Thông tin này được đưa ra trong văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tập đoàn kinh tế, tổng Cty nhà nước hôm 6/6, của Văn phòng Chính phủ.
Trong đó nêu rõ: “Nhằm bảo đảm việc sử dụng đúng, có hiệu quả vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, từ nay, việc đầu tư của các đơn vị này vào lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện. (giao Bộ Tài chính theo dõi, kiểm tra, giám sát vịêc thực hiện)”.
Trước đó ít ngày, Bộ Tài chính cũng vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Quy chế quản lý tài chính của Cty nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào DN khác.
Lý do cần thiết phải sửa đổi, Bộ Tài chính phân tích: Do Nhà nước chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ hoạt động này nên có nhiều Cty nhà nước huy động vốn quá lớn, dư nợ phải trả lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, dẫn đến khả năng thanh toán không đảm bảo, ảnh hưởng đến an ninh tài chính và hiệu quả hoạt động của DN.
Thời gian vừa qua, một số tập đoàn, tổng công ty đã dành một lượng vốn khá lớn đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm hoặc mua bán cổ phiếu trên thị trường.
Bên cạnh, với lý do tổ chức lại theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con thực hiện đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, tình trạng Cty nhà nước đầu tư thành lập quá nhiều công ty con, công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác hẳn với lĩnh vực sản xuất kinh doanh trước đây ngày càng phổ biến (như các tập đoàn, tổng công ty thuốc lá; giấy; dệt may; công nghiệp tàu thủy đầu tư vào rượu bia, công nghiệp thực phẩm; Tổng công ty Xây dựng công nghiệp đầu tư vào thủy điện, nhiệt điện; Tổng công ty Rượu bia nước giải khát Sài Gòn đầu tư vào thủy điện, dầu khí, du lịch…):
Với năng lực quản lý và khả năng tài chính có hạn, Bộ Tài chính nhận định: “Tình trạng trên sẽ ảnh hưởng đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp, tác động đến việc quy hoạch và thực hiện chiến lược phát triển của từng ngành…”.
Tính đến ngày 31/12/2007, có 13 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào các quỹ đầu tư chứng khoán và quỹ đầu tư tài chính với tổng giá trị 1.061 tỷ đồng. 19 tập đoàn, tổng công ty góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần với tổng giá trị đầu tư 4.426 tỷ đồng. 13 tập đoàn, tổng công ty nhà nước góp vốn thành lập 15 công ty chứng khoán với tổng giá trị đầu tư 420 tỷ đồng. 18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước góp vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với tổng giá trị đầu tư 1.463 tỷ đồng. Xét chung, tổng vốn đầu tư vào 3 lĩnh vực trên là 7.370 tỷ đồng. (Trích báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII ngày 31/5/2008) |
Để hướng các Cty nhà nước tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư đúng mục tiêu chiến lược, dự thảo Nghị định xác định rõ:
“Các công ty nhà nước phải sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư vào các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có ngành nghề kinh doanh chính (hoặc chủ yếu).
Tổng mức đầu tư ra ngoài công ty nhà nước (bao gồm đầu tư ngắn hạn và dài hạn) không vượt quá mức vốn điều lệ của công ty nhà nước”.
Cùng đó, dự thảo Nghị định còn bổ sung quy định “Vốn đầu tư của công ty nhà nước tại ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán không vượt quá 20% vốn điều lệ của các tổ chức này”; Công ty nhà nước không được góp vốn hoặc mua cổ phần tại các Quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán;
Các công ty nhà nước hiện có giá trị đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp khác vượt quá mức quy định trên hoặc vào Quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán thì trong thời gian 2 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực phải thực hiện điều chỉnh lại mức đầu tư trên nguyên tắc bảo toàn vốn.
Về huy động vốn, quan điểm của Bộ Tài chính là Nhà nước không hạn chế quyền huy động vốn của DN, nhưng đối với các trường hợp có mức huy động vốn quá lớn, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán và độ an toàn tài chính thì phải chịu sự giám sát của nhà nước (cơ quan được giao quyền đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính).
Mức độ an toàn về tài chính của DN được xác định theo thông lệ quốc tế và phù hợp với các nguyên tắc là: hệ số nợ phải trả/vốn điều lệ không quá 3 lần (thực tế tại nhiều Tổng Cty con số này đã lên tới hơn 20 lần…).
Khánh Huyền (Tiền phong online)
Comments are closed.