Thấy gì qua “cuộc đua” tăng lãi suất?

nganhang.jpgCuộc đua lãi suất đã tạm dừng sau khi Ngân hàng Nhà nước ra Công điện số 02 “để đảm bảo an toàn thanh toán của các ngân hàng thương mại và ổn định thị trường tiền tệ”…Sau những gì xảy ra, hẳn đã có nhiều bài học được rút ra. Nói như TS.Bùi Khắc Sơn – Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) – khi trả lời phỏng vấn TBTCVN: “Ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, nó đòi hỏi trước hết là sự hợp tác rồi sau mới nói cạnh tranh…”

 

TS. Bùi Khắc Sơn: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 1% và dự kiến phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc để thu hồi bớt tiền trong lưu thông về. Gần đây do ảnh hưởng tâm lý của người gửi tiền, của lãnh đạo các tổ chức tín dụng luôn luôn lo lắng mất khả năng thanh khoản, chính vì vậy họ càng co cụm lại làm cho thị trường liên ngân hàng hoạt động kém hiệu quả. Ví dụ: Ngân hàng A dư chút vốn, ngân hàng B thiếu lại không được hỗ trợ mà nâng lãi suất lên và đòi các khoản cho vay khác về…Việc này đã dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh, đó chính là cạnh tranh bằng lãi suất. Điều luẩn quẩn là lãi suất tăng nhưng chính người gửi tiền lại không yên tâm. Những động thái trên ảnh hưởng tới cả sản xuất và hoạt động tài chính của các ngân hàng khác bởi ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, nó đòi hỏi trước hết là sự hợp tác rồi sau mới nói cạnh tranh. Trong các công cụ cạnh tranh, người ta rất hạn chế việc cạnh tranh bằng lãi suất mà phải bằng chất lượng dịch vụ và quản lý rủi ro. Những giải pháp mạnh mẽ của NHNN trong thời gian gần đây để vãn hồi tình trạng chạy đua về lãi suất tôi cho là rất tích cực tại thời điểm này.

 

PV: NHNN vừa có quyết định phát hành tín phiếu bắt buộc nhưng ngay lập tức sau một tuần lại bơm vốn ra thị trường. Giữa nguồn vốn này và nguồn vốn kia có gì khác nhau và ông bình luận như thế nào về phản ứng của thị trường, thưa ông?

TS. Bùi Khắc Sơn: Rất khác nhau. Thứ nhất, đối với tín phiếu bắt buộc, bản thân chữ “bắt buộc” đã rất đặc biệt, kỳ hạn 364 ngày cũng là đặc biệt, và điều đặc biệt nữa là tín phiếu này không được thế chấp hay chiết khấu tại NHNN. Trong khi đó, tôi thấy rằng phản ứng của thị trường là hơi vội vã vì tới tận ngày 17/3 mới có những chương trình như vậy nhưng ngay lập tức người ta đã phòng thủ, ngân hàng nào cũng dứt khoát giữ chặt túi tiền của mình làm cho thị trường thiếu nguồn vốn đảm bảo khả năng thanh khoản một cách giả tạo. Còn việc NHNN bơm vốn ra thì: thứ nhất, bơm ra có thể thu về bất cứ lúc nào, không phải như tín phiếu bắt buộc kia, tiền này không phải ra rồi 364 ngày mới quay về mà có thể ngay ngày mai nó quay về và nếu nơi khác cần thì lại bơm ra tiếp. Tôi cho rằng đấy là những hoạt động rất thị trường của NHNN và việc này mang ý nghĩa tích cực hơn khi mà giải quyết được tâm lý của các ngân hàng là luôn luôn lo lắng mất khả năng thanh khoản.

PV: Với tư cách là người đứng đầu định chế tài chính thay mặt Chính phủ bảo vệ người gửi tiền và giám sát an toàn hoạt động ngân hàng, đồng thời từng nhiều năm ở cương vị lãnh đạo một trong năm ngân hàng thương mại lớn nhất, sau sự kiện này, ông có cảnh báo gì đối các tổ chức tín dụng và người gửi tiền, thưa ông?

TS. Bùi Khắc Sơn: Với vai trò là tổ chức bảo vệ người gửi tiền, tôi cho rằng hệ thống tài chính có ổn định, phát triển mới hỗ trợ được cho sản xuất và từ đó đời sống của người dân mới được nâng cao. Bất cứ động thái chính sách nào của Nhà nước đều nhằm tạo điều kiện hướng tới mục tiêu như vậy. Vì thế, người dân nên tin tưởng vào các kế hoạch, chương trình mà Nhà nước đang triển khai. Còn những biến động của thị trường là tất yếu trong khi tác động của các chính sách luôn có độ trễ nhất định, chúng ta nên bình tĩnh để xem xét giải quyết.

Trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi, tôi cũng nhấn mạnh tới việc áp dụng chuẩn mực quốc tế về đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng theo hiệp ước Basel1, Basel2. Hoạt động ngân hàng thường liên quan tới rủi ro tín dụng, nhưng rủi ro khác hay gây đổ vỡ là rủi ro thanh khoản. Rủi ro tín dụng có thể vay mượn dài dài rồi giải quyết, nhưng rủi ro thanh khoản, nếu quản lý không tốt rất có thể gây đổ vỡ ngay. Một ví dụ thực tế gần đây nhất trên thị trường tài chính quốc tế, đó là trường hợp đổ vỡ của ngân hàng Northen Rock – ở Anh – vì ảnh hưởng lan truyền của cuộc khủng hoảng cho vay nhà đất tại Mỹ đều liên quan tới khả năng thanh khoản và liên quan tới niềm tin của người gửi tiền. Mặc dù Mỹ là trung tâm chấn động, nhưng hệ thống bảo hiểm tiền gửi ở nước này hoạt động tốt nên người dân yên tâm với chính sách của các cơ quan quản lý tiền tệ. Do đó, người ta đã bình tĩnh giải quyết và không có xáo động gì lớn trong hệ thống tài chính ngân hàng. Ở Việt Nam, tôi cho rằng, các ngân hàng thương mại cần quan tâm nghiên cứu về hoạt động quản trị rủi ro trong thanh khoản và những biến động về chính sách. Đồng thời, các ngân hàng và cơ quan quản lý Nhà nước cần có giải pháp để đảm bảo quyền lợi người gửi tiền – với số lượng rất đông, hiện có hàng chục triệu người đang gửi tiền tại hệ thống các tổ chức tín dụng – được hưởng lãi suất dương so với chỉ số tăng giá. Mặt khác, các ngân hàng cũng rà soát lại các khoản đầu tư nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả đầu tư để có thể bảo đảm được quyền lợi của người gửi tiền. Ý tôi muốn nói là thay vì chạy đua tăng lãi suất, các ngân hàng có thể chấp nhận lợi nhuận ở mức hợp lý hơn và chia sẻ với các nhà đầu tư, người gửi tiền. Nếu như có một mức lãi suất hợp lý và người dân hiểu rõ các thông tin về chính sách, người ta sẽ yên tâm hơn và hệ thống tài chính- ngân hàng quốc gia sẽ phát triển lành mạnh, lạm phát sẽ được kiềm chế.

PV: Xin cảm ơn ông.

 

Bài đăng trên Thời báo Tài chính sô 29 ngày 7/3/2008

 

Comments are closed.