Thờ ơ với Bảo hiểm cháy nổ xe cơ giới – nên chăng ?

Trong thời gian gần đây, các vụ cháy nổ ô tô và xe máy chưa rõ nguyên nhân liên tục xảy ra, gây hoang mang trong dư luận. Câu hỏi được đặt ra là: Ai sẽ chi trả cho các thiệt hại và người dân có thể tự bảo vệ mình bằng cách nào?

alt

Xe máy bốc cháy ngùn ngụt trên đường(Nguồn: Vietbao.vn).

Xe cháy – do đâu?

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm và Công an Hà Nội cho thấy, năm 2011 cả nước xảy ra 89 vụ cháy xe (50 ôtô và 39 xe máy), trong đó, riêng tại Hà Nội xảy ra 42 vụ. Các vụ cháy, nổ xe máy đã khiến 2 người chết, 2 người bị thương.

Về nguyên nhân, theo Cục Đăng kiểm, ngoài vụ nổ xe máy gây chết người ở Bắc Ninh được xác định có yếu tố hình sự, 72% vụ cháy xe máy vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Số vụ còn lại do chập điện (11%), va chạm khi lưu thông gây cháy xe (4,6%), hỏa hoạn tại khu để xe (6,9%) và cố ý đốt xe (2,3%). Đối với ô tô: trong số 50 vụ cháy ôtô, có tới 50% chưa rõ nguyên nhân, còn lại do hỏa hoạn tại khu vực để xe (28%), ống xả tiếp xúc với vật dễ cháy, chập điện, va chạm và nghi ngờ do đốt xe. 

Thực trạng đó đã gây ra tâm lý hoang mang đối với người dân khi tham gia giao thông. Không để “mất bò mới lo làm chuồng”, dư luận bắt đầu quan tâm tới các biện pháp phòng, tránh cháy nổ cũng như hạn chế, bù đắp tổn thất trong trường hợp rủi ro này xảy ra.

Phòng ngừa rủi ro…

Theo khuyến cáo của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công An), nhằm đề phòng và hạn chế rủi ro cháy, nổ xe cơ giới, chủ xe và người điều khiển xe cần lưu ý một số điểm sau:

Không lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện khác như thiết bị bảo vệ, còi, đèn… nếu lắp phải bảo đảm không bị quá tải về điện. Tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng tại những nơi đảm bảo chất lượng. Chủ động kiểm tra phát hiện, khắc phục kịp thời các sự cố khi xe có dấu hiệu khác thường (khó nổ, có hơi xăng, có tiếng kêu, nhiệt độ của máy cao, có mùi khét). Khi để xe trong nhà, nơi trông giữ phải tắt khóa điện, đóng khóa xăng, để xa nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt. Sử dụng xăng, dầu đúng chủng loại, chất lượng, không mua ở các điểm bán không được phép kinh doanh. Không để các chất dễ cháy trong xe.  

Bên cạnh đó, chủ các phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên cần tự trang bị bình chữa cháy phù hợp theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy.

… và giảm thiểu thiệt hại với Bảo hiểm vật chất xe cơ giới

Lâu nay, thói quen mua bảo hiểm để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình trước các rủi ro vẫn chưa phổ biến trong các tầng lớp dân cư. Với các phương tiện giao thông, ngoài sản phẩm bắt buộc bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm tai nạn lái xe và người ngồi trên xe, các sản phẩm bảo hiểm tự nguyện khác – đặc biệt là bảo hiểm vật chất, trong đó có quyền lợi được bồi thường cho các thiệt hại do rủi ro cháy nổ –  vẫn chưa nằm trong ưu tiên lựa chọn của đại đa số người dân. Theo thông tin từ Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, đến nay loại hình bảo hiểm vật chất xe ô tô đã rất quen thuộc với chủ xe ô tô song với tâm lý “ngại” chi tiền cho những rủi ro không chắc chắn xảy ra và không mang tính bắt buộc nên tỷ lệ tham gia bảo hiểm vật chất xe ô tô tại Việt Nam vẫn còn khá hạn chế.

Mặc dù trên thị trường hiện nay, sản phẩm bảo hiểm riêng rủi ro cháy nổ xe cơ giới vẫn chưa xuất hiện nhưng người dân có thể chủ động bảo vệ mình và những người thân trong gia đình trước các thiệt hại này bằng việc tham gia bảo hiểm vật chất xe. Với điều khoản bảo hiểm cho rủi ro cháy nổ đi kèm, khách hàng có thể an tâm được chia sẻ gánh nặng tài chính khi rủi ro xảy ra. Theo đó, đối với mỗi tổn thất phát sinh, khách hàng sẽ được bồi thường theo mức thiệt hại thực tế, cụ thể như sau: 

Số tiền bồi thường  =  Thiệt hại thực tế – Giá trị còn lại

Tuy nhiên, trong một số trường hợp rủi ro xuất phát từ các hành động cố ý, vi phạm pháp luật hoặc rủi ro mang tính thảm họa thì khách hàng sẽ không được bồi thường. Chẳng  hạn như: Hành động cố ý gây thiệt hại; Đua xe (hợp pháp hoặc trái phép); Xe chở chất cháy, chất nổ trái phép; Xe chở quá 30% trọng tải  hoặc số  chỗ ngồi theo quy định; Chiến tranh…

Theo thông tin từ Phòng Giám định Bồi thường của Bảo hiểm Bảo Việt, trong năm 2011, doanh nghiệp này đã tiếp nhận và giải quyết bồi thường trên 17 vụ bồi thường lớn trên phân cấp có liên quan đến cháy xe. Trong đó có một số vụ điển hình như: bồi thường trên 1,2 tỷ đồng cho xe Hino tải thùng lạnh, biển số 63K-3915, cháy toàn bộ xe do chập điện; 1,5 tỷ bồi thường cho xe Mercedes E320, biển số 16M – 4884, cháy xe do sự cố kỹ thuật; 600 triệu đồng bồi thường cho xe Toyota Atlis 1.8 AT, biển số 30X-4157 cháy xe do bị rơm phơi trên đường cuộn vào gầm xe, thời tiết hanh khô và gặp nhiệt từ động cơ nên bắt lửa.

Một số lưu ý khi xảy ra cháy xe 

Nếu chẳng may xe bị bắt cháy khi đang lưu thông trên đường, bên cạnh những khuyến cáo của các cơ quan chức năng như: tắt khóa điện, đỗ, dừng xe ở lề đường xa nơi có nhiều người, nhiều chất dễ cháy; khẩn trương đưa người rời xe; hô hoán người xung quanh trợ giúp… những khách hàng đã tham gia bảo hiểm cần nhanh chóng gọi điện tới đường dây nóng của công ty bảo hiểm để được hỗ trợ chữa cháy và xử lý bồi thường kịp thời. Đối với những chủ xe tham gia bảo hiểm tại Bảo Việt, số điện thoại đường dây nóng là 1900-558899.

Hiện trạng các vụ cháy, nổ xe cơ giới vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trong điều kiện giao thông Việt Nam hiện nay – khi phương tiện đi lại của người dân phần lớn vẫn là các phương tiện cá nhân – thì việc nâng cao kiến thức về phòng chống cháy nổ xe cơ giới cũng như tìm đến các biện pháp bù đắp rủi ro, giảm thiểu thiệt hại thông qua bảo hiểm là việc làm thực sự có ý nghĩa và đầy trách nhiệm của mỗi người tham gia giao thông.

Hà Nguyễn

Bảo hiểm Bảo Việt

Comments are closed.