Sự phục hồi tài chính của người nghỉ hưu sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2011

Phần I

Có phải thái độ và hành vi tài chính của những người về hưu đã thay đổi kể từ năm 2008?

altKể từ năm 2008, môi trường tài chính ở khắp nơi trên thế giới luôn trong tình trạng biến đổi không ngừng. Theo sau cuộc suy thoái kinh tế xảy ra tại Mỹ năm 2008 là một giai đoạn phục hồi ngắn. Sự bất ổn về tài chính này kéo theo những biến động kinh tế rộng khắp trên thế giới cũng như cuộc khủng hoảng trần nợ công tại nước Mỹ mùa hè năm 2011.

Để đánh giá những tác động của cuộc suy thoái tài chính tồi tệ này đến tình trạng tài chính của những người nghỉ hưu, Hiệp hội chuyên viên tính toán phí bảo hiểm (SOA), LIMRA và Quỹ giáo dục hưu trí quốc tế (InFRE) đã tiến hành nghiên cứu tiếp đối với những người đã tham gia trả lời trong một cuộc nghiên cứu năm 2008. Vào năm 2009, và tiếp theo là năm 2011, ba tổ chức này đã điều tra xem những người tham gia trả lời cuộc nghiên cứu trên đã làm gì để đối phó với với những tác động lâu dài của cuộc suy thoái năm 2008 cũng như những chuyển biến đang diễn ra trong lĩnh vực tài chính. 

Cuộc nghiên cứu định lượng năm 2008 đối với 1.524 người nghỉ hưu, trong độ tuổi từ 55-75, với mức tài sản có thể đầu tư của hộ gia đình là 100.000 USD đã được tiến hành vào tháng 2 năm 2008, trước khi cuộc suy thoái tài chính xảy ra. Mục đích của cuộc nghiên cứu năm 2008 là để tìm hiểu cách thức những người nghỉ hưu ra các quyết định đầu tư và mua các sản phẩm tài chính. Kết quả của cuộc nghiên cứu này đã được công bố trong báo cáo “Liệu những tài sản hưu trí sẽ tồn tại suốt đời”. Cuộc nghiên cứu năm 2011 được tiến hành nhằm đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế năm 2008 đến những người đã tham gia trả lời cuộc nghiên cứu khảo sát năm 2008. 

Những người tham gia trả lời phỏng vấn trong cuộc nghiên cứu năm 2008 đã tiếp tục được mời tham gia vào một cuộc nghiên cứu khác vào tháng 4 năm 2009. Họ được yêu cầu trả lời lại một số câu hỏi đã hỏi trong cuộc nghiên cứu trước. Báo cáo Những khác biệt gì đã xuất hiện sau một năm? đã đưa ra những kết quả của cuộc nghiên cứu năm 2009, so sánh với cuộc nghiên cứu đầu tiên năm 2008. Cuộc nghiên cứu năm 2011 được thực hiện vào cuối tháng 6 năm 2011, trước khi cuộc khủng hoảng trần nợ công Mỹ lên đến đỉnh điểm. Báo cáo lần này nhằm khảo sát thái độ của 461 người nghỉ hưu, những người đã tham gia vào các cuộc nghiên cứu năm 2008 và 2009. Các kết quả khảo sát lần này hoàn toàn trái ngược với hai lần trước đó. Cũng cần lưu ý là nhóm người tham gia trả lời cuộc nghiên cứu năm 2011 đã già hơn và có thời gian nghỉ hưu lâu hơn so với khi họ trả lời năm 2008 và năm 2009.

Những vấn đề chính

Qua phân tích kết quả cuộc nghiên cứu năm 2011 có thể nhận thấy một số điểm nổi bật. Về tổng thể rõ ràng là cuộc khủng hoảng tài chính đã tác động đến tư duy và sự nhìn nhận của những người nghỉ hưu đối với vấn đề tài chính. Vào năm 2011, mặc dù một số thay đổi về hành vi đã ghi nhận trong cuộc nghiên cứu năm 2009 vẫn xuất hiện nhưng ở khía cạnh khác những ý kiến lại gần sát với những ý kiến thu thập được trong năm 2008. Một điểm cần lưu ý là cuộc khảo sát này được thực hiện trước khi xảy ra nghị quyết về vấn đề trần nợ công và những vấn đề tài khóa ở Châu Âu dẫn tới sự sụt giảm thị trường và bất ổn vào tháng 8/2011. 

alt

Cuộc nghiên cứu năm 2011 cho thấy những người nghỉ hưu: 

• Cảm thấy an toàn về mặt tài chính hơn so với năm 2009, nhưng không an toàn bằng năm 2008

• Lạc quan hơn năm 2009 khi đã tiết kiệm đủ tiền cho thời gian nghỉ hưu, nhưng không lạc quan bằng thời gian trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008.

• Không có sự thay đổi về mức độ chấp nhận rủi ro kể từ năm 2009 khi họ trở nên thận trọng hơn so với năm 2008.

• Mức nợ của hộ gia đình thấp hơn năm 2008 và 2009.

• Tiếp tục kiểm soát chi tiêu ở mức giống với mức của năm 2009 hơn so với năm 2008.

• Cũng dự định gặp gỡ nhà tư vấn tài chính như năm 2009.

Quan sát

• Những người nghỉ hưu có thu nhập từ trợ cấp An sinh xã hội và/hoặc các chương trình hưu trí có quyền lợi xác định do chủ lao động tài trợ (DB) không đủ để trang trải những chi phí sinh hoạt cơ bản vẫn không mấy quan tâm đến việc mua bảo hiểm niên kim. 

– Tỷ lệ người nghỉ hưu không nhận đủ thu nhập từ trợ cấp An sinh xã hội và/hoặc các chương trình hưu trí DB để trang trải các chi phí sinh hoạt cơ bản mà không cần dùng đến tiền tiết kiệm của bản thân vẫn không đổi (44% năm 2011, 47% năm 2009 và 45% năm 2008). Mức độ quan tâm đối với việc có thu nhập suốt đời với mức độ bảo vệ cao hơn ở những người về hưu này vẫn không đổi. Tỷ lệ người quan tâm đến việc chuyển đổi một phần tiết kiệm của mình sang hình thức thu nhập suốt đời được bảo đảm vẫn giữ nguyên trong khoảng 30%.

• Tỷ lệ những người về hưu không dự trù số năm mà tài sản và những khoản đầu tư của họ có thể duy trì trong thời gian nghỉ hưu tiếp tục tăng lên. Năm 2008 gần 3 trong số 10 người về hưu chưa từng ước tính xem tài sản và các khoản đầu tư của họ có thể duy trì trong bao nhiêu năm trong thời gian họ nghỉ hưu và 1 trong số 10 người còn chưa từng suy nghĩ về vấn đề đó. Năm 2009 tỷ lệ này tăng lên lần lượt là 34% và 11%. Năm 2011 tỷ lệ này tăng lên một chút, 36% số người chưa từng ước tính xem tài sản và các khoản đầu tư của mình có thể duy trì trong bao lâu, trong khi 10% chưa từng suy nghĩ về vấn đề đó. 

– Một tỷ lệ tương đối lớn những người về hưu không lập kế hoạch hưu trí ở khía cạnh trên là một vấn đề cần phải xem xét. Một số chuyên gia từng hy vọng rằng những điều kiện kinh tế như hiện nay có thể khuyến khích việc lập kế hoạch, nhưng nó vẫn chưa xảy ra với nhóm người nghỉ hưu này. 

– Những người nghỉ hưu thực hiện việc dự tính thời gian tài sản của họ có thể kéo dài thường tự tin hơn so với những người chưa thực hiện việc tính toán này, rằng họ đã tiết kiệm đủ tiền để sống một cách thoải mái trong suốt thời gian nghỉ hưu.

• Tỷ lệ người nghỉ hưu cho rằng tài sản và các khoản đầu tư cần phải được duy trì trong ít nhất là 20 năm sau khi nghỉ hưu ngày càng giảm: 65% (2008) so với 48% (2009) và 45% (2011). Sự thay đổi từ năm 2009 đến năm 2011 có thể chỉ đơn giản là sự phản ánh vấn đề về tuổi trong mẫu nghiên cứu, nhưng sự chênh lệch giữa năm 2011 và năm 2008 lại rất đáng kể. Những nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng rất nhiều người đánh giá thấp con số này – trong khi đây là một vấn đề đáng quan tâm bởi vì nó tiềm ẩn nguy cơ người nghỉ hưu sẽ bị hết sạch tiền để trang trải cuộc sống. Sức khỏe cá nhân và tiểu sử gia đình là những yếu tố thường được sử dụng để ước tính thời gian cần thiết phải duy trì nguồn thu nhập hưu trí. 

• Cuộc khảo sát năm 2011 cho thấy những người nghỉ hưu đang giảm dần mức nợ của hộ gia đình. 46% số người được hỏi trong nghiên cứu năm 2011 không có khoản nợ nào, so với 38% số người được hỏi trong năm 2009. 11% số người về hưu hiện nay có mức nợ hộ gia đình từ 100.000 USD trở lên, giảm so với tỷ lệ 17% năm 2009

– Trong nghiên cứu năm 2011, tỷ lệ những người trả lời là nam giới cho biết hộ gia đình của họ có khoản nợ cao hơn so với những người trả lời là nữ giới, trong khi những người về hưu trong độ tuổi 65-70 có mức nợ hộ gia đình cao hơn so với những người nghỉ hưu trên 71 tuổi (61% so với 42%)

– So với thời gian đầu nghỉ hưu, những người trả lời có khoản nợ của hộ gia đình ở mức từ 20.000-99.000 USD cảm thấy bất an về mặt tài chính hơn so với những người nghỉ hưu khác (với khoản nợ ít hơn hoặc không nợ nần gì, hoặc khoản nợ lớn hơn).

– Những người nghỉ hưu với khoản nợ thấp hoặc ở mức trung bình là những nhà đầu tư thận trọng hơn so với những người không nợ nần gì hoặc những người có mức nợ trên 100.000 USD.

– Những người nghỉ hưu với khoản nợ trung bình hoặc lớn có xu hướng chi tiêu thận trọng hơn so với những người nợ ít hoặc không có nợ nần gì. 

• Chỉ có một tỷ lệ nhỏ (6%) số người nghỉ hưu trong nghiên cứu năm 2011 thuộc tuýp nhà đầu tư tương đối hoặc rất mạo hiểm trong việc quản lý các tài sản có thể đầu tư của hộ gia đình, trong khi có tới 22% số người thuộc tuýp người rất thận trọng trong đầu tư.

– Trong số những người nghỉ hưu không có sự tư vấn của chuyên gia tài chính thì 74% tự nhận mình là người (một chút hoặc rất) thận trọng, so với tỷ lệ 67% những người có sự tư vấn. Trong số những người sử dụng chuyên gia tư vấn tài chính thì 27% quản lý tài sản của mình theo hướng cân bằng, so với tỷ lệ 19% của những người không sử dụng chuyên gia tư vấn. 

– Nhìn chung, hầu hết số người nghỉ hưu (93%) là những người tương đối hoặc rất chắc chắn trong chiến lược quản lý tài sản đầu tư của mình. 

• Về sự tư vấn mà những người nghỉ hưu đã nhận được trong khoảng thời gian giai đoạn đầu của cuộc suy thoái năm 2008/2009 và thời gian gần đây: 

– 76% số người nghỉ hưu có sự tư vấn của chuyên gia tài chính luôn luôn hoặc trong hầu hết các trường hợp đều làm theo những tư vấn của chuyên gia.

– 2% số người nghỉ hưu có sự tư vấn của chuyên gia ủy thác hoàn toàn việc đầu tư cho chuyên gia tư vấn của mình. 

• Phần lớn những người nghỉ hưu (61%) có người tư vấn về vấn đề tài chính.

– Những người nghỉ hưu có tư vấn tài chính riêng là những người có lượng tài sản có thể đầu tư lớn hơn và thu nhập hàng năm của hộ gia đình lớn hơn so với những người nghỉ hưu không có người tư vấn. 

– Những người nghỉ hưu có tư vấn thường tuân thủ việc lập kế hoạch hơn và ở khía cạnh nào đó sẵn sàng chấp nhận rủi ro đầu tư ở một mức độ nhất định, nhưng họ lại không mạo hiểm hơn trong việc quản lý các tài sản có thể đầu tư của hộ gia đình. 

– Một điều thú vị là so với khi họ mới nghỉ hưu, tỷ lệ số người có tư vấn tài chính cảm thấy bất an hơn trước đây lại cao hơn một chút so với những người không có chuyên gia tài chính (lần lượt là 29% và 26%).

• Cũng giống như trong rất nhiều nghiên cứu khác, nữ giới thường có thu nhập hộ gia đình và tài sản có thể đầu tư thấp hơn nam giới. Nhưng những người nghỉ hưu nữ giới lại là người có mức nợ hộ gia đình thấp hơn so với nam giới

– Những người nghỉ hưu là nữ giới là những người thận trọng và có mức chấp nhận rủi ro thấp hơn.

– Tỷ lệ những người nghỉ hưu là nữ giới sử dụng tư vấn tài chính cao hơn nam giới (69% so với 55%).

– Trong số những người nghỉ hưu là nữ giới, gần một nửa (49%) cho biết khoản trợ cấp an sinh xã hội và tiền lương hưu không đủ để trang trải các chi phí sinh hoạt cơ bản và họ phải dùng đến các khoản tiền tiết kiệm của mình. So với nữ giới, tỷ lệ người nghỉ hưu là nam giới gặp phải vấn đề trên thấp hơn (41%).

Những gợi ý đối với vấn đề quản lý các khoản thu nhập và tiết kiệm hưu trí

Sử dụng chuyên gia tư vấn tài chính – hiện nay tỷ lệ những người nghỉ hưu sử dụng chuyên gia tư vấn tài chính cũng tương tự như năm 2009 (61%).

• Rất nhiều người nghỉ hưu làm theo tất cả những lời khuyên từ chuyên gia tư vấn của mình

• Những người nghỉ hưu sử dụng chuyên gia tư vấn có khối lượng tài sản hộ gia đình có thể đầu tư nhiều hơn so với những người không có chuyên gia tư vấn.

• Gần 6 trong 10 người nghỉ hưu sử dụng chuyên gia tư vấn thực hiện việc cơ cấu lại các tài sản có thể đầu tư trong giai đoạn suy thoái, trong khi chỉ có gần 4 trong số 10 người nghỉ hưu không sử dụng chuyên gia tư vấn thực hiện việc làm này. 

Cần phải lập kế hoạch tốt hơn – những chuyên gia tư vấn nếu không phải là đang đánh giá xem tài sản của thân chủ mình có thể duy trì bao lâu trong thời gian nghỉ hưu thì cũng là đang xem xét từng yếu tố cơ bản nhất của việc lập kế hoạch hưu trí.

• Hơn 1/3 số người hưu trí có sử dụng chuyên gia tư vấn đã không ước tính số năm mà tài sản của mình có thể duy trì khi về hưu, trong khi gần 1 trong số 10 người chưa hề nghĩ tới vấn đề đó. 

• So với năm 2008, tỷ lệ số người nghỉ hưu cho rằng cần phải duy trì tài sản của mình ít nhất là 20 năm đã giảm 20% (từ 65% xuống còn 45%).

Mức độ rủi ro vẫn không thay đổi – những người nghỉ hưu có thể đã bỏ qua cơ hội có được thu nhập cao hơn bằng cách né tránh rủi ro.

• Khi xem xét vấn đề quản lý các tài sản có thể đầu tư của hộ gia đình thì tỷ lệ những người nghỉ hưu tự cho mình là người thận trọng (một chút hoặc rất thận trọng) trong 2 năm vừa qua là không đổi; 70% những người nghỉ hưu vẫn nói rằng họ là nhà đầu tư thận trọng – so với tỷ lệ 53% ở thời điểm mùa xuân năm 2008. 

• Tỷ lệ những người nghỉ hưu trong nghiên cứu năm 2011 không thay đổi mức độ chấp nhận rủi ro của mình qua 12 tháng lớn hơn nhiều so với tỷ lệ này trong cuộc nghiên cứu năm 2009 (lần lượt là 74% và 57%)

Mức lãi suất thấp trong thu nhập đảm bảo gia tăng – những người nghỉ hưu không đủ chi tiêu từ khoản trợ cấp an sinh xã hội và các chương trình hưu trí không mấy hứng thú với việc chuyển đổi các tài sản của mình sang hình thức thu nhập được đảm bảo. Các khách hàng có thể hưởng lợi từ việc hiểu rõ các sản phẩm thu nhập được đảm bảo nếu như những thông tin về các sản phẩm này được truyền đạt một cách trực tiếp thông qua gặp gỡ mặt đối mặt hoặc thông qua các tài liệu marketing dễ hiểu.

• Trong số những người nghỉ hưu có nguồn thu nhập từ khoản trợ cấp an sinh xã hội và lương hưu không đủ để trang trải các chi phí sinh hoạt cơ bản, thì tỷ lệ những người quan tâm đến việc chuyển đổi một phần tiền tiết kiệm của mình sang hình thức thu nhập được đảm bảo để đề phòng rủi ro về tuổi thọ vẫn không đổi kể từ năm 2008 – khoảng 30% – so với tỷ lệ chỉ có 5% là rất quan tâm đến vấn đề này trong nghiên cứu năm 2011.

Các vấn đề tài chính của hộ gia đình có thể đã ổn định – những người nghỉ hưu đã quan tâm hơn đến vấn đề chi tiêu của hộ gia đình mình và rất nhiều người cảm thấy tự tin về việc sống một cách thoải mái trong giai đoạn nghỉ hưu như họ đã cảm nhận trong giai đoạn đầu năm 2008. 

• Mức độ lạc quan về việc có đủ tiền để sống một cách thoải mái khi về hưu giảm mạnh trong giai đoạn 2008-2009, nhưng lại gần giống với mức của năm 2008 (88% năm 2008; 79% năm 2009 và 85% năm 2011)

• Những người nghỉ hưu tiếp tục kiểm soát chi tiêu ở mức độ giống với năm 2009 hơn là năm 2008.

• Những người nghỉ hưu đã giảm mức nợ của hộ gia đình so với năm 2008.

Diệu Thúy, TTĐTBV.

(Dịch từ tài liệu nước ngoài. Nguồn: 2011, InFRE, SOA, LL Global, Inc)

Comments are closed.