Ngày 8/12/2010, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện Nghị định số 107/2010/NĐ – CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định số 108/2010/NĐ – CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cà nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động, áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Thứ trưởng Phạm Minh Huân chủ trì Hội nghị.
Căn cứ ban hành quy định mức lương tối thiểu vùng đối với các loại hình doanh nghiệp nêu trên được dựa trên lộ trình của Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008 – 2012, trong đó xác định từ năm 2008 – 2012 mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh hàng năm để thực hiện lộ trình thống nhất mức lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp và công bố trước thời điểm áp dụng từ 1 đến 2 tháng để doanh nghiệp chuẩn bị phương án thực hiện.
Mức lương tối thiểu này được tính toán dựa trên chỉ tiêu dự báo mức tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2010 là 6,5% và tình hình thực hiện 9 tháng đầu năm 2010; chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2010 tăng 6,46% so với tháng 12/2009 (11 tháng đầu năm 2010 tăng 9,58% so với tháng 12/2009) và mức tăng tiền công trên thị trường thông qua số liệu điều tra, khảo sát các doanh nghiệp năm 2010.
Trước khi trình Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức 5 cuộc hội thảo lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các nhà đầu tư và nhận được sự đồng thuận rất cao.
Mức lương tối thiểu vùng đối với các loại hình doanh nghiệp từ ngày 1/1/2011 được quy định cụ thể như sau:
– Vùng I: Đối với doanh nghiệp trong nước là 1.350.000 đồng/tháng; đối với doanh nghiệp FDI là 1.550.000 đồng/tháng.
– Vùng II: Đối với doanh nghiệp trong nước là 1.200.000đồng/tháng; đối với doanh nghiệp FDI là 1.350.000đồng/tháng.
– Vùng III: Đối với doanh nghiệp trong nước là 1.050.000 đồng/tháng; đối với doanh nghiệp FDI là 1.170.000 đồng/tháng.
– Vùng IV: Đối với doanh nghiệp trong nước là 830.000 đồng/tháng; đối với doanh nghiệp FDI là 1.100.000 đồng tháng.
Các mức lương tối thiểu vùng nêu trên dùng để trả công đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nghiệp; làm cơ sở để tính mức lương trong thang lương, bảng lương, các loại phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác do doanh nghiệp xây dựng và ban hành theo thẩm quyền do pháp luật lao động quy định (trừ công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, công ty Nhà nước chưa chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên đang áp dụng thang lương, bảng lương theo Nghị định 205/2004/NĐ – CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ).
Còn đối với người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) thì doanh nghiệp phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định.
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, việc phân chia mức lương tối thiểu theo 4 vùng đã góp phần đảm bảo tiền lương cho người lao động phù hợp với giá cả sinh hoạt, mặt bằng tiền công và khả năng chi trả của doanh nghiệp ở từng vùng, nhất là các địa bàn thành phố thuộc tỉnh nơi kinh tế, xã hội và thị trường lao động phát triển hơn so với các huyện ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm bớt mức tăng chi phí; từng bước thu hẹp khoảng cách mức lương tối thiểu giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI tiến đến thực hiện thống nhất mức lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng cũng chỉ đạo các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cần phối hợp tốt với Liên đoàn Lao động, Chi nhánh Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất triển khai thực hiện một số công việc như:
– Từ ngày 8 -15/12 tổ chức triển khai, hướng dẫn trực tiếp đến người sử dụng lao động và người lao động các Nghị định của Chính phủ, nhất là tại các địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất; doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; doanh nghiệp thuộc các địa bàn có sự dịch chuyển vùng quy định tại Nghị định của Chính phủ nêu trên so với nghị định số 97, 98/2009/NĐ- CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ.
– Tuyên truyền giải thích trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung của Nghị định; tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp và đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương theo quy định; thực hiện ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, xây dựng định mức lao động, thực hiện chế độ trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm, chế độ nâng bậc lương, chế độ tiền thưởng, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời giờ làm việc thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật lao động…
Hoàng Cảnh
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Comments are closed.