“Thị trường đánh giá PVI thấp hơn giá trị thực”

Chưa hết bất ngờ trước những diễn biến của cuộc đấu giá Bảo Việt, thị trường tiếp tục bị sốc khi xuất hiện những lệnh rao bán đối với cổ phiếu của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI) ngay sau khi có kết quả đấu giá.

Mức giá bán không tưởng đã từng được rao trên mạng OTC là 65.000-68.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí thấp hơn rất nhiều so với giá đấu giá thành công thấp nhất (70.100 đồng/cổ phiếu). Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVI nói gì về điều này?

Có thông tin là sau đấu giá, giá giao dịch của PVI trên thị trường OTC thấp hơn giá trúng thầu thấp nhất. Ông có bất ngờ không?

Tôi có đọc thông tin này trên Thời báo Kinh tế Việt Nam. Theo tôi thông tin này chưa chính xác. Nếu sự thật có những người chào bán cổ phiếu PVI ở giá 65.000, 68.000 đồng như tin đó đã nêu thì PVI và cán bộ nhân viên PVI sẵn sàng mua lại các cổ phiếu chào bán đó.

Đánh giá về đợt đấu giá, ông có nghĩ thành công không?

Về góc độ PVI, tôi cho rằng đợt đấu thầu này là thành công song tôi cũng cảm thấy thị trường đánh giá thực lực của PVI thấp hơn giá trị thực tế.

Số tiền thu từ việc bán đấu giá này sẽ được sử dụng để tăng cường hoạt động đầu tư tài chính của PVI nhằm tăng lợi nhuận cho Tập đoàn và các cổ đông. Mức giá trúng thầu thấp hơn so với kỳ vọng của chúng tôi.

Vậy mức mà các ông kỳ vọng là bao nhiêu?

Chúng tôi kỳ vọng giá trúng thầu bình quân là 90.000 đồng. Đây là mức hợp lý, phù hợp với những gì mà chúng tôi đang có và sẽ có.

So với đợt đấu giá lần 1, kết quả lần 2 thấp hơn nhiều. Theo ông nguyên nhân chính vì sao?

Thị trường chứng khoán trong một hai tháng gần đây đã bớt đi xu hướng đầu tư theo cơ hội mà đi sâu vào đánh giá thực lực các doanh nghiệp.

Qua đợt đấu giá lần 2 của PVI, tôi thấy rằng đợt đấu giá này đã không bị nóng lên bởi các nhà đầu cơ mua đi bán lại. Điều này được khẳng định qua việc các tổ chức mua được cổ phiếu PVI nhiều hơn cá nhân. Trong tổng khối lượng đăng ký mua là 50.997.400 cổ phiếu (gấp hơn 5 lần khối lượng chào bán), các tổ chức đặt mua 31.575.900 cổ phiếu (chiếm 61,9%) và các cá nhân 19.421.500 cổ phiếu (38,1%).

Tổng số cổ phần trúng giá của các nhà đầu tư là tổ chức là 7.050.996 cổ phần (tổ chức trong nước là 5.083.196 cổ phiếu, tổ chức nước ngoài là 1.967.800 cổ phần), chiếm hơn 70,5% và nhà đầu tư cá nhân là 2.949.004 cổ phiếu, chiếm 29,5%.

Các mức giá chủ yếu được đặt từ 60.000 – 90.000 đồng/cổ phiếu, chứng tỏ các nhà đầu tư đã nghiên cứu và đánh giá rất kỹ tiềm lực của PVI.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang diễn biến đi xuống, từ nay đến cuối năm 2007 sẽ còn nhiều doanh nghiệp lớn được cổ phần hóa, do vậy chúng tôi cũng không hy vọng có được mức giá như thời gian trước đây khi thị trường rất nóng.

Sau sự kiện Bảo Việt tiến hành IPO, hàng loạt giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bảo hiểm bị giảm xuống mức rất thấp. Thêm vào đó, từ đầu tháng 6/2007 Ngân hàng Nhà nước ra quy định yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ được cho vay để đầu tư chứng khoán không vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng dẫn đến việc các nhà đầu tư không còn tiền để tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán. Các sự kiện này ảnh hưởng rất nhiều tới đợt đấu giá của PVI.

Trên thực tế, kể từ lần đấu giá thứ nhất đến nay, PVI đã mạnh lên nhiều, thể hiện ở sự tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận và các quỹ dự phòng.

Về doanh thu, thời điểm cuối năm 2006 khi đấu giá lần 1 thì doanh thu đạt 1.300 tỷ đồng và lợi nhuận là 60 tỷ đồng. Nhưng hết năm 2007, PVI có khả năng vượt 1.800 tỷ đồng và lợi nhuận dự kiến đạt trên 170 tỷ đồng, đứng thứ hai thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

Nhưng nói về tiềm năng (kể cả về khả năng đầu tư tài chính và lợi nhuận), tôi có thể tự tin nói rằng PVI sẽ là tổng công ty bảo hiểm phi nhân thọ số 1 Việt Nam.

Như vậy, liệu có mâu thuẫn không khi mà PVI liên tục tăng trưởng nhưng giá đấu thầu lại thấp?

Tôi cho rằng tâm lý các nhà đầu tư chủ yếu hiện nay là đánh giá doanh nghiệp theo xu thế thị trường. Có những tổ chức đã từng đặt mua PVI trong lần đấu giá thứ nhất với giá 130.000 đồng nhưng lần này họ đặt giá thấp hơn nhưng không phải họ đánh giá PVI yếu đi mà vì lần này thị trường chấp nhận như thế.

Việc PVI thực hiện IPO hay bán đấu giá lần thứ 2 vừa qua không phản ánh được sức mạnh thực sự của PVI mà chỉ phản ánh được xu hướng của thị trường đối với việc mua bán cổ phần của các công ty nhà nước được cổ phần hóa.

Dự kiến, bao giờ PVI lên sàn, thưa ông?

Chúng tôi đã nộp đơn xin niêm yết lên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Nếu không có gì thay đổi thì dự kiến, cuối tháng 7 và đầu tháng 8 PVI sẽ lên sàn.

* Cổ phiếu PVI bị dìm giá?

Ngày 28/6, khá đông nhà đầu tư vừa trúng đấu giá cổ phiếu PVI cho biết, một nhóm các nhà đầu tư đã tung lên mạng rao bán cổ phiếu PVI trong ngày 27/6 với mức giá 67.000 đồng/cổ phiếu là giá ảo, khi gọi điện thoại đến thì họ nói đã bán hết sạch rồi. Đây là một thủ thuật dìm giá cổ phiếu PVI bằng cách tạo ra lượng cung ảo với giá rẻ nhằm đánh lừa những nhà đầu tư dễ tin. Trên thực tế, sáng ngày 28/6, có khá nhiều người hỏi mua cổ phiếu PVI với hai mức giá phổ biến là 76.000 đồng và 78.000 đồng/cổ phiếu. Anh Vũ Thành Trung, một nhà đầu tư vừa trúng đấu giá 8.000 cổ phiếu PVI với giá 76.000 đồng/cổ phiếu đã “sang tay” ngay trong sáng ngày 28/6 với giá 79.000 đồng/cổ phiếu.

Comments are closed.