Tốc độ tăng trưởng bảo hiểm phi nhân thọ năm 2016 có chững lại ước đạt 36.372 tỷ đồng tăng 14,04% so với năm 2015 đạt 32.142 tỷ đồng tăng 16,85%, 2014 đạt 27.506 tỷ đồng tăng 12,5%, 2013 đạt 24.454 tỷ đồng tăng 7,64%. (Theo số liệu các DNBH báo cáo nhanh với Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm).
Lý giải cho vẫn đề này có thể là các nguyên nhân sau đây:
– Một số dự án, nhà máy lớn dừng hoạt động hoặc giảm sút hoạt động nên nhu cầu bảo hiểm giảm như Vinashin, Vinalines, thép Thái Nguyên, sợi tơ Đình Vũ, ethanol Bình Sơn,..
– Quy định về không cho nợ phí đã giảm được tình trạng hạch toán doanh thu nhưng không thu được phí dần giảm được nợ phải thu (ước tính nợ phải thu chỉ còn khoảng 10% vẫn còn trong kỳ gia hạn và có khả năng thu hồi) làm tài chính doanh nghiệp bảo hiểm lành mạnh hơn.
– Tình trạng cạnh tranh bằng hạ phí giành giật khách hàng dịch vụ vẫn chưa được khắc phục dẫn đến phí bảo hiểm cho những khách hàng tái tục hợp đồng trong năm 2016 giảm đáng kể so với năm 2015.
Dẫn đầu doanh thu là PVI ước đạt 6.782 tỷ đồng, tăng trưởng 5% chiếm thị phần 18,69%, Bảo Việt ước đạt 6.333 tỷ đồng tăng 8,6% chiếm thị phần 17,41%, Bảo Minh ước đạt 3.034 tỷ đồng tăng 7,51% chiếm thị phần 8,34%, PTI ước đạt 3.020 tỷ đồng tăng trưởng 22,68% chiếm thị phần 8,3%, PJICO ước đạt 2.467 tỷ đồng tăng 0,56% chiếm 6,78%.
Tốp 5 doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu chiếm giữ 59,52% thị phần giảm so với năm 2015. Bảo Minh lấy lại vị trí thứ 3 từ PTI, các doanh nghiệp bảo hểm tốp năm có sự tăng trưởng thấp hơn mức bình quân thị trường trừ PTI (22,68%). Có 6 doanh nghiệp bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng trên 50% bao gồm: UIC 639 tỷ đồng tăng 89%, Phú Hưng 90 tỷ đồng tăng 72,6%, VNI 500 tỷ đồng tăng 62,5%, BHV 200 tỷ đồng tăng 54,34%, VBI 735 tỷ đồng tăng 51,1%, Cathay 170 tỷ đồng tăng 51%.
Tổng số tiền đã giải quyết bồi thường đạt 12.571 tỷ đồng tỷ lệ bồi thường 34,56% là năm có tỷ lệ bồi thường thấp nhất trong 10 năm qua (2015 là 43,3%, 2014 là 40%, 2013 là 43,8%,…)
Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm 67.585 tỷ đồng tăng 14%, tổng vốn chủ sở hữu 23.567 tỷ đồng tăng 8,4%, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm 18.959 tỷ đồng tăng 20,91%, tổng đầu tư vào nền kinh tế 34.449 tỷ đồng tăng 6,48%. Lãi đầu tư thu được 2.432 tỷ đồng.
–bảo hiểm xe cơ giới ước đạt doanh thu 11.754 tỷ đồng tăng 21,14%, năm 2015 tăng 25,21% chiếm tỷ trọng 32,3%. Toàn quốc có trên 3 triệu xe ô tô riêng năm 2016 sản lượng tiêu thụ ô tô nhập khẩu và sản xuất trong nước đạt 300.000 chiếc. Theo số liệu của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia năm 2016 xảy ra 21.589 vụ tai nạn giao thông làm 8.685 người chết, 19.280 người bị thương gây thiệt hại tài sản hàng tỷ đồng. Các vụ tai nạn xảy ra với xe giường nằm, xe container, xe tải hạng nặng gây ra tổn thất nghiêm trọng.
Mặc dù các doanh nghiệp bảo hiểm đã thống nhất sử dụng quy tắc điều khoản chung và xây dựng biểu phí trình Bộ Tài chính phê chuẩn bắt đầu thực hiện từ 1/5/2016 song hầu hết đều vi phạm do cạnh tranh gay gắt nên các công ty bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm tại các địa phương đều đưa ra đủ các lý do để hạ phí.
–bảo hiểm sức khỏe ước đạt doanh thu 9.472 tỷ đồng tăng 24,35%, chiếm tỷ trọng 26% (năm 2015 tăng 27,1%).
Trên toàn quốc năm 2016 đã xảy ra nhiều tai nạn thương tâm giao thông đường bộ, đường sắt làm 8.685 người chết, 19.280 người bị thương (bảo hiểm con người không có bảo hiểm trùng); cháy nổ làm 135 người chết, 278 người bị thương; lũ lụt làm 248 người chết và mất tích, 470 người bị thương.
Chính phủ cho phép các bệnh viện tính đúng tính đúng tính đủ 1800 loại thuốc và dụng cụ y tế vào viện phí điều trị làm cho viện phí càng tăng cao. Mỗi năm có hàng trăm ngàn người mắc một trong các bệnh về phổi, tim, mạch, tiêu hóa, gan thận, tay chân miệng, xuất huyết, viêm não,…
Nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo ngày càng tăng cao và cả với người trẻ tuổi.
Vì vậy nhu cầu về bảo hiểm sức khỏe nhất là bảo hiểm với chế độ điều trị chất lượng cao ngày càng tăng là cơ hội phát triển của bảo hiểm sức khỏe.
–bảo hiểm tài sản và thiệt hại ước đạt 5.409 tỷ đồng giảm 9,6% chiếm tỷ trọng 14,9%. Đây là năm thứ tư liên tiếp doanh thu theo biểu đồ đi xuống năm 2015 đạt 5.984 tỷ đồng tăng 3,9%, 2014 đạt 5.759 tỷ đồng tăng 7,9%, năm 2013 đạt 5.340 tỷ đồng tăng 11%.
Bảo hiểm tài sản và thiệt hại bao gồm bảo hiểm xây dựng lắp đặt, bảo hiểm máy móc thiết bị, bảo hiểm thiết bị điện tử, bảo hiểm dầu khí, bảo hiểm mọi rủi ro, bảo hiểm tài sản khác là một quy mô rất rộng nhưng doanh thu phí bảo hiểm còn khiêm tốn theo chiều hướng ngày càng đi xuống chứng tỏ có sự cạnh tranh gay gắt thậm chí không lành mạnh. Thậm chí trên thị trường phí bảo hiểm mọi rủi ro cho 1 tòa nhà, kho, xưởng không bằng phí bảo hiểm 1 xe ô tô.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 119 về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dưng nhưng doanh nghiệp bảo hiểm chưa thế triển khai còn chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
–Bảo hiểm cháy nổ ước đạt doanh thu 3.307 tỷ đồng tăng 14,35% chiếm tỷ trọng 9,1% trong khi đó các năm 2013 tăng 19%, 2014 tăng 26,7%, 2015 tăng 29,1%. Tình hình cháy nổ xảy ra trên toàn quốc có 3.250 vụ làm chết 135 người, bị thương 278 người, thiệt hại tài sản 1.474 tỷ đồng.
Việc chấp hành NĐ 130/2008/CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc chưa nghiêm túc cả về phía người sở hữu sử dụng tài sản và doanh nghiệp bảo hiểm vì cạnh tranh hạ phí bảo hiểm theo bảo hiểm mọi rủi ro thấp hơn biểu phí bảo hiểm bắt buộc.
Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy chưa xử phạt nghiêm minh đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc cháy nổ không tham gia bảo hiểm và không cung cấp danh sách các cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho Hiệp hội Bảo hiểm để các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện.
Thiệt hại về người trong tai nạn cháy nổ chưa được bảo hiểm nhất là các vụ cháy nhà xưởng, karaoke, nhà dân trong thời gian qua. Các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị sửa đổi Nghị định 130 bổ sung thiệt hại về người được bảo hiểm và xem xét việc doanh nghiệp bảo hiểm nộp kinh phí phòng cháy chữa cháy không thuộc phí, lệ phí theo Luật Phí và lệ phí và công khai việc sử dụng kinh phí này.
–Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt doanh thu 2.211 tỷ đồng giảm 4,3% chiểm tỷ trọng 6,1% trong khi đó năm 2015 giảm 7%, năm 2014 tăng 15%, năm 2013 tăng 12%. Đây là 2 năm liên tiếp doanh thu giảm. Trong khi đó kim ngạch xuất nhập khẩu các năm đều tăng.
Đây là vấn đề cần bàn them sao cho khuyến khích các nhà xuất khẩu nhập khẩu Việt Nam mua bảo hiểm trong nước vừa tiết kiệm ngoại tệ, vừa được bảo hiểm quyền lợi khi có tổn thất xảy ra được xét xử tại trọng tài, tòa án Việt Nam, theo luật Việt Nam thay vì xử theo tòa án nước ngoài, luật nước ngoài.
Vấn đề đặt ra đối với bảo hiểm phi nhân thọ là tại sao bảo hiểm xe cơ giới dẫn đầu (11.754 tỷ đồng tỷ trọng 32,3%), bảo hiểm sức khỏe đứng thứ hai (9.472 tỷ đồng tỷ trọng 26%). Phải chăng vì pháp luật quy định, vì tai nạn nhiều, vì người Việt quý ô tô nên xe cơ giới vẫn quan trọng hơn cần bảo hiểm hơn.
Người Việt lo lắng đến sức khỏe tai nạn bệnh tật ngày càng gia tăng và nhu cầu được khám chữa bệnh tốt hơn chế độ bảo hiểm y tế của Nhà nước nên bảo hiểm sức khỏe phát triển mạnh. Khối tài sản khổng lồ Nhà nước, doanh nghiệp và dân cư mới được bảo hiểm tài sản thiệt hại và cháy nổ với doanh thu khiêm tốn (5.409+3.307=8.716 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 25%).
Số liệu thiệt hại về gia sản của nông dân do lũ lụt Miền Trung gây ra cuối năm 2016 làm 4.600 ngôi nhà bị sập hoặc cuốn trôi, 361.700 ngôi nhà bị ngập sạt lở tốc mái, 258.300ha lúa 113.200ha hoa màu 48.800ha nuôi trồng thủy sản bị hư hại, 52.200 gia súc, 1.670.500 gia cầm mất tích, 1.000 tấn thủy sản mất trắng. Vấn đề bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm gia sản cho người nghèo, bảo hiểm nông nghiệp được đặt ra nghiên cứu 1 cách nghiêm túc và sớm được triển khai.
Phùng Đắc Lộc – Chuyên gia kinh tế