Thị trường bảo hiểm nhân thọ: Trăn trở tìm lối đi

Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và bảo hiểm nói chung đã tăng trưởng chậm lại do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Điều rất dễ hiểu là tình hình kinh tế khó khăn đã khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu. Tình trạng lạm phát cao trong năm 2008 và những lo lắng về khả năng tái lạm phát đã khiến nhiều khách hàng hủy bỏ hợp đồng tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, việc đồng ý tham gia bảo hiểm (nghĩa là chấp nhận việc đóng góp nghĩa vụ tài chính trong một quá trình dài, có khi lên đến 20 năm) khiến cho những người không có thu nhập ổn định không dám tham gia.

Tăng trưởng khiêm tốn

Hiện nay có tổng số 11 công ty bảo hiểm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ (BHNT) trong đó đa số là các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài. Theo số liệu từ Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, khép lại quý I/2009, các doanh nghiệp trong lĩnh vực BHNT đạt doanh thu 2.514 tỷ đồng, chỉ tăng 7% so với năm 2008 – mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Số lượng hợp đồng khai thác mới trong 3 tháng đầu năm giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số lượng khai thác mới trong kỳ đạt 114.575 hợp đồng, trong đó dẫn đầu là Prudential khai thác được 44.130 hợp đồng; tiếp theo là Bảo Việt Nhân thọ 32.060 hợp đồng; AIG Life là 10.092 hợp đồng. Số lượng hợp đồng khôi phục hiệu lực trong kỳ là 21.425 hợp đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các doanh nghiệp BHNT cũng phải thanh toán số tiền bảo hiểm cho 151.052 hợp đồng hết hiệu lực trong kỳ, tăng 15% so với cùng kỳ.

Tìm lối đi riêng

Lấy dịch vụ bù khủng hoảng, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mới được thiết kế với nhiều lợi ích cho khách hàng.

Đạt con số tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm nhưng đó cũng được coi là kết quả khả quan. Ông Jung Seop Hyun – Tổng Giám Đốc Korea Life Vietnam cho rằng, thị trường BHNT Việt Nam đã không còn trong giai đoạn tăng trưởng phi mã của những ngày đầu tiên, nhưng vẫn còn đầy tiềm năng. Hiện mới chỉ có khoảng 5% người dân Việt Nam tham gia BHNT, trong khi ở Hàn Quốc tỉ lệ này là trên 90%. Kể từ khi chính thức khai trương (ngày 31/03/2009), đến nay Korea Life Vietnam đã đạt được hơn 300% chỉ tiêu kinh doanh.

Ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng đồng quan điểm khi cho rằng tiềm năng thị trường BHNT vẫn còn rất lớn. Vậy nhưng nguyên nhân thứ hai – quan trọng hơn, theo ông Lộc – là các doanh nghiệp đã tích cực đổi mới sản phẩm nhằm mang lại lợi ích nhiều hơn cho người mua bảo hiểm, một sản phẩm bảo hiểm tích hợp nhiều tiện ích cho người tham gia. Trong 3 tháng đầu năm, tổng mức trách nhiệm mà các doanh nghiệp BHNT phải đảm nhận là 273,585 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một trong những cách thức mà các doanh nghiệp BHNT đang sử dụng để vượt qua những khó khăn: tung ra nhiều loại hình sản phẩm có mức độ bảo vệ cao hơn, nhiều lớp bảo vệ và đa dạng hơn với phí rẻ tương đối (nếu tách rời từng lớp bảo vệ độc lập) nhằm nâng cao tính hiệu quả khai thác của hợp đồng bảo hiểm trước tình hình khai thác mới ngày càng khó khăn. Sự chuyển hướng về sản phẩm có lớp bảo vệ cao và đa dạng đang tạo ra một hướng đi tích cực đối với thị trường BHNT Việt Nam. Bên cạnh đó các doanh nghiệp bảo hiểm đã nỗ lực tuyên truyền, giải thích, trợ giúp khách hàng để tiếp tục duy trì hợp đồng bảo hiểm.

Trên thực tế các doanh nghiệp đang hướng vào 2 dòng sản phẩm chính là bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đầu tư. Sản phẩm liên kết đầu tư là loại hình sản phẩm mà người mua vừa được bảo hiểm rủi ro thiên tai, tai nạn bất ngờ, vừa trở thành nhà đầu tư thông qua hình thức liên kết với doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào các quỹ liên kết với đơn vị đó. Nhà đầu tư có thể linh hoạt lựa chọn các quỹ liên kết để đầu tư.

Đối với sản phẩm liên kết chung, phí bảo hiểm mà khách hàng đóng được tách thành phần phí bảo hiểm dành cho bảo hiểm rủi ro (tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn…) và phần phí bảo hiểm dành cho đầu tư. Quyền lợi bảo hiểm cũng được tách bạch thành quyền lợi bảo hiểm rủi ro (số tiền khách hàng được nhận khi gặp các rủi ro như tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn…) và quyền lợi đầu tư (quyền lợi được hưởng từ phần phí bảo hiểm dành cho đầu tư). Tuy mới mẻ và có nhiều quyền lợi nhưng trong bối cảnh thị trường chứng khoán suy giảm mạnh thì sức hấp dẫn đối với sản phẩm này cũng giảm đi rõ rệt.

Còn nhiều đất cho bảo hiểm!

Nói về việc triển khai các sản phẩm bảo hiểm mới, ông Đặng Ngọc Thanh – Phó Tổng giám đốc Bảo Việt nhân thọ cho biết. Phải mất vài ba năm nữa, các sản phẩm bảo hiểm liên kết ngân hàng mới phát triển mạnh mẽ khi người dân thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt và ý thức mua bảo hiểm tăng lên.

Mới bắt đầu cách đây hơn 10 năm, thị trường BHNT Việt Nam đã nhanh chóng bắt kịp các thị trường lâu đời hơn nhờ sự toàn cầu hóa mạnh mẽ và những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ truyền thông. Hiện nhiều doanh nghiệp đang hướng đến đối tượng khách hàng tại các vùng nông thôn. Tại đó mức sống của người dân tăng lên nhưng các dịch vụ tài chính tiện ích như BHNT cũng chưa nhiều. Sau năm 2008 đầy biến động, năm 2009 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam khi số lượng hợp đồng khai thác mới của bảo hiểm nhân thọ giảm sút đồng thời số lượng hợp đồng bảo hiểm chấm dứt trước hạn trong năm nay sẽ tăng cao hơn bởi những khó khăn về kinh tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân Việt Nam. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 10 %, bên cạnh việc đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm nhằm phục vụ nhiều nhu cầu của khách hàng hơn như vừa qua, các chuyên gia tài chính cho rằng, doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng cao tính hiệu quả của các kênh đầu tư từ nguồn vốn dự phòng, nâng cao chất lượng đại lý bảo hiểm.

Hiền Linh

Comments are closed.