Sẽ sớm có dữ liệu tổng thể về bảo hiểm bắt buộc

Ngày 9/11, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) phối hợp tổ chức Hội thảo “Tai nạn giao thông: Thực trạng và giải pháp”.

Với các sản phẩm phục vụ cho vận tải đường bộ, bảo hiểm đang là cánh tay vịn đảm bảo an toàn về tài chính cho ngành vận tải đường bộ phát triển như lời của đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phát biểu mới đây.

bao hiem, bảo hiểm, tin bao hiem, tin bảo hiểm, tin tức bảo hiểm, tin tuc bao hiem

Năm 2011, tiền bồi thường bảo hiểm giao thông là 3.115 tỷ đồng, lớn hơn doanh thu phí

Hàng ngàn tỷ đồng bồi thường mỗi năm

Các sản phẩm cho ngành vận tải đường bộ là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (do Nhà nước ban hành), bảo hiểm tự nguyện trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (có mức trách nhiệm bảo hiểm cao hơn bắt buộc), bảo hiểm vật chất xe, bảo hiểm trách nhiệm đối với hàng hóa nhận chuyên chở, bảo hiểm người ngồi trên xe.

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký AVI, dù vẫn còn đó một số phản ánh không hay về việc giải quyết bồi thường chậm trễ, chưa đầy đủ, nhưng ngành bảo hiểm đã khẳng định vai trò của mình trong việc bồi thường khắc phục hậu quả của tai nạn giao thông. Năm 2011, tiền bồi thường là 3.115 tỷ đồng, lớn hơn số doanh thu phí bảo hiểm được hưởng đã chia sẻ gánh nặng cho các chủ xe. 6 tháng đầu năm 2012, các DN bảo hiểm đã chi trả 1.565 tỷ đồng tiền bồi thường bảo hiểm, trong khi đó chủ xe phải bồi thường cao hơn mức trách nhiệm bảo hiểm đã tham gia.

Các DN bảo hiểm đã tích cực tham gia công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đề phòng hạn chế tai nạn giao thông. Đây là nhiệm vụ đóng góp vào an sinh xã hội, đồng thời gián tiếp giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm được phần nào số tiền bồi thường của DN bảo hiểm.

Xây dựng cơ sở dữ liệu bảo hiểm

Theo số liệu phân tích nghiệp vụ tại một DN bảo hiểm, tỷ lệ bồi thường tai nạn giao thông (số tiền bồi thường/phí bảo hiểm đã thu) của DN này qua các năm như sau: năm 2010 là 69,9%, năm 2011 là 72,2% và 9 tháng đầu năm 2012 là khoảng 60%. Điều này cho thấy, ngoài nguyên nhân do tần suất tai nạn tăng thì mức độ tổn thất cũng tăng và phí bảo hiểm thu được có thể chỉ đủ bù đắp cho số tiền bồi thường. Trong khi đó, DN bảo hiểm phải thực hiện các chi phí cho công tác triển khai như: bán bảo hiểm, bồi thường, đóng góp các quỹ, nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Cũng theo thống kê tại DN bảo hiểm nêu trên, cứ bình quân 100 xe tham gia bảo hiểm thì có 2 – 3 xe gây tai nạn và được bồi thường. Phân loại theo hình thức tổn thất thì số tiền bồi thường cho thiệt hại thân thể, sinh mạng của người thứ ba chiếm 55 – 65% tổng số tiền bồi thường (trong đó, tử vong chiếm 23 – 32% tổng số tiền bồi thường), thiệt hại về tài sản của bên thứ ba chiếm 30 – 43% tổng số tiền bồi thường.

Tình hình tai nạn và mức độ tổn thất cho thấy mức độ nghiêm trọng của hậu quả tai nạn giao thông gây cho gia đình nạn nhân và xã hội. Việc góp sức của các cá nhân, tổ chức cho công tác phòng ngừa tai nạn giao thông và khắc phục hậu quả là hết sức cần thiết.

Chia sẻ với ĐTCK, ông Phạm Đình Trọng, Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ xe khi tham gia giao thông, cũng như tham gia bảo hiểm. Sự đóng góp của chủ xe sẽ góp phần xây dựng quỹ bồi thường đủ khả năng chi trả cho các tổn thất gây ra do tai nạn. Thực tế, khi rủi ro xảy ra, các bên không chỉ chịu thiệt hại về vật chất và tiền bạc, mà còn phát sinh các chi phí cơ hội. Sự khắc phục càng chậm thì chi phí này càng tăng.

Hiện Quỹ bảo hiểm xe cơ giới đã tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới với tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2012. Cơ sở dữ liệu sẽ cập nhật các loại tai nạn giao thông, mức độ thiệt hại về tài sản và con người, nguyên nhân gây ra tai nạn được phân tích chi tiết trên toàn quốc, vùng miền, tỉnh thành, các hãng xe, các chủ xe, các lái xe… để có giải pháp đề phòng, hạn chế tai nạn giao thông một cách hiệu quả.

Nhiều DN bảo hiểm đề xuất, khi cơ sở dữ liệu trên đi vào hoạt động, cần nghiên cứu cơ chế cải tiến công tác bồi thường để rút ngắn thời gian bồi thường. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền về bảo hiểm trách nhiệm dân sự tự nguyện cho các chủ xe có mức độ rủi ro cao, để họ có thể bù đắp chi phí tổn thất vượt mức trách nhiệm bắt buộc.

Mới đây, Thông tư 151 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 126 và Thông tư 103 đã gia tăng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm như nâng mức trách nhiệm của chủ xe mô tô cũng như của xe ô tô như: thiệt hại về người 70 triệu đồng/người, thiệt hại về tài sản 40 triệu đồng/vụ, nhưng không tăng phí bảo hiểm; bồi thường thiệt hại về người trong mọi trường hợp (theo thỏa thuận, theo hồ sơ, theo phán quyết của tòa án).

Nguồn : tinnhanhchungkhoan.vn

Comments are closed.