Tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh – Quỹ Bảo hiểm y tế càng bội chi

Người bệnh nhận thuốc BHYT tại BV Nhân dân 115 TPHCM. Ảnh: Tg. LÂMTrước thông tin Bộ Y tế sắp ban hành khung giá mới hàng loạt dịch vụ khám và điều trị, không ít người bệnh lo ngại vì phải chi trả thêm một phần không nhỏ. Trong khi đó, với chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) đồng chi trả, người dân cũng chỉ được hỗ trợ một tỷ lệ nhất định và Quỹ BHYT không cáng đáng nổi. Về vấn đề này, ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho rằng nhiều khả năng phải tăng mức đóng BHYT.

* Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc Bộ Y tế chuẩn bị ban hành khung giá mới đối với hàng trăm dịch vụ y tế?

* Ông CAO VĂN SANG: Việc tăng giá là chuyện chẳng đặng đừng. Một số mức giá đã lạc hậu và việc điều chỉnh là thích hợp. Thông tư 14 ban hành năm 1995 quy định giá khám bệnh chỉ 1.000 – 2.000 đồng/lần khám, giá nằm giường điều trị 10.000-15.000 đồng/ngày mà vẫn còn áp dụng đến nay là vô lý. Nhưng để điều chỉnh tăng lên bao nhiêu cho vừa thì cần tính toán kỹ cho phù hợp. Phải nói rõ, nếu tăng mức thu viện phí, đó là thu một phần hay thu toàn phần? Nếu thu một phần thì vừa phải nhưng thu đủ thì khác.

* Việc tăng giá như vậy có ảnh hưởng đến người bệnh, nhất là người bệnh nghèo khi chính sách BHYT hiện hành là đồng chi trả?

* Điều đó đương nhiên bị ảnh hưởng, người bệnh phải đóng thêm nếu BHYT không chi trả hết. Hiện người nghèo được đồng chi trả 5%, còn lại đồng chi trả 20%. Khi giá các dịch vụ y tế tăng lên, số tiền phải đóng chắc chắn sẽ nhiều hơn.

Riêng TPHCM, nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nghèo nhưng thực chất là những hộ cận nghèo vì chuẩn nghèo của TPHCM cao nhất nước. Do đó hộ cận nghèo cũng phải đồng chi trả 20%. Hiện chính sách BHYT tự nguyện là ai thích thì mua. Do đó, phần lớn người mua là những người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Hiện mức đóng BHYT tự nguyện là 4,5% x mức lương tối thiểu x 12 tháng (khoảng 500.000 đồng/năm). Năm 2010, TPHCM có 450.000 người đóng BHYT tự nguyện. Tuy nhiên, chi phí mà họ đã sử dụng trừ đi phần đóng góp thâm hụt tới 733 tỷ đồng. Qua đó cho thấy, khái niệm BHYT là số đông người đóng cho số ít người hưởng không đúng trong hoàn cảnh BHYT TPHCM.

* Liệu Quỹ BHYT có cáng đáng nổi và ông có nghĩ đến việc phải tăng mức đóng BHYT?

* Các dịch vụ y tế tăng thì Quỹ BHYT thanh toán tăng lên. Nên lưu ý rằng, cơ cấu chi phí thanh toán là tiền công và tiền khám không bao nhiêu. Hiện nhiều dịch vụ kỹ thuật cao cũng đã thanh toán sát với thực tế. Nhiều bệnh viện tại TPHCM đầu tư kỹ thuật cao trong chụp, chiếu cũng đã được thanh toán thích hợp. Tuy nhiên, nếu trước đây, BHYT mới chỉ thanh toán 70%-80% lượng dịch vụ y tế thì nay còn bao nhiêu tính luôn. Có vậy, các bệnh viện mới không lấy cớ BHYT chưa thanh toán nên chất lượng khám chữa bệnh chưa tốt.

Với việc tăng khung giá dịch vụ y tế mới, khả năng Quỹ BHYT bội chi là không tránh khỏi. Năm 2010, BHYT TPHCM kết dư được 95 tỷ đồng nhưng quý 1-2011 may ra cân đối được, sang các quý còn lại chắc chắn thiếu. Đó là chưa tính đến chuyện khung giá dịch vụ y tế mới nếu được ban hành. Khi Quỹ BHYT thiếu, ngân sách không bù được nếu không có lỗi giám sát của bệnh viện và BHYT. Do đó, chỉ còn cách tăng mức đóng BHYT lên.

* Giá dịch vụ y tế tăng nhưng chất lượng khám chữa bệnh có tương xứng?

* Điều này rất khó nói. Phải xem tương quan số lượng bác sĩ, điều dưỡng với số lượng bệnh nhân thế nào để xem chất lượng chăm sóc bệnh nhân có tăng lên hay không. Nếu tình trạng quá tải vẫn nghiêm trọng tại các bệnh viện thì chất lượng khám chữa bệnh sẽ chưa như mong muốn. Còn nói sau khi tăng giá dịch vụ y tế, các bệnh viện sẽ nâng cấp, mở rộng, tôi nghĩ chưa thể thực hiện được ngay. Trong khi ai cũng nhận thấy, khám chữa bệnh diện BHYT vẫn còn khoảng cách với khám chữa bệnh dịch vụ.

* Vì sao các bệnh viện tư cũng tham gia khám chữa bệnh BHYT và cũng được thanh toán như bệnh viện công lập nhưng chưa thấy bệnh viện nào kêu “thâm hụt”? Có phải bệnh viện tư được điều chỉnh mức giá hợp lý?

* Điều này dễ hiểu vì bên cạnh thanh toán bằng thẻ BHYT, các bệnh viện tư thỏa thuận với bệnh nhân là một số dịch vụ phải đóng thêm. Có một số bệnh viện tư mới đi vào hoạt động nên ưu ái thanh toán BHYT hết cho bệnh nhân mà không thỏa thuận thêm. Làm như vậy cũng chỉ được vài ba tháng đầu hoặc nhiều nhất là một năm. Kéo dài, làm sao họ gánh nổi?

* Để Quỹ BHYT không bị bội chi, cần có biện pháp gì, thưa ông?

* Chuyện tăng giá một số dịch vụ y tế là hợp lý, còn mức tăng thế nào cho phù hợp không bàn tới. Về lâu dài, theo tôi, nhà nước không cấp ngân sách cho bệnh viện nữa mà bệnh viện cứ thu theo giá phù hợp, thu đúng, thu đủ. Đổi lại, số tiền ngân sách ấy hỗ trợ cho người dân mua thẻ BHYT, cho Quỹ BHYT. Chẳng hạn người dân mua thẻ BHYT mỗi năm 500.000 đồng, nay hỗ trợ thêm 500.000 đồng nữa, mệnh giá thẻ BHYT lên tới 1 triệu đồng. Như vậy, Quỹ BHYT sẽ thanh toán đúng, đủ cho người bệnh.

Bộ Y tế đang hoàn tất việc đưa ra khung giá mới đối với hàng trăm dịch vụ y tế, trong đó có không ít dịch vụ tăng đến 10 lần. Về mức tăng cụ thể, trong số 350 dịch vụ, 220 dịch vụ có mức tăng dưới 2,5 lần, khoảng 70 dịch vụ có mức tăng 7-10 lần.

Chẳng hạn, giá găng tay từ 200 – 300 đồng lên 2.500 – 3.000 đồng/chiếc, loại dùng cho chuyên khoa 6.000 – 7.000 đồng/chiếc; chỉ phẫu thuật không tiêu giá 1.000 – 2.000 đồng/sợi, nay dùng chỉ tự tiêu giá khoảng 45.000 – 50.000 đồng/sợi. Tiền giường bệnh từ 10.000 đồng lên 100.000 đồng đối với ngày điều trị nội khoa. Giường điều trị ngoại khoa sau các phẫu thuật đặc biệt, bỏng độ 3,4 trên 70% diện tích cơ thể là 150.000 đồng/ngày (tăng khoảng 8 lần so với giá cũ)…

TƯỜNG LÂM thực hiện
Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG.

Comments are closed.