Thí điểm Bảo hiểm Nông nghiệp: DN dè dặt – nông dân thờ ơ

Từ ngày 1/7/2011, Bộ NN & PTNT triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) tại 20 tỉnh, thành trên cả nước. Đây là hi vọng lớn cho nông dân nhưng đối với các DN bảo hiểm, hoàn thành “trọng trách” này không dễ.Theo dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện thí điểm BHNN, nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất; hỗ trợ 80% cho hộ nông dân.

Cá nhân cận nghèo; 60% cho nông hộ không thuộc hộ nghèo và 20% phí bảo hiểm cho các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm. Trong đó, ba đơn vị được chỉ định tham gia bảo hiểm là TCty bảo hiểm Bảo Việt, TCty cổ phần Bảo Minh và TCty cổ phần tái bảo hiểm quốc gia VN. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách đây hơn 10 năm, BHNN đã được triển khai, nhưng do phí bảo hiểm thu được không nhiều, trong khi bồi thường lại rất lớn nên các DN cũng “nản lòng”.

Thách thức không nhỏ

Cũng theo dự thảo thì mỗi tỉnh thành phải chọn một vùng bảo hiểm riêng và phù hợp. Ông Hồ Xuân Hùng – Thứ trưởng Bộ NN& PTNT cho biết, việc triển khai BHNN cho 20 địa phương là không đơn giản. Để tránh lặp lại “vết xe đổ” mà BHNN đã từng thí điểm trước đây, việc phân chia đối tượng cây trồng, vật nuôi đưa vào thí điểm cần được phân chia khá chi tiết. Đồng thời, để tăng hiệu quả thì nhất thiết phải huy động nhiều thành phần kinh tế tham gia đóng BHNN cho nông dân, hoặc thành lập quỹ BHNN. Theo dẫn chứng của ông Hùng thì một kilogram gạo, DN chỉ cần trích 10 đồng cho quỹ BHNN, thì mỗi năm quỹ sẽ có khoảng 68 tỉ đồng từ 6,8 triệu tấn gạo thu mua.

Tuy vậy, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm VN Trịnh Quang Tuyến lại cho biết, để DN tham gia chương trình thì Chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính cho DN trong giai đoạn đầu. Song DN bảo hiểm hiện nay không khỏi đắn đo trong việc tham gia lĩnh vực BHNN cho nông dân. Vì đây là lĩnh vực bảo hiểm tiềm ẩn nhiều rủi ro, liên tục xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Mức chi đền bù sẽ cao, trong khi mức thu phí thấp. Hơn nữa, các DN sẽ khó đánh giá mức thiệt hại của nông dân. Ông Tuyến phân tích tiếp, do đặc thù của nông nghiệp ở nước ta còn nhỏ lẻ, manh mún, giá cả đầu ra của nông sản bấp bênh, nên cũng khó xác định mức thiệt hại khi có thiên tai, dịch bệnh. Do vậy, quá trình bồi thường bảo hiểm sẽ gặp nhiều khó khăn.

Dưới góc độ một DN được giao trọng trách thí điểm BHNN, ông Lê Quang Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty bảo hiểm Bảo Việt chia sẻ: “Một trở ngại không hề nhỏ hiện nay của chúng tôi là sự chuẩn bị xem ra còn nhiều bị động”. Ông này cũng lý giải, nguyên nhân do tính chất công việc BHNN còn quá rộng, phức tạp nên cần một nguồn nhân lực nhất định. Vì vậy, hiện nay, với số lượng vài chục nhân sự cho một chi nhánh bảo hiểm tỉnh, thì việc “ôm” thêm thị phần BHNN sẽ là trở ngại không nhỏ. Đó là chưa kể việc thuyết phục người dân tham gia mua bảo hiểm cũng gian nan không kém. Bởi lẽ, chúng ta vẫn còn quá thờ ơ với việc mua BHNN khi giá cả đầu ra nông sản bấp bênh, khó xác định thu nhập để theo đó tính toán mức thiệt hại khi có thiên tai, dịch bệnh – ông Bình khẳng định.

Tương lai gần hay xa ?

Nhưng điều đáng mừng là các DN đều đồng tình với mô hình BHNN. Ông Trần Vĩnh Đức – Chủ tịch HĐQT TCty cổ phần Bảo Minh khẳng định: “Dẫu biết có nhiều rủi ro, nhưng chúng tôi vẫn rất mong muốn thu hút nhiều hộ nông dân vào thị trường BHNN”. Vì vậy, bên cạnh mục tiêu xã hội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương, chúng tôi cũng đang thí điểm xây dựng sản phẩm bảo hiểm hoàn toàn mới và giảm thiểu tối đa những hạn chế của sản phẩm BHNN truyền thống, tạo tiền đề phát triển nghiệp vụ BHNN trong thời gian tới. Hiện tại, Bảo Minh đang triển khai thí điểm bảo hiểm chỉ số hạn hán đối với cây cà phê tại Đắk Lắk. Mặc dù thời gian thí điểm rất ngắn với quy mô nhỏ nhưng Cty đã ký được 22 hợp đồng, với tổng số tiền bảo hiểm hơn 400 triệu đồng và phí bảo hiểm hơn 40 triệu đồng- ông Đức nói.

Khi triển khai một loại hình bảo hiểm mới như BHNN, nguyên tắc của DN là mong muốn có số đông nông dân tham gia để có thể hạch toán bù cho số ít bị thiệt hại. Vì vậy, để gỡ khó khăn cho cả DN và nông dân, theo ông Trịnh Quang Tuyến – Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm VN, Nhà nước cần có một bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng, nhiều hướng dẫn cụ thể hơn nữa mới thực hiện được BHNN. Mặt khác, ngoài sự phối hợp của các cơ quan chức năng, thì đối với những DN bảo hiểm tham gia BHNN, việc lựa chọn đại lý phân phối phù hợp cùng với việc đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ tư vấn bảo hiểm cũng sẽ đóng vai trò không nhỏ trong việc tiếp cận và thuyết phục bà con nông dân, mà còn giúp giảm thiểu chi phí cho các bên.
Thiết nghĩ, thực tế hiện nay, mỗi khi gặp thiên tai là người dân được nhận hỗ trợ từ Chính phủ. Chính vì vậy, để người dân bỏ ra một khoản tiền mua BHNN không dễ. Vì vậy, để chương trình thí điểm BHNN có hiệu lực thì Chính phủ đã giao cho Bộ NN & PTNT và Bộ Tài chính cùng phối hợp để làm sao không chỉ nông dân mà cả DN cũng tham gia tích cực.
 
Mai Thanh
Bản quyền của Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử

Comments are closed.