(baodautu.vn) Dân số đông, chất lượng sống được cải thiện, với sự có mặt của ngày càng nhiều các công ty chuyên nghiệp, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ phát triển rất năng động. TS Đinh Quang Nương, TGĐ Công ty Bảo hiểm Great Eastern (GE) Việt Nam, người đạt giải CEO xuất sắc Đông Dương 2006 chia sẻ.
Ông đã gắn bó nhiều năm và đã kinh qua nhiều vị trí quản lý tài chính cao cấp ở cả trong và ngoài nước?
Yêu cầu công việc và cuộc sống cho tôi cơ hội được làm việc ở nhiều quốc gia, thử sức ở nhiều môi trường kinh doanh của nhiều công ty, tập đoàn lớn, nhưng chủ yếu là ngành tài chính. Thời gian từ 1990-1995, tôi làm việc tại Trung tâm sản xuất phần mềm cho thị trường chứng khoán và đầu tư London. Từ 1995-2002 là giám đốc CNTT của BNP Paribas Asia – Ngân hàng Đầu tư quốc tế hoạt động tại hơn 85 quốc gia. Năm 2003 – 2009, tôi trở về Việt Nam làm Phó Tổng giám đốc (TGĐ) Điều hành giao dịch bảo hiểm và CNTT cho Prudential Vietnam. Và giờ đây là TGĐ Công ty Bảo hiểm Great Eastern Vietnam.
Ông đánh giá thế nào về thị trường bảo hiểm Việt Nam?
Với dân số đông, khoảng từ 85-87 triệu người, Việt Nam là một thị trường rất triển vọng. Hơn nữa, thu nhập và đời sống của người dân, yêu cầu nâng cao chất lượng sống cũng đang được nâng lên một cách đáng kể. Nhu cầu mua bảo hiểm ở tất cả các hình thức đang gia tăng nhanh ở mọi đối tượng, thành phần và độ tuổi cư dân. Nếu so sánh với các nước trong khu vực châu Á, theo con số thống kê thì khoảng 20-40% dân số mua bảo hiểm. Chi phí cho bảo hiểm từ GDP ở các quốc gia phát triển là khoảng 10-15% thì ở Việt Nam số người mua bảo hiểm chiếm chưa đầy 10% dân số; chi phí cho bảo hiểm mới chiếm khoảng 2% từ GDP. Bảo hiểm là một ngành tuy mới mẻ đối với Việt Nam, nhưng có tốc độ phát triển khá nhanh. Thu nhập từ bảo hiểm cho GDP luôn là 2 con số, lớn hơn khá nhiều quốc gia. Hơn nữa, ý thức về mua bảo hiểm, nhất là bảo hiểm y tế, giáo dục, nhân thọ… của người dân cũng ngày cào cao và phổ biến hơn. Thêm vào đó là gần đây, thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày càng có nhiều công ty nước ngoài tham gia với các loại hình bảo hiểm đa dạng, phong phú. Là công ty mới vào thị trường Việt Nam, chúng tôi đang xây dựng cơ sở vật chất và định hướng sẽ tập trung vào dòng sản phẩm giáo dục, sức khoẻ, hưu trí liên quan đến đối tượng trẻ em, thị dân.
Cung ứng nguồn nhân lực quản trị kinh doanh tài chính luôn là vấn đề làm đau đầu các doanh nghiệp. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Thời gian qua, với sự phát triển của kinh tế thị trường, với chính sách mở cửa của Nhà nước Việt Nam, ở lĩnh vực tài chính, thị trường đã phát triển nhanh hơn khả năng đào tạo và cung ứng nhân lực quản trị. Tuy nhiên, vấn đề nguồn nhân lực đã có những tiến bộ đáng kể. Thời gian đầu, các công ty tài chính lớn, nhất là công ty 100% vốn nước ngoài thường phải thuê người nước ngoài cho các vị trí chủ chốt. Song, người Việt Nam rất giỏi và có tinh thần học hỏi nên vươn lên khá nhanh. Hiện tại rất nhiều vị trí chủ chốt của các doanh nghiệp tài chính của cả trong và ngoài nước đều do người Việt Nam đảm nhận và kinh doanh rất thành công. Nhưng nếu chia nguồn nhân lực quản trị tài chính ra 3 bậc: cao cấp, trung cấp và sơ cấp thì hiện nay sự thiếu hụt của thị trường là ở đối tượng trung cấp (middle Manager). Thí dụ như các cấp trưởng phòng, trưởng chi nhánh… thì khá nhiều người còn chưa đạt yêu cầu bởi thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu tự tin, thiếu kỹ năng lãnh đạo, làm việc theo nhóm… Là công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài chuyên về bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Great Eastern cũng gặp những khó khăn tương tự.
Với trách nhiệm của một TGĐ, Ông làm gì để khắc phục sự thiếu hụt đó trong công ty mình?
Sản phẩm BHNT dù tự thân nó đã có những điểm ưu việt, nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ để khách hàng thực sự quan tâm. Năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp và lương tâm nghề nghiệp của người tư vấn, các dịch vụ trước và sau bán hàng của doanh nghiệp cũng là những yếu tố quan trọng để họ quyết định có ký vào các hợp đồng bảo hiểm hay không. Đó chính là mục tiêu trọng tâm và Great Eastern đã có kế hoạch đào tạo tư vấn viên theo mô hình chuyên nghiệp. CNTT có thể hỗ trợ hoạt động kinh doanh, nâng ưu thế cạnh tranh trên thị trường, vì thế chúng tôi tăng cường đào tạo kiến thức CNTT cho các nhân viên. Đồng thời, cũng sẽ tham gia vào các chương trình giáo dục kỹ năng cho sinh viên năm cuối các trường đại học.
Kim Ngân
Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Comments are closed.