
Quy mô thị trường ngày càng được mở rộng: từ chỗ chỉ có một DNBH là Bảo Việt đến nay đã có 28 DNBH Phi nhân thọ, 11 DNBH Nhân thọ, 10 DN môi giới BH hoạt động cùng nhau tranh tài cung cấp sản phẩm bảo hiểm để khách hàng có quyền lựa chọn một cách tích cực. Trong số đó, BH PNT có 7 DN 100% vốn nước ngoài, 4 DN liên doanh, BHNT có 10 DN 100% vốn nước ngoài, môi giới BH có 4 DN 100% vốn nước ngoài. Mạng lưới hoạt động của ngành BH được mở rộng bằng các chi nhánh, công ty thành viên, văn phòng giao dịch của các DNBH đến tận các tỉnh, thành, quận huyện, các vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo. Đối tượng khách hàng ngày càng đa dạng, phong phú. Không có một DN sản xuất, một ngành nghề nào là không được DNBH tiếp cận tuyên truyền giới thiệu sản phẩm và vận động tham gia BH.
Số lượng sản phẩm BH ngày càng nhiều, đa dạng, phong phú cơ bản đáp ứng nhu cầu và tạo được sự lựa chọn mang tính cạnh tranh cho khách hàng. Năm 1999 mới có 20 sản phẩm BH, đến nay khối PNT đã có 3 sản phẩm BH bắt buộc và 600 sản phẩm BH do DNBH đăng kí với Bộ Tài chính; Khối NT có gần 200 sản phẩm BH được Bộ Tài chính phê duyệt. Các sản phẩm BH có sự khác biệt giữa DNBH này với DNBH khác mang tính cạnh tranh cao để khách hàng lựa chọn. Đã có nhiều sản phẩm BH đòi hỏi kĩ thuật công nghệ BH cao như BH hàng không, bảo hiểm dầu khí, bảo hiểm vệ tinh, bảo hiểm đóng tàu, bảo hiểm công trình 70 tầng, bảo hiểm các công trình ngầm. Đặc biệt, BHNT đã ra đời, phát triển sản phẩm BH liên kết chung (Universal life) và BH liên kết đơn vị (Unit link) phù hợp với sự phát triển của thị trường BH – chứng khoán – đầu tư – tài chính trong giai đoạn mới.
Tốc độ tăng trưởng cao. Năm 1993, doanh thu BH mới đạt 700 tỉ đồng, chiếm 0,37% GDP. Năm 2007, doanh thu BH đạt 17.846 tỉ đồng, chiếm 2,11% GDP, trong đó NT đạt 9.486 tỉ đồng, PNT đạt 8.360 tỉ đồng. Năm 2008, doanh thu BH ước đạt 21.314 tỉ đồng, chiếm 2,22% GDP, trong đó NT ước đạt 10.489 tỉ đồng, tăng trưởng 11%, PNT ước đạt 10.825 tỉ đồng, tăng trưởng 29%. Đặc biệt, BH PNT đã về đích trước hạn trong việc thực hiện chỉ tiêu chiến lược phát triển ngành BH giai đoạn 2003 – 2010 đề ra là 9.000 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng BH PNT bình quân 15 năm qua đạt 2%/năm, BH NT thí điểm từ năm 1996, chính thức triển khai từ cuối năm 1999 cũng đạt tăng trưởng bình quân 1999 – 2008 là 20%/năm. Đây là tốc độ tăng trưởng cao, mang sức hấp dẫn lớn đối với các công ty BH nước ngoài muốn đầu tư vào VN.
Năng lực tài chính của các DNBH tăng mạnh. Năm 1993, ngành BH có vốn chủ sở hữu 145 tỉ đồng, dự phòng nghiệp vụ 188 tỉ đồng, đến nay, vốn chủ sở hữu đã lên tới trên 17.500 tỉ đồng, dự phòng nghiệp vụ lên tới 35.485 tỉ đồng. Khối BH PNT có vốn chủ sở hữu 10.676 tỉ đồng, dự phòng nghiệp vụ 5.611 tỉ đồng, khối NT có vốn chủ sở hữu 6.824 tỉ đồng, dự phòng nghiệp vụ 34.446 tỉ đồng. Đặc biệt, có DNBH có vốn chủ sở hữu lớn như Bảo Minh 2.067 tỉ đồng, PVI 1.754 tỉ đồng, Bảo Việt 1.005 tỉ đồng, có dự phòng BH cao như Bảo Việt 1.895 tỉ đồng, Bảo Minh 635 tỉ đồng, Bảo Việt Nhân Thọ 12.215 tỉ đồng, Prudential 13.059 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ tăng mạnh làm cho năng lực BH của từng DNBH nâng lên rõ rệt, tăng khả năng nhận tái BH trong nước và giảm dần phần tái bảo hiểm nước ngoài.
Năng lực quản lý điều hành và chất lượng cán bộ BH ngày càng chuyên nghiệp. Năm 1993, ngành BH mới có 500 cán bộ, công nhân viên, đến nay, toàn ngành đã có tới 14.000 cán bộ, công nhân viên và 140.000 đại lý BH, trong đó có 90.000 đại lý BH NT chuyên nghiệp. Lãnh đạo DNBH, các Trưởng phòng, Giám đốc chi nhánh đều được trải qua các khóa đào tạo trong và ngoài nước đạt tiêu chuẩn qui định của Bộ Tài chính. Sự ra đời các công ty BH có vốn nước ngoài đã là tấm gương cho các DNBH học tập kinh nghiệm, phương thức quản lý điều hành DNBH, nghiên cứu, phát triển sản phẩm BH, phát triển kênh phân phối qua khâu trung gian BH là môi giới BH, đại lý BH. Toàn ngành có trên 90% cán bộ BH có trình độ đại học, trong đó, 5% có trình độ trên đại học, có trên 1.000 cán bộ tốt nghiệp các khóa đào tạo BH nước ngoài có trình độ đại học và sau đại học. Gần đây, trong quá trình cổ phần hóa, các DNBH đã hướng tới chọn đối tác chiến lược là các công ty BH hàng đầu quốc tế để tiếp thu phương pháp, kinh nghiệm, công nghệ quản lý, điều hành của họ.
Đầu tư vào nền kinh tế quốc dân của các DNBH tăng mạnh. Năm 1993, đầu tư vào nền kinh tế quốc dân mới ở mức 300 tỉ đồng. Năm 2008, đầu tư vào nền kinh tế quốc dân ước đạt 50.896 tỉ đồng, trong đó, BH NT là 36.012 tỉ đồng, BH PNT là 14.884 tỉ đồng. Các khoản đầu tư của DNBH đều đảm bảo an toàn, hiệu quả, chủ yếu là đầu tư vào trái phiếu chính phủ, tiền gửi ngân hàng và các khoản đầu tư có đảm bảo. Tiền lãi đầu tư đã tạo điều kiện cho các DNBH trả bảo tức ngày một tốt hơn cho khách hàng, một phần để bù đắp chi phí hoạt động, một phần đem lại cổ tức cho các cổ đông. Các khoản đầu tư của DNBH là nguồn vốn trung và dài hạn cho các công trình, các dự án phát triển nền kinh tế xã hội. Năm 1993, ngành BH nộp ngân sách nhà nước 68 tỉ đồng, năm 2008, ước đạt 450 tỉ đồng. Ngoài ra, ngành BH tạo nguồn thu thuế VAT gần 1.000 tỉ đồng, thuế thu nhập cá nhân của nhân viên và đại lý BH gần 1.000 tỉ đồng. Các DNBH đã tài trợ cho các hoạt động thể thao, văn hóa, xã hội, từ thiện hàng trăm tỉ đồng.
Ngành BH xứng đáng là tấm lá chắn kinh tế của nền kinh tế xã hội, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống trước những rủi ro hiểm họa xảy ra. Năm 1993, ngành BH giải quyết bồi thường 120 tỉ đồng, đến năm 2007, ngành BH đã giải quyết bồi thường 3.229 tỉ đồng đối với BH PNT, trả tiền BH 2.239 đối với BH NT. Năm 2008, BH PNT giải quyết bồi thường ước đạt 4.500 tỉ đồng và trả tiền BH NT ước đạt trên 3.000 tỉ đồng. Nhiều tổn thất lớn xảy ra đã và đang được giải quyết bồi thường. Ngoài ra, các DNBH còn tích cực làm tốt công tác đề phòng, hạn chế tổn thất cho các công trình đường lánh nạn, gương cầu lồi, hàng rào hộ lan, đường gom, đường dân sinh, khắc phục điểm đen tai nạn.
Chế độ quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh BH ngày càng hoàn thiện. Luật kinh doanh BH được ban hành năm 2000, NĐ 42, NĐ 43, TT 71, TT 72 được ban hành tháng 8 năm 2001 đến nay được sửa đổi, bổ sung thành NĐ 45, NĐ 46, TT 155, TT 156 ban hành năm 2007 hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh BH. NĐ 103 về BHBB TNDS chủ XCG, NĐ 130 BH Cháy nổ bắt buộc, NĐ 125 về BHBB TNDS trong kinh doanh vận tải thủy nội địa, NĐ 118 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh BH, QĐ 153 – BTC về chỉ tiêu giám sát tài chính DNBH, QĐ 175/TTg về chiến lược phát triển thị trường BHVN,…. Các Luật được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn 15 năm qua cũng điều chỉnh những vấn đề liên quan đến BH như Luật phòng cháy chữa cháy, Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông thủy nội địa, Luật Hàng hải, Luật Hàng không, Luật Du lịch,…. Những văn bản pháp quy nói trên là cơ sở pháp lý để ngành BH phát triển. Chế độ quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh BH thể hiện sự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng, của DNBH, phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của DNBH, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm.
Ngành BH đi đầu trong việc hội nhập quốc tế và mở cửa thị trường. Ngay năm 1993 đã có công ty liên doanh môi giới BH AON-BẢO VIỆT được thành lập. Đến nay, toàn thị trường BH đã có 21 DNBH có vốn nước ngoài, trong đó, PNT có 11 DNBH có vốn nước ngoài (4 liên doanh), NT có 10 DNBH 100% vốn nước ngoài, Môi giới BH có 4 DN 100% vốn nước ngoài. Quá trình mở cửa thị trường BHVN không làm suy giảm năng lực cạnh tranh của DNBH trong nước mà còn là yếu tố buộc các DNBH trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để tồn tại và phát triển. Hoạt động KDBH luôn liên quan đến tái BH và các sản phẩm BH dễ dàng bắt chước sao chụp nên yếu tố hội nhập của ngành BH mang tính tất yếu đối với từng DNBH.
HHBHVN góp phần không nhỏ cho sự phát triển thị trường BHVN. Cuối năm 1999, HHBHVN được ra đời như là một tất yếu của thị trường BH. HHBHVN đã xứng đáng là ngôi nhà chung, mang tiếng nói chung và đã phát huy được vai trò tự quản của các DNBH. HHBHVN đã làm tốt vai trò tuyên truyền về BH, đóng góp, xây dựng cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến BH, xây dựng và phản biện một số sản phẩm BH, tổ chức Hội thảo, đào tạo nghiệp vụ, cung cấp thông tin, đánh giá, định hướng thị trường BH và tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức trong và ngoài nước với ngành BHVN.
Có thể nói 15 năm qua là chặng đường dài ngành BH đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, vượt qua thử thách, mở cửa và hội nhập quốc tế để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển đầu tư trong nước, ổn định đời sống nhân dân trước những thiên tai, hiểm họa xảy ra.
Nhưng thị trường BHVN đã bộc lộ một số yếu kém, đó là tình trạng cạnh tranh gay gắt chủ yếu bằng hạ phí BH thấp hơn cả phí tái BH ra nước ngoài hoặc tỉ lệ bồi thường chung của thị trường; trích lập dự phòng chưa đủ, hồ sơ bồi thường còn tồn đọng nhiều. Năm 2009, nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế VN nói riêng, trong đó có ngành BH sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trước tình hình trên đòi hỏi các DNBH cần phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư phát triển công nghệ mới, phát triển sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực điều hành DN, hợp tác chia sẻ thông tin, rủi ro để phát triển lành mạnh. Ngành BH phát huy hơn nữa thành tựu đã đạt được trong 15 năm qua, quyết tâm xây dựng thị trường BHVN phát triển bền vững, vượt qua thử thách, đáp ứng nhu cầu BH ngày càng đa dạng, thiết thực của nền kinh tế xã hội, hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu chiến lược giai đoạn 2003-2010, chuẩn bị cho chiến lược phát triển ngành giai đoạn 2011-2015 có tính đến năm 2020.
Phùng Đắc Lộc – Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
Theo Hiệp Hội Bảo Hiểm Việt Nam
Comments are closed.