Còn nhiều ý kiến khác nhau về thực trạng mất việc và nguy cơ mất việc của người lao động. Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại chương trình “Nói và làm” tháng 4-2009, do HĐND TP.HCM và Đài truyền hình TP.HCM tổ chức ngày 5-4.
Ông Nguyễn Văn Xê – phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM – cho biết tính đến cuối tháng 3-2009, tại 188 doanh nghiệp (DN) có 25.000 lao động bị giảm việc và 16.000 người bị thiếu việc. Tuy nhiên, theo ông Xê, trong số này hiện chỉ còn khoảng 5.000 người chưa có việc làm (chiếm gần 20%), nguyên nhân là do ốm đau, đang trong thời kỳ thai sản, trở về quê, số còn lại đã được giải quyết việc làm…
Tranh luận về số người mất việc
Ngay khi ông Xê dứt lời, ông Diệp Thành Kiệt – phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM – nói thẳng: “Tôi không thấy tâm đắc với số liệu được đưa ra”. Kịch bản xấu nhất đưa ra dự báo trong năm 2009 cả nước có 400.000 lao động bị mất việc, theo ông Kiệt, cũng không phản ánh được thực trạng. Ông Kiệt cho rằng lao động cả nước có khoảng 45 triệu, trong khi đưa ra dự báo như vậy là không thuyết phục lắm. Liệu có quá lạc quan không?
Ông Nguyễn Đại Đồng – cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – thương binh và xã hội – lý giải: đúng là cả nước có 45 triệu lao động nhưng số làm việc tại các DN chỉ hơn 9 triệu người, còn lại lao động của khu vực ngoài DN, lao động tự do, hợp tác xã… Ông Đồng cũng nói có dự báo cho thấy số lao động bị mất việc dưới 400.000 người. Ông cho biết thống kê từ 47 tỉnh, thành phố thì số lao động bị sa thải cả năm 2008 khoảng 67.000 người, ba tháng đầu năm 2009 là trên 20.000 người.
Dường như chưa thỏa mãn, ông Diệp Thành Kiệt hỏi ngay: nếu cả nước có 400.000 lao động bị mất việc trong năm nay (dự báo cho tình huống xấu nhất) có phải là điều đáng lo không? “Số liệu báo cáo từ phía các DN là đáng tin cậy” – phó Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM Lâm Văn Tiếp khẳng định. Ông cũng cho biết tại các khu chế xuất và công nghiệp TP có 49 DN gặp khó khăn, 8.000 lao động bị mất việc làm và 11.000 người bị giảm việc (chỉ làm khoảng 4 ngày/tuần thay vì sáu ngày). Theo ông Tiếp, có 40 DN đang có nhu cầu tuyển khoảng 11.000 lao động, 9/49 DN gặp khó khăn cũng thông báo đã có đơn hàng mới.
Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Minh – phó Ban văn hóa xã hội HĐND TP.HCM – vẫn băn khoăn: một số DN không có đơn hàng, hoạt động cầm chừng nhưng lại tuyên bố không sa thải công nhân và họ chỉ được hưởng 70% lương cơ bản. Dần dần số lao động này cầm cự không nổi nên tự xin nghỉ việc.
“Số này theo tôi là rất đáng quan tâm nhưng không xếp vào dạng bị sa thải hay mất việc” – ông Minh lo lắng. Ông Minh cho biết thêm có tình trạng lao động được giới thiệu việc làm mới nhưng công việc không phù hợp, chỉ sau một thời gian ngắn phải nghỉ việc. “Nếu chỉ căn cứ vào báo cáo thì lạc quan nhưng thực tế không đúng” – ông Minh nói.
Chậm giải quyết chính sách
“Báo chí có đăng tải TP.HCM vẫn chưa thể hỗ trợ người lao động mất việc, trong khi việc này đã triển khai nhiều tháng nay rồi” – ông Diệp Thành Kiệt thắc mắc. Ông Xê giải thích: để thực hiện chính sách này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở như Kế hoạch – đầu tư, Tài chính, Lao động – thương binh và xã hội.
Ông Xê cũng nói đến thời điểm này chưa có DN nào vay tiền để hỗ trợ giải quyết chính sách cho người lao động. Ông Kiệt bình luận “như vậy là chậm”. Ông Xê nhìn nhận có chậm trong giải quyết chính sách này, đồng thời hứa sẽ làm hết trách nhiệm của mình để giảm các thủ tục, đảm bảo giải quyết nhanh chóng.
Ông Kiệt nêu ý kiến: nếu giải quyết chế độ mất việc thì mỗi năm làm việc phải trả cho người lao động một tháng lương, trong khi giải quyết chế độ thôi việc thì chủ DN chỉ mất nửa tháng lương. Do vậy, một số DN sẽ tìm cách đối phó bằng cách đưa ra những thông tin khiến người lao động lo lắng và tự xin nghỉ việc. Cuối cùng họ chỉ được giải quyết trợ cấp nửa tháng lương do tự xin nghỉ việc. Ông Kiệt kiến nghị nên cho người lao động hưởng ngay chế độ bảo hiểm thất nghiệp thay vì phải đợi đủ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mới được hưởng.
Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo nhận xét: tình hình chung cho thấy có những khó khăn trong giải quyết việc làm nhưng đang có dấu hiệu tích cực. Bà đề nghị cần vận dụng tối đa các chính sách hiện có để hỗ trợ DN, giải quyết chế độ cho người lao động. Bà Thảo cũng yêu cầu các cơ quan chức năng cần tích cực hơn trong việc giải quyết thủ tục người lao động được vay vốn đào tạo nghề, tạo việc làm mới…
Theo 60s.com.vn
Comments are closed.