Thi hành án tiền nợ BHXH: Khó đủ đường

Mấy năm qua, ngành Bảo hiểm Xã hội TP.HCM đã được tòa các cấp tuyên thắng cả trăm vụ kiện đòi doanh nghiệp nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Dù vậy, việc thi hành án lại gặp nhiều khó khăn vì doanh nghiệp không có tài sản hoặc chấp hành viên còn thờ ơ…Đến nay, trong tổng số 82 vụ mà ngành BHXH TP yêu cầu thi hành án (THA) đã xác định 22 doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM bị tòa tuyên phải trả tổng cộng 26 tỉ đồng tiền nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) đã ngưng hoạt động, chủ DN trốn về nước.

Án tuyên xong, chủ vù về nước

Năm 2008, Công ty TNHH Giày Anjin (100% vốn Hàn Quốc) bị TAND quận Bình Tân buộc phải trả một lần hơn 6,5 tỉ đồng tiền nợ BHXH. Án vừa tuyên xong cũng là lúc DN đóng cửa ngừng mọi hoạt động, còn giám đốc thì bay về nước.

Trước đó DN này đem nhà xưởng, máy móc thế chấp vay tiền ngân hàng. Khi BHXH TP kiện DN thì phía ngân hàng cũng yêu cầu DN trả nợ. Số tiền thanh lý tài sản sau khi khấu trừ các khoản thì chỉ còn khoảng 200 triệu đồng và cơ quan THA giao hết cho ngân hàng.

Tương tự, tháng 8-2008, Công ty Giày dép Kwang Nam (100% vốn Hàn Quốc) bị TAND quận Phú Nhuận buộc phải trả một lần cho BHXH TP hơn 7 tỉ đồng. Trả được 500 triệu đồng, DN tuyên bố phá sản, giám đốc cũng bỏ về nước. BHXH TP đã yêu cầu cơ quan THA cưỡng chế bán đấu giá tài sản nhưng số tiền thu về được rất ít ỏi so với số nợ khổng lồ của DN.

Tẩu tán tài sản

Năm 2009, TAND quận Thủ Đức ra quyết định công nhận hòa giải thành giữa BHXH quận này và Công ty TNHH Phú Quang. Theo đó, DN đồng ý nộp hơn 250 triệu đồng tiền nợ BHXH, hạn chót là tháng 11-2009. Quá thời hạn, DN vẫn không trả đồng nào nên BHXH quận đã yêu cầu Chi cục THA quận cưỡng chế.
Đầu năm 2010, Chi cục THA quận tổ chức cưỡng chế, chỉ buộc DN trích 12 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng nộp cho BHXH quận. BHXH quận tiếp tục yêu cầu. Ba tháng sau, khi Chi cục THA quận cưỡng chế bán đấu giá tài sản thì toàn bộ máy móc, ô tô đã được DN thế chấp ngân hàng vay vốn. Sau đó Chi cục THA đã trả lại đơn yêu cầu của BHXH quận với lý do DN không có tài sản…

Vụ khác, tháng 8-2009, TAND quận 12 buộc Công ty TNHH Dệt may Mai Bình Trân nộp một lần hơn 530 triệu đồng tiền nợ BHXH. Sau khi án có hiệu lực, BHXH quận 12 đã làm đơn yêu cầu THA và cung cấp giấy tờ chứng minh tài sản của DN. BHXH quận liên tục đề nghị Chi cục THA sớm tổ chức cưỡng chế nhưng vụ việc cứ bị “ngâm”. Tới đầu năm nay, cơ quan THA tích cực hơn thì lập tức có sự chuyển biến: Hiện DN đã nộp được 150 triệu đồng, số còn lại cam kết sẽ trả hết trong tháng 10-2011.

Xác minh khó, chấp hành viên thờ ơ

Ngoài các trường hợp này, quá trình thu hồi tiền nợ BHXH đối với các DN còn lại (31 vụ) cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Trọng Nam, Trưởng phòng Kiểm tra BHXH TP, việc xác minh điều kiện THA của các DN rất khó thực hiện. Cán bộ BHXH không có quyền hạn yêu cầu DN phối hợp làm việc. Khi DN bất hợp tác, đóng cửa không chịu tiếp, không cung cấp thông tin thì cán bộ BHXH chỉ biết xách cặp ra về.

Cũng theo ông Nam, các chấp hành viên được phân công THA tiền nợ BHXH còn thờ ơ bởi có tâm lý rằng đó là tiền của cơ quan BHXH. Thực tế đã chứng minh nếu chấp hành viên nhiệt tình hơn thì việc THA sẽ diễn ra suôn sẻ như vụ Công ty TNHH Đồ chơi quốc tế Lucky. Năm 2008, DN này bị TAND quận Bình Tân buộc phải trả cho BHXH TP hơn 2,1 tỉ đồng. Chấp hành viên đã kiên quyết, nhiều lần báo cáo với UBND quận xin ý kiến để phối hợp cưỡng chế chỉ trong một thời gian ngắn. Sự nhiệt tình này đã giúp BHXH TP thu về được phần lớn tiền nợ của DN.

Tương tự, trong ủy thác THA, nếu chấp hành viên tích cực hơn thì quá trình sẽ được rút ngắn rất nhiều. Thực tế, tài sản của DN thường không tập trung một nơi, có khi trụ sở ở TP nhưng nhà xưởng lại ở Bình Dương. Nếu việc ủy thác THA không được làm ngay sẽ mất nhiều thời gian, tạo cơ hội cho DN tẩu tán tài sản.

Phối hợp vì quyền lợi của người lao động

Đầu tháng 7 vừa qua, Ban Giám đốc BHXH TP đã có buổi làm việc với lãnh đạo Cục THA dân sự TP để bàn hướng tháo gỡ các khó khăn trên.

Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục THA TP Nguyễn Văn Lực cho biết cơ quan THA đã nhận thức được những khó khăn từ phía cơ quan BHXH. Cục THA TP sẽ đôn đốc các Chi cục THA quận, huyện tháo gỡ vướng mắc trong từng vụ. Thậm chí, cơ quan BHXH có thể tổ chức các buổi đối thoại định kỳ với cơ quan THA để nghe phản ánh khó khăn, bức xúc…

Phó Giám đốc BHXH TP Nguyễn Đăng Tiến đánh giá đây là một sự hỗ trợ rất kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động: “Trước mắt, chúng tôi cần phía cơ quan THA phối hợp giải quyết dứt điểm những vụ đang tồn đọng mà nguyên nhân là chấp hành viên chậm trễ, thờ ơ. Về lâu dài, giải pháp căn cơ hơn là phải có văn bản hướng dẫn giữa hai cơ quan để quá trình thực hiện được thống nhất”.

Từ năm 2008 đến hết tháng 6-2011, các đơn vị BHXH trên toàn TP.HCM đã khởi kiện 263 DN để đòi hơn 121 tỉ đồng tiền nợ BHXH (đã giải quyết xong 181 vụ, còn 58 vụ đang giải quyết tiếp).

Ngành BHXH TP đã yêu cầu THA 82 vụ. Trong số này, có 39 vụ đã thi hành xong, 22 vụ DN ngưng hoạt động và giám đốc bỏ về nước, còn 31 vụ đang xác minh điều kiện THA.

(Nguồn: Thống kê của BHXH TP.HCM)

Vẫn rối chuyện phí THA

Cơ quan BHXH chỉ đại diện cho người lao động đòi DN trả tiền bảo hiểm mà họ nợ công nhân. Về bản chất, cơ quan BHXH không được hưởng lợi nếu thắng kiện nên không thể trích tiền quỹ ra đóng phí THA. Làm như vậy sẽ vi phạm nguyên tắc chi tiêu. Trong khi đó, cơ quan THA cũng không thể bỏ tiền túi ra hỗ trợ cơ quan BHXH đóng phí THA.

Chuyện này chưa được giải quyết nên chúng tôi sẽ đề xuất đến các cơ quan chức năng có hướng linh động hỗ trợ. Chẳng hạn trước đây, khi khởi kiện các DN nợ tiền BHXH, chúng tôi cũng gặp vướng ở khâu đóng tiền tạm ứng án phí bởi trong nhiều vụ, số tiền này rất lớn. Sau đó, vì lợi ích chung của người lao động, ngành tòa án TP đã linh động không bắt chúng tôi phải đóng khoản này.

Để việc thu hồi tiền nợ BHXH có hiệu quả, với những DN chuẩn bị phá sản, chỉ còn cách phong tỏa tài khoản trong ngân hàng của họ để THA. Hiện cơ quan BHXH không có thẩm quyền yêu cầu việc này nên nguy cơ thất thoát tiền rất cao, ảnh hưởng đến lợi ích của hàng ngàn công nhân.

Ông NGUYỄN ĐĂNG TIẾN, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM

Cần sự tiếp sức

Cán bộ BHXH vẫn đảm nhiệm việc xác minh điều kiện THA nhưng phải có sự tham gia của chấp hành viên và đại diện công an địa phương để trong trường hợp cần thiết thì sẽ cưỡng chế việc xác minh, giảm bớt thời gian THA. Mặt khác, nên có quy định đơn giản hóa yêu cầu xác minh điều kiện THA để giảm gánh nặng cho cán bộ BHXH.

Ông NGUYỄN TRỌNG NAM, Trưởng phòng Kiểm tra BHXH TP

THANH TÙNG
Pháp luật TPHCM Online. Cơ quan chủ quản: Sở tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh

Comments are closed.