Sẽ tổ chức đấu thầu sản phẩm bảo hiểm

Theo Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, bổ sung (bản mới nhất) sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây, nội dung hợp tác, cạnh tranh và đấu thầu trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm sẽ giao Bộ Tài chính quy định cụ thể tại các văn bản hướng dẫn.

Việc phải quy định đấu thầu sản phẩm bảo hiểm, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, là nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường, chống tình trạng bảo hiểm khép kín. Luật Đấu thầu hiện hành không quy định đấu thầu sản phẩm bảo hiểm, nên đã xảy ra tình trạng nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế thành lập hoặc tham gia góp vốn vào công ty bảo hiểm; công ty bảo hiểm trực thuộc tập đoàn, tổng công ty được đặc quyền bán bảo hiểm cho chính công ty mẹ và các thành viên trong cùng tập đoàn, tổng công ty.

Thực tế này không chỉ khiến thị trường bảo hiểm bị chia cắt, mà còn dễ xuất hiện tình trạng thiếu công khai, minh bạch, mất công bằng trong việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm và làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường.

“Với quy định mới, tất cả các tập đoàn, tổng công ty, dù mua sản phẩm bảo hiểm đặc thù, cũng phải tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai. Tất các các công ty bảo hiểm, không phân biệt sở hữu, loại hình, nếu trúng thầu sẽ được cung cấp dịch vụ bảo hiểm”, ông Ninh khẳng định.

Còn theo ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu vẫn tiếp tục cho phép các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thành lập hoặc tham gia góp vốn vào các công ty bảo hiểm để chủ yếu thực hiện bảo hiểm cho các thành viên trong tập đoàn, tổng công ty, thì mục đích chính của bảo hiểm là “phân tán rủi ro” sẽ không đạt được.

Theo kết quả kiểm toán năm 2008 đối với 20 tổng công ty nhà nước mới được Kiểm toán Nhà nước công bố, tính đến đầu năm 2009, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đầu tư vào Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh và Tổng công ty Bảo hiểm Hàng không 157,7 tỷ đồng; Tổng công ty Lương thực miền Nam đầu tư vào Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh 26,8 tỷ đồng; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm 16,5 tỷ đồng; Tổng công ty Hoá chất đầu tư vào Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh hàng chục tỷ đồng.

Còn theo kết quả giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện, một trong những vấn đề nổi cộm nhất được Ủy ban đề nghị chấn chỉnh ngay là tình trạng doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm, như chứng khoán, bất động sản, quỹ đầu tư và bảo hiểm.

Việc doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm nói chung, lĩnh vực bảo hiểm nói riêng, theo ông Ngoạn, là cần phải cấm; trong thời gian doanh nghiệp chưa thoái hết vốn tại các công ty bảo hiểm, cũng cần quy định không cho phép công ty bảo hiểm được bán sản phẩm cho công ty mẹ hoặc các thành viên trong cùng tập đoàn, tổng công ty.

“Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2011) có bước tiến hết sức quan trọng là cấm tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho công ty mẹ và các thành viên trong cùng tập đoàn, tổng công ty. Cần phải thực hiện quy định này đối với lĩnh vực bảo hiểm bằng quy định cấm công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho công ty mẹ cũng như các thành viên trong tập đoàn, tổng công ty”, ông Ngoạn đề xuất.
Đầu tư điện tử
stockbiz.vn

Comments are closed.