Sửa luật để thị trường bảo hiểm Việt Nam sớm vươn tầm quốc tế

Thị trường bảo hiểm (BH) Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trong 20 năm qua tới hơn 20%, bất chấp nền kinh tế trải qua những giai đoạn rất khó khăn. Sự phát triển vượt bậc của thị trường BH giúp nền kinh tế nước ta có thêm nguồn lực đầu tư gần nửa triệu tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người; giảm nguy cơ tài chính của doanh nghiệp, gia đình, cá nhân rơi vào cảnh kiệt quệ vì rủi ro…

Đồng thời, sự phát triển vượt bậc ấy cũng đặt ra yêu cầu cần sớm sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh BH, để thị trường BH Việt Nam sớm vươn tầm khu vực và thế giới.

Tăng trưởng mạnh, đóng góp lớn cho nền kinh tế

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 20 năm qua, các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế, tổng dự phòng nghiệp vụ BH, tổng doanh thu phí BH, tổng vốn chủ sở hữu tăng bình quân hơn 20%/năm. Cụ thể, tổng tài sản của toàn thị trường BH tăng trưởng bình quân 24%/năm, đạt 552.403 tỷ đồng năm 2020, trong đó tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) đạt 95.949 tỷ đồng; doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đạt 456.454 tỷ đồng; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng trưởng bình quân 24%/năm, đạt 460.457 tỷ đồng năm 2020, trong đó, số tiền đầu tư của các doanh nghiệp BHPNT đạt 51.308 tỷ đồng; doanh nghiệp BHNT đạt 409.149 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp BH tăng bình quân 38%/năm, đạt 113.523 tỷ đồng năm 2020, trong đó vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp BHPNT đạt 31.035 tỷ đồng, doanh nghiệp BHNT đạt 82.488 tỷ đồng.

Như vậy, thị trường BH Việt Nam tăng trưởng cực kỳ ấn tượng-bất chấp nền kinh tế trong nước và quốc tế 20 năm qua đã trải qua nhiều sóng gió, đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng tài chính dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, và mới đây là đợt suy thoái kinh tế nặng nề khắp thế giới do đại dịch Covid-19 gây ra. Tổng tài sản huy động được từ thị trường BH đầu tư trở lại cho nền kinh tế lên tới gần nửa triệu tỷ đồng cho thấy đây là nguồn lực rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế.

Không chỉ góp phần tích cực phát triển kinh tế, thị trường BH còn góp phần quan trọng thúc đẩy an sinh xã hội cả về tạo việc làm lẫn dự phòng nguồn lực cho người tham gia BH nếu chẳng may xảy ra rủi ro. Đến cuối năm 2020, thị trường BH đã tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động. Khoảng 10 triệu người đã tham gia BHNT; 4 triệu người tham gia BH y tế, sức khỏe ngắn hạn; 12 triệu học sinh tham gia BH thân thể; 18 triệu hành khách hàng không, 12 triệu hành khách đường sắt, 1.620 triệu hành khách đường bộ được BH rủi ro tai nạn thông qua vé… Những người tham gia BH không may gặp phải rủi ro như tai nạn, ốm đau đã được BH hỗ trợ tài chính. Nhờ BH, không ít gia đình thoát khỏi tình trạng khánh kiệt về kinh tế; không ít doanh nghiệp vượt qua tình trạng khó khăn trầm trọng do gặp rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Số liệu thống kê cho thấy, trong 20 năm qua, các doanh nghiệp BH đã thực hiện bồi thường và chi trả 340.000 tỷ đồng.

Sớm sửa luật để thúc đẩy phát triển thị trường

Tuy có tốc độ tăng trưởng rất nhanh nhưng tỷ lệ doanh thu phí BH/GDP của nước ta mới chỉ đạt 3%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của thế giới (6,1%) hay so với nhóm các nước phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (9,7%). Nhưng điều đó cũng cho thấy, tiềm năng của thị trường BH Việt Nam còn rất lớn. Đó là lý do khiến rất nhiều doanh nghiệp BH lớn trên thế giới đang rất hăng hái đầu tư mở rộng thị phần tại Việt Nam.

Theo một số chuyên gia về BH và đại diện các doanh nghiệp BH, Luật Kinh doanh BH được ban hành năm 2000, dù đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào các năm 2010, 2019, nhưng cũng vẫn chưa theo kịp với thực tiễn phát triển của thị trường. Nếu sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh BH, thị trường BH Việt Nam sẽ còn có mức tăng trưởng ấn tượng hơn rất nhiều và nguồn lực đầu tư trở lại cho nền kinh tế qua đó cũng sẽ lớn hơn. Khi nhiều đối tượng tham gia BH hơn, sự chia sẻ rủi ro cũng được mở rộng về quy mô bao trùm, qua đó giảm số đối tượng “hóa nghèo” chỉ sau một biến cố.

Cụ thể, Luật Kinh doanh BH cần được sửa đổi theo hướng tăng thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp BH; các doanh nghiệp được chủ động lựa chọn loại hình, phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh, từ đó đổi mới mô hình tăng trưởng của doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm tối đa các thủ tục không cần thiết, rườm rà và chuyển mạnh sang hậu kiểm, khơi thông mọi ách tắc để các doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường BH tại Việt Nam.

Đồng thời, Luật Kinh doanh BH cũng cần hoạch định “luật chơi” một cách công bằng giữa các doanh nghiệp tham gia thị trường BH tại Việt Nam, ngăn chặn những “trò bẩn” của các “ông lớn” nhằm thâu tóm thị trường.

Tuy nhiên, để đưa thị trường BH Việt Nam thành thị trường phát triển hàng đầu ở khu vực và trên thế giới, điều cực kỳ quan trọng là các doanh nghiệp BH phải chinh phục được niềm tin của người tiêu dùng. Nhà nước đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp phát triển kinh doanh thì các doanh nghiệp cũng cần đơn giản hóa thủ tục với khách hàng, giải quyết quyền lợi BH cho khách hàng một cách thấu tình, đạt lý. Có như vậy, doanh nghiệp BH mới mong có được sự phát triển bền vững.

Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG