Tái cấu trúc để bảo vệ các quỹ hưu trí

(Webbaohiem) – Tình trạng lãi suất thấp vẫn tiếp tục kéo dài đòi hỏi chính phủ các nước phải tiến hành những cải cách căn bản nhằm bảo vệ cho người về hưu trong dài hạn. Đó là nhận định của ông Tharman Shanmugaratnam, Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore.

 

Trong bài phát biểu đề dẫn dài 40 phút tại Diễn đàn Bảo hiểm Toàn cầu (thuộc Cộng đồng Bảo hiểm toàn cầu IIS) tổ chức hồi đầu tuần trước tại Singapore, ông Tharman Shanmugaratnam nói: “Việc dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để giải quyết các vấn đề phát sinh từ khủng hoảng tài chính toàn cầu đang tạo ra gánh nặng chi phí cho nhà đầu tư dài hạn, đặc biệt là nhà đầu tư vào các quỹ hưu trí và bảo hiểm”.

“Chúng ta phải thừa nhận rằng tình trạng lãi suất thực dài hạn thấp như hiện nay sẽ tiếp tục kéo dài và mang tính cấu trúc chứ không phải chu kỳ”.

Theo ông Shanmugaratnam, điều này tạo ra những thách thức đối với cả hai phần tài sản và nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp bảo hiểm.

Ông cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong vòng 10 đến 20 năm tới, đồng thời tiết kiệm sẽ vẫn ở mức cao do xu thế già hóa dân số và người về hưu có tuổi thọ cao hơn, khiến cho lãi suất bị khống chế kể cả sau khi đã chuẩn hóa chính sách tiền tệ.

Ông bình luận: “Hiện tượng này lẽ ra phải được nhận biết từ rất sớm”, và đánh giá cao các nước như Đan Mạch đã có tầm nhìn xa khi gắn kết tuổi nghỉ hưu của người lao động với tuổi thọ dự kiến. “Chúng ta phải chấp nhận rằng việc cho phép kéo dài thời gian làm việc của người lao động so với quy định tuổi nghỉ hưu hiện tại là cần thiết, và việc tạo điều kiện hấp dẫn để thu hút lao động làm việc lâu hơn là rất quan trọng”.

Tuy nhiên, người lao động cũng cần đàm phán để có được quỹ tiết kiệm hưu trí tốt hơn, bởi lẽ sự không đồng nhất về tuổi nghỉ hưu và yêu cầu quản trị quỹ năng động hơn sẽ làm tăng chi phí quản lý trong khi không tạo ra thêm thu nhập cho quỹ.

Ông nói: “Nếu chúng ta có thể giảm 1% chi phí quản lý quỹ – tôi nghĩ điều này có thể thực hiện được thông qua những thay đổi về cấu trúc – sẽ tạo ra sự khác biệt lớn đối với khoản tiết kiệm hưu trí. Nếu áp dụng cho suốt cuộc đời đi làm của người lao động thì sẽ tăng thêm được ít nhất 25% số tiền tiết kiệm hưu trí”.

 

Cuối cùng, vị Phó Thủ tướng cho rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu thực sự rất kém hiệu quả, việc chi dùng trợ cấp của nhà nước quá thoải mái, vì vậy khó có thể phát triển bền vững. Cải cách trong lĩnh vực này cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống minh bạch hơn và tiến bộ hơn nhằm đạt được sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Ở một chiều hướng lạc quan hơn, ông Shanmugaratnam nhận định, vẫn còn các cơ hội cho ngành bảo hiểm châu Á, chẳng hạn đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới về thảm họa thiên nhiên và mạng máy tính.

Thảo Phương (Theo IAN).

 

Comments are closed.