(Webbaohiem) – Theo báo cáo tổng hợp mới nhất của Swiss Re về thị trường bảo hiểm toàn cầu, sự phục hồi của thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Trung Quốc đã giúp tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí BHNT tại các quốc gia mới nổi khu vực châu Á đạt mức 9,9% trong năm 2014 (tăng cao so với 3,3% năm 2013).
Bảo hiểm nhân thọ
Thị trường các quốc gia mới nổi khu vực châu Á bao gồm thị trường các nước tại châu Á, trừ Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan.
Tốc độ tăng trưởng của ngành BHNT Trung Quốc đạt 13%, chủ yếu do việc áp dụng các kênh phân phối mới như Internet, sự phục hồi kênh bancassurance và giảm tỷ lệ hủy bỏ hợp đồng.
Một số thị trường khác trong khu vực cũng đạt được mức tăng trưởng tốt, như Thái Lan (12%), Philippines (13%) và Việt Nam (13%).
Tại Indonesia, doanh thu phí BHNT chỉ tăng 3,1% do doanh thu các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư bắt đầu chững lại sau nhiều năm tăng trưởng nóng.
Tại Ấn Độ, phí bảo hiểm đã tăng trở lại sau khi bị sụt giảm vào năm 2013 (-0,2%), tuy nhiên vẫn ở mức thấp (chỉ đạt 1%), xuất phát từ tình trạng kém hiệu quả của hoạt động bán các sản phẩm liên kết đơn vị.
Triển vọng ngành BHNT
Triển vọng tăng trưởng phí BHNT tại các quốc gia mới nổi châu Á vẫn duy trì ở mức tích cực. Tại Trung Quốc, chính phủ nước này kỳ vọng mức độ xâm nhập bảo hiểm sẽ đạt 5% vào năm 2020, tăng so với 3,3% năm 2014. Đối với Ấn Độ, luật bảo hiểm sửa đổi vào tháng 3 năm nay được cho là sẽ có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của thị trường và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng vào ngành bảo hiểm.
Tuy nhiên, xét từ một góc độ khác, sự duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong khu vực sẽ tạo áp lực lên hoạt động kinh doanh sản phẩm BHNT mang tính tiết kiệm vì phải cạnh tranh với các sản phẩm tiết kiệm do ngân hàng cung cấp. Tại Trung Quốc, cơ quan quản lý bảo hiểm gần đây đã cho phép nâng trần lãi suất đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết chung từ mức 2,5% lên 3,5%. Điều này đã làm dấy lên sự quan ngại về giãn cách âm (negative spreads) nếu doanh nghiệp bảo hiểm ồ ạt bán sản phẩm gần với mức trần lãi suất mới.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm lãi suất tại các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia gần đây sẽ tạo thêm áp lực lên lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, tác động này có thể được dung hòa một phần bởi thu nhập đầu tư từ các hoạt động đầu tư cổ phiếu, đặc biệt là tại Trung Quốc – nơi có thị trường chứng khoán hoạt động tốt trong thời gian vừa qua.
Bảo hiểm phi nhân thọ
Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tại các quốc gia mới nổi châu Á tăng trưởng 15% vào năm 2014, cao hơn so với năm 2013 (13%). Trong đó, Trung Quốc tiếp tục chiếm ngôi đầu với 17%, chủ yếu nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm bảo lãnh và tín dụng và bảo hiểm nông nghiệp.
Tại Đông Nam Á, những ảnh hưởng bất lợi từ nền kinh tế gây tác động tới ngành bảo hiểm phi nhân thọ lớn hơn, theo đó tốc độ tăng trưởng doanh thu tại các thị trường tại Malaysia, Indonesia và Philippines đều bị sụt giảm. Đối với Thái lan, tình trạng này thậm chí còn xấu hơn do sự bất ổn của hệ thống chính trị, khiến doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ chỉ tăng 1,1% so với tốc độ tăng trưởng hai con số những năm về trước.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chứng kiến tỷ lệ tăng trưởng tốt với 7,3% nhờ sự ổn định của nền kinh tế và quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang được xúc tiến. Tương tự như vậy, với sự thuận lợi từ nền kinh tế tăng trưởng tốt, phí bảo hiểm phi nhân thọ tại Ấn Độ đã đạt mức tăng 4,8% trong năm 2014 so với 2,4% năm 2013.
Triển vọng ngành bảo hiểm phi nhân thọ
Dự kiến thị trường vẫn tiếp tục duy trì tình trạng khiếu nại bồi thường thấp do ít xảy ra thiên tai lớn, tạo điều kiện cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ phát triển.
Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ các nước châu Á mới nổi dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2015, chủ yếu nhờ sự phát triển của nền kinh tế và sự thuận lợi về mặt chính sách của chính phủ các nước.
Tại Trung Quốc, phí bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng cao nhờ chủ trương của chính phủ nâng cao tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm.
Tại Ấn Độ và Indonesia, chính phủ mới đang tiến hành các hoạt động tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, trong đó chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, từ đó gián tiếp làm tăng nhu cầu bảo hiểm phi nhân thọ.
Tại Thái Lan, môi trường chính trị ổn định sẽ giúp ngành bảo hiểm nước này có thể khôi phục lại tốc độ tăng trưởng.
Ở chiều hướng ngược lại, Malaysia đang phải đối mặt với việc cắt giảm chi tiêu công vào cơ sở hạ tầng do giá dầu giảm khiến nguồn thu ngân sách sụt giảm mạnh. Thêm vào đó, chủ trương miễn thuế hoàn toàn hoạt động kinh doanh bảo hiểm xe cơ giới vào năm 2016 sẽ làm cạnh tranh trong lĩnh vực này tăng cao, kéo theo biên lợi nhuận giảm.
Dưới đây là bảng xếp hạng các thị trường bảo hiểm mới nổi khu vực châu Á:
Xếp hạng thế giới |
Thị trường |
Tổng doanh thu phí năm2014 (triệu USD) |
Điều chỉnh tỷ lệ lạm phát từ năm 2013 (%) |
Thị phần bảo hiểm toàn cầu(%) |
Tỷ lệ xâm nhập bảo hiểm (%) |
4 |
Trung Quốc |
328.439 |
+16,20 |
6,87 |
3,2 |
15 |
Ấn Độ |
69.889 |
+ 1,77 |
1,46 |
3,3 |
31 |
Thái Lan |
21.696 |
+ 7,31 |
0,45 |
5,8 |
34 |
Malaysia |
15.864 |
+ 6,17 |
0,33 |
4,8 |
36 |
Indonesia |
15.307 |
– 1,62 |
0,32 |
1,7 |
46 |
Philippines |
5.788 |
+11,99 |
0,12 |
2,0 |
54 |
Việt Nam |
2.582 |
+10,01 |
0,05 |
1,4 |
59 |
Pakistan |
1.746 |
+10,19 |
0,04 |
0,8 |
69 |
Bangladesh |
1.196 |
+ 2,04 |
0,03 |
0,7 |
74 |
Macao |
854 |
+20,86 |
0,02 |
1,9 |
81 |
Sri Lanka |
773 |
NA |
0,02 |
1,1 |
Comments are closed.