Thị trường bảo hiểm sẽ có thay đổi lớn

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt NamTừ ngày 1/7/2011, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (gọi tắt là Luật Kinh doanh bảo hiểm mới) đã được Quốc hội thông qua ngày 6/12/2010 sẽ có hiệu lực.Theo nhận định chung, với nhiều sửa đổi, bổ sung sắp được thực thi, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới sẽ tiếp tục tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, với quy định mở cho nhiều loại hình dịch vụ bảo hiểm…

Thứ nhất, để bảo vệ tối đa quyền lợi của bên mua bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp (DN) bảo hiểm bị phá sản hoặc mất khả năng thanh toán, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới quy định DN bảo hiểm phải trích lập Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm. Mức trích lập Quỹ do Bộ Tài chính công bố hàng năm, nhưng tối đa không vượt quá 0,3% tổng doanh thu phí bảo hiểm đối với tất cả các hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam có ý kiến cho rằng, mức này là quá cao và đề xuất chỉ nên thu 0,1% doanh thu.

Nhu cầu và xu hướng phát triển của bảo hiểm sức khỏe con người là tất yếu và ngày càng gia tăng. Vì thế, để mở rộng đường cho các DN bảo hiểm khai thác hiệu quả loại hình bảo hiểm này, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới đã bổ sung vào điều 7, chính thức công nhận bảo hiểm sức khỏe là một loại hình bảo hiểm, bên cạnh hai loại hình truyền thống là bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Điều này phản ánh rõ xu hướng phát triển của thị trường bảo hiểm và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm.

Giám đốc Marketing một DN bảo hiểm phi nhân thọ nhận xét, sự cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn, nếu các DN bảo hiểm nhân thọ cũng được bán bảo hiểm sức khỏe.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, mỗi DN đều có thị trường riêng của mình, đồng thời thị trường bảo hiểm sức khỏe ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và nhận thức của khách hàng Việt Nam về bảo hiểm sức khỏe còn khá hạn chế. Chính vì thế, việc cạnh tranh gia tăng đồng nghĩa với việc các DN sẽ tập trung nhiều hơn cho việc quảng bá sản phẩm. Điều này sẽ giúp nhiều khách hàng quan tâm hơn đến bảo hiểm sức khỏe và giúp tất cả các DN có liên quan tăng doanh thu.

Một sửa đổi quan trọng nữa của Luật Kinh doanh bảo hiểm mới là, quy định về đấu thầu và cạnh tranh trong bảo hiểm. Luật Kinh doanh bảo hiểm mới nghiêm cấm việc cấu kết giữa các DN bảo hiểm hoặc giữa DN bảo hiểm với bên mua bảo hiểm, nhằm phân chia thị trường bảo hiểm, khép kín thị trường bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu ép buộc, ngăn cản tổ chức cá nhân tham gia bảo hiểm và can thiệp trái pháp luật vào việc lựa chọn DN bảo hiểm.

Tuy nhiên, cũng còn có những e ngại rằng, quy định đấu thầu nhằm xóa bỏ tình trạng cát cứ trong bảo hiểm nội ngành sẽ rất khó khả thi, nếu hệ thống pháp luật về cạnh tranh vẫn chưa đầy đủ và thực thi không nghiêm như hiện nay.

Về việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua biên giới, khoản 2, Điều 1, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới quy định: “… DN có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có nhu cầu bảo hiểm được lựa chọn tham gia bảo hiểm tại DN bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam hoặc sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới”.

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nên bổ sung các quy định cụ thể về quản lý ngoại hối liên quan đến các vấn đề thu phí bảo hiểm, giải quyết quyền lợi bảo hiểm và trong quá trình thực hiện bán sản phẩm bảo hiểm qua biên giới, các DN bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm không đáp ứng được đầy đủ các quy định tại khoản 1, 2, 3 của Điều 3 của Luật, thì đương nhiên bị đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới vào Việt Nam…

Ngọc Lan
Báo Đầu tư điện tử, bản quyền thuộc Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Comments are closed.