Thị phần bảo hiểm nhân thọ còn nhiều biến động

Dù chưa bao giờ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thừa nhận thị phần là một trong những mục tiêu chiến lược, nhưng tham vọng trở thànhcông ty số 1 thị trường thì không chỉ có ở các công ty trong nhóm dẫn đầu.

Thị phần bảo hiểm nhân thọ

5 năm trước, với Manulife Việt Nam – công ty có thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm đứng thứ 3 trên thị trường, đặt ra mục tiêu số 1 về thị phần bị đánh giá là quá tham vọng.

Bởi ở thời điểm đó, so với các công ty đứng trên thì tương quan lực lượng quả không cân bằng, không chỉ về thị phần doanh thu phí đang nắm giữ mà cả số lượng đại lý và các đối tác ngân hàng…

Tuy nhiên, nay thì lại khác. Thị trường bảo hiểm nhân thọ trong nước đã có quá nhiều biến đổi, bản thân Manulife đã có rất nhiều thay đổi ngoạn mục từ một doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống với chiến lược phát triển bảo thủ, chậm và chắc đã thay đổi mạnh mẽ để vươn lên có thời điểm chiếm lĩnh vị trí số 1 về thị phần khai thác mới của thị trường.

Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng một nền tảng vững chắc, hãng bảo hiểm này bắt đầu phát triển chiến lược số hóa và đặt khách hàng làm trọng tâm với kỳ vọng, dựa trên sự chuyển đổi kỹ thuật số và sự hài lòng khách hàng, Công ty sẽ đảm bảo khả năng tăng trưởng dài hạn và mạnh mẽ hơn nữa.

Với rất nhiều chiến lược thay đổi và mức tăng trưởng như hiện tại, những mục tiêu tham vọng của 5 năm trước với hãng bảo hiểm này có lẽ không quá khó để có thể thực hiện được.

Theo số liệu chính thức từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, 8 tháng năm 2019, Manulife đứng số 1 về thị phần doanh thu phí khai thác mới, với 17,91%.

Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộcvề Bảo Việt Nhân thọ (16,85%), Prudential (15,15%), Dai-ichi Life (13,8%), AIA (11,69%), MB Ageas Life (4,75%), Generali 3,24%), Chubb Life (3,2%), Hanwha (2,94%), FWD (2,53%), Aviva (2,42%), Cathay (1,46%). Các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần 4,06%.

Tuy vậy, xét về tổng doanh thu phí thì thứ tự không thay đổi nhiều: Bảo Việt Nhân thọ (25%), Prudential (20,1%), Manulife (14,5%), Dai-ichi Life (12,2%), AIA (10,9%), Chubb Life (3,2%), Hanwha (2,7%), Generali (2,4%), MB Ageas (2,1%), Aviva (1,7%), FWD (1,1%), Cathay (1%). Các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần nhỏ dưới 1%.

Những số liệu này còn có thể thay đổi vào cuối năm tài chính 2019, nhưng tăng trưởng khai thác mới cũng đã thể hiện phần nào sự biến động của thị trường nói chung, cũng như mỗi doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng.

Từ sự chuyển đổi lớn theo yêu cầu của khách hàng cũng như sự thay đổi của thị trường, giới quan sát cho rằng, thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ còn nhiều biến đổi bất ngờ.

Chẳng hạn, trong chuyến công du tới Việt Nam cuối năm 2019, ông Nic Nicandrou, Tổng giám đốc điều hành Prudential châu Á đã công bố định hướng phát triển mới của Prudential cũng như giải pháp chăm sóc sức khỏe dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo giúp người dân tại châu Á, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, với chiến lược “Khách hàng là trung tâm” và “Số hóa – đơn giản hóa”, Hanwha Life Việt Nam không ngừng đầu tư vào chuyển đổi kỹ thuật số.

Với việc lập Công ty Big Data, Hanwha Life Việt Nam trở thành công ty đầu tiên trên thị trường có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản cho việc xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ.

Hãng bảo hiểm non trẻ FWD cũng thể hiện tham vọng trở thành công ty có kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng dẫn đầu tại Việt Nam và châu Á, thông qua các thương vụ hợp tác đình đám gần đây.

Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, FWD đã giành quyền phân phối bảo hiểm độc quyền qua Vietcombank, ngay sau đó lại công bố kết hợp với ACB phân phối bảo hiểm trực tuyến qua ngân hàng (e-bancassurance) đầu tiên tại Việt Nam …

Các công ty bảo hiểm đều hiểu rằng, với một thị trường bảo hiểm nhân thọ mới mẻ, đầy tiềm năng như Việt Nam, việc tập trung phát triển để tăng trưởng và lớn mạnh là điều đương nhiên. Thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều “đất” cho các công ty phát triển.

Các công ty bảo hiểm có tham vọng vẫn có thể đạt được mục tiêu của mình nếu đi đúng hướng. Tuy nhiên, câu chuyện tiếp theo khó hơn chính là làm sao để đảm bảo chất lượng.

“Khi thị trường còn mới, công ty bảo hiểm có thể tạo ra sản phẩm để bán và là người quyết định, nhưng khi thị trường ngày càng phát triển thì khách hàng đã lấy lại vị thế thượng đế của mình”, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn nhìn nhận.

Theo (ĐTCK)