Thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ bứt phá vào năm 2010

Mặc dù các DN bảo hiểm (DNBH) Việt Nam đang đứng trước những sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, song các chuyên gia cho rằng, nếu ngay từ bây giờ các DN thực hiện tốt việc cổ phần hoá, nâng cao năng lực quản trị điều hành, năng lực tài chính… thì khả năng tạo ra bước đột phá trong cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài của các DNBH trong nước vào năm 2010 là rất lớn… Theo ông Trịnh Thanh Hoan – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính), việc thị trường của các DNBH trong nước có thể sẽ bị thu hẹp trước những đối thủ mạnh đến từ bên ngoài cũng là điều dễ hiểu, nhưng đó chỉ là trước mắt, bởi nếu xét về lâu dài có rất nhiều lý do khiến thị trường bảo hiểm Việt Nam trở lên sôi động trong thời gian tới. Hiện thị trường bảo hiểm Việt Nam đang được đánh giá là thực hiện tốt vai trò phòng ngừa rủi ro, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, qua đó góp phần duy trì tốc độ phát triển kinh tế xã hội.
Hơn nữa, trong chiến lược phát triển kinh tế từ nay đến năm 2010, GDP bình quân đầu người dự kiến sẽ đạt 1.050-1.100USD/người/năm; tốc độ tăng trưởng GDP đạt từ 7,5-8%/năm (có thể đạt trên 8%/năm); cơ cấu kinh tế ngành trong GDP cũng được chuyển dịch tích cực từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu và vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh. Bên cạnh đó, môi trường pháp lý về kinh doanh bảo hiểm đã được định hình vững chắc và đang ngày càng được hoàn thiện, các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm cũng đã được đề ra nhằm nâng cao vai trò của bảo hiểm đối với mọi mặt của đời sống xã hội; môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện và phát triển mạnh, rất thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả đầu tư của các DNBH. Hiện hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm đã mở ra nên cơ hội tiếp cận những thị trường mới, sản phẩm mới, công nghệ mới về bảo hiểm của các DN trong nước ngày càng nhiều. Vì thế, đây sẽ là cơ hội tốt để các DNBH trong nước có điều kiện phát triển mạnh.

Mục tiêu đến năm 2010, là phát triển được TTBH toàn diện, an toàn, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu cơ bản của nền kinh tế và dân cư. Và để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần phải phấn đấu duy trì mức tăng trưởng ở con số 24%/năm và tỷ trọng doanh thu của toàn ngành bảo hiểm vào năm 2010 phải đạt 4,2% trong GDP. Tuy nhiên, thách thức đặt ra lúc này là khi đã hội nhập thì buộc các DNBH sẽ phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường, tức là các hoạt động tài chính phải minh bạch. Vì thế, các DNBH sẽ phải thực hiện cơ cấu lại, phân chia lại thị trường theo hướng cân bằng hơn. Đây cũng là điều tất yếu mà các DNBH của ta cần phải thích nghi dần với cơ chế thị trường để tự mình vươn lên, nếu không muốn bị đào thải. Theo ông Hoan, trong lĩnh vực bảo hiểm, hiện thị trường Việt Nam đang được coi là một thị trường đầy tiềm năng, thậm chí nó còn được ví như một chiếc bánh hấp dẫn mà trong đó nhiều phần chưa có chủ sở hữu, do đó mục tiêu đặt ra cho sự phát triển của thị trường này là không phải quá xa vời.

Đề cập về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, để thị trường bảo hiểm Việt Nam thực sự có sức bật, tạo ra những bước đột phá vào năm 2010, thì đòi hỏi cả cơ quan quản lý Nhà nước và DNBH phải gấp rút thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính tổng thể. ở tầm vĩ mô, các cơ quan quản lý bảo hiểm phải nhanh chóng hoàn thiện các văn bản pháp lý về kinh doanh bảo hiểm, nhằm tuân thủ các nguyên tắc hội nhập và điều kiện thực tế của thị trường trong từng giai đoạn, tạo nền tảng pháp lý rõ ràng để các DNBH, môi giới bảo hiểm tận dụng cơ hội phát triển hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, cần thiết lập hệ thống thông tin thường xuyên giữa cơ quan quản lý (tức Bộ Tài chính) với các DNBH, môi giới bảo hiểm để đảm bảo tính hiệu quả của công tác quản lý, giám sát cũng như công tác quản trị điều hành DN. Mặt khác, Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm tra, giám sát, cưỡng chế thực thi đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm của DN; xây dựng hệ thống chỉ tiêu giám sát, cảnh báo sớm, xử phạt nghiêm đối với những hành vi kinh doanh không lành mạnh. Đồng thời, đẩy mạnh sự hợp tác với các tổ chức, hiệp hội quản lý bảo hiểm quốc tế, để tiếp thu những kinh nghiệm về công nghệ, quản lý và đào tạo nguồn nhân lực… 

Về các giải pháp đối với DN hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, ông Hoan cho rằng, muốn trụ vững phát triển, giải pháp đầu tiên phải nói đến là tăng cường năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh trên thị trường thông qua khả năng thanh toán, cũng như đảm bảo các cam kết đối với người tham gia bảo hiểm. Do đó, từ nay đến năm 2010, các DNBH sẽ phải thực hiện tăng vốn pháp định theo quy định tại Nghị định 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chế độ tài chính đối với DN bảo hiểm và DN môi giới bảo hiểm. Theo đó, các DNBH phi nhân thọ phải đạt mức vốn pháp định tối thiểu 300 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ phải đạt mức 600 tỷ đồng. Đồng thời, nâng cao công tác quản lý nợ, tổ chức rà soát, đánh giá các khoản nợ, tổ chức thu nợ, chấn chỉnh quy chế tài chính về quản lý số dư; kiểm tra đôn đốc thường xuyên việc thanh quyết toán của các đại lý.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc đa dạng hoá sản phẩm của các DNBH, nhất là những sản phẩm, dịch vụ mới, bởi đây là yếu tố sống còn trong cạnh tranh. Vì thế, ngay từ bây giờ, các DNBH cần đầu tư nghiên cứu chiến lược phát triển tổng thể của DN, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Mỗi DNBH phải có trách nhiệm tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn nữa các cam kết về hội nhập, nhất là những thông tin liên quan đến lĩnh vực hoạt động bảo hiểm, để từ đó định hình ra các chiến lược kinh doanh và có phương án cạnh tranh với các đối thủ cùng lĩnh vực. Đồng thời, giữa các DN hoạt động trong ngành bảo hiểm cũng cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ trong việc khai thác, giám định, bồi thường bảo hiểm, tránh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, phá giá lẫn nhau trên cùng một “sân chơi”, như vậy sẽ gây thiệt hại cho cả người tham gia bảo hiểm và DNBH. Theo ông Hoan, nếu thực hiện tốt các giải pháp trên, thì khả năng tạo ra bước đột phá trong cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài của các DNBH Việt Nam vào năm 2010 là hoàn toàn có thể.

 Minh Đức

Comments are closed.