Thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân binh sĩ

Cán bộ cơ quan Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng kiểm tra các thông tin trên thẻ BHYT trước khi cấp cho thân nhân quân nhân.Cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ đã được Bộ Quốc phòng triển khai từ hai năm nay, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu một cách thấu đáo chính sách ưu việt này, nhất là với hàng nghìn chiến sĩ mới nhập ngũ đợt 2-2009. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân vừa trao đổi với các cán bộ, chuyên viên cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Bộ Quốc phòng – đơn vị được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ thực hiện công tác cấp thẻ BHYT cho thân nhân quân nhân – để trả lời một số thắc mắc của bạn đọc…


Nâng cao chính sách hậu phương quân đội

Từ ngày 8 đến ngày 15-9 vừa qua, khi đến các đơn vị: Đoàn Sao Vàng (Quân khu 1), Đoàn B95 và đơn vị H42 (Quân khu 3), chúng tôi được nhiều cán bộ, nhất là chiến sĩ mới hỏi: Thân nhân binh sĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự có được cấp thẻ BHYT hay không?
Trao đổi với cán bộ cơ quan BHXH Bộ Quốc phòng, chúng tôi được biết, theo Thông tư liên tịch số 181 (ngày 4-12-2007 Bộ Quốc phòng – Bộ Tài chính) thì: Thân nhân (bao gồm: bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ, hoặc chồng; bố, mẹ nuôi hợp pháp; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi) của hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ được thực hiện chế độ cấp thẻ BHYT theo quy định hiện hành. Thời hạn sử dụng của thẻ BHYT tương đương thời gian tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ. Mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng cho một người là 3% tiền lương tối thiểu chung theo quy định của Chính phủ tại thời điểm mua thẻ bảo hiểm y tế…

Như vậy, ngoài việc cấp thẻ BHYT cho thân nhân của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tại chỗ, thì từ đầu năm 2008, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ (đối tượng thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự) cũng được cấp thẻ BHYT.

Đại tá Hồ Thủy, Giám đốc BHXH Bộ Quốc phòng cho biết: “BHXH nói chung và BHYT dành cho thân nhân quân nhân (bao gồm cả thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ) nói riêng đã và đang đem lại ý nghĩa chính trị to lớn, góp phần chăm sóc sức khỏe, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống về vật chất, tinh thần cho thân nhân quân nhân, tạo sự ổn định hậu phương quân đội; làm cho mọi quân nhân tin tưởng, an tâm công tác, thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó…”.

Từng bước cải cách hành chính

Trước đây, khi tìm hiểu công tác cấp thẻ BHYT cho thân nhân quân nhân đang tại ngũ ở các đơn vị chúng tôi đều nhận được ý kiến cho rằng: Việc sử dụng thẻ BHYT của thân nhân khi đi khám, chữa bệnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu, thuận tiện và được hưởng đầy đủ chế độ và quyền lợi theo quy định của pháp luật; đáp ứng được yêu cầu của quân nhân và nguyện vọng của thân nhân quân nhân…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn vướng mắc một số vấn đề như: Việc kê khai của quân nhân và việc thẩm định, lập danh sách cấp thẻ BHYT ở một số đơn vị còn thiếu chính xác, sai lệch nhiều thông tin. Nguyên nhân là do đơn vị cấp trung đoàn và tương đương độc lập mua thẻ BHYT cho thân nhân quân nhân tại BHXH địa phương nơi đóng quân nên tỷ lệ trùng nhiều cấp, một thân nhân có thể có nhiều thẻ BHYT (với gia đình có từ 2 quân nhân tại ngũ trở lên), đăng ký khám, chữa bệnh ở nhiều cơ sở y tế khác nhau, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Hơn nữa, một số cơ quan BHXH chỉ cấp thẻ BHYT có thời hạn sử dụng một năm, vì vậy thẻ đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ không đáp ứng được…

Cũng chính từ những bất cập trên, từ đầu năm 2009, Cơ quan BHXH Bộ Quốc phòng đã làm tờ trình gửi BHXH Việt Nam và Bộ Quốc phòng để cơ quan BHXH Bộ Quốc phòng trực tiếp làm thẻ BHYT cho thân nhân quân nhân. Đồng thời, tiến hành cấp thẻ BHYT thí điểm đối với 2 đơn vị là Cơ quan Bộ Tổng tham mưu và các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân.

Qua hơn 9 tháng triển khai thí điểm mô hình cấp thẻ BHYT trực tiếp, đã thấy rõ những ưu điểm nổi bật như: Việc in và phát hành thẻ thí điểm như hiện nay đã quản lý tập trung, bảo đảm tính thống nhất, có độ chính xác cao vì danh sách thân nhân được thẩm định chặt chẽ của cơ quan nhân sự các cấp, loại được tình trạng trùng lặp hoặc cấp sai đối tượng. Việc in, chuyển thẻ đến tay thân nhân quân nhân cũng thuận lợi, chính xác, an toàn hơn, tiết kiệm được ngân sách quốc phòng và chi phí của thân nhân quân nhân…

Theo phương thức mới này, thời hạn sử dụng của thẻ BHYT đối với thân nhân quân nhân cũng “linh hoạt” hơn. Nếu như thân nhân sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ, thẻ BHYT có thời gian sử dụng không quá 12 tháng, thì đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ, thẻ BHYT có thời hạn tương ứng với thời gian tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ (18 tháng hoặc 24 tháng). Đồng thời quân nhân khi đăng ký thẻ BHYT cho thân nhân có thể đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT gần nơi thân nhân, hoặc quân nhân cư trú nhất. Khi có nhu cầu sẽ cấp mới, đổi thẻ, thay đổi cơ sở y tế đăng ký khám, chữa bệnh… Cách làm mới này vừa tiết kiệm được thời gian vừa chính xác hơn.

“Chúng tôi đã có văn bản đề nghị BHXH Việt Nam và Bộ Quốc phòng cho phép từ năm 2010 BHXH Bộ Quốc phòng sẽ cấp thẻ BHYT đối với các đối tượng do quân đội quản lý và thân nhân quân nhân các đơn vị trong toàn quân” – Đại tá Hồ Thủy cho biết.

Bài và ảnh: PHÚ SƠN
Nguồn Báo Quân đội Nhân Dân

Comments are closed.