Tiền gửi bằng vàng, ngoại tệ vẫn “ngoài vòng” bảo hiểm

 Dự luật Bảo hiểm tiền gửi một lần nữa lại gây tranh luận trái chiều tại UB Thường vụ QH chiều 21/3 về vấn đề có hay không bảo hiểm cho vàng, ngoại tệ gửi tại ngân hàng. Quan điểm chỉ bảo hiểm tiền gửi bằng đồng Việt Nam được UB Kinh tế bảo vệ.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, sau kỳ họp Quốc hội cuối năm 2011, đã có 56 đoàn đại biểu, 9 đại biểu và 1 bộ tiếp tục đóng góp ý kiến đối với dự án luật này. Kết quả tổng hợp cho thấy vẫn có 2 loại ý kiến về vấn đề loại tiền gửi được bảo. Bên cạnh 26 đoàn, 7 đại biểu, 1 bộ nhất trí với quy định của dự thảo luật là chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi bằng đồng tiền Việt Nam thì có 9 đoàn, 1 đại biểu đề nghị xem xét việc bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý (vàng…) vì nhà nước đang khuyến khích kiều hối và thu hút tiền gửi bằng ngoại tệ.

UB Kinh tế bảo lưu quan điểm, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam ngoài việc cấm sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam cũng không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ mà nên bán lại cho ngân hàng. Khi người dân quyết định giữ tài sản của mình dưới dạng ngoại tệ hay kim loại quý là một hình thức tự phòng ngừa rủi ro do lo ngại sự mất giá của đồng nội tệ.

Việc bảo hiểm tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý sẽ tạo tâm lý thiếu tin tưởng vào sự ổn định của giá trị đồng tiền, có thể gây xáo trộn thị trường tiền tệ, khó kiểm soát hiệu quả quá trình điều hành chính sách tiền tệ. Để huy động vàng thuộc sở hữu của người dân đưa vào đầu tư phát triển sản xuất, Chính phủ cần có đề án huy động và sử dụng phù hợp.

“Chốt” lại các lập luận, cơ quan thẩm tra dự án luật nhất trí quan điểm quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng nêu 5 vấn đề còn tranh luận khác gồm: đối tượng được bảo hiểm tiền gửi, mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi, mô hình hoạt động và chức năng giám sát của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm.

alt

Nhà nước không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ mà nên bán lại cho ngân hàng.

UB Kinh tế đề nghị chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân.

Về hạn mức trả tiền bảo hiểm, cơ quan thẩm tra cho rằng, để bảo đảm tính minh bạch và tạo lòng tin cho người dân, về lâu dài cần quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm cụ thể ngay trong luật. Tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể đang tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi còn hạn chế, đồng thời nhằm tăng tính linh hoạt trong điều hành cần giao Thủ tướng quy định và điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm theo từng thời kỳ trên cơ sở đề xuất của NHNH Việt Nam.

Cũng trong chiều 21/3, UB Thường vụ QH cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền.  

Về nội dung mô hình cơ quan thông tin phòng chống rửa tiền, UB Kinh tế cho biết, Cục phòng chống rửa tiền trực thuộc NHNN thành lập từ năm 2006 đến nay vẫn hoạt động tốt, thuận lợi, phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan.

Tuy nhiên nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về vai trò của CQĐT – Bộ Công an trong việc phòng, chống rửa tiền. Nếu quy định như dự luật, Trung tâm thông tin về phòng chống rửa tiền còn đứng trên cả CQĐT vừa bất hợp lý vừa khó khả thi.

Tổng hợp các ý kiến, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật và giải thích rõ hơn về quy định cơ quan phòng, chống rửa tiền.

Về nội dung giá trị giao dịch đáng ngờ được giao cho Chính phủ quy định trong từng giai đoạn, thời kỳ, các ý kiến trong UB Thường vụ cơ bản tán thành nhưng yêu cầu giải trình rõ hơn thế nào là đáng ngờ, tùy thuộc vào thực tế phát sinh tội phạm rửa tiền.

Ngoài ra dự luật cũng cần liệt kê cụ thể các hành vi bị cấm vì trong dự thảo Luật vẫn còn thiếu. Theo Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu liệt kê đầy đủ các hành vi bị cấm sẽ giúp Luật minh bạch và rõ ràng.

(Dân Trí).

Comments are closed.