ tương ứng 1,1 tỷ bảng Anh và 2,2 tỷ bảng Anh cho cuộc chiến Nga-Ukraine và cơn bão Ian. Dự kiến ​​tỷ lệ kết hợp năm 2023 là gần 95%.

S&P Global cho biết: “Chúng tôi lưu ý rằng việc Lloyd’s phải đối mặt với rủi ro thiên tai đáng kể, môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức do lạm phát gia tăng và sự không chắc chắn xung quanh cuộc xung đột Nga-Ukraine tạo ra khả năng biến động về mức độ khả năng chi trả của công ty”.

“Tuy nhiên, điều này được bù đắp bởi sự ổn định trong tỷ lệ khả năng chi trả được duy trì trong năm 2022, kỳ vọng hiệu quả hoạt động tốt hơn và khả năng tái cấp vốn khi cần thiết. Điều thứ hai đã được chứng minh vào năm 2017 khi thị trường bơm 3 tỷ bảng Anh sau các cơn bão Harvey, Irma và Maria; và vào năm 2020, khi Lloyd’s bơm thêm 3,5 tỷ bảng sau các khoản tổn thất liên quan đến COVID-19.”

Miller bổ nhiệm Giám đốc M&A

(IBM) – Miller đã bổ nhiệm Claire Connolly (ảnh trên) làm Giám đốc M&A. Cô báo cáo lên ông Ben Speers, Giám đốc quản trị doanh nghiệp và pháp lý.

Cô Connolly có nhiều kinh nghiệm về M&A, phát triển công ty và tài chính trong ngành bảo hiểm, đã từng giữ nhiều vai trò M&A cấp cao khác nhau tại Jensten Group, Aston Lark và Gallagher, nơi cô đã làm việc về các giao dịch M&A ở nhiều khu vực và giám sát sự phát triển các chiến lược M&A của công ty.

Miller cho biết, việc bổ nhiệm Connolly là một phần trong nỗ lực phát triển dấu ấn trong ngành của công ty cả về mặt hữu cơ và thông qua các giao dịch M&A chiến lược, điều này sẽ cho phép công ty đưa các chuyên môn trong lĩnh vực của mình đến với nhiều khách hàng hơn.

Việc bổ nhiệm diễn ra sau khi Miller mua lại Henner Sports ở Pháp – sau này được đổi tên thành Miller Sports & Entertainment, Paris – và nhà môi giới Nhật Bản Dịch vụ bảo hiểm hàng đầu vào năm ngoái.

Ông James Hands, Giám đốc điều hành của Miller, cho biết: “Tôi rất vui mừng được chào đón Claire đến với công ty trong quá trình chúng tôi tiếp tục tăng cường cung cấp và mở rộng quy mô kinh doanh.

“Bên cạnh sự tăng trưởng cốt lõi mạnh mẽ của công ty, thành tích của Claire trong việc thực hiện các giao dịch M&A trong lĩnh vực bảo hiểm sẽ vô cùng quý giá khi chúng tôi tìm cách mở rộng khắp Vương quốc Anh, Châu Âu và Châu Á, đồng thời hợp tác có chọn lọc với các doanh nghiệp chuyên môn, chất lượng cao phù hợp với văn hóa của chúng tôi”.

Về phần mình, cô Connolly nói: “Tôi rất vui khi được tham gia Miller và có cơ hội trở thành một phần quan trọng trong câu chuyện tăng trưởng của công ty.

“Miller đã hình thành một số mối quan hệ đối tác bền chặt vào năm 2022 và tôi mong muốn được gia nhập để tiếp tục tham vọng phát triển của công ty cũng như khám phá những cơ hội thú vị cho phép chúng tôi đến gần hơn với khách hàng và cung cấp những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho họ”.

Swiss Re bổ nhiệm Giám đốc Đầu tư

(IBM) – Swiss Re đã thông báo bổ nhiệm cô Velina Peneva (ảnh) làm Giám đốc Đầu tư của tập đoàn.

Quyết định bổ nhiệm có hiệu lực từ ngày 01 tháng 4 năm 2023. Cô Velina cũng sẽ tham gia ban điều hành tập đoàn của Swiss Re. Cô kế nhiệm Guido Fürer, người sắp nghỉ hưu sau 25 năm phục vụ Swiss Re.

Hiện cô là đồng Giám đốc Giải pháp & Phân tích khách hàng trong đơn vị quản lý tài sản của Swiss Re. Trước đây, cô Velina từng là Giám đốc Đầu tư vốn cổ phần tư nhân của công ty. Trước khi gia nhập Swiss Re vào năm 2017, cô đã làm việc cho Bain & Company tại Hoa Kỳ, Úc và Thụy Sĩ. Tại Bain & Company, gần đây nhất cô là thành viên và lãnh đạo các hoạt động đầu tư tổ chức và cổ phần tư nhân ở Zurich.

Ông Christian Mumenthaler, Giám đốc điều hành Tập đoàn Swiss Re, cho biết: “Chúng tôi hài lòng rằng với Velina Peneva, Tập đoàn đã có thể tìm được một ứng viên nội bộ có năng lực để dẫn dắt đơn vị quản lý tài sản tiến lên phía trước.

“Velina có thành tích rất tốt cả trong và ngoài Swiss Re. Cô ấy mang đến sự kết hợp giữa chuyên môn sâu về thị trường tài chính, kỹ năng chiến lược và đầu tư, khả năng lãnh đạo đã được chứng minh và mạng lưới ngành được thiết lập tốt.”

Tháng trước, Swiss Re đã thông báo rằng hội đồng quản trị của họ sẽ đề cử Vanessa Lau và Pia Tischhauser để bầu làm thành viên hội đồng quản trị mới tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 12 tháng 4. Công ty cũng tuyên bố rằng các thành viên hội đồng quản trị hiện tại là Renato Fassbind và Susan L. Wagner sẽ không tái tranh cử.

Howden bổ nhiệm giám đốc vốn và tư vấn kinh doanh

(IBM) – Howden đã bổ nhiệm ông Christopher Evans làm giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh Howden CAP (Vốn, Tư vấn và Chào bán).

Theo Howden, bộ phận mới đang xây dựng dấu ấn của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng cách mang lại chuyên môn và khả năng mới. Ông Evans sẽ làm việc tại Brisbane và vai trò của ông ấy sẽ tập trung vào việc cung cấp bảo hiểm rủi ro tín dụng có cấu trúc cho các tổ chức tài chính và khách hàng doanh nghiệp của Howden.

Evans gia nhập Howden từ Ngân hàng Quốc gia Úc (NAB), mang đến hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính cấu trúc và ngân hàng toàn cầu. Gần đây nhất, ông chịu trách nhiệm mua bảo hiểm rủi ro tín dụng cho bộ phận tổ chức và doanh nghiệp của NAB. Howden nói rằng việc bổ nhiệm Evans sẽ cho phép công ty cung cấp bảo hiểm tốt hơn cho khách hàng trên khắp các khu vực thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và Châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Drew Wardrope, Giám đốc Điều hành Howden CAP, cho biết: “Việc bổ nhiệm Christopher phản ánh thực tế rằng Howden CAP có thể mang đến một con đường sự nghiệp thay thế, thú vị cho những cá nhân tài năng mà kinh nghiệm trước đó không nhất thiết phải có trong ngành bảo hiểm.

“Những nhân viên mới của chúng tôi bị thu hút bởi đề xuất độc đáo mà chúng tôi đang đưa ra để giúp khách hàng đáp ứng môi trường kinh tế vĩ mô ngày càng thách thức. Kinh nghiệm quan trọng trong ngành của Christopher sẽ cho phép anh ấy cung cấp các giải pháp đáp ứng các nhu cầu phức tạp và phức tạp trong hoạt động kinh doanh của khách hàng của chúng tôi ở Châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với Christopher trong quá trình chúng tôi trở thành nhà tư vấn bảo hiểm và nhà cấu trúc được lựa chọn cho cộng đồng ngân hàng toàn cầu.”

Ông Matt Bacon, Giám đốc điều hành của Howden Pacific, nói cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi Christopher tham gia cùng Howden.

“Nhu cầu về bảo hiểm rủi ro tín dụng có cấu trúc được đặt lên hàng đầu trong các ưu tiên của khách hàng của chúng tôi, vì vốn pháp định và quản lý rủi ro vẫn là rủi ro gia tăng trong môi trường hiện tại. Với sự hiểu biết sâu sắc về cả bảo hiểm và ngân hàng, Christopher sẽ là tài sản quan trọng đối với khách hàng của chúng tôi, giúp họ khai thác sức mạnh của bảo hiểm để tối ưu hóa quản lý rủi ro, vốn pháp định và đạt được các mục tiêu chiến lược.”

Moody’s cải thiện xếp hạng đối với Zurich

(REI) – Moody’s đã nâng xếp hạng sức mạnh tài chính bảo hiểm của Zurich Insurance Company Ltd. lên Aa3 (IFSR) và xếp hạng nợ (không bảo đảm cao cấp A1, cấp dưới A2(hyb), cổ phiếu ưu đãi A3(hyb)), triển vọng của công ty được thay đổi từ tích cực sang ổn định.

Việc nâng cấp và thay đổi triển vọng của Moody phản ánh khả năng sinh lời được cải thiện của công ty, điều mà cơ quan xếp hạng lưu ý là đã “trở nên mạnh mẽ hơn và ít biến động hơn”.

Moody’s tuyên bố rằng điều này được hỗ trợ bởi sự kết hợp kinh doanh cân bằng hơn với việc giảm rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm thương mại và giảm rủi ro lãi suất và rủi ro tín dụng dự kiến khi hoàn thành việc bán hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Đồng thời, Moody’s cho biết, họ kỳ vọng khả năng sinh lời sẽ “duy trì khả năng phục hồi” thông qua các chu kỳ kinh tế và đánh giá rủi ro trong tương lai.

Moody’s cũng lưu ý rằng việc khẳng định Aa3 IFSR của Zurich cũng phản ánh vị thế rất mạnh trên thị trường, mô hình kinh doanh đa dạng và hồ sơ tài chính linh hoạt của công ty, bao gồm mức an toàn vốn mạnh mẽ và tính linh hoạt tài chính giúp tập đoàn có thể chống chọi với những thách thức kinh tế vĩ mô và biến động của chu kỳ định phí bảo hiểm.

Ngoài ra, Zurich có được thu nhập từ phí thông qua Farmers Group, Inc., đơn vị quản lý cho các Nông dân không liên kết. Đây là công ty đóng góp ổn định vào lợi nhuận của Zurich và là điểm khác biệt chính so với các công ty cùng ngành. Tuy nhiên, với việc nông dân có kết quả kinh doanh thấp trong những năm gần đây đã dẫn đến tăng trưởng vốn bị hạn chế, đòn bẩy hoạt động và đòn bẩy tài chính cao.

Moody’s nhấn mạnh mức độ tổn thất bảo hiểm dai dẳng có thể khiến Zurich phải cung cấp hỗ trợ tài chính trong tương lai. Moody’s lưu ý rằng sự thay đổi về lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm cho Nông dân và khả năng tạo vốn sẽ là một “cân nhắc quan trọng” đối với việc nâng cấp xếp hạng của Zurich vì nó sẽ củng cố tính bền vững của Farmers Group, Inc. với vai trò là đơn vị đóng góp đáng kể vào thu nhập của Tập đoàn.

Nhìn về phía trước, Moody’s cho biết Zurich hy vọng sẽ tăng cường hơn nữa vị thế thị trường tài sản và thiệt hại (P&C) bán lẻ thông qua “đầu tư đáng kể” vào công nghệ và tập trung vào khách hàng, đồng thời phát triển sự hiện diện bảo hiểm thương mại ở thị trường trung bình tại các thị trường trọng điểm ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Châu Úc.

Hơn nữa, Moody’s cũng khẳng định xếp hạng A3 theo IFSR của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Zurich Mỹ, dựa trên chất lượng tài sản mạnh, tính thanh khoản tốt và mức vốn tốt mặc dù đang giảm. Moody’s lưu ý rằng những yếu tố này được bù đắp bởi khả năng sinh lời yếu và hồ sơ kinh doanh đang dần cải thiện.

BTV (Tổng hợp).