Thực hiện Luật Bảo hiểm y tế: Giảm quá tải, tăng chất lượng khám chữa bệnh

Nơi chờ nhận thuốc của Bệnh viện Phước An quá chật hẹp so với lượng bệnh nhân khám BHYT.Sau 2 năm thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc và tự nguyện ở TPHCM tăng 45% so với trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế khiến người bệnh chưa hài lòng với BHYT. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM về những vấn đề bạn đọc quan tâm về chính sách BHYT hiện nay.

°PV: Thưa ông, số người tham gia BHYT ngày càng tăng cao nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho khám chữa bệnh (KCB) ở TPHCM vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, quá tải, người bệnh phải chờ đợi để được KCB…

°Ông CAO VĂN SANG: Dù có thẻ hay không có thẻ BHYT mà có bệnh đều phải đến bệnh viện (BV) để chữa bệnh. Do đó, không phải quá tải là vì nhiều người tham gia BHYT. Đã quá tải thì sẽ dẫn tới chờ đợi và ảnh hưởng đến chất lượng chữa bệnh. Bên cạnh đó vẫn còn hiện tượng ưu đãi cho diện KCB dịch vụ, thiếu nhiệt tình với người có thẻ BHYT dẫn tới bức xúc của một số người bệnh có BHYT. Trong kế hoạch triển khai thực hiện Luật BHYT trên địa bàn TPHCM, UBND TPHCM đã yêu cầu ngành y tế chỉ đạo các cơ sở KCB bố trí, sắp xếp nhân sự và điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức khám chữa bệnh cho đối tượng có BHYT nhằm hạn chế tình trạng quá tải, tránh phân biệt đối xử… Đó là một trong các giải pháp khắc phục hạn chế này.

°Năm 2010 là năm đầu tiên Quỹ BHYT ở TPHCM có kết dư, số tiền này được ưu tiên sử dụng vào mục đích nào?

°Năm 2010 kinh phí kết dư từ quỹ KCB BHYT của TPHCM là 95 tỷ đồng. BHXH Việt Nam thông báo sẽ phân bổ 38,49 tỷ đồng để TP có kế hoạch đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của các cơ sở KCB. Hiện BHXH Việt Nam đã tạm ứng trước cho TP hơn 23 tỷ đồng. Liên Sở Y tế – Tài chính và BHXH TP đã đề xuất TP sử dụng kinh phí này để mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác KCB cho tuyến y tế cơ sở (phường, xã và BV quận, huyện). Đây là cách gián tiếp phục vụ lại cho người tham gia BHYT và đúng theo quy định trong Luật BHYT.

°Nhiều ý kiến cho rằng nên sớm điều chỉnh chi phí KCB, dịch vụ, danh mục thuốc chữa bệnh cho phù hợp với thực tế để nâng cao chất lượng KCB. Quan điểm của ông ra sao?

°Tôi không nghĩ rằng các vướng mắc trong quyền lợi cho người có thẻ BHYT là do chi phí KCB thấp. Về danh mục thuốc, Bộ Y tế vẫn cập nhật hàng năm. Nếu nói nâng viện phí để nâng cao chất lượng KCB chỉ đúng một phần. Thậm chí, nói như vậy là xem thường y đức của y, bác sĩ vì công khám bệnh thấp nên chỉ khám qua loa? Theo tôi, chất lượng chưa tốt là do quá tải. Nâng viện phí chưa thể giải quyết quá tải nên chưa thể cải thiện triệt để chất lượng KCB.

°Thời gian qua đã xảy ra một số vụ rút ruột, lạm dụng quỹ BHYT, trong đó có vai trò của bác sĩ – người kê toa thuốc, chỉ định xét nghiệm, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cao… Làm thế nào để phát hiện, ngăn chặn tình trạng này?

°Trước hết cần nâng cao số lượng và chất lượng giám định viên. Hiện nay, lực lượng giám định viên quá mỏng, đảm nhận thẩm định số lượng hồ sơ quá lớn nên khó ngăn chặn hết các tiêu cực. Với trách nhiệm là người quản lý quỹ, chúng tôi phải tiếp tục tìm các biện pháp để ngăn chặn việc thất thoát, lạm dụng quỹ. Một vấn đề quan trọng khác là trách nhiệm của lãnh đạo các bệnh viện trong việc nhắc nhở nội bộ thực hiện nghiêm túc để sử dụng hợp lý chi phí KCB, không gian lận quỹ… Ngoài ra, cần có hình thức xử phạt theo hướng tăng nặng để ngăn chặn các hành vi lạm dụng. Báo chí và sự phê phán của công luận có vai trò rất tích cực trong việc ngăn chặn tiêu cực.

°Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tự nguyện ở TPHCM tăng so với trước đây là tín hiệu mừng nhưng kèm theo đó là nỗi lo mất cân đối quỹ, vì sao?

°Hiện nay, số người tham gia BHYT tự nguyện tại TP là 690.000 người (tăng 200.000 người trong 5 tháng đầu năm 2010), nhưng đa số đều có bệnh nặng, mãn tính, nan y… Năm 2010, quỹ đã bội chi trên 730 tỷ đồng cho nhóm bệnh nhân này. Nếu tất cả người dân còn lại (thêm 2,5 triệu người nữa) tham gia BHYT thì quỹ BHYT sẽ không bội chi. Cần vận động, thuyết phục những người còn lại cùng đóng BHYT tự nguyện để chia sẻ khó khăn và tự bảo vệ mình nếu không may bị bệnh tật. Việc này, cơ quan BHXH không tự làm được mà cần sự giúp sức của cộng đồng.

°Để thực hiện mục tiêu hoàn thành BHYT toàn dân đến năm 2014, theo ông giải pháp nào quan trọng nhất?

°Trước hết phải làm cho mọi người dân TP nhận thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và cho bản thân mình. Ngoài tăng cường vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và tự giác tham gia, điều quan trọng là phải đầu tư nâng cao chất lượng KCB, không được phân biệt đối xử giữa người có thẻ với KCB dịch vụ; khắc phục cơ bản tình trạng quá tải… Ngoài ra, cũng không thể xem nhẹ tính chất “bắt buộc” vì không bắt buộc thì không bao giờ có sự đồng thuận tuyệt đối để đạt được chỉ tiêu “toàn dân”.

KHÁNH BÌNH
Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG.

Comments are closed.