Thế giới có thể mất tới 18% GDP do biến đổi khí hậu

(Webbaohiem) – Theo Báo cáo Chỉ số Kinh tế Khí hậu mới của Viện Swiss Re, biến đổi khí hậu đặt ra mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu. Nếu không thực hiện hành động giảm thiểu nào thì nhiệt độ toàn cầu có thể tăng hơn 3°C và nền kinh tế thế giới có thể suy giảm 18% trong 30 năm tới.

Tác động dự kiến đến GDP toàn cầu vào năm 2050 theo các kịch bản khác nhau so với trường hợp thế giới không có biến đổi khí hậu cụ thể như sau:

  • GDP giảm 18% nếu không thực hiện các hành động giảm thiểu (tăng 3,2°C);
  • GDP giảm 14% nếu thực hiện một số hành động giảm thiểu (tăng 2,6°C);
  • GDP giảm 11% nếu thực hiện thêm các hành động giảm thiểu tiếp theo (tăng 2°C);
  • GDP giảm 4% nếu đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris (tăng dưới 2°C).

Nhưng tác động có thể được giảm bớt nếu thực hiện các hành động mang tính quyết định để đạt được các mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris.

Viện Swiss Re đã tiến hành kiểm tra sức chịu đựng (stress test)  để đánh giá xem 48 nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi những tác động liên tục của biến đổi khí hậu trong bốn kịch bản tăng nhiệt độ khác nhau. Khi tình trạng nóng lên toàn cầu làm cho tác động của các thảm họa thiên nhiên liên quan đến thời tiết trở nên nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến thiệt hại về thu nhập và năng suất đáng kể theo thời gian. Ví dụ, mực nước biển dâng cao dẫn đến mất đất canh tác và căng thẳng nhiệt có thể dẫn đến mất mùa.

Các nền kinh tế mới nổi ở các khu vực xích đạo sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nhiệt độ tăng. Các nền kinh tế lớn có thể mất khoảng 10% GDP trong 30 năm. Trong một kịch bản nghiêm trọng là nhiệt độ tăng 3,2°C, Trung Quốc có thể mất gần một phần tư GDP (24%) vào giữa thế kỷ này. Mỹ, Canada và Anh đều tổn thất khoảng 10% GDP. Châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn một chút (11%), trong khi các nền kinh tế như Phần Lan hoặc Thụy Sĩ sẽ bị ảnh hưởng ít hơn (6%) so với Pháp và Hy Lạp (13%).

Xếp hạng khả năng chống chịu của các quốc gia đối với biến đổi khí hậu

Cùng với việc đánh giá tác động kinh tế dự kiến của mỗi quốc gia do rủi ro khí hậu, Viện Swiss Re cũng xếp hạng từng quốc gia về mức độ dễ bị tổn thương đối với các điều kiện thời tiết khô hạn và lũ lụt cực đoan. Ngoài ra, Viện còn xem xét năng lực của quốc gia trong việc đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Tổng hợp lại, những phát hiện này đã tạo nên bảng xếp hạng về khả năng phục hồi của các quốc gia đối với tác động của biến đổi khí hậu. Bảng xếp hạng cho thấy quan điểm tương tự với phân tích tác động GDP: Các quốc gia bị ảnh hưởng tiêu cực nhất thường là những quốc gia có ít nguồn lực nhất để thích ứng và giảm thiểu tác động của tình trạng tăng nhiệt độ toàn cầu. Các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh này là Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines và Indonesia. Các nền kinh tế tiên tiến ở Bắc bán cầu ít bị tổn thương nhất, bao gồm Mỹ, Canada, Thụy Sĩ và Đức.

Các biện pháp cần thực hiện

Ông Jerome Haegeli, Kinh tế gia trưởng của Swiss Re, cho biết: “Biến đổi khí hậu là rủi ro mang tính hệ thống và chỉ có thể được giải quyết trên toàn cầu. Cho đến nay, chúng ta mới làm được quá ít. Tính minh bạch và công khai trong các nỗ lực giảm phát thải ròng về không của các chính phủ cũng như khu vực tư nhân là rất quan trọng. Chỉ khi khu vực công và tư nhân hợp tác với nhau thì quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp mới có thể thực hiện được. Hợp tác toàn cầu để tạo điều kiện cho dòng tài chính đến các nền kinh tế dễ bị tổn thương là việc làm cần thiết”.

Ông nói thêm, “Phân tích của chúng tôi cho thấy lợi ích của việc đầu tư vào nền kinh tế phát thải ròng bằng không. Ví dụ, chỉ đầu tư thêm 10% vào 6,3 nghìn tỷ đô la đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu hàng năm sẽ hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình ở mức 3/4 dưới 2°C. Đây chỉ là một phần nhỏ của tổn thất trong GDP toàn cầu mà chúng ta phải đối mặt nếu không có hành động thích hợp”.

Giảm thiểu biến đổi khí hậu đòi hỏi phải thực thi một loạt các biện pháp. Cần có thêm các chính sách định giá carbon kết hợp với các biện pháp khuyến khích cho các giải pháp bù đắp carbon và dựa vào thiên nhiên, cũng như cách phân loại đối với đầu tư xanh và bền vững. Trong báo cáo tài chính của mình, các tổ chức phải thường xuyên tiết lộ cách thức lên kế hoạch để đạt được Thỏa thuận Paris và các mục tiêu phát thải ròng bằng không.

Với tầm nhìn dài hạn về các khoản nợ và vốn dài hạn để cam kết, các nhà đầu tư tổ chức như quỹ hưu trí hoặc công ty bảo hiểm cũng có vị trí lý tưởng để đóng vai trò quan trọng. Doanh nghiệp tái bảo hiểm còn đóng vai trò cung cấp năng lực chuyển giao rủi ro, kiến thức rủi ro và đầu tư dài hạn, sử dụng hiểu biết của họ về rủi ro để giúp các hộ gia đình, công ty và xã hội giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Huyền My (chuyển ngữ).