Sắc thái mới trên thị trường bảo hiểm.

sac_thai_bao_hiem_resize.jpgSau 1 năm mở cửa theo cam kết WTO, thị trường bảo hiểm không chỉ chịu sức ép cạnh tranh do doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nước ngoài gia tăng hiện diện bằng việc lập chi nhánh, văn phòng đại diện, mà các cuộc “hôn phối” giữa DNBH trong nước và tập đoàn nước ngoài cũng rất đáng kể.

Sau khi bán hẳn phần vốn trong liên doanh Bảo Minh – CMG cho Tập đoàn Daiichi của Nhật Bản (thương vụ đầu tiên về mua bán công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam). CTCP Bảo Minh đã tìm được đối tác chiến lược mới là Tập đoàn Bảo hiểm AXA của Pháp. Tập đoàn này sở hữu 16,6% cổ phần của Bảo Minh (vốn điều lệ của Bảo Minh là 755 tỷ đồng) với kỳ vọng, thông qua DN này để mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam và khu vực châu Á.

Đầu năm 2008, Swiss Re đã đổ lượng tiền tương đối lớn vào CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare) thông qua việc sở hữu 16.804.610 cổ phần phát hành mới của Vinare, tương đương 25% vốn điều lê, với giá 75.000 đồng/CP. Tổng giá trị hợp đồng là 1.260 tỷ đồng (tương đương 79 triệu USD). Cùng với đó, Vinare và Swiss Re đã ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược nhằm nâng cao năng lực kinh doanh của Vinare, tăng cường nguồn dịch vụ trao đổi giữa Vinare và Swiss Re, mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm của Vinare trên thị trường quốc tế. Vinare là DN duy nhất kinh doanh tái bảo hiểm tại Việt Nam, việc ký kết đối tác chiến lược nước ngoài thể hiện tham vọng phát triển thành một DN có tiềm lực tài chính mạnh, đủ sức đảm nhận vai trò đứng đầu nhận tái bảo hiểm trong nước và trong khu vực, trung tâm thông tin của thị trường bảo hiểm, phát triển hoạt động đầu tư tài chính sâu rộng vào các lĩnh vực của nền kinh tế.

Sau khi đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng. Tập đoàn Bảo Việt đã tìm ra được đối tác chiến lược nước ngoài là HSBC. Tập đoàn này mua 10% cổ phần của Bảo Việt với tổng trị giá hơn 573 tỷ đồng. Sau khi hợp tác, 2 bên đã triển khai nhiều dịch vụ, trong đó có những sản phẩm liên kết giữa ngân hàng và tài chính, dần gia tăng sự hiện trong mỗi lĩnh vực hoạt động của 2 bên.

Nhìn lại những cuộc mua bán cổ phần giữa DNBH nước ngoài và Việt Nam cho thấy, các DNBH trong nước đều chọn những tên tuổi lớn trên thế giới và DNBH nước ngoài cũng ưu tiên bỏ vốn vào DNBH trong nước có bề dày hoạt động với mạng lưới rộng khắp. Nếu như HSBC là một trong những tập đoàn tài chính – ngân hàng hàng đầu thế giới thì Swiss Re cũng là tập đoàn tái bảo hiểm lớn, hoạt động đa dạng khi có văn phòng ở 25 nước trên thế giới, còn AXA tập đoàn đa quốc gia rất có thể mạnh trong lĩnh vực quản lý rủi ro tài chính.

Đôi bên cũng có lợi

Trước sức ép cạnh tranh, những thương vụ mua bán của các tập đoàn nước ngoài với DNBH trong nước kể trên không phải là cuối cùng, khi không ít DNBH trong nước đang đặt ra mục tiêu tìm kiếm đối tác nước ngoài. Theo đánh giá của Vụ Bảo hiểm, Bộ Tài chính, việc mở cửa thị trường bảo hiểm đã tạo sức ép lớn lên các DNBH trong nước phải nâng cao năng lực tài chính cũng như trình độ quản trị, triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới và một trong những cách ngắn nhất là bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.

Ở phía bên kia, các DNBH nước ngoài lựa chọn cách mua lại cổ phần của DNBH trong nước, thay vì thành lập DNBH 100% vốn nước ngoài nhằm rút ngắn thời gian hiện diện, “đi tắt đón đầu” để chiếm thị phần DN trong nước, chi phí gia nhập thị trường vì thế cũng thấp hơn. Hơn nữa, việc mua lại các công ty tên tuổi trong nước một mặt giúp họ tranh thủ mạng lưới đã được gây dựng trong nhiều năm, mặt khác hỗ trợ họ quảng bá hình ảnh. Đơn cử trường hợp HSBC khi mua cổ phần của Bảo Việt, họ đã có ngay mạng lưới 64 tỉnh thành, đó là chưa kể đến hàng ngàn đại lý được thiết lập. Sự lan toả về thương hiệu của cả 2 bên cũng rất đáng kể khi cùng kết hợp đưa ra các sản phẩm liên kết bảo hiểm – ngân hàng.

Hậu WTO, sự cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm không chỉ là giữa DNBH trong nước với  nhau, DNBH trong nước và ngoài nước, mà sự hiện diện của các “đại gia” bảo hiểm nước ngoài thông qua việc mua cổ phần của DN trong nước đã tạo ra sắc thái mới trong việc lập thị phần, gia tăng ảnh hưởng.

Đông Hải

Theo Báo Đầu Tư Chứng Khoán

 

Comments are closed.