Tập đoàn Bảo Việt: Phát triển dựa trên 3 trụ cột

Sau 2 năm hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần và triển khai thực hiện Đề án cổ phần hóa Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam và thí điểm thành lập Tập đoàn Bảo Việt (HOSE:BVH), đến nay, Bảo Việt được đánh giá là tập đoàn tài chính – bảo hiểm hàng đầu Việt Nam, giữ thị phần bảo hiểm lớn nhất cả nước. Tối 5/10, Tập đoàn Bảo Việt (TĐBV) và các đơn vị thành viên đã tổ chức hội nghị đánh giá những kết quả  của Tập đoàn đạt được trong thời gian qua và đề ra các bước phát triển trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự.

Đẩy mạnh phát triển dựa trên 3 trụ cột: dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng và đầu tư

Trong thời gian qua, TĐBV đã thực hiện thành công đổi mới toàn diện trong các lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, nâng cao trình độ quản lý và ứng dụng công nghệ mới đồng thời phát triển hợp tác với đối tác chiến lược HSBC. Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ tập trung vào các lĩnh vực như: tài chính – đầu tư, marketing, nhân sự, quản lý quỹ… Chuyên gia HSBC trực tiếp tham gia vào một số vị trí quản lý của Bảo Việt và cán bộ Bảo Việt tham gia thực tập và làm việc tại HSBC trong khu vực.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Thị Phúc Lâm cho biết, hiện nay doanh thu khai thác mới (bảo hiểm nhân thọ) 6 tháng đầu năm 2009 của Bảo Việt chiếm 25% thị phần cả nước, thị phần doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2009 đứng đầu cả nước, chiếm 32%. Tổng doanh thu năm tài chính 2008 đạt trên 11.800 tỷ đồng, trong đó doanh thu hoạt động bảo hiểm đạt trên 8.400 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động tài chính là gần 3.300 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh tới tháng 8/2009 của doanh thu bảo hiểm đã đạt được 65,50% kế hoạch; doanh thu tài chính đạt trên 75,3% kế hoạch đề ra.

Nhấn mạnh định hướng phát triển từ nay đến năm 2014, bà Nguyễn Thị Phúc Lâm khẳng định sẽ phát triển Tập đoàn thành định chế tài chính – bảo hiểm hàng đầu Việt Nam, có tiềm lực tài chính vững mạnh, từng bước hội nhập vào thị trường khu vực và thế giới dựa trên 3 trụ cột: dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng và đầu tư. Nâng cao dịch vụ khách hàng, trong đó tập trung cung cấp dịch vụ tài chính kết hợp và trọn gói bảo hiểm-ngân hàng-dịch vụ đầu tư; phát triển thị trường bán lẻ và lĩnh vực kinh doanh mới bao gồm: bảo hiểm y tế tự nguyện và bảo hiểm hưu trí tự nguyện…

Cần tạo thêm sản phẩm bảo hiểm dành cho nông nghiệp, nông thôn

Đánh giá cao những kết quả bước đầu của TĐBV trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, thành công trong cổ phần hóa, đổi mới quản trị, công nghệ, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và những con số về doanh thu đã minh chứng sự phát triển không ngừng của TĐBV.

“Với số vốn trước khi cổ phần hóa của Tập đoàn hơn 1.000 tỷ đồng, hiện nay đạt trên 8.000 tỷ đồng, doanh số hoạt động tăng trưởng cao không chỉ ở bảo hiểm mà còn trên các lĩnh vực hoạt động khác, trình độ quản trị được nâng cao một bước, trình độ công nghệ đang phát triển, đã định ra được chiến lược rõ ràng, điều đó đã chứng minh sự thành công trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tập trung thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho rằng, mô hình hoạt động của TĐBV là ví dụ điển hình cho sự hội nhập quốc tế thành công. Điều đó được thể hiện ở việc hợp tác với HSBC – một đối tác nước ngoài có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Ngoài ra, về mặt kinh tế đã thu hút được nguồn lực tài chính lớn gấp 3 đến 4 lần so với trước đây. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, TĐBV cùng đồng lòng và đổi mới thì sẽ thành công.

Lưu ý chiến lược phát triển của TĐBV trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị, quy mô về vốn và lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn  phải lớn mạnh, mở rộng thêm cổ đông để kịp với sự phát triển của đất nước, tương xứng với tiềm năng phát triển trên thị trường bảo hiểm trong nước mà trước đây chưa được chú ý.

Theo Phó Thủ tướng, thị trường bảo hiểm nước ta còn rộng nhưng hiện khai thác chưa được nhiều. TĐBV hoạt động trên nhiều lĩnh vực như: chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư, tuy nhiên cần phải hoạt động có hiệu quả. Nếu quy mô tăng mà chất lượng hoạt động không tăng nhanh thì sẽ dẫn đến sớm đổ vỡ. Vì vậy, TĐBV xây dựng chiến lược phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an toàn chung cho nền tài chính quốc gia.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, TĐBV cần tính tới việc cho ra đời các sản phẩm mới, trong đó đặc biệt chú ý tới sản phẩm bảo hiểm dành cho nông nghiệp. Bộ Tài chính và TĐBV cần sớm nghiên cứu sản phẩm này. Bởi bảo hiểm vừa là hình thức tiết kiệm tiền bạc và là nghề mang tính nhân đạo cao, lo bảo hiểm trước những rủi ro mà người dân có thể gặp phải, nhất là đối với nông dân.

Kiều Liên

Chính phủ
Vietstock

Comments are closed.