PN – Dự thảo điều chỉnh giá viện phí đang được Bộ Y tế lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Lý do tăng giá lần này được đưa ra là khung giá viện phí cũ theo Thông tư 14 (ban hành từ năm 1995) đã quá lạc hậu, khiến các bệnh viện (BV) thu không đủ chi.
Nhưng trên thực tế, các BV đang sống “khỏe” nhờ chủ trương tự chủ tài chính với nguồn thu chính nhờ vào khoản dịch vụ và khám chữa bệnh (KCB).
Bệnh viện chưa “ngã bệnh”
Có một nghịch lý, dù đã 15 năm, Thông tư 14 quy định giá viện phí đã cũ, đã rất lạc hậu với giá thị trường và ngân sách Nhà nước cấp ngày càng eo hẹp, nhưng vì sao các BV vẫn chưa “ngã bệnh” và chưa có BV nào báo cáo lỗ lên Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế? Thực tế rất dễ hiểu, các BV đã có 1001 kiểu để “cơi nới”. Tại các BV công, ngoài việc KCB bằng thẻ BHYT, các mô hình KCB dịch vụ, KCB theo yêu cầu đang nở rộ. Đáng lưu ý, giá những dịch vụ này tại mỗi BV lại một kiểu, vì Bộ Y tế chưa quản lý bằng khung giá, trong khi chính những mô hình này mới mang lại nguồn thu chủ yếu cho các BV.
Tại Hà Nội, BV E dù bệnh nhân (BN) KCB bằng thẻ BHYT chiếm tới 70%, nhưng trong năm 2009, theo Giám đốc BV Đoàn Hữu Nghị, nguồn thu này chỉ chiếm 45,4%, trong khi dịch vụ KCB mang lại 30,3%, còn lại là ngân sách. Đến BV Bạch Mai, nếu phí khám bệnh theo BHYT là 3.000đ thì tại Khoa KCB theo yêu cầu có mức giá này từ 70.000đ, 100.000đ đến 150.000đ. Còn ở BV Việt Đức, Khoa Điều trị theo yêu cầu 1C có giá giường bệnh “ấn tượng” tới 1.500.000đ/giường/ngày, gần bằng khách sạn 5 sao, nhưng cũng chỉ có điều hòa, tivi, tủ lạnh, bình nóng lạnh, công trình phụ khép kín, còn lại là từ 250.000đ-600.000đ/giường/ngày. Nếu so sánh với BN có thẻ BHYT nằm giường, giá 12.000đ/ngày nhưng phải ghép hai – ba người một giường thì sự chênh lệch quá khủng khiếp. Trong khi đó, số BN BHYT nằm điều trị nội trú tại BV Việt Đức chỉ chiếm 30-40%, còn lại là dịch vụ. Chính vì thế, BV không thể lỗ!
Bà Nguyễn Thị Bích Hường – Trưởng Phòng Kế toán-Tài chính, BV Việt Đức cho biết, việc mở các loại hình KCB dịch vụ, KCB theo yêu cầu của BN là dựa trên quyền tự chủ tài chính của các BV. Ngoài ra, mô hình này cũng đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng tăng của người dân, tạo nguồn thu để cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên y tế và có thể tái đầu tư cho các BV. Bộ Y tế chưa can thiệp, việc định giá KCB theo hình thức dịch vụ do các BV tự quyết định, thông thường cao hơn 30% so với giá của BHYT.
Người nghèo lãnh đủ!
Sẽ có ba đối tượng chịu sự tác động trực tiếp từ lần điều chỉnh viện phí này: Đó là các BV, quỹ BHYT và người bệnh. Nhưng thực tế, các BV lại đang không “sống” bằng nguồn viện phí này nên sẽ chỉ “giàu càng giàu thêm”. Còn quỹ BHYT cũng không âm vì mức phí BHYT sẽ tăng theo. Tóm lại, chỉ có người bệnh chịu thiệt vì họ vừa phải giải bài toán đồng chi trả BHYT, vừa phải đón đợt tăng giá viện phí mới.
Theo BHXH Việt Nam, 62% BN đến BV có thẻ BHYT chủ yếu là công chức, hưu trí, người lao động… Số còn lại chưa tham gia BHYT, lại là những đối tượng không có thu nhập ổn định như hộ cận nghèo, người lao động tự do, nông dân… Ở nhóm có thẻ BHYT, việc đồng chi trả 5%, 20% theo quy định mới của Luật BHYT đang là gánh nặng với họ. Đặc biệt, ở những người mắc bệnh nan y, hiểm nghèo đến nay, chưa có sự hỗ trợ chính thức nào từ phía Nhà nước, giờ lại tiếp tục chịu thêm tăng giá viện phí. Còn những người chưa có thẻ BHYT, khi viện phí tăng lên, nếu không may ốm đau, họ sẽ không biết trông vào đâu.
Ngoài ra, khi giá viện phí tăng, người trả tiền (người bệnh) đương nhiên sẽ có yêu cầu đòi hỏi về chất lượng KCB. Vậy, sau khi tăng giá viện phí, chất lượng KCB, đặc biệt với đối tượng BHYT có đáng “đồng tiền bát gạo”? Câu hỏi này khó có lời đáp, vì hiện nay, các BV đều quá tải. BN phải nằm ghép hai – ba người/giường, BS phải khám 80-100 BN/ngày. Dân số đã tăng nhanh, trong khi số BV xây mới trên cả nước chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy, khi cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa được đầu tư thì làm sao người bệnh dám kỳ vọng chất lượng KCB sẽ tăng cùng viện phí. Vì sức khỏe, người bệnh không có sự lựa chọn nào khác là “vứt” cái thẻ BHYT để KCB theo dịch vụ, theo yêu cầu, cho dù giá có cao tới đâu.
Ông Nguyễn Nam Liên – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, nếu giá viện phí tăng, Bộ Y tế đã có nhiều phương án cho BN nghèo. Đó là việc sửa đổi Quỹ 139 về hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo. Tại các BV cũng sẽ thành lập các Quỹ KCB để hỗ trợ trực tiếp cho các BN không khả năng chi trả viện phí. Đề án tăng cường xây dựng các BV tuyến huyện cũng đang được xem xét để giảm tải cho các tuyến trên. Tuy nhiên, trong giai đoạn bàn thảo, một đề án viện phí nếu được xã hội đồng thuận và tạo ra sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe thì mới có giá trị.
Mai Tâm
PhunuOnline
Comments are closed.