Thị trường bảo hiểm xe gắn máy nhộn nhịp trước giờ G

xe__may_resize.jpgSắp đến ngày 25/4, thời điểm bắt đầu xử phạt người đi ô tô, xe máy không có bảo hiểm. Vì thế, thị trường mua bán bảo hiểm hiện rất nhộn nhịp.

Dọc các tuyến đường TP HCM, dễ dàng bắt gặp những tấm bảng rao bán bảo hiểm xe máy, ô tô của nhiều đại lý bảo hiểm như Bảo Việt, Bảo Minh, PJico, AAA, Viễn Đông… Trên Internet, các thông tin về bán bảo hiểm cũng được đăng tải dày đặc. Có đại lý còn thông báo sẽ giao hàng tận nơi, giảm 5 – 10% giá bán cho những người mua số lượng nhiều…

Bảo hiểm bắt buộc bán chạy

Theo thông tư 35 liên tịch do liên Bộ Công an – Tài chính ban hành, từ 15/4/2009 (mới có quy định dời đến ngày 25/4), mức xử phạt hành chính đối với người điều khiển phương tiện hoặc chủ xe mô tô, xe máy không có bảo hiểm là 100.000 đồng và 500.000 đồng đối với người điều khiển ô tô…

Với mức phạt này, số tiền bị phạt còn cao hơn số tiền bỏ ra mua bảo hiểm. Vì thế, sức mua trên thị trường bảo hiểm xe gắn máy được kích khích mạnh. Đại diện Công ty bảo hiểm Liberty (Mỹ), doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài duy nhất cung cấp dịch vụ bảo hiểm xe gắn máy ở Việt Nam cho biết, từ cuối tháng 3 đến nay, mỗi ngày đường dây nóng tư vấn dịch vụ tiếp nhận trên 400 cuộc điện thoại từ khách hàng hỏi về bảo hiểm ô tô, xe máy. Hiện số hợp đồng bảo hiểm công ty này đã ký kết xấp xỉ 8.000 và có thể tăng lên hàng chục nghìn thời gian tới.

Ở các đại lý bán lẻ, tình hình mua bán cũng đang rất sáng sủa. Anh Minh Tiến, chủ một đại lý bán bảo hiểm Pjico trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3, TP HCM) cho biết: “Cả tháng 3, lượng bảo hiểm xe gắn máy ở cửa hàng tăng vọt, mỗi ngày bán được 40 – 50 hợp đồng, tăng gấp ba lần so với bình thường. Đa số khách hàng có tâm lý bỏ vài chục nghìn mua bảo hiểm cho yên tâm còn hơn để bị phạt cả trăm nghìn”.

Đìu hiu bảo hiểm tự nguyện

Trái lại, những gói bảo hiểm tự nguyện với mức trách nhiệm cũng như bồi thường cao hơn khi xảy ra rủi ro lại ít được khách hàng quan tâm. Theo một số công ty bảo hiểm, lượng hợp đồng dạng này chỉ bằng khoảng 1/6 so với hợp đồng bảo hiểm bắt buộc. “Thực tế, người dân vẫn thấy tiếc khi mỗi năm bỏ ra mấy trăm nghìn (1,5 – 2% giá trị xe) để mua bảo hiểm tự nguyện cho xe gắn máy”, một chủ đại lý nhận xét.

Hơn nữa, nhiều người vẫn có tâm lý là để đối phó với cảnh sát giao thông. Ông Lý A Tòng, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM cho biết: “Gia đình tôi năm người với năm chiếc xe máy, nếu mua bảo hiểm bắc buộc đã mất hơn 300.000 đồng rồi. Vì là quy định nên phải làm theo”. Còn chị Lê Phương, đường Alexandre de Rhodes, quận 1, thì lý giải: “Lâu nay, khi gặp rủi ro hay tai nạn, người dân chủ yếu trông vào bảo hiểm y tế chứ ít người nghĩ tới gọi bảo hiểm xe tới giám định hiện trường. Vì thủ tục phức tạp mà mức bồi thường rất thấp”.

Cũng như chị Phương, hầu hết chủ phương tiện xe gắn máy đều quan tâm tới mức hỗ trợ cũng như thủ tục bồi thường khi rủi ro xảy ra.

Hiện theo quy định của Bộ Tài chính, mức phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với xe mô tô, gắn máy dưới 50 phân khối là 55.000 đồng; trên 50 phân khối là 60.000 (chưa tính thuế VAT). Mức bồi thường thiệt hại tối đa (khi xảy ra thiệt mạng) là 30 triệu –  50 triệu đồng mỗi vụ, căn cứ vào mức lỗi của người mua bảo hiểm so với bên thứ ba. Cục Quản lý – Giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý chặt chẽ và thường xuyên kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm đảm bảo các đơn vị này nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định về bán và giải quyết quyền lợi bảo hiểm. 

Theo ông Thomas O’Dore, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Liberty Việt Nam, khi tai nạn xảy ra, để được đền bù thỏa đáng từ doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định, khách hàng phải thông báo ngay với doanh nghiệp để được hướng dẫn kịp thời; đồng thời thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương gần nhất. Biên bản xử lý tai nạn của cơ quan công an hay biên bản xác nhận của chính quyền địa phương sẽ là những tài liệu quan trọng khi lập hồ sơ giải quyết bồi thường.

Theo BAODATVIET.VN

Comments are closed.