Thách thức nào cho ngành bảo hiểm hội nhập

Sau hơn 10 năm mở cửa thị trường bảo hiểm, hiện tại Việt Nam đã có hơn 32 DN thuộc mọi thành phần tham gia các hoạt động bảo hiểm (nhân thọ, phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm và tái bảo hiểm); trong đó có 15 DN nước ngoài. Bên cạnh đó, còn có khoảng 30 văn phòng đại diện của các công ty bảo hiểm nước ngoài khác đang họat động trong dạng “thăm dò” thị trường. Thị trường bảo hiểm tại Việt Nam đang khởi sắc và sôi động… Nếu các công ty nước ngoài chiếm 61,99% thị phần bảo hiểm nhân thọ thì các công ty trong nước lại chiếm ưu thế hơn trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ với 94,63%. Trong đó có các công ty lớn trong nước chiếm thị phần doanh thu phí cao như Bảo Việt 38,65%, Bảo Minh 21,76%. Bước vào năm 2007 khi Việt Nam đã chính thức là thành viên của WTO và sự hiện diện thêm của những tập đoàn bảo hiểm quốc tế lớn như ACE, AIA cho thấy, thị trường bảo hiểm, nhất là phi nhân thọ (trong các lĩnh vực xuất khẩu hàng hoá, xây dựng, cơ sở hạ tầng) tại Việt Nam vẫn đang là mảnh đất nhiều tiềm năng và màu mỡ đối với các công ty bảo hiểm nước ngoài, ông Evan Greenberg, Tổng giám đốc của Tập đoàn ACE nhận xét.Có thể thấy, với kinh nghiệm quản lý mang tầm cỡ quốc tế và một chế độ đãi ngộ hấp dẫn, các công ty bảo hiểm nước ngoài vào Việt Nam chắc chắn sẽ thu hút được nhiều nhân sự Việt Nam trong lĩnh vực này. Thêm vào đó, với tiềm lực mạnh mẽ về tiền bạc, họ sẽ làm mọi cách để khuếch trương sản phẩm, thương hiệu và tạo dựng uy tín cũng như chiếm lĩnh thị trường trong một thời gian ngắn, trong khi đó, DN Việt Nam lại bị hạn chế về việc này. Một vấn đề quan trọng khác là theo ưu đãi của luật pháp Việt Nam, các công ty nước ngoài không phải đóng thuế thu nhập DN trong nhiều năm liền. Từ những thuận lợi này của các công ty bảo hiểm nước ngoài để thấy rằng các công ty bảo  hiểm Việt Nam đang phải đối mặt với một sự cạnh tranh mới đầy khốc liệt.Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam: Một trong những phương cách để cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập là các DN Việt Nam cần trang bị và ứng dụng công nghệ thông tin vào khâu khai thác, quản trị DN, quản trị rủi ro; trong đó quan trọng nhất là ứng dụng được thương mại điện tử. Theo đó, khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm của các DN trên mạng theo yêu cầu của mình. Khi công ty chấp nhận, khách hàng sẽ được cấp đơn bảo hiểm và  giấy chứng nhận ngay. Từ đó, việc quản lý đơn bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn nhiều.

Đồng quan điểm trên, theo bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần bảo hiểm AAA bổ sung thêm, yếu tố quan trọng trong cạnh tranh vẫn là con người. Do vậy, bên cạnh việc hiện đại hoá và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, các DN cần phải tập trung đào tạo lực lượng nhân sự. Về việc này, Công ty AAA đã có một cách làm rất hiệu quả là tạo điều kiện cho các thế hệ nhân viên trong công ty được học hỏi và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, bên cạnh những kiến thức trong sách vở mà họ đã học được. Chính những kinh nghiệm thực tế này, sẽ giúp họ tư vấn tài chính cho các khách hàng mua những sản phẩm bảo hiểm một cách phù hợp và thiết thực nhất. Cũng theo bà Liên, thay vì làm ăn đơn lẻ, khó cạnh tranh các công ty Việt Nam có thể hợp tác với DN nước ngoài để tạo thêm thế mạnh. Với chủ trương này, trong thời gian tới, Công ty AAA sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại công ty, để thương hiệu AAA có thể phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đã có nhiều dự án hợp tác làm ăn giữa DN trong nước và nước ngoài thành công trong nhiều lĩnh vực, các ngành kinh tế tại Việt Nam và ngành bảo hiểm cũng không nằm ngoại lệ. Sự liên kết, hợp tác là một phương cách tốt nhất cho các DN bảo hiểm Việt Nam thuộc loại vừa và nhỏ tự tin và có thể đi đến thành công trong giai đoạn hội nhập.

 Thụy Đình – Minh Kiệt

Comments are closed.