Thị trường bảo hiểm 2014: Tập trung các giải pháp phát triển bền vững

Hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2014 đã chính thức diễn ra sáng nay 28/2, tại Ninh Bình.

Buổi sáng hội nghị đã tập trung thảo luận và đánh giá tình hình thị trường năm 2013 và định hướng phát triển thị trường năm 2014. Buổi chiều cùng ngày, Lãnh đạo Bộ Tài chính sẽ chủ trì Hội nghị toàn thể giữa Bộ Tài chính và các DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm và DN môi giới bảo hiểm.

Những yếu tố tạo đà cho sự phát triển của thị trường

Thị trường bảo hiểm Việt Nam những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường năm 2013, thị trường bảo hiểm vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan.

Số liệu trong báo cáo tại Hội nghị thường niên năm 2014 cho thấy, năm 2013 tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 47.074 tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2012, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 24.426 tỷ đồng, tăng 7%, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 22.648 tỷ đồng, tăng 23,1%. Tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền bảo hiểm ước đạt 18.814 tỷ đồng, trong đó, các DNBH phi nhân thọ ước đạt 10.719 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 8.095 tỷ đồng.

Dự kiến năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 51.632 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2013.

Tổng số tiền đầu tư của các DNBH trong năm 2013 đạt 105.265 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2012, trong đó, các DNBH phi nhân thọ đạt khoảng 24.265 tỷ đồng, tăng 14%, DNBH nhân thọ đạt khoảng 81.000 tỷ đồng, tăng 24%.

Có rất nhiều yếu tố dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong năm 2013. Cụ thể, trong năm qua cơ quan quản lý nhà nước đã tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh bảo hiểm theo hướng phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, hướng tới các chuẩn mực quốc tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho các DNBH.

Một số chính sách về bảo hiểm đã được ban hành trong năm như: quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (Nghị định 98/2013/NĐ-CP); quy định giảm tỷ lệ đóng góp vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới (Nghị định 214/2013/NĐ-CP); quy định hướng dẫn triển khai bảo hiểm hưu trí và Quỹ hưu trí tự nguyện (Thông tư 115/2013/TT-BTC); quy định về quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm (Thông tư 101/2013/TT-BTC)…

Đặc biệt trong năm 2013, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường, trong đó cơ quan quản lý đã tiến hành thanh tra 3 DNBH; kiểm tra 5 DNBH nhân thọ, 5 DNBH phi nhân thọ, 5 DN môi giới bảo hiểm… Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm DNBH có hành vi vi phạm.

Về phía DNBH, trong năm 2013, các DN cũng đã củng cố và tăng cường mức độ an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động đầu tư, đẩy mạnh khai thác tại các mảng thị trường tiềm năng. DNBH cũng đã nỗ lực đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới, riêng trong năm 2013 có 43 sản phẩm nhân thọ mới đã được Bộ Tài chính phê chuẩn. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng ngày càng được nâng cao, kênh bán hàng trực tuyến được một số DNBH triển khai bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Công tác quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro được DN chú trọng, hầu hết các DNBH đã xây dựng được các quy trình nghiệp vụ cơ bản, các DNBH tuân thủ quy định pháp luật, tăng cường quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro…

Những kế hoạch kỳ vọng và lạc quan

Báo cáo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính tại hội nghị thường niên cho thấy, dự kiến năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 51.632 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2013. Trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 26.380 tỷ đồng, tăng 8%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 25.252 tỷ đồng, tăng khoảng 11,5%. Phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm phấn đấu tăng từ 5-7% so với năm 2013.

Trong năm 2014, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Cụ thể: ban hành tiêu chí đánh giá, xếp loại DNBH, ban hành quy định triển khai bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng, sửa đổi, bổ sung chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, phê duyệt các quy chế quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm….

Về phía DN, để đảm bảo hoạt động kinh doanh tăng trưởng hiệu quả, năm 2014, các DNBH cần tích cực nghiên cứu, phát triển sản phẩm bảo hiểm mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng; Rà soát quy tắc, điều khoản bảo hiểm và các quy trình nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp từ khâu khai thác, đánh giá rủi ro đến giám định, bồi thường… để hạn chế tranh chấp phát sinh.

Chia sẻ về những giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Phạm Đình Trọng cho biết, trong năm 2014, Cục sẽ phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm xây dựng và phê duyệt quy tắc, biểu phí bảo hiểm thân tàu của các DNBH phi nhân thọ, đảm bảo an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động theo quy định tại Thông tư số 124/2012/TT-BTC. Rà soát, đánh giá hiệu quả kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, trên cơ sở đó, yêu cầu các DNBH điều chỉnh và phê chuẩn lại bảo hiểm sức khỏe phù hợp, tránh tình trạng lỗ nghiệp vụ.

Đặc biệt, trong năm 2014, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cũng sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra với quy mô rộng hơn nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các rủi ro hoạt động của các DN, đảm bảo thị trường phát triển ổn định, bền vững./.

Theo TBTC

{fcomment}

Comments are closed.