Thị trường BHVN trước cơn bão khủng hoảng tài chính hiện nay

money_resize.jpgCuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn ở Mỹ bắt đầu từ những tháng cuối năm 2007 đã lan rộng thành một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tác động của nó ngày càng sâu rộng đến thị trường bảo hiểm ở Mỹ và toàn thế giới. Trước cơn bão tài chính đó, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang bị tác động như thế nào, và sẽ phải làm gì để hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của nó?

Những tháng cuối năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bùng phát mạnh mẽ, buộc công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới AIG rơi vào nguy cơ mất khả năng thanh toán trầm trọng. Công ty bảo hiểm nhân thọ Ya-ma-mo-to của Nhật Bản không được cứu nguy cho nên đã phải nộp đơn xin phá sản vào ngày 10-10-2008. Ủy ban Giám sát Bảo hiểm và trợ cấp nghề nghiệp của châu Âu thì vẫn đang sát sao theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường,…

Những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đến thị trường bảo hiểm Việt Nam

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của tất cả các nước trên thế giới bị chững lại, suy thoái và nhiều nước trước đây có tốc độ tăng trưởng khá thì nay đã phải điều chỉnh tốc độ tăng trưởng giảm đi, trong đó có Việt Nam. Đây là vấn đề mấu chốt nhất có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tài chính nói chung và thị trường bảo hiểm Việt Nam nói riêng.

Những ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất đến thị trường bảo hiểm Việt Nam phải kể đến là:

Thứ nhất, vốn đầu tư xã hội, vốn FDI và vốn ODA đang có dấu hiệu chững lại. Số dự án FDI đăng ký mới trong tháng 10-2008 là 68 dự án, với tổng số vốn là 2,02 tỉ USD, thấp hơn nhiều so với các tháng đầu năm. Khả năng giải ngân vốn FDI và vốn ODA trong cả năm 2008 cũng chịu ảnh hưởng đáng kể của cuộc khủng hoảng. Bên cạnh đó, do tình hình lạm phát diễn biến phức tạp nên đã có hơn 1.600 dự án bị hoãn lại hoặc cắt bỏ. Nhiều dự án lớn, do khó khăn về vốn, đã không bảo đảm đúng tiến độ, thời gian hoàn thành dự án bị kéo dài. Thực trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng khai thác để tăng doanh thu phí bảo hiểm, đến công tác quản lý rủi ro của các doanh nghiệp bảo hiểm đối với một loạt nghiệp vụ bảo hiểm chủ yếu như: bảo hiểm xây dựng và xây lắp, bảo hiểm thiết bị máy móc, bảo hiểm hỏa hoạn và bảo hiểm gián đoạn kinh doanh,…

Thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay liên tục bị sụt giảm. Chỉ số chứng khoán VN-Index đã có lúc lập đáy mới dưới 275 điểm và đã xuất hiện một số nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường. Tình trạng này đang gây tâm lý hoang mang không chỉ cho các nhà đầu tư nói chung, mà còn ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp đến kết quả và hiệu quả đầu tư quỹ nhàn rỗi của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Thứ hai, cuộc khủng hoảng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của nước ta sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu. Ngay từ những tháng đầu năm 2008, đã xuất hiện xu hướng giảm tốc độ xuất khẩu sang Mỹ – một thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Do nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ đang trên đà suy giảm mạnh do suy thoái kinh tế, nên trong năm 2008, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu sang nước này chỉ đạt xấp xỉ 17%, thấp hơn khá nhiều so với mức 26,7% của năm 2007. Tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường Mỹ của Việt Nam đã giảm từ 20,7% năm 2007 xuống còn 17,7% năm 2008. Tương tự, vào thị trường EU cũng giảm từ 18% xuống còn 16,5%. Hiện tượng này cũng ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đối với các nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, bảo hiểm tàu thủy và trách nhiệm dân sự của chủ tàu, …

Thứ ba, do hệ lụy của cuộc khủng hoảng mà mức thu nhập thực tế của người dân thế giới nói chung, và người dân Việt Nam nói riêng, đã giảm đi cả về mặt tương đối và tuyệt đối. Từ đó, đã buộc người dân phải thắt chặt chi tiêu. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch là người Việt Nam cũng có xu hướng giảm đi tương đối. Hiện tượng này đã tác động trực tiếp đến nhu cầu tham gia bảo hiểm tai nạn và sức khỏe, bảo hiểm du lịch và các loại hình bảo hiểm nhân thọ nói chung. Ngoài ra, có một lượng đáng kể khách hàng đã tham gia bảo hiểm, nhất là tham gia loại hình bảo hiểm nhân thọ, xin hủy bỏ hợp đồng, do lo ngại về tình trạng lạm phát sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc doanh thu phí bảo hiểm con người của các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động kinh doanh trên thị trường sẽ bị giảm đi, cho dù năm 2008 mới chỉ là sự giảm đi một cách tương đối, chưa đáng kể.

Thứ tư, tuy cuộc khủng hoảng tài chính thế giới chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống ngân hàng Việt Nam, song một số tác động gián tiếp của nó là rất đáng kể, như ảnh hưởng đến tỷ giá và lãi suất, đến tình trạng nợ xấu tại các ngân hàng. Thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay liên tục bị sụt giảm. Chỉ số chứng khoán VN-Index đã có lúc lập đáy mới dưới 300 điểm và đã xuất hiện một số nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường. Tình trạng này đã gây tâm lý hoang mang không chỉ cho các nhà đầu tư nói chung, mà còn ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp đến kết quả và hiệu quả đầu tư quỹ nhàn rỗi của các doanh nghiệp bảo hiểm. Kéo theo đó, thị trường bất động sản đã bị đóng băng, những doanh nghiệp, những tập đoàn kinh tế mà các doanh nghiệp bảo hiểm đã góp vốn liên doanh với họ làm ăn đang gặp khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận thu được của các nhà bảo hiểm.

Thứ năm, kinh tế toàn cầu đang bị suy giảm đã làm gia tăng phí bảo hiểm ở hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm, như: phí bảo hiểm trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp (D&O), phí bảo hiểm lỗi và bỏ sót (E&O), phí bảo hiểm kỹ thuật,… Theo ông Đa-vít Bờ-rét-phót (David Bradford), Phó Chủ tịch tập đoàn Advisen, đã đến lúc có đủ các điều kiện để thị trường bảo hiểm chuyển sang giai đoạn tăng phí. Công ty tái bảo hiểm Munich Re của Đức vừa công bố rằng, họ sẽ áp dụng mức tăng phí bảo hiểm lên hai con số vào năm 2009. Tình hình này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu xếp tái bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam. Bởi muốn tái bảo hiểm đi, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam buộc phải tăng phí bảo hiểm gốc, mà điều này thì vô cùng khó khăn khi khủng hoảng tài chính đang có xu hướng diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, theo một quy luật chung trong lĩnh vực bảo hiểm, khi nền kinh tế bị suy thoái, bị khủng hoảng, các doanh nghiệp, các cá nhân làm ăn ngày càng khó khăn, thì hiện tượng khiếu nại đòi bồi thường và hiện tượng trục lợi bảo hiểm lại diễn ra phổ biến và rất phức tạp. Các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cũng không phải là những trường hợp ngoại lệ.

Các giải pháp ổn định thị trường bảo hiểm Việt Nam

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã và đang tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới và sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế của nước ta, mặc dù sự tác động là “không lớn so với các nước phát triển”. Tuy nhiên, theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF): Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam sẽ giảm xuống mức 5% trong năm 2009. Điều này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tài chính Việt Nam, trong đó có thị trường bảo hiểm.

Từ sự phân tích và đánh giá nêu trên, bước đầu chúng tôi đề xuất một số giải pháp cơ bản để ổn định thị trường bảo hiểm Việt Nam và tiếp tục phát triển trong thời gian tới:

Một là, Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động tài chính có liên quan. Phát hiện và kịp thời ngăn chặn từ xa sự đổ vỡ có tính dây chuyền giữa các ngành bảo hiểm – ngân hàng – chứng khoán – kinh doanh bất động sản. Bởi lẽ, mỗi ngành cũng như sự liên kết giữa các ngành này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro không lường trước được.

Theo một quy luật chung trong lĩnh vực bảo hiểm, khi nền kinh tế bị suy thoái, bị khủng hoảng, các doanh nghiệp, các cá nhân làm ăn ngày càng khó khăn, thì hiện tượng khiếu nại đòi bồi thường và hiện tượng trục lợi bảo hiểm lại diễn ra phổ biến và rất phức tạp. Các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cũng không phải là những trường hợp ngoại lệ.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa Luật Kinh doanh bảo hiểm bằng các văn bản hướng dẫn thi hành phù hợp với cam kết WTO. Đồng thời lại phải có những chính sách linh hoạt, mềm dẻo trước diễn biến của cuộc khủng hoảng và sự tác động của nó đến thị trường bảo hiểm Việt Nam. Những nội dung cần hoàn thiện, những chính sách ứng phó linh hoạt, mềm dẻo cần tập trung vào các vấn đề thiết yếu, như: xây dựng hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn thành lập một doanh nghiệp bảo hiểm; quy định về trích lập dự phòng nghiệp vụ; quy định triển khai những sản phẩm bảo hiểm mới; quy tắc và biểu phí bảo hiểm; loại hình bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện, …

Ba là, tăng cường công tác thông tin, cảnh báo kinh tế và quan hệ công chúng. Thường xuyên cập nhật thông tin trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, liên quan đến các tập đoàn, các doanh nghiệp bảo hiểm trên thế giới mà các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam có quan hệ với họ trong hoạt động tái bảo hiểm. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường bảo hiểm thế giới và khu vực để có những đánh giá và nhận định đúng tình hình, từ đó đưa ra những quyết sách kịp thời và thích hợp.

Bốn là, kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng tình hình kinh tế – xã hội đang gặp khó khăn, lợi dụng lúc các doanh nghiệp bảo hiểm lớn trong nước đang trong quá trình cổ phần hóa và chọn đối tác chiến lược cũng như cơ cấu lại doanh nghiệp bảo hiểm của mình để chiếm dụng vốn và thực hiện các hành vi trục lợi bảo hiểm. Giải pháp này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho khách hàng, mà còn góp phần làm cho thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh và ổn định.

Năm là, kiên trì xây dựng và thực hiện một cơ chế phối hợp để bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo hiểm. Đó là cơ chế “đào tạo theo nhu cầu xã hội” với sự tham gia của các trường đại học, các học viện, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm. Việc thực hiện liên kết đào tạo theo cơ chế này sẽ giúp thị trường bảo hiểm nước ta cả trước mắt, cũng như lâu dài, có một đội ngũ những người lao động trẻ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu hội nhập và có thể giúp các doanh nghiệp bảo hiểm đứng vững được trong những lúc khó khăn.

Sáu là, các doanh nghiệp bảo hiểm cần chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc do sự tác động của cuộc khủng khoảng và kiên trì thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình đã đặt ra. Đồng thời phải theo dõi và nắm vững các thông tin trên thị trường bảo hiểm trong nước và quốc tế để có những đối sách phù hợp trong việc điều chỉnh kế hoạch, xác định thị trường mục tiêu, thiết kế sản phẩm, trích lập dự phòng nghiệp vụ, lựa chọn các nhà tái bảo hiểm, lựa chọn các hình thức đầu tư có hiệu quả và an toàn./.

Theo Thông Tin Pháp Luật Dân Sự

Comments are closed.