Thực hiện BH nông nghiệp: Làm gì để người nghèo không bị thiệt?

KTNT- Bộ Nông nghiệp và PTNT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm BHNN tại 20 tỉnh, thành phố. Nhiều người cho rằng, vấn đề cốt yếu là làm sao giải quyết được mâu thuẫn giữa sản xuất lớn với người nghèo?


Hộ nghèo bị thiệt?

Theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đối tượng được hỗ trợ BHNN là nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm giai đoạn 2011-2013. Nguyên tắc lựa chọn địa bàn triển khai là địa phương phải có quy mô sản xuất lớn, mang tính đại diện cho đối tượng được BH; các huyện, xã được lựa chọn phải đảm bảo tính đại diện, cân đối trong khu vực thuận lợi cho việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng; đảm bảo nguyên tắc số đông bù số ít; phù hợp với chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Nhà nước.
Nông dân khi tham gia phải có trình độ sản xuất ở mức trung bình trở lên trong vùng; thực hiện quy trình sản xuất, canh tác, chăn nuôi, thủy sản, phòng dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương.

Đối với cây lúa, Dự thảo chỉ rõ, mỗi tỉnh chọn 3 huyện; mỗi huyện chọn 3 xã, trong mỗi xã chọn
các cánh đồng chuyên sản xuất 2 vụ lúa và có diện tích đất canh tác từ 5ha trở lên. Năng suất lúa (theo vụ tương ứng) được BH trong vùng, lấy trung bình năng suất lúa theo vụ (đông xuân, hè thu, mùa) trong 3 năm gần nhất (trong điều kiện bình thường) làm căn cứ tính BH cho vụ sản xuất tương ứng; nếu bình quân năng suất thu hoạch thực tế của vùng nhỏ hơn 75% năng suất bình quân vụ sản xuất trong 3 năm gần nhất thì được hỗ trợ BH…

Theo ông Nguyễn Trọng Hoan, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định, một trong những điểm dẫn tới thất bại của các lần triển khai BHNN trước đó là thủ tục, giấy tờ phức tạp, do đó, lần này cần phải nghiên cứu kỹ, làm sao khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, nông dân chỉ cần báo với chính quyền địa phương, còn chính quyền địa phương phải có trách nhiệm báo cáo với đơn vị thực hiện BHNN. Ngoài ra, việc xác định mốc thời gian làm căn cứ tính BH cần giao cho địa phương làm, vì khung thời vụ của mỗi tỉnh khác nhau.

Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, chăn nuôi bò thịt chưa phải là sản xuất hàng hóa lớn mà còn phân tán nhỏ lẻ trong dân cư, vì thế việc chỉ chọn bò thịt hay bò sữa ở một số địa phương là không hợp lý, cần phải đưa tất cả các loại gia súc vào thí điểm BH đợt này. Đặc biệt, tiêu chí nông dân phải có trình độ ở mức sản xuất trung bình trở lên trong vùng cũng không phù hợp, bởi theo Quyết định 315, đối tượng chính tham gia BHNN là các hộ nông dân nghèo, mà đã nghèo thì trình độ sản xuất bị hạn chế.

Nên chọn sản xuất tập trung

Theo Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, các loại thiên tai được BH gồm có bão, lũ lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá. Còn dịch bệnh với cây lúa là vàng lùn, lùn xoắn lá, rầy nâu; trâu, bò là lở mồm long móng; tôm sú là bệnh đốm trắng, đầu vàng; tôm chân trắng là đốm trắng, đầu vàng, hội chứng Taura… Với nuôi tôm, những vùng được chọn phải có tính đại diện, điều kiện là những cơ sở, vùng nuôi tôm sú… phải được đăng ký áp dụng quy phạm VietGAHP hoặc được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo kỹ sư Nguyễn Văn Khởi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng, hiện số người nuôi tôm theo quy trình Global, VietGAHP… trên địa bàn tỉnh rất ít, chỉ khoảng 20%, chủ yếu là những người có điều kiện mới thực hiện được. Đó là chưa kể, 10 năm qua tỉnh Sóc Trăng đã 2 lần dự báo có sóng thần, trong khi Thông tư lại không đề cập tới loại thiên tai này. Ông Khởi đề xuất, nên đưa thêm loại thiên tai này vào, đồng thời bổ sung thêm bệnh hoại tử gan trên tôm vì đây là bệnh đang làm hàng nghìn hécta tôm bị chết.

Ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, trên thế giới, BHNN được chính phủ hỗ trợ. Tại Việt Nam, sau nhiều năm thực hiện, bây giờ chúng ta mới có một chính sách đầy đủ và bài bản để triển khai BH. Tuy nhiên, theo Thông tư đưa ra, đối với chăn nuôi bò sữa, bò thịt thì phải có quy mô từ 2 con trở lên, điều đó đồng nghĩa với việc nhiều hộ nghèo bị loại khỏi BHNN. Vì thế, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần tính toán thật kỹ vấn đề này.
Thừa nhận Thông tư còn một số điều chưa hợp lý, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hùng khẳng định đây mới chỉ là Dự thảo, sau khi lấy ý kiến, Bộ mới đưa ra Thông tư đầy đủ và hoàn chỉnh hơn. Ông Hùng cho biết: “Trước đây, các doanh nghiệp đã triển khai BHNN trên một số cây trồng nhưng chưa bài bản nên thất bại. Tuy nhiên, phải thừa nhận, việc triển khai BHNN ở nước ta gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, không phải loại thiên tai, dịch bệnh nào cũng được tham gia BH; thứ hai, giữa quy mô lớn và quy mô nhỏ, nếu chúng ta làm không khéo thì đối tượng nghèo sẽ bị loại, còn nếu làm hết thì không khả thi. Thứ ba, đó là mâu thuẫn giữa quy trình chăn nuôi thú y và đạt chuẩn với chăn nuôi truyền thống của nông dân; mâu thuẫn giữa chăn nuôi quảng canh và thâm canh…”.

Theo ông Hùng, thực tế cho thấy, có 2 yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của BHNN. Thứ nhất, địa phương phải chọn những vùng sản xuất tập trung, mang tính đại diện để sau này nhân rộng. Thứ hai, các quy định phải gắn với thực tế, theo đó phải thành lập một số loại hình quỹ, ví dụ Quỹ bảo hiểm để doanh nghiệp dùng làm phát sinh lợi nhuận khi không có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Làm như thế, chúng ta sẽ tránh được kiểu “cứu tế” mà lâu nay vẫn làm.

Đối tượng được bảo hiểm và địa bàn thực hiện

1. Thực hiện BH đối với cây lúa nước tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang và Đồng Tháp.

2. Thực hiện BH đối với vật nuôi: lợn thịt tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai; gà thịt, gà đẻ tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Đồng Nai; bò sữa tại Hà Nội, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai; bò thịt tại Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định và Đồng Nai.

3. Thực hiện BH đối với nuôi thủy sản: cá tra tại Bến Tre, Trà Vinh; tôm sú, tôm chân trắng tại Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng.

Khi bị thiệt hại toàn bộ, mất trắng hoặc buộc phải tiêu hủy, nông dân được cơ quan có thẩm quyền xác nhận/quyết định thì sẽ được bồi thường 100%.

Quỳnh Hương
Báo điện tử Kinh tế nông thôn

Comments are closed.