Tại sao chợ không được bảo hiểm?

altChợ có từ xa xưa và đến nay vẫn không thể thiếu. Đời sống của người dân, từ đô thị cho đến nông thôn, luôn gắn liền với hoạt động kinh doanh của các loại chợ. Trên địa bàn cả nước hiện có hàng chục ngàn chợ, kể cả quy mô lớn cũng như loại chợ cóc.

Quy mô hoạt động của chợ phản ánh sức mua của thị trường cũng như nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân. Các chợ quy mô lớn không chỉ bán lẻ mà còn trở thành nơi bán buôn, cung cấp nguồn hàng cho các địa phương lân cận. Chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), chợ Đông Ba (TP Huế) chợ Vinh (Nghệ An)… là những chợ có khả năng “phủ sóng” hàng hóa như vậy. Hệ thống chợ, nhất là những chợ có quy mô lớn, luôn tiềm ẩn nhiều bất an và rủi ro, trong đó có tình trạng cháy chợ. Gần đây nhất là vụ cháy chợ ở Khánh Hòa (9-2-2012) gây thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Những năm vừa qua cũng như hiện thời, tình trạng cháy chợ không phải là hiếm. Thậm chí có những trường hợp (chẳng hạn như chợ Vinh) tình trạng hỏa hoạn xảy ra theo kiểu… định kỳ. Các vụ cháy chợ đều tìm ra nguyên nhân nhưng thật là kỳ lạ, những yếu tố tạo ra nguyên nhân không những không được “chữa trị” mà vẫn cứ tái phát để rồi gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Cháy chợ sẽ còn tiếp tục xảy ra. Vấn đề đặt ra là phải thực hiện bảo hiểm cho chợ. Thân thể con người, phương tiện đi lại, hàng hóa xuất nhập khẩu… đều có nghiệp vụ bảo hiểm và trên thực tế đã được bảo hiểm. Đến như cây trồng, vật nuôi cũng được bảo hiểm. Thế thì tại sao nơi có tài sản khổng lồ như chợ lại không được bảo hiểm. Phần lớn các doanh nghiệp bảo hiểm đều có nghiệp vụ bảo hiểm thuộc loại hình hoạt động của chợ (bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm cháy nổ…). Bảo hiểm chợ có trong danh mục nhưng trên thực tế chưa nơi nào thực hiện loại bảo hiểm này.

Công bằng mà nói, các doanh nghiệp bảo hiểm không từ chối bảo hiểm chợ nhưng lại đặt ra những điều kiện gần như là đánh đố thương nhân. Hàng hóa nhiều, giá trị lớn, dễ gây ra hỏa hoạn, gây thiệt hại khủng khiếp nên bảo hiểm không từ chối nhưng rất ngại (thậm chí lo sợ) khi thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm ở nơi này. Do vậy, nhiều chủ hộ kinh doanh ở chợ đành phải “chịu thua” vì doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra mức phí quá cao.

Ngại rủi ro mà lảng tránh bảo hiểm chợ đó là sự lựa chọn nặng về lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm nhưng lại xem nhẹ lợi ích chính đáng của người dân. Vậy có nên chăng? Chẳng lẽ cứ để kéo dài tình trạng không bảo hiểm cho chợ như vậy? 

(Báo Đại Đoàn Kết).

Comments are closed.