Tăng viện phí: Cần lộ trình thích hợp

Ông Nguyễn Minh Thảo – Phó Tổng giám đốc BHXH VN cho rằng, tăng viện phí là điều phải làm nhưng cần một lộ trình thích hợp để bảo đảm quyền lợi của các đối tượng thụ hưởng.
– Dịch vụ y tế là dịch vụ công, không nhằm mục đích lợi nhuận. Vậy việc tăng viện phí lần này tính toán trên cơ sở nào, thưa ông ?
   Đúng vậy, dịch vụ y tế là một dịch vụ công, không nhằm mục đích lợi nhuận và phải được Nhà nước quản lý và bảo trợ. Vì vậy, khi tính lại giá viện phí, chúng ta cần phải tuân thủ đúng theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 95/CP ngày 27/8/1994 về việc thu một phần viện phí. Tuy việc điều chỉnh lại giá của các dịch vụ y tế quy định tại Thông tư liên tịch số 14 năm 1995 là cần thiết nhưng cơ cấu giá phải được tính toán khoa học, công khai đồng thời cũng phải có lộ trình tăng phù hợp… để không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh cũng như gia đình họ. Hơn nữa, việc tăng giá viện phí cũng phải cân nhắc đến khả năng chi trả của quỹ BHYT, bởi hiện nay quỹ thanh toán đến 70% chi phí dành cho khám chữa bệnh và gặp rất nhiều khó khăn trong bài toán cân đối thu chi khi chỉ mới thực hiện giá viện phí hiện tại.

Mặt khác, việc điều chỉnh giá viện phí cũng cần đi kèm với nâng cao chất lượng dịch vụ y tế lên để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Bên cạnh đó, việc tăng giá viện phí phải dựa trên quan điểm không vì lợi nhuận. Cơ cấu giá phải được tính toán trên cơ sở khoa học, chính xác. Đồng thời, cũng nên tính toán lại mức cùng chi trả để sao cho quyền lợi giữa các nhóm đối tượng không chênh lệch quá nhiều. Tôi nghĩ, để giải bài toán viện phí này, Chính phủ và các bộ ngành cũng cần xem xét tổng thể các chính sách liên quan nữa.

– Nhưng hiện có ý kiến cho rằng phải tăng mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) lên để bù đắp cho sự tăng viện phí, hoặc mở rộng diện bao phủ BHYT, ông nghĩ sao về điều này ?

Nếu mức tăng viện phí như dự thảo này được chấp nhận thì để “đủ sức” chi trả, mức phí BHYT cũng phải tăng khoảng 40%. Với số tiền khoảng 10.000 tỷ đồng chi cho các bệnh viện mỗi năm như hiện nay, mỗi người dân sẽ được hỗ trợ khoảng 100.000 – 120.000 đồng. Đây sẽ là số tiền bù vào phần mức phí BHYT tăng lên để mức đóng của người dân không có sự thay đổi lớn. Như vậy, chúng ta chỉ thay đổi luồng đi của đồng tiền từ ngân sách nhà nước mà thôi và lúc đó việc tăng viện phí mới không trở thành gánh nặng cho người bệnh.
Mặt khác, khi xây dựng lại giá viện phí thì Chính phủ cũng phải quan tâm đến việc mở rộng diện bao phủ BHYT. Việc mở rộng nhanh đối tượng tham gia BHYT sẽ tránh được những tác động tiêu cực đến đời sống của người dân từ việc tăng giá viện phí, vì khi người dân tham gia BHYT với mức phí cố định nhưng nếu không may ốm đau thì đã có quỹ BHYT đảm bảo. Còn nếu người dân chưa tham gia BHYT, khi viện phí tăng, họ luôn phải đối mặt với “bẫy nghèo đói” khi đau ốm.
Gần 40% dân số chưa tham gia BHYT thì hầu hết là những người không có thu nhập ổn định. Như vậy, để tránh những tác động tiêu cực tới những nhóm đối tượng yếu thế này, chúng ta phải quan tâm, tạo điều kiện để họ tham gia BHYT.

– Nghĩa là theo ông nếu tăng viện phí cũng phải hợp lý và có lộ trình cụ thể  ?

Tôi có thể nêu một phép tính như thế này, ta xem chi phí của một gói dịch vụ khám chữa bệnh hiện nay là 100%, thì trong đó thuốc chiếm khoảng 60%; các chi phí trực tiếp như vật tư y tế, thiết bị máy móc, điện, nước… chiếm khoảng 10%; còn các dịch vụ kỹ thuật y tế chiếm 30%. Trong 30% này, thì 15% đang được điều chỉnh bởi Thông tư liên tịch số 14 và 15% còn lại được điều chỉnh bởi Thông tư liên tịch số 03 cùng một số thông tư khác. Theo tính toán sơ bộ, nếu giá các dịch vụ trong Thông tư số 14 được điều chỉnh tăng gấp 2 lần thì tất cả chi phí y tế sẽ tăng lên khoảng 20%, còn nêu tăng gấp 3 lần thi chi phí y tế sẽ tăng lên khoảng 30-40%. Cũng theo dự thảo thông tư này, chỉ riêng giá một lần khám bệnh, tiền giường bệnh một ngày sẽ tăng lên 10 lần. Dù mức giá viện phí hiện nay đang được tính quá thấp thật nhưng với mức tăng như trong dự thảo thì rất cần phải xem xét tính toán lại.

Còn về các chính sách nhà nước cũng vậy, khi giá viện phí đã được tính đúng, tính đủ thì ngân sách nhà nước đang cấp chi thường xuyên cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập mỗi năm cần chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân; mức phí BHYT hiện đang được tính trên nền của một phần viện phí cũng phải được tính lại để khi đi khám chữa bệnh BHYT để không làm tăng gánh nặng cho người bệnh…

Với những lý do đó tôi thấy, dự thảo còn nhiều vấn đề phải cân nhắc, xem xét kỹ lại và cần có một lộ trình phù hợp chứ chưa nên thực hiện ngay trong năm 2010.

– Xin cảm ơn ông !

Hạnh My
Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử

Comments are closed.