Năm 2007, thị trường bảo hiểm Việt Nam trải qua năm đầu tiên kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO với những thành tựu đáng khích lệ: Doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ đạt 8.500 tỉ đồng, tăng trưởng 30%; doanh thu bảo hiểm nhân thọ đạt 9.500 tỉ đồng tăng trưởng 12%.
Năm 2008, cùng với lộ trình mở cửa và những ưu đãi theo cam kết Tổ chức thương mại thế giới (WTO) sau một năm hội nhập, trên đà kinh tế – xã hội phát triển cao, dòng vốn đầu tư FDI đạt con số kỷ lục 20,3 tỷ USD năm 2007, thị trường bảo hiểm đang khởi sắc và tăng tốc với nhiều hứa hẹn mới…
Khởi sắc trở lại
Khác với những con số khiêm tốn và ảm đạm của năm 2006, năm 2007, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Trao đổi với chúng tôi, TS Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết: ngay đầu năm 2007, thị trường bảo hiểm đã đánh dấu một sự kiện quan trọng, đó là sự góp mặt của Công ty bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Dai-ichi Nhật Bản vào thị trường trong nước thông qua mua toàn bộ cổ phần của Công ty Bảo hiểm NT Bảo Minh-CMG. Và thực tế cho thấy, năm 2007, nền kinh tế xã hội Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với nhiều cơ hội từ việc gia nhập WTO mang lại. Một số ngành đã xấp xỉ đạt chỉ tiêu lên kế kế hoạch phát triển đến năm 2010 như Thủy sản, dệt may, bảo hiểm phi nhân thọ… 9 tháng đầu năm 2007, GDP tăng trưởng 8.116% ước đạt 9% năm cùng với sự tăng trưởng nhanh của xuất nhập khẩu, công nghiêp – xây dựng, điện lực, hàng không, đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là những tiền đề, cơ sở quan trọng để ngành Bảo hiểm Việt Nam phát triển. Thị trường bảo hiểm Việt Nam sau 1 năm gia nhập WTO đã có những hình ành đậm nét của một ngành sẵn sàng hội nhập và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Chế độ quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm được hoàn thiện hơn để củng cố và phát triển thị trường bảo hiểm. Việc ban hành NĐ 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007, NĐ 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 và chuẩn bị ban hành 2 Thông tư hướng dẫn nghị định trên thể hiện sự nắm bắt nhu cầu phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam, cần thực hiện cam kết WTO hội nhập, và mở cửa thị trường bảo hiểm cần có những cơ chế chính sách quản lý Nhà nước phù hợp.
Việc Bộ Tài chính ban hành Quyết định 23 về Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, ngày 9/4/2007, Quyết định 28 về Bảo hiểm Cháy nổ bắt buộc ngày 24/4/2007 và chuẩn bị ban hành Quy chế triển khai thí điểm bảo hiểm liên kết đơn vị và liên kết đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ. Bộ Công an và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 41 ngày 29/4/2007 về Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc TNDS chủ xe giới, xây dựng được cơ chế phối hợp giữa 02 Bộ, sự chỉ đạo của 02 Bộ tới các đơn vị trực thuộc các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhằm thực hiện nghiêm chỉnh chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới. Các DNBH đã đóng góp tích cực vào công tác đề phòng hạn chế tổn thất hình thành quỹ tập trung, quy mô lớn để thực hiện những công việc lớn như đóng góp 5% phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nhằm góp phần phát triển lực lượng PCCC, 2% phí bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới để góp phần đảm bảo an toàn giao thông, đề phòng hạn chế tổn thất và bồi thường nhân đạo. Việc Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm Bảo Việt chọn HSBC là cổ đông chiến lược, Bảo Minh chọn AXA là cổ đông chiến lược chứng tỏ các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đã nằm trong tầm ngắm chú ý để đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu quốc tế, đồng thời tận dụng được kinh nghiệm, công nghệ, sản phẩm mới và hệ thống của đối tác chiến lược để phát triển phân phối sản phẩm bảo hiểm, nâng cao uy tín thương hiệu của mình.Các doanh nghiệp bảo hiểm đồng loạt tăng vốn phù hợp với quy định pháp luật, nâng mức vốn pháp định lên 300 tỉ đồng đối với bảo hiểm phi nhân thọ, 600 tỉ đồng đối với bảo hiểm nhân thọ, 200 tỉ đồng đối với bảo hiểm dầu khí hoặc vệ tinh hoặc bảo hiểm liên kết đầu tư, 10 tỉ đồng đối với thành lập chi nhánh thứ 21. Ngoài ra các doanh nghiệp bảo hiểm còn tăng thêm vốn để góp vốn thành lập tài chính, chứng khoán… Việc tăng vốn điều lệ cao hơn vốn pháp định giúp doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng hoạt động kinh doanh sang các dịch vụ tài chính nâng cao khả năng tài chính, nâng cao năng lực bảo hiểm làm giảm đi đáng kể phải tái bảo hiểm ra nước ngoài đồng thời làm tăng uy tín và sự tin cậy của khách hàng.Các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư vào nền kinh tế quốc dân trên 40.000 tỉ đồng tương đương 2,5 tỉ USD bằng vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm (chủ yếu là trung và dài hạn) góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Năm 2008 – bước tăng tốc mới.
Theo lộ trình gia nhập WTO, VN sẽ thực hiện các cam kết như bỏ quy định tái bảo hiểm bảo hiểm 20% cho Công ty Tái bảo hiểm VN (Vinare); cho phép công ty bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài được cung cấp dịch vụ bảo hiểm bắt buộc kể từ ngày 1.1.2008; cho phép thành lập chi nhánh của các công ty bảo hiểm nước ngoài sau 5 năm kể từ khi gia nhập WTO, đối với dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ; cho phép thành lập công ty bảo hiểm 100% vốn đầu tư nước ngoài và không hạn chế số lượng chi nhánh trong nước…Lộ trình này đã và đang làm cho thị trường bảo hiểm trong nước sôi động hơn. Năm 2008, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, dòng vốn FDI năm 2007 là 20,3 tỷ USD, vốn ODA là 5,3 tỷ USD chủ yếu được giải ngân năm 2008 sẽ là điều kiện thuận lợi để bảo hiểm phát triển. Tổng đầu tư xã hội sẽ chiếm khoảng 42% GDP đòi hỏi bảo hiểm phải phát triển mạnh hơn, có nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Mặc dù thành công năm 2007 là rất lớn nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng, còn đến 90-95% tiềm năng thị trường bảo hiểm Việt Nam chưa được khai thác và như vậy vẫn còn rất nhiều cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước tăng trưởng phí bảo hiểm và tăng thu nhập. Theo TS Phùng Đắc Lộc, vẫn còn nhiều loại hình bảo hiểm đầy tiềm năng chưa được khai thác như: bảo hiểm liên quan đến tai nạn và sức khoẻ con người, bảo hiểm công nghệ cao, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm xuất khẩu, cả ở trong nước và ngoài nước…Ngành bảo hiểm cũng cần vươn tới các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đừng nghĩ rằng miền núi nghèo thì không có tiềm năng.
(Theo Thời báo Tài Chính)
Comments are closed.