Thị trường bảo hiểm nông nghiệp: Doanh nghiệp bảo hiểm đứng ngoài cuộc

bhnn.jpgLà một nước nông nghiệp với gần 70% dân số sống và làm việc tại nông thôn, song bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) Việt Nam còn quá nhỏ bé. Trong những vụ tổn thất lớn vừa qua như dịch cúm gia cầm, sự kiện tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL, dịch heo “tai xanh” và đợt rét lịch sử khiến hàng vạn con trâu, bò bị chết, hàng trăm ngàn ha lúa màu hư hại vừa qua, thì ngành bảo hiểm hầu như còn đứng ngoài cuộc…

Theo thống kê của Vụ Bảo hiểm Bộ Tài chính, tỷ trọng tham gia BHNN ở Việt Nam đứng ở mức rất thấp, chỉ chiếm chưa đến 1% tổng diện tích cây trồng, số vật nuôi. Thực tế BHNN đã có mặt ở Việt Nam. Sau 15 năm triển khai (1983-1998), Tập đoàn Bảo Việt đã mở rộng dịch vụ tới 26 tỉnh, nhận bảo hiểm cho 200.000 ha lúa, nhưng đến năm 1999 phải bỏ cuộc vì không có lãi (thu phí được 13 tỷ đồng nhưng phải bồi thường 14,4 tỷ đồng); các dịch vụ BHNN khác (vật nuôi, cây trồng…) cũng trong tình trạng tương tự và nay đã thu hẹp hoạt động, chỉ nhận bảo hiểm cho một số cây như cao su và hiện đang thí điểm bảo hiểm cho cá tra, basa xuất khẩu. Doanh nghiệp bảo hiểm Groupama, 100% vốn của Pháp, mấy năm nay đang vật lộn với BHNN nhưng cũng chưa thành công.

Thực tế, việc phát triển loại hình BHNN vẫn chưa tìm được lối ra vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, các dịch vụ trong BHNN chưa đa dạng, nhiều áp đặt và thường gây khó khăn cho người muốn tham gia. Đặc biệt, hộ nuôi trồng nhỏ hoặc bảo hiểm gia súc, gia cầm là những loại hình thường dễ bị từ chối dịch vụ nhất. Bởi đơn giản một điều, tính rủi ro quá cao. Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm thì cho rằng thị trường Việt Nam rất khó phát triển loại hình BHNN, vì cung cầu chưa gặp nhau, mức huy động bảo hiểm thấp. Những yếu tố như tập quán chăn nuôi nhỏ của người nông dân, nhận thức về bảo hiểm và mức thu nhập thấp đều được các công ty bảo hiểm đánh giá là rất rủi ro. Người nông dân không có thói quen tham gia bảo hiểm, nhiều người chưa nhận thức được vai trò, lợi ích của BHNN.

Tuy vậy, ở các địa phương thường xuyên bị thiên tai, dịch bệnh, người dân luôn sẵn sàng tham gia BHNN nhưng lại không biết mua ở đâu. Bà Nguyễn Thị Liên, chủ một vùng nuôi tôm càng xanh ở Hải Hậu, Nam Định dò hỏi mãi mà vẫn chưa mua được bảo hiểm cho con tôm nuôi. Ông Lê Song Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm cho biết: “BHNN là lĩnh vực hoạt động phức tạp, tốn kém, khả năng sinh lợi thấp và rất dễ bị thua lỗ. Nếu tăng mức phí BHNN thì nông dân không tham gia, giảm mức phí thì doanh nghiệp bị lỗ nên tìm cách tránh né”. Điều hiển nhiên là, một doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải làm ăn có lãi. Nhưng vì sợ rủi ro nên không dám cung cấp dịch vụ. Tất nhiên, không thể bắt các doanh nghiệp thực hiện các nghiệp vụ không có lãi nếu không có sự bù lỗ, hay được hưởng lợi từ cơ chế, chính sách của Nhà nước.

 NGUYỄN VĂN DŨNG (Báo Bình Dương)

Comments are closed.