TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 01

Tập đoàn FWD bổ nhiệm tân Giám đốc Rủi ro; VBI lọt TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; Doanh nghiệp bảo hiểm hưởng lợi từ lãi suất tăng

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 1

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

BIC chi trả hơn 2,2 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng vay vốn tại BIDV Tây Sài Gòn

(ĐTCK) – Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã trao hơn 2,2 tỷ đồng tiền bảo hiểm người vay vốn – BIC Bình An – cho gia đình khách hàng N.T.T (sinh năm 1990, trú tại quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh).

Ông N.T.T vay vốn tại BIDV Tây Sài Gòn với mục đích vay kinh doanh. Được sự tư vấn của cán bộ tín dụng, ông N.T.T đã tham gia Sản phẩm Bảo hiểm người vay vốn – BIC Bình An tại Công ty Bảo hiểm BIDV Sài Gòn (BIC Sài Gòn).

Ngày 22/10/2022, ông T. điều khiển xe máy di chuyển trên đường Vành đai trong hướng về giao lộ, không may xảy ra va chạm với xe máy khác. Sau va chạm, ông T. bị chấn thương sọ não cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy và tử vong ngày 24/10/2022.

Ngay khi nhận được thông báo từ gia đình ông T., BIC Sài Gòn đã gấp rút phối hợp với gia đình ông T. và BIDV Tây Sài Gòn thu thập các hồ sơ liên quan để triển khai các thủ tục chi trả bồi thường theo quy định. Tổng số tiền chi trả cho gia đình ông T. là 2.207.917.020 đồng (bao gồm toàn bộ dư nợ khoản vay và trợ cấp lãi vay, mai táng phí).

Sản phẩm bảo hiểm người vay vốn – BIC Bình An – là một sản phẩm chủ chốt của kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) hợp tác giữa BIDV và BIC. Thành công của BIC Bình An tới từ chính ý nghĩa nhân văn của sản phẩm khi hỗ trợ thiết thực cho gia đình người vay vốn trong những thời điểm mất mát, khó khăn nhất để nhanh chóng ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, BIC Bình An cũng là một trong những công cụ quản trị rủi ro hữu hiệu, giúp ngân hàng bảo toàn được vốn vay trước các rủi ro khách hàng mất khả năng chi trả.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Bảo hiểm VietinBank vững vàng trong TOP 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

(ĐTCK) – Chiều 5/1 tại Hà Nội, Bảo hiểm VietinBank (VBI) được vinh danh trong Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022 (VNR500) do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố.

Năm 2022 là năm thứ 16 liên tiếp Bảng xếp hạng VNR500 được công bố nhằm tìm kiếm và tôn vinh những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả ổn định, phát triển bền vững và đóng góp nhiều nhất cho Ngân sách Nhà nước. Hội đồng đánh giá nhận định, những doanh nghiệp trong Top 500 như VBI là đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam, có bản lĩnh kiên cường trước những cơn sóng biến động bất ngờ từ bối cảnh quốc tế.

Bảng xếp hạng dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập theo chuẩn mực quốc tế nhằm ghi nhận, tôn vinh thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Bảng xếp hạng năm 2022 được đánh giá dựa trên dữ liệu tổng hợp, phản ánh kết quả kinh doanh cập nhật đến hết ngày 31/12/2021. Các tiêu chí để đánh giá hiện trạng sức mạnh tổng thể của doanh nghiệp bao gồm: doanh thu, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng, tổng tài sản, tổng số lao động, uy tín doanh nghiệp trên truyền thông…

Năm 2022 vừa qua là một năm đầy biến động đối với ngành bảo hiểm phi nhân thọ, tuy nhiên “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Bảo hiểm VietinBank – VBI đã “biến nguy thành cơ”, hiện thực hóa thành công các mục tiêu: cải thiện thị phần; duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận vượt trội so với trung bình của thị trường và đảm bảo hiệu quả kinh doanh 2022.

Theo đó, kết quả kinh doanh năm 2022 ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng 30% so với cùng kỳ, đạt 102% kế hoạch, gấp gần 2 lần so với mức tăng trưởng trung bình ngành. Với kết quả trên, VBI là một trong số ít các công ty bảo hiểm phi nhân thọ có tốc độ tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022.

Tính đến thời điểm hiện tại, VBI thuộc Top 3 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm các công ty bảo hiểm phi nhân thọ chiếm thị phần lớn nhất. Mặt khác, hiệu quả kinh doanh ghi nhận chỉ số lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) ước đạt 14%, thuộc Top đầu trong 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu thị trường.

Bên cạnh giải thưởng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500), trong năm 2022, VBI cũng ghi dấu ấn với nhiều danh hiệu uy tín khác, bao gồm: Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500), Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (PROFIT500), Top 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam, Giải thưởng Sao vàng Đất Việt, Giải thưởng thương hiệu số 1, Giải thưởng Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam, Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam…

Là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm tiên phong công nghệ, đón đầu xu thế trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, VBI đã và đang tiếp tục tập trung tạo ra chuỗi giá trị toàn diện để tối ưu hóa hành trình trải nghiệm khách hàng khi lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ của VBI trên nền tảng số.

Trong thời gian tới, VBI sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực, triển khai toàn diện đa nền tảng công nghệ vào sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin giúp tự động hóa các quy trình, đặc biệt là quy trình chi trả bồi thường để khách hàng an tâm tận hưởng chất lượng dịch vụ.

Phú Hưng Life quyết tâm “Đột phá & Phát triển” tại Hội nghị Hoạch định Chiến lược kinh doanh 2023

(PHL) – Ngày 05-06/01/2023, Công ty cổ phần Bảo hiểm Nhân thọ Phú Hưng (Phú Hưng Life) đã tổ chức Hội nghị Hoạch định Chiến lược kinh doanh 2023 tại Tp.HCM. Chương trình đánh dấu sự khởi đầu trong năm mới với những nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ kinh doanh Phú Hưng Life cùng các phòng ban chuyên môn đồng lòng, sát cánh để “Đột phá & Phát triển” trong năm 2023.

Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, khả năng linh hoạt và chuyển mình mạnh mẽ của đội ngũ kinh doanh, cùng các chương trình hỗ trợ khách hàng nhanh chóng, Phú Hưng Life đã đạt được những thành tựu tăng trưởng tích cực, gia tăng mức độ hài lòng của khách hàng trong năm 2022.

Theo đó, Phú Hưng Life đã thành công trong việc triển khai các chiến dịch tuyển dụng trên diện rộng, nhằm gia tăng số lượng chuyên viên tư vấn có trình độ cao, luôn trong tâm thế của những người phục vụ. Bên cạnh đó, bằng việc đẩy mạnh phát triển mạng lưới với trên 60 văn phòng kinh doanh, đã giúp Phú Hưng Life đến gần với các khách hàng trên khắp cả nước.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Giám Đốc – Ông Graeme Hannah chúc mừng cho những thành công của năm 2022 và khích lệ tinh thần đội ngũ quyết tâm cùng tạo dựng những bước chuyển mình mới, sức bật mới về sự phát triển của Phú Hưng Life trong tương lai: “Tôi rất vui với kết quả kinh doanh trong năm 2022. Công ty chúng ta là một trong những công ty có tốc độ tăng trưởng cao trên thị trường. Đây chính là sự ghi nhận cho những đóng góp và nỗ lực của tập thể Phú Hưng Life. Tôi rất lạc quan về năm 2023, sẽ là một năm tăng trưởng và phát triển hơn nữa.”

Nhìn lại hành trình năm 2022, bên cạnh kết quả kinh doanh đáng ghi nhân, Phú Hưng Life tự hào khi đã thực hiện rất nhiều hoạt động chi trả và giải quyết quyền lợi bảo hiểm, nhằm chia sẻ, đồng hành cùng các khách hàng và gia đình trước những biến cố xảy đến.  Song song đó, các chuỗi chương trình vì cộng đồng đã được thực hiện như Ngày hội “Khỏe cùng Phú Hưng Life” trên toàn quốc, khóa tập huấn “Tài chính cho tương lai” cho phụ nữ tại miền Tây cùng các hoạt động trao tặng cặp xách, học bổng cho trẻ em hiếu học. Đây là những hoạt động rất đáng khích lệ, minh chứng cho cam kết đồng hành cùng khách hàng cũng như trách nhiệm vì cộng đồng của Phú Hưng Life trên hành trình mang đến những giải pháp hữu ích, giúp nâng tầm cuộc sống cho mỗi gia đình Việt.

Hội nghị Hoạch định chiến lược kinh doanh năm 2023 với chủ đề “Đột phá & Phát triển” chính là thông điệp từ Ban Giám Đốc công ty với định hướng tăng trưởng về quy mô, mở rộng cơ chế chính sách cho đội ngũ, và phát triển sản phẩm mới, đánh dấu một bước chuyển mình cho hành trình 10 năm.

Tại sự kiện, Ông Nguyễn Khắc Thành Đạt – Phó Tổng Giám Đốc Phát triển kinh doanh đã tổng kết sơ lược về kết quả kinh doanh 2022 và đưa ra những chính sách phát triển đội ngũ kinh doanh trong năm 2023.

Cũng trong hội nghị là hoạt động khen thưởng và vinh danh những Giám đốc kinh doanh xuất sắc trong năm 2022. Đây chính là sự ghi nhận đầy tự hào cho những đóng góp và nỗ lực không ngừng nghỉ của các cá nhân và tập thể đội ngũ kinh doanh Phú Hưng Life.

Khép lại hành trình một thập kỷ tại Việt Nam, năm 2023 – năm của kỷ nguyên mới, của sự “Đột phá & Phát triển”, Phú Hưng Life với sự chuyển mình hứa hẹn cùng đạt những mục tiêu vĩ đại, hướng đến tầm nhìn trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ được khách hàng và nhân viên yêu mến, tín nhiệm.

Harry Kane, tiền đạo câu lạc bộ bóng đá Tottenham Hotspur làm Đại sứ Toàn cầu của Tập đoàn AIA

(ĐTCK) – Tập đoàn AIA công bố Harry Kane, tiền đạo câu lạc bộ bóng đá Tottenham Hotspur, đội trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Anh, được bổ nhiệm làm Đại sứ Toàn cầu của Tập đoàn AIA.

Vai trò Đại sứ Toàn cầu được trao cho Harry bởi anh đã có 10 năm đồng hành cùng với Tập đoàn AIA thông qua mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa AIA và Tottenham Hotspur.

Theo đó, AIA sẽ hợp tác với Quỹ Harry Kane (Harry Kane Foundation – HKF) để triển khai các hoạt động đề cao ý nghĩa của sức khoẻ thể chất và tinh thần. Chiến dịch sẽ mở đầu với bộ phim hoạt hình do Harry tự sản xuất có tên Harry Kane: Kiên cường để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc suy nghĩ tích cực, tin vào bản thân và có được sự giúp đỡ từ người khác.

AIA là đối tác chính trên toàn cầu của Câu lạc bộ bóng đá Tottenham Hotspur từ năm 2013. Quan hệ hợp tác chiến lược này là một phương tiện hỗ trợ mạnh mẽ để gia tăng sự gắn kết với các cộng đồng trong khu vực, đồng thời học viện bóng đá của Câu lạc bộ bóng đá Tottenham Hotspur cũng đã hỗ trợ cho hơn 80,000 trẻ em trên toàn cầu.

AIA đứng đầu thị trường tại khu vực châu Á (không bao gồm Nhật Bản) tính trên doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ và giữ vị trí đứng đầu tại phần lớn các thị trường mà Tập đoàn hoạt động. AIA có tổng tài sản trị giá 302 tỷ USD tính đến ngày 30/6/2022.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030

(TNCK) – Mục tiêu của chiến lược là phát triển các doanh nghiệp bảo hiểm năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành tiếp cận chuẩn mực quốc tế, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 5/1/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu phát triển các doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành tiếp cận chuẩn mực quốc tế, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh tích cực trên thị trường trong nước và khu vực.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về kinh doanh bảo hiểm đầy đủ, minh bạch, bình đẳng và đồng bộ, tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kinh doanh bảo hiểm, tạo thuận lợi cho sự phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm, bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ cam kết quốc tế của Việt Nam.

Đồng thời, nâng cao tính an toàn hệ thống, bền vững và hiệu quả của thị trường; góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Phát triển các doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành tiếp cận chuẩn mực quốc tế, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh tích cực trên thị trường trong nước và khu vực.

Đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuận tiện nhất trong việc tham gia bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ngày càng tăng của các tổ chức và cá nhân. Nâng cao quản trị rủi ro, an toàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng.

Năm 2030, phí bảo hiểm bình quân đầu người đạt 5 triệu đồng

Chiến lược đặt ra mục tiêu cụ thể là doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt 3% – 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 – 2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3% – 3,5%.

Đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng bình quân 15%/năm giai đoạn 2021 – 2025 và 10%/năm giai đoạn 2026 – 2030. Tốc độ tăng trưởng doanh thu cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng đạt bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2023 – 2030.

Phí bảo hiểm bình quân đầu người đạt 3 triệu đồng năm 2025, 5 triệu đồng năm 2030.

Phát triển, đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm

Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đặt ra một số giải pháp trọng tâm để phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 như: Tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ khách hàng và công khai minh bạch của doanh nghiệp bảo hiểm; phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm phát triển đa dạng các dòng sản phẩm mới, lấy khách hàng làm trọng tâm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nhiều hoạt động kinh tế và đời sống.

Đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối bảo hiểm. Đa dạng hóa kênh phân phối theo hướng phục vụ tốt nhất bên mua bảo hiểm và tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận bảo hiểm một cách dễ dàng nhất. Chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối thông qua việc ban hành quy định hoặc các quy tắc đạo đức hành nghề; xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng hệ thống kênh phân phối. Chuẩn hóa hoạt động phân phối bảo hiểm qua đại lý tổ chức, đại lý ngân hàng; nâng cao chất lượng đào tạo và thi đại lý bảo hiểm.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các dịch vụ bảo hiểm số mới

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, ứng dụng trong tất cả các khâu của kinh doanh bảo hiểm, có biện pháp bảo vệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng.

Xây dựng khung thể chế thử nghiệm cho các dịch vụ công nghệ bảo hiểm (Insurtech) theo thông lệ tốt nhất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các dịch vụ bảo hiểm số mới.

Thúc đẩy chuyển đổi số công tác quản lý và phát triển thị trường bảo hiểm, phát triển và sử dụng các nền tảng số để thúc đẩy phát triển và tối ưu hóa thị trường bảo hiểm, ứng dụng các giải pháp công nghệ số, nền tảng số để giám sát, đo lường trực tuyến kết quả thực hiện các tiêu chí quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm đảm bảo minh bạch, chính xác, kịp thời.

Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm; tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

  1. Nhịp đập thị trường

Doanh nghiệp bảo hiểm hưởng lợi từ lãi suất tăng

(ĐTCK) – Riêng 7 doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết đã có hơn 127.000 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng, nên lãi suất tăng sẽ giúp nhóm này hưởng lợi.

Lãi suất tăng chưa có dấu hiệu dừng

Năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, tổng cộng 4,25%/năm, lên 4,25 – 4,5%/năm, cao nhất kể từ tháng 1/2008 và dự kiến tiếp tục nâng lãi suất trong quý đầu năm 2023.

Việc Fed tăng lãi suất khiến dòng tiền đảo chiều, dần rút ra ở hầu hết các quốc gia cận biên, mới nổi và quay trở về Mỹ, điều này đẩy chỉ số Dollar Index (đo lường giá trị đồng USD với 6 tiền tệ mạnh là Euro, Yên Nhật, Bảng Anh, Franc Thuỵ Sĩ, đô la Canada và đồng Krona Thuỵ Điển) lên 104,2 điểm vào ngày 27/12/2022, tăng 8,6% so với đầu năm 2022.

Trước áp lực mất giá nội tệ, cũng như dòng vốn đầu tư bị rút khỏi các quốc gia trên thế giới, hầu hết các nước đều phải nâng lãi suất. Trong đó, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, nhất là khi thị trường “khát” vốn, tăng trưởng tín dụng ngân hàng tăng nhanh so với tăng trưởng huy động vốn. Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần nâng lãi suất điều hành vào tháng 9 và 10/2022, mỗi lần 1%/năm.

Khảo sát lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng cho thấy, lãi suất trong năm 2022 có mức tăng phổ biến từ 2 – 4%/năm. Chẳng hạn, lãi suất tại BIDV hiện là 7,4%/năm, trong khi đầu năm 2022 là 5,5%/năm. Tương tự, lãi suất tại VPBank tăng từ 5%/năm lên 9,1%/năm; lãi suất tại Sacombank tăng từ 5,8%/năm lên 8,9%/năm; lãi suất tại Vietcombank tăng từ 5,5%/năm lên 7,4%/năm. Đối với các ngân hàng quy mô nhỏ, lãi suất huy động tăng mạnh hơn, đạt trên 10%/năm.

Mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ duy trì ở mức hiện nay, thậm chí tăng thêm, trong 6 tháng đến 1 năm tới.

Doanh nghiệp bảo hiểm hưởng lợi

Bối cảnh lãi suất tăng, chi phí đi vay đắt đỏ và kinh tế tăng trưởng chậm lại là thời điểm khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho các doanh nghiệp sở hữu tiền mặt, vì có thể thực hiện các thương vụ thâu tóm với giá rẻ và lượng tiền mặt gửi ngân hàng của các công ty bảo hiểm phát huy tác dụng.

Thống kê 7 công ty bảo hiểm đang niêm yết gồm Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã chứng khoán BMI), Công ty cổ phần PVI (mã chứng khoán PVI), Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (mã chứng khoán VNR), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (mã chứng khoán PTI), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (mã chứng khoán PGI), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (mã chứng khoán MIG), tính tới 30/9/2022, nhóm 7 doanh nghiệp này có 127.508,8 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn), chiếm trung bình 42% tổng tài sản.

Cụ thể, Bảo Việt có 102.573,5 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính, chiếm 53,7% tổng tài sản, trong đó dùng 97.596,9 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn; PVI có 9.357,5 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 36,1% tổng tài sản, trong đó dùng 7.038,5 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn; Bảo hiểm Bưu điện có 4.192,2 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 48% tổng tài sản, trong đó dùng 4.032,2 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn; Bảo Minh có 3.289,7 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 45,7% tổng tài sản, trong đó dùng 2.972,1 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn; Bảo hiểm Petrolimex có 3.125 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 46,9% tổng tài sản, trong đó 2.984,1 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn…

Biểu lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn của các ngân hàng liên tục được điều chỉnh tăng trong năm 2022, nhất là thời điểm cuối tháng 9, tháng 10/2022. Đây là cơ sở cho khối lượng 127.508,82 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn của 7 công ty bảo hiểm nói trên hưởng lợi.

Nhìn lại lịch sử, dữ liệu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, lãi suất có xu hướng tăng giai đoạn 2009 – 2011, sau đó giảm trong giai đoạn 2011 – 2015 và tăng trở lại kể từ năm 2016…

Trên thế giới, sau khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008, Fed duy trì mặt bằng lãi suất thấp tới năm 2016, sau đó tăng lãi suất cho đến năm 2019, rồi giảm trở lại nhằm kích cầu giai đoạn đại dịch Covid-19 năm 2020 và sang năm 2022 bắt đầu tăng mạnh lãi suất.

Xét doanh thu tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi ngân hàng) của 3 doanh nghiệp bảo hiểm điển hình là Bảo Việt, Bảo Minh và PVI, doanh thu này có xu hướng tăng từ năm 2009 đến năm 2011, trùng với thời điểm lãi suất trong nước tăng lên. Tuy nhiên, tới giai đoạn lãi suất giảm năm 2012 – 2015, doanh thu tài chính của nhóm doanh nghiệp bảo hiểm chững lại và bước sang giai đoạn 2017 – 2019 thì tăng trở lại.

Nhìn chung, doanh thu tài chính của nhóm công ty bảo hiểm có độ tương quan dương đối với xu hướng lãi suất của thị trường. Khi lãi suất tăng, doanh thu tài chính của nhóm bảo hiểm tăng; ngược lại, khi lãi suất giảm, doanh thu hoạt động tài chính có xu hướng giảm.

Thực tế, ngoài hoạt động kinh doanh bảo hiểm, doanh thu tài chính của các công ty bảo hiểm thường ở mức cao so với tổng lợi nhuận trước thuế. Cụ thể, tại Bảo Việt, giai đoạn 2008 – 2021, doanh thu tài chính trên lợi nhuận trước thuế đạt trung bình 339,7%, riêng năm 2021 là 375%. Tại Bảo Minh, doanh thu tài chính trên lợi nhuận trước thuế đạt trung bình 102,5% trong giai đoạn 2008 – 2021, trong đó năm 2021 là 102,5%. Đối với PVI, doanh thu tài chính trên lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2008 – 2021 đạt trung bình 150,7%, trong đó năm 2021 là 77,6%.

Với xu hướng lãi suất tăng từ đầu năm 2022 tới nay, giai đoạn 2022 – 2023, hoạt động tài chính của các công ty bảo hiểm được nhận định sẽ ghi nhận kết quả tích cực.

Kỷ nguyên mới của ngành bảo hiểm

(ĐTCK) – Các doanh nghiệp bảo hiểm đang thay đổi mạnh mẽ để bước vào một kỷ nguyên mới khi hành lang pháp lý được hoàn thiện hơn và số hóa vẫn là công cụ giúp hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra.

Luật mới, cơ hội mới

Trong năm 2023 cũng như thời gian tới, tác động lớn nhất tới hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm là Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 chính thức có hiệu lực, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng, thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung.

Những thay đổi của luật mới điều chỉnh trực tiếp các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm nên các văn bản hướng dẫn thi hành cần được đưa ra theo một lộ trình phù hợp để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, đáp ứng tốt nhất các quy định mới.

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, nhìn chung, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) hướng đến mục đích tăng cường tính minh bạch, chuẩn hóa các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, thúc đẩy tính hiệu quả và bền vững trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Chẳng hạn, trên phương diện thiết kế và phê chuẩn sản phẩm, những quy định cụ thể về giới hạn của các mức phí sẽ giúp chuẩn hóa các sản phẩm trên thị trường. Luật mới cũng giản lược quy trình nộp và phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm, giúp doanh nghiệp linh hoạt, thuận tiện và nhanh chóng hơn trong việc đưa các sản phẩm mới ra thị trường.

Theo bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 yêu cầu công ty bảo hiểm cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng và tăng cường các yêu cầu về trách nhiệm của người tư vấn. Những quy định này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng tốt hơn, đồng thời thúc đẩy việc nâng cao chất lượng và sự chuyên nghiệp trong hoạt động của đội ngũ tư vấn viên, qua đó tăng cường niềm tin của khách hàng đối với bảo hiểm.

“Tất cả những yếu tố này sẽ đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của ngành”, bà Tina Nguyễn nhấn mạnh.

Còn ông Sang Lee, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam đánh giá, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi không những không gây khó khăn cho các công ty bảo hiểm, mà còn là sự thay đổi cần thiết để giúp ngành bảo hiểm trưởng thành, minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn.

Theo ông Sang Lee, thị trường bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam vẫn còn non trẻ so với thế giới. Vì vậy, việc hoàn thiện hành lang pháp lý có ý nghĩa quan trọng, vừa bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng, vừa giúp ích cho chính nhà bảo hiểm.

“Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, nơi các doanh nghiệp bảo hiểm cần tìm kiếm sự cân bằng lành mạnh giữa lợi nhuận và mục tiêu hoạt động. Manulife Việt Nam cam kết đón nhận những thay đổi này và mang đến cho nhiều người hơn cơ hội tham gia vào một thị trường bảo hiểm an toàn, hiệu quả, minh bạch và bền vững”, ông Sang Lee nói.

Thúc đẩy số hóa, cải thiện trải nghiệm khách hàng

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, tính đến hết ngày 12/12/2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 251.306 tỷ đồng, tăng 15,09% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 68.201 tỷ đồng, lĩnh vực nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng.

IAV đánh giá, ngành bảo hiểm tiếp tục là “tấm lá chắn” vững chắc cho nền kinh tế và xã hội. Hàng năm, ngành chi trả hàng chục nghìn tỷ đồng tiền bồi thường và quyền lợi bảo hiểm cho các cá nhân, doanh nghiệp gặp rủi ro, góp phần ổn định ngân sách nhà nước. Theo đó, chi trả quyền lợi bảo hiểm tính đến ngày 12/12/2022 ước đạt 64.018 tỷ đồng (tăng 23,29% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.418 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 40.600 tỷ đồng.

Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho hay, trong năm 2022, vượt lên những khó khăn, thách thức chung của nền kinh tế sau dịch, các doanh nghiệp bảo hiểm đã linh hoạt và chủ động thích ứng để có thể phát triển ổn định. Vì vậy, thị trường bảo hiểm Việt Nam trong năm 2022 vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Các chỉ tiêu tổng tài sản, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm đều tăng xấp xỉ 15%, đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 12,5%.

“Đây là những con số ấn tượng trong bối cảnh hiện nay”, ông Trung nhấn mạnh.

Nhìn nhận về năm 2023, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đều cho rằng, dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng nếu phát triển thêm những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, chất lượng tư vấn, dịch vụ chăm sóc khách hàng cải thiện hơn, người tham gia bảo hiểm sẽ gia tăng.

Bà Tina Nguyễn chia sẻ, hiện nay, hầu hết hoạt động phục vụ khách hàng, quản lý tư vấn viên và vận hành doanh nghiệp của Generali Việt Nam đã được số hóa và đây là thời điểm Công ty gia tăng hiệu quả của quá trình chuyển đổi số này, tiến tới ứng dụng công nghệ số cho tất cả các quy trình chính, từ đó tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng phục vụ khách hàng, đồng thời tiết kiệm nguồn lực để phát triển kinh doanh mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, Generali Việt Nam cũng chủ động chuẩn bị cho việc tuân thủ các quy định mới, xem đây là cơ hội để tăng cường tính minh bạch và chuyên nghiệp hóa đội ngũ tư vấn viên.

“Không chỉ đơn giản là tuân thủ các quy định mới, chúng tôi sẽ nỗ lực để tăng cường tối đa việc thông tin minh bạch đến khách hàng và đảm bảo sự chuyên nghiệp của đội ngũ tư vấn viên để khách hàng ngày càng tin tưởng vào thương hiệu Generali”, bà Tina Nguyễn nói.

Tại Hanwha Life Việt Nam, đại diện hãng bảo hiểm nhân thọ này cho hay, với mục tiêu trở thành công ty bảo hiểm được tín nhiệm nhất, bên cạnh tiếp tục lấy khách hàng làm trọng tâm, phát triển mạng lưới đại lý kinh doanh và các điểm tư vấn khách hàng cũng được ưu tiên thúc đẩy. Theo đó, Hanwha Life Việt Nam sẽ gia tăng tìm kiếm, hợp tác với các đối tác kinh doanh có năng lực để mở rộng thị trường cũng như phát triển kênh phân phối mới, mang đến chất lượng phục vụ khách hàng tốt nhất. Đồng thời, chiến lược số hóa toàn diện tiếp tục được chú trọng nhằm tối ưu trải nghiệm khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, minh bạch thông tin, đặc biệt là trao cho khách hàng sự chủ động nhiều hơn khi tham gia bảo hiểm.

“Chúng tôi mong muốn gắn kết với khách hàng không chỉ trong một giao dịch mua bảo hiểm, mà còn là sự liên kết lâu dài, bền chặt về sau này”, ông Hwang Jun Hwan – Tổng giám đốc Hanwha Life Việt Nam nói.

Còn ông Damien Green – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Manulife Châu Á nói rằng, việc Chính phủ tăng tốc hỗ trợ quá trình số hóa là một lợi thế lớn của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ nói riêng, ngành bảo hiểm của Việt Nam nói chung so với các thị trường châu Á khác. Theo ông Damien Green, công nghệ mang lại nhiều cơ hội, giúp bảo hiểm trở nên dễ tiếp cận hơn, nhưng cũng cần được bổ sung bằng tương tác của con người để tạo ra sự kết nối.

“Manulife Việt Nam đang thúc đẩy yếu tố này thông qua việc tập trung vào cải thiện hành trình trải nghiệm bảo hiểm của khách hàng, đảm bảo đội ngũ tư vấn mang đến chất lượng tư vấn tốt nhất cho người tham gia bảo hiểm”, ông Damien Green nhấn mạnh.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

Quỹ Tài trợ khát vọng tương lai trao tặng gần 3 tỷ đồng học bổng cho sinh viên Việt Nam

(TBTCO) – Quỹ Tài trợ khát vọng tương lai đã trao tặng 107 suất học bổng, giá trị mỗi suất tương đương 15 – 30 triệu đồng, với tổng giá trị lên tới gần 3 tỷ đồng cho các em sinh viên trên khắp Việt Nam. Mục đích của đợt trao học bổng lần này của Quỹ nhằm hỗ trợ các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên trong học tập.

Quỹ Tài trợ khát vọng tương lai trực thuộc Tập đoàn Tài chính Mirae Asset, được thành lập vào tháng 4/2022 theo Quyết định số 281/QĐ-BNV. Quỹ bao gồm 4 thành viên sáng lập: Công ty bảo hiểm Nhân thọ Mirae Asset Prévoir, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), Công ty Tài chính Mirae Asset (Việt Nam), Công ty Quản lý Quỹ Mirae Asset (Việt Nam).

Trong tháng 12/2022, Quỹ Tài trợ khát vọng tương lai đã phối hợp cùng các trường đại học thuộc top đầu cả nước như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Hồ Chí Minh, Đại học Công Nghệ – ĐHQG Hà Nội và Đại học Công Nghệ Thông Tin – ĐHQG TP. Hồ Chí Minh tổ chức thành công nhiều buổi lễ trao học bổng cho các bạn sinh viên. Đây là các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhưng có ý chí vươn lên trong học tập, đạt được thành tích cao và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tập thể.

Tại chương trình, Quỹ Tài trợ khát vọng tương lai đã phối hợp cùng nhà trường trao tặng 107 suất học bổng, với tổng giá trị đạt gần 3 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn động lực giúp các em nỗ lực hơn nữa trong học tập, phấn đấu trở thành công dân toàn cầu trong tương lai, góp phần xây dựng đất nước.

Nhân dịp này, đại diện nhà trường cũng đã gửi lời cảm ơn đến Quỹ tài trợ, các thành viên sáng lập quỹ đã đồng hành cùng nhà trường không chỉ cấp học bổng mà còn hỗ trợ sinh viên về mặt tinh thần vô cùng to lớn.

  1. Tin quốc tế

Ấn Độ: Thị trường bảo hiểm nhân thọ sẵn sàng tăng trưởng nhanh

(AIR) – Swiss Re Institute (SRI) cho biết, doanh số phí bảo hiểm nhân thọ ở Ấn Độ ước tính tăng 8,0% theo giá trị thực vào năm 2022, lần đầu tiên vượt qua mức 100 tỷ USD.

Trong báo cáo có tiêu đề “Thị trường bảo hiểm của Ấn Độ: sẵn sàng cho sự tăng trưởng nhanh chóng”, SRI cho biết ước doanh thu tính phí bảo hiểm có tính đến tiềm năng thị trường của Ấn Độ cũng như các độ co giãn trong lịch sử.

Động lực tăng trưởng bao gồm tăng nhận thức về rủi ro, tăng nhu cầu đối với hợp đồng nhóm và môi trường pháp lý thuận lợi. Tăng cường các kênh phân phối kỹ thuật số là một lĩnh vực trọng tâm khác của các công ty bảo hiểm nhân thọ. Trải nghiệm đại dịch đã buộc các công ty bảo hiểm phải phát triển và tăng cường phân phối kỹ thuật số các sản phẩm của mình và giành quyền kiểm soát trực tiếp các mối quan hệ với khách hàng.

Ấn Độ là thị trường bảo hiểm nhân thọ lớn thứ chín trên thế giới với tổng doanh số phí bảo hiểm là 97,7 tỷ USD vào năm 2021. SRI dự báo rằng phí bảo hiểm sẽ tăng trung bình hàng năm là 9% theo giá trị thực trong thập kỷ tới, đưa Ấn Độ trở thành thị trường lớn thứ năm trên toàn cầu.

Thị trường nhân thọ vẫn kiên cường vượt qua đại dịch. Phí bảo hiểm thực tăng 3,4% vào năm 2020 và 8,5% vào năm 2021, cao hơn đáng kể so với xu hướng (CAGR 2010–2019: 1,6%).

Tác động của việc nâng cao nhận thức về rủi ro và sự phát triển thuận lợi của quy định pháp lý cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ về phí bảo hiểm doanh nghiệp mới và số tiền bảo hiểm vào năm 2021. Số tiền bảo hiểm khai thác mới tăng 17,5% tính theo đồng đô la Mỹ danh nghĩa vào năm 2021 so với năm trước, so với mức hàng năm trung bình là 7,1% từ năm 2017 đến năm 2021.

Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi việc tài chính hóa các khoản tiết kiệm từ vật chất (ví dụ: bất động sản) sang tài sản tài chính và ra mắt sản phẩm mới. Điều này chủ yếu dựa trên hợp đồng bảo hiểm nhóm, tăng 25% tính theo đồng đô la Mỹ danh nghĩa. Phí bảo hiểm cá nhân tăng 6,7% sau khi giảm 4,2% vào năm 2020 do gián đoạn liên quan đến đại dịch.

Theo ước tính của SRI, khoảng cách bảo vệ khỏi tử vong ở Ấn Độ ở mức 40,4 tỷ đô la (theo điều khoản phí bảo hiểm tương đương) vào năm 2021. Điều này chuyển thành khoảng cách bảo vệ khỏi tử vong trung bình là 91%, nghĩa là các nguồn tài chính sẵn có để hỗ trợ sinh kế của các thành viên gia đình còn sống và thanh toán các khoản nợ chưa thanh toán trong trường hợp người trụ cột trong gia đình qua đời sớm, chưa đến 9% tổng nhu cầu được bảo vệ.

Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ được bán ở Ấn Độ đều có liên quan đến tiết kiệm và chỉ có một thành phần bảo vệ nhỏ. Điều này khiến các hộ gia đình phải đối mặt với lỗ hổng tài chính lớn trong trường hợp người trụ cột gia đình qua đời sớm.

Pakistan: Cơ quan quản lý nhấn mạnh các động thái sẽ được thực hiện để nâng cao hình ảnh của ngành bảo hiểm

(AIR) – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Pakistan (SECP), ông Akif Saeed đã nhấn mạnh việc cải thiện hình ảnh doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm bằng cách giới thiệu các sản phẩm mới có giá trị lớn hơn cho các chủ hợp đồng, nâng cấp các tiêu chuẩn dịch vụ và đảm bảo tiết lộ kịp thời dữ liệu về khách hàng và yêu cầu bồi thường.

Ông nói điều này trong khi nói chuyện với đại diện của Hiệp hội Bảo hiểm Pakistan (IAP) và Giám đốc điều hành của các công ty bảo hiểm lớn, theo một tuyên bố truyền thông do SECP đưa ra.

Trong phiên họp, nhóm quản lý đã khuyến khích ngành chia sẻ các đề xuất và phản hồi về con đường phía trước cho sự phát triển lành mạnh và có trật tự của ngành bảo hiểm.

Đến lượt mình, những người tham gia trong ngành đề xuất thực hiện các chế độ bảo hiểm bắt buộc bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm bên thứ ba cho xe cơ giới.

Đặc biệt, IAP chỉ ra rằng thuế bán hàng đối với các dịch vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế và tái bảo hiểm do các cơ quan quản lý doanh thu cấp tỉnh gây cản trở đáng kể cho sự tăng trưởng của ngành. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến việc thu xếp tái bảo hiểm của ngành cũng đã được thảo luận trong cuộc họp.

Ông Akif đảm bảo với các đại diện của IAP về sự hỗ trợ tối đa của SECP đối với sự phát triển của ngành và loại bỏ các rào cản trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách của ngành.

Trung Quốc: Doanh thu bảo hiểm năm mới tập trung vào các kế hoạch tiết kiệm

(AIR) – Kể từ tháng 10/2022, khi công ty bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc, China Life, tiên phong tung ra một “khởi đầu thuận lợi” cho doanh số bán hàng năm 2023, các công ty bảo hiểm niêm yết lớn như Ping An, China Pacific và New China cũng đã bắt đầu bán hàng cho năm mới 2023.

Với sự sụt giảm hiện tại về lợi suất của các loại tài sản khác, các kế hoạch bảo hiểm tiết kiệm đã trở nên hấp dẫn hơn. Theo báo cáo của National Business Daily, các sản phẩm phổ biến nhất được bán bởi các công ty bảo hiểm nhân thọ trong năm mới là các gói “bảo hiểm niên kim + bảo hiểm trọn đời gia tăng”, đặc biệt dành cho các cá nhân có thu nhập trung bình và cao, nâng cao sức hấp dẫn của các sản phẩm này trước làn sóng lây nhiễm COVID hiện nay.

Một trung gian bảo hiểm nói với tờ báo rằng mặc dù chiến lược “Zero COVID” của chính phủ đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của các đại lý bảo hiểm trong thời gian ngắn, nhưng các dấu hiệu từ việc bán hàng sớm cho thấy hiệu quả hoạt động chung của các công ty bảo hiểm niêm yết là tốt.

Trong số các công ty bảo hiểm đã niêm yết, những công ty bắt đầu đợt bán hàng Tết sớm hơn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn vì họ ít bị ảnh hưởng bởi đỉnh điểm của làn sóng lây nhiễm đang tấn công quốc gia này kể từ khi chính phủ nới lỏng các hạn chế về COVID vào đầu tháng 12 năm 2022.

Một báo cáo của công ty dịch vụ chuyên nghiệp toàn cầu EY có tiêu đề “Đối mặt với các cơ hội trong thị trường quản lý tài sản cá nhân, hãy chào đón một khởi đầu mới và cùng nhau bắt đầu hành trình mới” đã chỉ ra ba đặc điểm trong nhu cầu quản lý tài sản hiện tại của người tiêu dùng. Đó là:

– Nhu cầu quản lý tài sản có thể thích ứng được.

– Doanh nghiệp bảo hiểm cần giúp người tiêu dùng giảm bớt những biến động khi họ trải qua các chu kỳ đầu tư và nhận ra những lợi ích lâu dài.

– Doanh nghiệp bảo hiểm phải tập trung vào các lĩnh vực có nhu cầu nóng. Một ví dụ hiện tại là nhu cầu rộng rãi đối với các sản phẩm quản lý tài sản của người cao tuổi.

Trong những năm gần đây, với sự bất ổn của thị trường ngày càng lớn và tình trạng già hóa dân số ngày càng sâu sắc, nhu cầu về quản lý tài sản ngày càng trở nên “ổn định” và nhu cầu về dịch vụ chăm sóc người cao tuổi có chất lượng cũng tăng lên. Các cá nhân cũng thể hiện sự đánh giá cao hơn đối với các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, y tế và lương hưu. Các công ty bảo hiểm nhận ra cơ hội thị trường và nhiều công ty quảng bá các hợp đồng bảo hiểm trị giá hàng triệu nhân dân tệ bao gồm các dịch vụ chăm sóc người già tại nhà.

Phí bảo hiểm phi nhân thọ Ấn Độ tăng gần 15%

(INA) – Theo một báo cáo của CareEdge Ratings, phí bảo hiểm phi nhân thọ của Ấn Độ đã tăng từ 16 tỷ USD trong năm 2017 lên hơn 27 tỷ USD trong năm 2022, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) gần 11,5%.

Sự tăng trưởng này là do thu nhập bình quân đầu người tăng, đổi mới và tùy chỉnh sản phẩm, phát triển các kênh phân phối mạnh mẽ và nâng cao hiểu biết về tài chính của người dân.

Trong nửa đầu năm tài chính 2022-2023, ngành đã tăng trưởng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY), so với mức 12,6% YoY nửa đầu năm tài chính 2021-2022.

Bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục là những nghiệp vụ đóng góp chính với 66% trong tổng phí bảo hiểm trực tiếp trong năm 2022. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, phí bảo hiểm sức khỏe vẫn là động lực tăng trưởng chính của ngành bảo hiểm phi nhân thọ ở Ấn Độ. Phân khúc này đã tăng trưởng 26,2% trong năm tài chính 2022, gấp đôi mức tăng trưởng 12,2% trong năm tài chính 2021.

Phí bảo hiểm theo phân khúc tăng mạnh do thu nhập phí bảo hiểm của các công ty tư nhân và công ty bảo hiểm sức khỏe độc lập (SAHI) tăng mạnh. Mức tăng trưởng phí bảo hiểm của SAHI tiếp tục cao hơn đáng kể so với mức trung bình của ngành do đó cải thiện thị phần của họ. Phân khúc Bảo hiểm Sức khỏe Nhóm đang chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể khi tỷ lệ tăng lên do định giá lại phí bảo hiểm, lạm phát y tế và phạm vi bảo hiểm được tăng cường.

Trong khi đó, Bảo hiểm Hỏa hoạn và Mùa màng, mỗi mảng đóng góp khoảng 10% đến 15% vào tổng phí bảo hiểm trực tiếp. Các nghiệp vụ khác chiếm phần còn lại.

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng từ 13% đến 15% trong trung hạn, chủ yếu nhờ sự phổ biến của các sản phẩm/chương trình bảo hiểm sức khỏe, nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới do mức thu nhập bình quân đầu người và thu nhập khả dụng dự kiến sẽ tăng, khối lượng giao dịch lớn hơn trong các phân khúc như hỏa hoạn, hàng hải, tín dụng xuất khẩu, các sản phẩm theo yêu cầu, đặc biệt là bảo hiểm xe máy và bảo hiểm sức khỏe, đồng thời dần dần giới thiệu các sản phẩm mới.

“Nhìn chung, triển vọng dự kiến sẽ ổn định trong trung hạn. Tuy nhiên, sự gia tăng cạnh tranh và môi trường địa chính trị không chắc chắn cũng như lạm phát cao có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và sau đó là lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ,” CareEdge cho biết.

Zurich Nhật Bản và Aflac bị lấy cắp dữ liệu

(INA) – Zurich Insurance Co., chi nhánh Nhật Bản của Zurich Insurance Group Ltd., và Aflac Life Insurance Japan Ltd. đã bị vi phạm dữ liệu khiến thông tin cá nhân của 2 triệu khách hàng bị đánh cắp.

Theo Aflac, vi phạm đã ảnh hưởng đến 1.323.468 chủ hợp đồng ba loại sản phẩm bảo hiểm ung thư, bao gồm họ, tuổi, giới tính và thông tin bảo hiểm.

Tại Bảo hiểm Zurich, địa chỉ email, ID khách hàng và tên ô tô của tối đa 757.463 chủ hợp đồng bảo hiểm ô tô đã bị rò rỉ. Thông tin bị ảnh hưởng không bao gồm số thẻ tín dụng, chi tiết tài khoản ngân hàng và hồ sơ tai nạn.

Cho đến nay, chưa có báo cáo nào về việc sử dụng trái phép thông tin bị đánh cắp. Hai công ty hiện đang tiến hành một cuộc điều tra chi tiết và đang giải quyết các thắc mắc của khách hàng.

Manulife Hồng Kông bổ nhiệm tân CEO

(INA) – Manulife đã bổ nhiệm Patrick Graham làm Giám đốc điều hành mới của Manulife Hồng Kông và Ma Cao, giám sát hoạt động kinh doanh của Manulife tại hai thị trường này. Ông cũng trở thành thành viên của Ban Điều hành Châu Á và Ban Lãnh đạo Toàn cầu của Manulife.

Graham mang theo mình hơn 25 năm kinh nghiệm lãnh đạo trong ngành dịch vụ tài chính và bảo hiểm. Ông gia nhập Manulife từ Cigna, nơi ông đã phụ trách một số thị trường lớn ở nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao khác nhau trong hơn một thập kỷ với vị trí cuối cùng là Giám đốc điều hành Châu Á Thái Bình Dương. Trước Cigna, ông đã có 14 năm đảm nhiệm nhiều vai trò điều hành cấp cao khác nhau tại GE Capital. Ông cũng từng là Giám đốc và Thủ quỹ của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN trong gần ba năm.

“Tôi rất vui khi được gia nhập đội ngũ chiến thắng của Manulife và vinh dự được điều hành hoạt động kinh doanh của một công ty bảo hiểm nhân thọ đáng tin cậy, hàng đầu và có tầm nhìn xa như vậy ở Hồng Kông và Ma Cao. Tôi chia sẻ tham vọng của công ty trong việc cải thiện sức khỏe, thể trạng và tương lai tài chính của mọi người, đồng thời cố gắng duy trì vị thế là công ty bảo hiểm số 1 toàn châu Á tại Hồng Kông,” ông Graham nói.

Nền tảng phần thưởng Hồng Kông Bloom hợp tác với ba công ty bảo hiểm vi mô

(INA) – Bloom, nền tảng phần thưởng có trụ sở tại Hồng Kông, đã hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm vi mô ZA Insure Select, YAS Microinsurance và Avo Insurance, cho phép khách hàng của mình tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm từ ba công ty này.

Bloom cho phép bất kỳ chủ thẻ Visa nào do ngân hàng Hồng Kông phát hành kiếm được Bloom Coins với mỗi lần mua hàng họ thực hiện trên toàn cầu. Những đồng xu này có thể được đổi lấy hơn 18 loại tiền điện tử khác nhau, mã thông báo không thể thay thế (NFT), cũng như phiếu mua hàng và phiếu giảm giá của người bán.

Với quan hệ đối tác, người dùng ứng dụng Bloom đã đăng ký giờ đây sẽ có thể đổi Xu Bloom của họ để lấy phiếu thưởng có mã phiếu giảm giá. Sau đó, mã đó có thể được sử dụng trên trang web của công ty bảo hiểm vi mô có liên quan cho ưu đãi hoặc ưu đãi chiết khấu cụ thể.

Để đẩy nhanh việc áp dụng, các thành viên mới của Bloom có thể được thưởng Bitcoin trị giá 2 đô la Mỹ bằng cách liên kết bất kỳ thẻ Visa nào với ứng dụng Bloom trên toàn cầu.

Người dùng mới cũng sẽ có thể nhận thêm Bitcoin trị giá 2 đô la Mỹ bằng cách thực hiện giao dịch với bất kỳ số tiền nào tại các doanh nghiệp trực tuyến hoặc ngoại tuyến được chọn ở Hồng Kông.

Tập đoàn FWD bổ nhiệm tân Giám đốc Rủi ro

(INA) – Tập đoàn FWD đã thông báo bổ nhiệm ông Jeremy Porter làm Giám đốc Rủi ro Tập đoàn. Quyết định có hiệu lực sau khi được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Porter sẽ là thành viên của Ban Điều hành Tập đoàn và sẽ báo cáo trực tiếp với ông Huỳnh Thanh Phong, Tổng Giám đốc kiêm thành viên HĐQT Điều hành của Tập đoàn FWD.

Porter gia nhập FWD từ AXA, nơi ông giữ vị trí tương tự cho Hồng Kông và Ma Cao. Porter có hơn 30 năm kinh nghiệm trong các vai trò khác nhau về rủi ro, tài chính và chuyên gia định phí. Ông sẽ lãnh đạo các bộ phận tuân thủ và rủi ro của Tập đoàn, kế nhiệm Niall Grady, người đã từng giữ chức vụ Giám đốc Rủi ro tạm thời của Tập đoàn và Giám đốc Tuân thủ của Tập đoàn kể từ tháng 4 năm 2022.

Ông Niall sẽ vẫn giữ vai trò là Giám đốc Tuân thủ của Tập đoàn và sẽ báo cáo lên ông Jeremy.

BTV (Tổng hợp).