Tái hòa nhập trẻ em khuyết tật: Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng

Trẻ em khuyết tật (TEKT) thuộc nhóm thiệt thòi nhất khi phải đối mặt với sự phân biệt, đối xử ngay trong gia đình, xã hội và cộng đồng. Nhiều em chưa được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ xã hội, bị sống cách ly với gia đình và cộng đồng – bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng trẻ em thuộc Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef) tại Việt Nam cho biết.


Trẻ khuyết tật đã được quan tâm hơn

 
Theo ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động – thương binh xã hội (LĐ-TBXH), Đồng Nai hiện có 4.495 trẻ khuyết tật, phần lớn bị tâm thần (2.352 em), kế đó là câm điếc, khiếm thị, tật vận động… Nguyên nhân dẫn đến khuyết tật là do bẩm sinh, di chứng chiến tranh, bệnh tật, tai nạn giao thông và các thương tích khác trong sinh hoạt.
Thời gian qua, Đồng Nai đã thực hiện nhiều chính sách chăm lo đời sống cho TEKT. Số lượng TEKT được hưởng trợ cấp ngày càng tăng. Những trẻ không nơi nương tựa được tiếp nhận vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Hơn 2.500 TEKT được hưởng trợ cấp thường xuyên. Trong các trường tiểu học, THCS hiện có 1.293 TEKT đang theo học văn hóa và học nghề.
 Về chăm sóc sức khỏe, các TEKT nặng được cấp thẻ bảo hiểm y tế để được chăm sóc tốt hơn, chương trình mổ tim nhân đạo đã “hồi sinh” cho 445 trẻ bị các bệnh về tim. Đồng Nai đã phối hợp với các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh để phẫu thuật đục thủy tinh thể cho 1.126 em, phẫu thuật hở hàm ếch cho 674 trẻ và các tật về chi, niệu, bỏng cho 837 em. Cùng với những hoạt động chăm sóc đó, từ năm 2006 ngành y tế đã triển khai chương trình phục hồi chức năng vận động cho TEKT dựa vào cộng đồng tại 136/171 trạm y tế xã, phường, có trên 1.150 em bị tật về vận động, ngôn ngữ được rèn luyện.
 
 

 Cần cả cộng đồng vào cuộc

 
Vấn đề giáo dục hòa nhập cộng đồng cho TEKT được xem giải pháp căn cơ nhất để cải thiện đời sống cho các em. Tại hội thảo bàn về công tác nâng cao nhận thức của cộng đồng về trẻ khuyết tật do Sở LĐ-TBXH phối hợp với Unicef tổ chức mới đây, ông Trần Hữu Trung, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ- TBXH) cho rằng: “Hiện nay, các chính sách về chăm sóc người tàn tật nói chung và TEKT nói riêng đã được nâng lên thành luật. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ chăm sóc và nuôi dưỡng TEKT đã chuyên nghiệp hơn, mở rộng nhiều dịch vụ xã hội để người khuyết tật có thể hòa nhập được tốt hơn. Tuy nhiên, với đối tượng TEKT, cần có sự chung tay của cả cộng đồng”. 
Tại hội thảo này, nhóm giải pháp được nhiều người quan tâm chia sẻ nhất là làm thế nào để hỗ trợ tích cực cho TEKT. Bà Lieve Sabbbe, chuyên gia kỹ thuật của Phòng Bảo trợ trẻ em thuộc Unicef cho rằng: “Các chính sách hỗ trợ TEKT nếu phù hợp, đúng thời điểm sẽ có tác dụng rất lớn trong việc tái hòa nhập cộng đồng của các em. Muốn làm được điều này, trước hết phải nắm được số TEKT và các dạng tật mà các em mắc phải. Trên cơ sở đó phân nhóm hỗ trợ mới mang lại hiệu quả. Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho gia đình có trẻ khuyết tật, cho cộng đồng về vấn đề này, tuyên truyền hướng dẫn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về phòng ngừa khuyết tật, bảo đảm dinh dưỡng khi mang thai và vệ sinh thai nghén để hạn chế khuyết tật trong quá trình mang thai, nhất là phụ nữ vùng nông thôn”. Theo bà Lieve, đối với TEKT ở độ tuổi 15, 16 còn sức khỏe, cần trang bị thêm các kiến thức về kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với sức khỏe và dạng tật để các em làm hành trang bước vào cuộc sống, giúp các em bớt mặc cảm và nỗ lực vươn lên trở thành những người “tàn nhưng không phế”.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

www.molisa.gov.vn

Comments are closed.